Hướng dẫn nhập quốc tịch Đức: Những câu hỏi và trả lời cần biết - Phần II


Những giấy phép cư trú nào thì đủ điều kiện nhập quốc tịch Đức?

Đó là những giấy phép cư trú sau:

- Giấy phép cư trú vô thời hạn Niederlassungserlaubnis hoặc được phép lưu trú lâu dài ở EU.

- Là công dân của Liên minh EU hoặc là thành viên gia đình của công dân EU được quyền tự do đi lại trong EU, đồng nghĩa có giấy phép cư trú vô thời hạn.

- Là công dân của Island, Liechtenstein hoặc Na Uy tư cách tương tự như công dân của EU.

- Có giấy phép cư trú được cấp sau khi có thỏa thuận Anh ra khỏi EU hoặc theo thỏa thuận di chuyển tự do của người dân giữa Thụy Sĩ và EU.

- Là người lao động từ Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc thành viên gia đình của họ có quyền cư trú dựa trên Thỏa thuận liên kết Assoziationsabkommen giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ.

- Ngay cả với giấy phép cư trú có thời hạn eine befristete Aufenthaltserlaubnis cũng có thể đủ điều kiện nhập quốc tịch, như làm việc với tư cách là công nhân lành nghề ở Đức hoặc giấy phép cư trú được cấp cho mục đích đoàn tụ gia đình. Giấy phép cư trú cho những người được quyền tị nạn hoặc quốc tế bảo vệ asylberechtigte oder international schutzberechtigte Personen và một số trường hợp cư trú nhân đạo khác.

Những giấy phép không được chấp nhận khi xin nhập quốc tịch

Đến Đức để học tập, đào tạo hoặc lưu trú vì lý do nhân đạo, giấy phép cư trú có thời hạn, đều không đủ để nhập quốc tịch. Tuy nhiên, với giấp phép đó sẽ có cơ hội tốt để sớm đáp ứng các yêu cầu nhập quốc tịch.
Không được nhập quốc tịch nếu chỉ có giấy phép cư trú tạm thời Aufenthaltsgestattung hoặc tạm dung Duldung.

Những giấy phép cư trú cụ thể sau đây theo Luật cư trú, vẫn chưa được nhập quốc tịch:

- Để học nghề hoặc bổ túc nghề (theo Điều § 16 a).

- Học đại học (§ 16 b).

- Để kiểm tra công nhận trình độ chuyên môn nước ngoài (§ 16 d).

- Để thực tập sau đại học ở EU (§ 16 e).

- Học tiếng Đức hoặc học phổ thông (§ 16 f).

- Để tìm nơi học nghề hoặc đại học (§ 17).

- Để nghiên cứu ngắn hạn (§ 18 e).

- Để phục vụ cho quá trình nghiên cứu (§ 18 f).

- Thẻ cư trú dành cho nhân viên trong công ty ở các nước có nhiệm vụ sang Đức làm việc (§ 19).

- Thẻ cư trú làm việc di động không cố định ở Đức (§ 19 b).

- Để tham gia các công việc tình nguyện ở châu Âu (§ 19 e).

- Để tìm chỗ làm việc cho công nhân lành nghề (§ 20).

- Được tiếp nhận từ nước ngoài vì luật pháp quốc tế hoặc lý do nhân đạo khẩn cấp (§ 22).

- Được tiếp nhận vì lợi ích chính trị đặc biệt (§ 23 mục (1)).

- Được cư trú vì lí do khó khăn không thể vượt qua nếu không được cư trú (§ 23 a), nghĩa là thuộc diện cứu xét.

- Cho phép cư trú để bảo vệ tạm thời (§ 24).

- Cư trú vì lý do nhân đạo (§ 25 đoạn 3 đến 5).

Danh sách này chưa phải đã đầy đủ. Vì vậy để biết giấp phép cư trú của mình có thỏa mãn điều kiện để nhập quốc tịch hay không, nên trực tiếp hỏi cơ quan nhập quốc tịch Einbürgerungsbehörde hoặc cơ quan tư vấn nhập cư Migrationsberatung.

Điều kiện bảo đảm sinh kế cho bản thân và các thành viên gia đình được tính như thế nào?

Nói một cách đơn giản, người đệ đơn có thể sử dụng thu nhập của mình đủ để chi tiền cho cuộc sống hàng ngày của chính mình cùng gia đình, như mua thức ăn, quần áo và chỗ ở… cho bản thân và gia đình.

Về thu nhập bao gồm, như tiền lương từ việc làm, thu nhập với tư cách là một doanh nhân hoặc tiền cấp dưỡng mà người bạn đời đã ly hôn phải chu cấp.

Không được nhận bất kỳ trợ cấp nào từ trung tâm việc làm hoặc văn phòng phúc lợi xã hội (như trợ cấp xã hội Sozialhilfe, trợ cấp thất nghiệp II (Hartz IV) hoặc các khoản tiền xã hội khác Sozialgeld). Được ngoại trừ, khi nhận các trợ cấp trên mà không do lỗi người nhận gây ra, như khi bị thất nghiệp, dù đã cố gắng tìm việc mới nhưng vẫn chưa có nơi nhận, đành phải xin cấp Hartz IV. Hoặc đang phải trông con nhỏ ở nhà và do đó chưa thể đi làm trở lại. Trong trường hợp đó vẫn có thể được quyền nhập quốc tịch.

Các phúc lợi xã hội chung, như tiền con, lương hưu, trợ cấp thất nghiệp I, BAföG… không ảnh hưởng đến quyền nhập quốc tịch.

Nếu người đệ đơn xin nhập quốc tịch, không chắc mình có đáp ứng được các điều kiện bảo đảm sinh kế nói trên, nên sớm đến cơ quan nhập quốc tịch Einbürgerungsbehörde hoặc cơ quan tư vấn về nhập cư Migrationsberatung xin tư vấn.

Còn tiếp

(Xem thêm:

=> Hướng dẫn nhập quốc tịch Đức: Những câu hỏi và trả lời cần biết - Phần I).

Đức Việt Online

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang