Đức: Điều tra phong trào cực hữu, cảnh sát bị bắn; Lo đất nước không thể tự vệ; Kinh tế triển vọng sáng; Hợp pháp hóa cần sa

Cảnh sát bị bắn khi đột kích điều tra phong trào Reichsbuerger cực hữu ở Đức

(Ảnh minh họa).

Một cảnh sát Đức đã bị bắn và bị thương trong các cuộc đột kích vào những tài sản trên khắp đất nước liên quan đến cuộc điều tra về phong trào Reichsbuerger cực hữu.

Đây là thông tin do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Đức và các công tố viên đưa ra hôm 22/3.

Các công tố viên Đức cho biết, một người đã bị bắt giữ vì tình nghi cố ý giết người sau khi nổ súng ở thị trấn Reutlingen, miền Nam nước này, gần thành phố Stuttgart.

Việc lục soát đã diễn ra sau các cuộc đột kích vào tháng 12/2022, khi cảnh sát Đức phá vỡ âm mưu của các thành viên phong trào Reichsbuerger nhằm lật đổ chính phủ và đưa nhà quý tộc Heinrich XIII Prinz Reuss lên làm lãnh đạo nước Đức.

Phong trào Reichsbuerger (Công dân của Đế chế) không công nhận nước Đức ngày nay là một quốc gia hợp pháp.

"Các công tố viên liên bang đã khám xét 20 tài sản liên quan đến phong trào Reichsbuerger trong ngày hôm nay. Một cảnh sát đã bị bắn", Bộ trưởng Bộ Tư pháp Đức Marco Buschmann viết trên Twitter. "Điều này cho thấy mức độ nguy hiểm của các nhiệm vụ. Nhiệm vụ của các nhà chức trách là trấn áp Reichsbuerger".

Các cuộc đột kích, diễn ra ở 8 bang của Đức và ở Thụy Sĩ, nhắm vào 5 cá nhân bị nghi thuộc tổ chức khủng bố và 14 người khác không phải là nghi phạm nhưng có thể đang lưu giữ tài liệu hữu ích, các công tố viên Đức cho biết.

Người được cho là có liên quan đến vụ nổ súng ban đầu không phải là một trong những nghi phạm. Người phát ngôn của các công tố viên Đức cho biết, không có thêm vụ bắt giữ nào được thực hiện.

Đài truyền hình ARD lần đầu tiên đưa tin về các vụ lục soát, cho biết, những nghi phạm mới nhất đến từ miền Nam bang Bavaria, miền Bắc bang Lower Saxony và miền Đông bang Sachsen, bao gồm cả các sĩ quan cảnh sát và binh lính. Một số người trong số này được cho là đã thành lập các mạng lưới thù địch khác với nhà nước Đức.

(Nguồn: VTV)

Đa số người Đức lo đất nước không thể tự vệ

63% người Đức lo sợ quân đội nước này không có khả năng tự vệ trong trường hợp nổ ra chiến tranh, theo khảo sát công bố ngày 22/3.

Khảo sát đặc biệt do R&V, một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất nước Đức với hơn 30 triệu khách hàng, thực hiện cho thấy nỗi sợ chiến tranh của người Đức gia tăng đáng kể sau hơn một năm chiến sự Ukraine bùng phát.

R&V ra đời năm 1922 và đã liên tục thực hiện các cuộc khảo sát thường niên về những nỗi sợ lớn nhất ở Đức. Những cuộc khảo sát như vậy rất quan trọng, do các công ty bảo hiểm phải nắm bắt được những nỗi sợ lớn nhất của khách hàng để xây dựng chính sách đem lại cho họ sự an tâm lớn nhất.

Theo khảo sát mới nhất của R&V, 63% công dân Đức được hỏi lo ngại rằng đất nước sẽ không thể tự vệ trong trường hợp xảy ra chiến tranh. "Tình trạng tồi tệ của lực lượng vũ trang được phản ánh rõ trong kết quả khảo sát", giám đốc nghiên cứu Grischa Brower-Rabinowitsch nói trong thông cáo báo chí của R&V.

Ông cho biết tỷ lệ người Đức lo ngại đất nước không thể tự vệ tăng 23% so với năm ngoái, mức tăng "cao hiếm thấy trong các cuộc khảo sát".

55% người được hỏi lo sợ rằng Đức sẽ dính líu vào một cuộc chiến tranh, tăng 13% so với năm 2022. Theo Brower-Rabinowitsch, đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy chiến sự Ukraine đang "làm lung lay cảm giác an toàn của người Đức".

"Nỗi sợ rằng nước Đức có thể trở thành một bên tham chiến chưa bao giờ lớn hơn trong thiên niên kỷ này", ông cảnh báo.

Tỷ lệ người Đức sợ đất nước tham chiến chỉ cao hơn trong khảo sát của R&V năm 1999, thời điểm xảy ra chiến tranh Kosovo, với 60% số người được hỏi cho biết họ Đức sẽ dính líu vào cuộc xung đột.

Chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz năm ngoái công bố ngân sách 100 tỷ euro (107 tỷ USD) cho nỗ lực tăng cường sức mạnh quân đội nước này. Tuy nhiên, Ủy viên phụ trách quốc phòng của quốc hội Đức Eva Hoegl cho biết quỹ này đến nay vẫn chưa được sử dụng.

Bà cho biết quân đội Đức đang "thiếu thốn mọi thứ", thậm chí tệ hơn thời điểm trước khi chiến sự Ukraine bùng phát. Trong khi đó, Đức đã viện trợ nhiều khí tài, đạn dược cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ kho dự trữ đạn của nước này cạn kiệt.

Tháng 10/2022, đại diện các tập đoàn quốc phòng và nghị sĩ quốc hội Đức cảnh báo quân đội chỉ đủ đạn cho hai ngày chiến đấu với cường độ cao, thay vì ít nhất 30 ngày tác chiến theo tiêu chuẩn của NATO.

(Nguồn: Vnexpress)

Đức: Triển vọng kinh tế sáng hơn nhưng chưa hết u ám

(Ảnh minh họa).

Các chuyên gia dự báo mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức là 0,2% trong năm 2023, cao hơn so với dự đoán trước đó là sẽ giảm 0,2% và năm 2024 sẽ tăng trưởng 1,3%.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn báo cáo của Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức cho biết dự báo triển vọng kinh tế ngắn hạn của nước này đã cải thiện trong những tháng gần đây nhưng chỉ ở mức hạn chế, và tình hình vẫn căng thẳng, với lạm phát tiếp tục chi phối các dự báo tăng trưởng.

Theo báo cáo trên, bất kỳ sự gia tăng nào đều có thể bị hạn chế do lạm phát vẫn cao, điều kiện tài chính chặt chẽ hơn và nhu cầu bên ngoài trì trệ. Báo cáo cho rằng triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế Đức đã sáng sủa hơn do nguồn cung năng lượng bước đầu ổn định và giá bán buôn thấp hơn.

Các chuyên gia dự báo mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức là 0,2% trong năm 2023, cao hơn so với dự đoán trước đó là sẽ giảm 0,2% và năm 2024 sẽ tăng trưởng 1,3%.

Mặc dù vậy, báo cáo cho biết tình trạng lạm phát có xu hướng tiếp tục tăng gây ra tình trạng mất sức mua và làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng. Trong khi đó, lãi suất tăng cao tác động tiêu cực đến các điều kiện tài chính và dẫn đến sự sụt giảm trong đầu tư.

Cho dù có thể sẽ giảm trong suốt cả năm, nhưng hội đồng chuyên gia cho rằng lạm phát sẽ vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu đặt ra, với mức trung bình là 6,6% trong năm 2023. Các chuyên gia kỳ vọng lạm phát có thể giảm xuống khoảng 3% trong năm tới.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã cảnh báo nguy cơ khủng hoảng Khu vực đồng euro (Eurozone).

Mặc dù dự báo mới nhất của ECB đã hạ lạm phát và nâng triển vọng tăng trưởng trong năm nay, tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết những dự đoán này không tính đến những biến động gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, vốn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng kinh tế của khu vực Eurozone.

Việc Ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ UBS mua lại đối thủ trong nước Credit Suisse, vừa sụp đổ theo “vết xe đổ” của 3 ngân hàng Mỹ, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng “quả cầu tuyết” trong lĩnh vực ngân hàng. Theo bà Lagarde, những căng thẳng trên càng làm tăng thêm những rủi ro mới.

Người đứng đầu ECB nói thêm rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn tập trung vào việc kiềm chế lạm phát, nhưng không cam kết hoặc loại trừ khả năng tiếp tục tăng thêm lãi suất.

(Nguồn: Hải Quan Online)

Cần sa sẽ được hợp pháp hóa ở Đức?

Trong vài tuần nữa, chính phủ Đức lên kết hoạch về dự luật nhằm hợp pháp hóa cần sa-bật đèn xanh cho việc tiêu thụ loại chất này trong thị trường lớn nhất châu Âu hiện nay.

Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết kế hoạch đã nhận được phản hồi tích cực từ Ủy ban châu Âu, đồng thời cho biết thêm rằng dự luật có thể được công bố vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4/2023.

Sau nhiều tháng đàm phán với Brussels, ông Lauterbach cho biết: “Chúng tôi sẽ sớm đưa ra một đề xuất phù hợp với luật pháp châu Âu”.

Vào tháng 10/2022, Chính phủ Đức đã công bố kế hoạch sẽ đề xuất dự thảo về hợp pháp hóa cần sa đối với người trưởng thành nhằm mục đích cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Ông Lauterbach nhấn mạnh rằng họ sẽ chỉ đưa dự thảo này ra Bundestag-Quốc hội Liên bang Đức-nếu chúng phù hợp với luật pháp EU.

Nếu luật này được thông qua thì cần sa sẽ không còn được coi là chất gây nghiện và công dân trên 18 tuổi sẽ được phép mang theo tối đa 30 gram chất này để sử dụng. Người tiêu dùng cũng sẽ được tự do trồng tối đa ba cây tại nhà, đồng thời các cửa hàng và hiệu thuốc được cấp phép sẽ có thể bán các sản phẩm cần sa.

Nếu được quốc hội thông qua, dự luật có thể được thực hiện theo từng giai đoạn từ nay đến giữa năm 2024. Điều này sẽ biến Đức trở thành thị trường tiêu thụ cần sa lớn nhất thế giới và là quốc gia đầu tiên ở EU cho phép bán thương mại cần sa.

Trong khi đó mặc dù Hà Lan cho phép sử dụng cần sa, nhưng về mặt kỹ thuật, việc trồng và bán loại thuốc này cho các quán cafe bị coi là bất hợp pháp. Còn các quốc gia khác như Malta thì việc hợp pháp hóa đã bị hạn chế.

Tương lại tràn ngập cần sa

Hợp pháp hóa cần sa là một trong một loạt các chính sách tiến bộ xã hội do chính phủ liên minh ba đảng của Thủ tướng Olaf Scholz đề xuất.

Theo ông Lauterbach, hiện khoảng 4 triệu người ở Đức đã sử dụng cần sa vào năm 2021 và một phần tư trong số thanh niên thuộc độ tuổi từ 18 đến 24 tuổi đã thử nó. Vì vậy, mục đích của những thay đổi là nhằm tăng cường việc giám sát của người dân và giảm tội phạm liên quan đến ma túy.

Martin Chodorowski, giám đốc bộ phận Account của Tom Hemp's, một nhà bán lẻ Cannabidiol (CBD) có trụ sở tại Berlin cho biết: “Cho đến nay, chính phủ thực sự rất cởi mở khi bàn về chủ đề này”.

CBD là một hợp chất tự nhiên có trong cần sa, nhưng không gây nghiện, có nguồn gốc từ cây gai dầu. Kể từ năm 2017, việc bán chất này được xem là hợp pháp ở Đức, với điều kiện là hàm lượng Tetrahydrocannabinol (THC) - thành phần tác động lên thần kinh chính của cần sa - dưới 0,2%.

Theo một nghiên cứu năm 2021 từ Đại học Heinrich Heine Dusseldorf, việc hợp pháp hóa cần sa có thể tạo ra 27.000 việc làm mới và mang lại thêm 4,7 tỷ euro (5 tỷ USD) mỗi năm từ tiền thuế, đóng góp an sinh xã hội và tiết kiệm chi phí truy tố tội phạm.

Những rào cản pháp lý từ EU

Chính phủ Đức cần phải có sự chuẩn bị tốt để dự luật này phù hợp với tiêu chuẩn của EU, các hiệp ước quốc tế về ma túy và vấn đề sức khỏe cộng đồng.

Châu Âu từ lâu đã rất thận trọng đối với việc hợp pháp hóa các chất gây nghiện. Pháp luật EU trừng phạt nghiêm khắc đối với các hành vi bán các loại thuốc không hợp pháp bao gồm cần sa tại bất cứ quốc gia thành viên nào.

Bên cạnh đó, kế hoạch này cũng sẽ gặp rào cản từ các hiệp ước quốc tế, bao gồm cả công ước duy nhất của Liên Hợp Quốc năm 1961 về ma túy, mặc dù các quốc gia như Canada và Uruguay đã không phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nào kể từ khi chuyển sang hợp pháp hóa loại thuốc này.

Không chỉ vậy, Khối Schengen, trong đó Đức là một thành viên, hiện đang cấm nhập khẩu thuốc bất hợp pháp qua biên giới Châu Âu. Điều này có nghĩa là Đức sẽ cần chứng minh rằng họ có thể sản xuất đủ nguồn cung trong nước mà không làm ảnh hưởng đến các chính sách liên quan đến ma túy của các nước láng giềng.

Bộ Y tế Đức hiện chưa xác nhận chi tiết về dự luật với báo giới. Nhưng các tài liệu sơ bộ cho thấy chính phủ sẽ ban hành một tuyên bố giải thích để chứng minh rằng việc hợp pháp hóa sẽ giúp bảo vệ thanh niên và chống buôn bán ma túy bất hợp pháp.

(Nguồn: Kinh tế & Đô thị)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang