DN bán rau quả thắng lớn; 'Toát mồ hôi' vì giá cát tăng; Hàng nghìn nhân sự BĐS mất việc; BĐS khó bán

Mỹ giảm mua, Trung Quốc ồ ạt nhập về, doanh nghiệp bán rau quả thắng lớn

(Ảnh minh họa).

Trung Quốc và Mỹ đều là khách hàng chính của rau quả Việt xuất khẩu. Song, trong khi Mỹ giảm nhập thì Trung Quốc lại ồ ạt mua vào số lượng lớn giúp mặt hàng rau quả Việt thắng lớn.

Chỉ 1 tháng thu về 410 triệu USD

Theo số liệu thống kê, trong tháng 4 năm nay, rau quả xuất khẩu giúp nước ta thu về 410 triệu USD, tăng đột biến 175% so với tháng 4/2022. Còn 4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 1,39 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh gồm: thanh long, sầu riêng, xoài, mít... Trong đó, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc.

Rau quả cũng là một trong số ít nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp nước ta duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong 4 tháng đầu năm nay.

Về thị trường xuất khẩu, trong 3 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc dẫn đầu về tiêu thụ rau quả của Việt Nam với 58,7% thị phần, đạt giá trị 576,4 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt 153,5 triệu USD, tăng hơn 8,3 lần (733,2%) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc chiếm đến 87% thị phần với kim ngạch 133,6 triệu USD.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, thị trường xuất khẩu rau quả có giá trị tăng mạnh nhất là Lào, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, thị trường Lào chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Ngược lại, xuất khẩu rau quả sang Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay giảm gần 18%, sang Úc giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước đó.

Bà Ngô Tường Vy, CEO Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết, do có nhiều sản phẩm, lại tham gia chế biến sâu và đóng gói đạt chuẩn đối tác yêu cầu nên công ty nhận được rất nhiều đơn hàng. Có những mặt hàng trái cây doanh nghiệp không đủ cung ứng cho nhà nhập khẩu. Không chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ mà các thị trường khác cũng vậy.

Chánh Thu có nhà máy chế biến tại Đắk Lắk và Bến Tre. DN này liên tục thu mua, chế biến đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Bà Vy nhấn mạnh, việc phát triển rau quả theo hướng chế biến vừa giúp kiểm soát giá thành, vừa nâng giá trị hàng hóa gấp 3 đến 4 lần so với hàng tươi. Đồng thời, tăng thời gian bảo quản rau quả, giải quyết tình trạng dư thừa cục bộ khi thu hoạch chính vụ.

Với những tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu, bà Vy đặt kỳ vọng năm 2023 công ty sẽ đạt 150% kế hoạch đặt ra.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp chế biến trái cây lớn ở nước ta cũng tiết lộ, từ đầu năm đến nay, đơn hàng luôn đầy ắp, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc.

Không chỉ xuất khẩu hàng nghìn container sầu riêng sang Trung Quốc, các đối tác nước bạn cũng liên hệ đặt mua một lượng lớn khoai lang từ Việt Nam. Các thị trường Mỹ, châu Âu... đang dần phục hồi.

Vào mùa thu hoạch 2,6 triệu tấn trái cây

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), quý II/2023 sản lượng trái cây cả nước ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, chuối khoảng 460 nghìn tấn, xoài 350 nghìn tấn, sầu riêng 300 nghìn tấn, thanh long 250 nghìn tấn, vải thiều 330 nghìn tấn, dứa 217 nghìn tấn, nhãn 110 nghìn tấn, cam 180 nghìn tấn...

Nguồn cung trái cây đang rất dồi dào, có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa và phục vụ các đơn hàng xuất khẩu.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định, xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục thuận lợi trong quý II. Nhóm ngành hàng này đang lấy lại phong độ ấn tượng ngoài mong đợi, giúp thị trường trái cây của Việt Nam sôi động hơn.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, sầu riêng Việt Nam chưa vào chính vụ nên chỉ xuất khẩu cầm chừng sang thị trường Trung Quốc. Từ tháng 4 trở đi, sầu riêng miền Tây bước vào vụ thu hoạch chính, nguồn cung dồi dào, bắt đầu đáp ứng các đơn hàng.

Cùng với đó, mít, chuối và thanh long là các nông sản chính sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc. Mới đây, khoai lang cũng đã xuất lô đầu tiên sang thị trường này.

Ông dự báo, rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ thu về khoảng 2,5 tỷ USD trong năm nay, chứng tỏ triển vọng to lớn của ngành hàng này tại thị trường 1,4 tỷ dân.

(Nguồn: Vietnamnet)

Người xây nhà 'toát mồ hôi' vì giá cát tăng

Giá cát xây dựng tăng mạnh trong mấy tháng qua khiến nhiều người dân ở Nghệ An đang xây nhà "toát mồ hôi". Trong khi đó, kiểm soát tốt tình trạng khai thác cát để tránh câu chuyện đột ngột tăng giá như trên được cơ quan quản lý nhìn nhận khá nan giải.

Chấp nhận giá cao vẫn khó mua

Theo khảo sát của phóng viên, từ đầu tháng 2 đến nay, giá cát xây dựng ở Nghệ An tăng mạnh. Cát ở H.Thanh Chương (Nghệ An) lấy từ sông Lam lâu nay được giới xây dựng đánh giá là cát có chất lượng vào hạng nhất, nhì ở Nghệ An. Nếu như cuối năm 2022, cát xây loại 1 ở đây giá chỉ dao động 50.000 - 60.000 đồng/m3 thì nay đã tăng gần gấp đôi, nhưng cũng không có để mua.

Một chủ kinh doanh cát xây dựng ở xã Nghi Đức (TP.Vinh, Nghệ An) cho biết, cuối năm 2022, cát rất dễ mua, cần bao nhiêu cũng có. Tuy nhiên, kể từ tháng 2 đến nay, khi cát còn tồn dư của các mỏ cát ở H.Thanh Chương và H.Nam Đàn (Nghệ An) sắp hết thì cát rất khan hiếm, nhất là cát có chất lượng tốt. Giá bán cát từ 170.000 đồng/m3 đổ tại chân công trình vào cuối năm 2022, nay đã tăng lên 230.000 đồng/m3.

"Nguyên nhân giá cát tăng không hẳn là do thời điểm thời tiết thuận lợi để xây dựng, nhiều người tranh thủ làm nhà. Cát hiếm, khó mua và giá tăng cao chủ yếu bởi các mỏ cát có trữ lượng khai thác lớn ở H.Thanh Chương đã bị đóng cửa", người này nói.

Anh Lê Văn Dũng (trú xã Hưng Lộc, TP.Vinh) cho biết, anh khởi công xây nhà từ cuối tháng 2 vừa qua. Sau khi đổ xong móng, anh phải chạy đến nhiều bãi tập kết cát để tìm mua nhưng tìm "toát mồ hôi" cũng không mua được cát ưng ý.

"Tôi đến nhiều bãi, có bãi thì cát trông khá đẹp nhưng sạn lẫn trong cát rất nhiều. Loại ít sạn thì trông cát không được sạch. Cát là vật liệu rất quan trọng, quyết định sự bền vững của ngôi nhà nên tôi chấp nhận giá tăng nhưng cát phải đảm bảo chất lượng, dù vậy cũng rất khó tìm được loại ưng ý", anh Dũng nói.

Giá cát tăng nhưng người kinh doanh lại không vui. "Giá cát và các loại vật liệu khác tăng khiến nhiều người tạm dừng ý định làm nhà. Giá cát ở mỏ cũng đã cao nên chúng tôi không dám tăng giá nhiều, lãi cũng chẳng bao nhiêu", một người kinh doanh cát xây dựng ở xã Hưng Đông (TP.Vinh) nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ người dân xây nhà, nhiều nhà thầu công trình ở Nghệ An cũng đang phải "gồng mình" khi giá nhiều loại vật liệu khác tăng, trong đó tăng mạnh nhất là giá cát. Ông Trần Văn Nam, một nhà thầu xây dựng ở Nghệ An, cho biết giá cát và thép tăng cao từ đầu năm nay đã khiến doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn, phải bù đắp thêm kinh phí đáng kể.

"Giá thép tăng có thể dự đoán được, nhưng giá cát thì rất khó vì lâu nay giá khá ổn định, ít biến động. Với những công trình không thể thương lượng để điều chỉnh được giá với chủ đầu tư thì giá vật liệu tăng, nhà thầu đều phải gánh chịu", ông Nam nói.

"Bó tay" kiểm soát khai thác cát?

Nguyên nhân của tình trạng khan hiếm cát và giá tăng cao kể trên chủ yếu bởi nhiều mỏ cát ở H.Thanh Chương và H.Nam Đàn phải đóng cửa vì lệnh tạm đình chỉ khai thác. Cuối năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử phạt Hơp tác xã Lam Sơn Đại Thành (H.Nam Đàn) 900 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai thác 5,5 tháng do khai thác cát vượt công suất cho phép.

Đây là một trong những hợp tác xã có nhiều xà lan khai thác cát nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An với 53 xà lan, được cấp phép khai thác cát trên sông Lam đoạn qua H.Nam Đàn. Hợp tác xã này đã khai thác vượt mức cho phép trong suốt 2 năm liền mà chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không hề phát hiện ra. Cuối năm 2022, đoàn kiểm tra liên ngành của Nghệ An kiểm tra và phát hiện trong năm 2020, hợp tác xã này khai thác vượt 80,8% công suất cho phép; năm 2021 vượt 171,6% công suất cho phép.

Tương tự, tại Công ty CP khai thác cát, sạn và vận tải Thanh Chương (H.Thanh Chương), cơ quan chức năng cũng phát hiện năm 2020, doanh nghiệp này đã khai thác cát vượt công suất cho phép 211,2%; năm 2021 vượt 208,6%. Công ty này cũng bị xử phạt 900 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 5,5 tháng.

Đây là hai "ông lớn" trong lĩnh vực khai thác cát ở Nghệ An với nhiều mỏ khai thác và hàng chục điểm tập kết cát dọc 2 bờ sông Lam qua 2 huyện Thanh Chương và Nam Đàn.

Ông Lê Đình Thanh, Phó chủ tịch UBND H.Thanh Chương, cho biết huyện có 8 khu vực mỏ được cấp phép khai thác cát, sạn. Chính quyền rất khó kiểm soát khối lượng các chủ mỏ khai thác. "Việc khai thác trái phép hay khai thác ngoài khu vực mỏ đã cấp phép thì dễ phát hiện, nhưng việc kiểm soát khối lượng thì rất khó", ông Thanh nói.

Tương tự, một lãnh đạo Phòng TN-MT H.Nam Đàn cũng thừa nhận phòng không quản lý được việc này. "Họ khai thác tại mỏ, chở đến huyện khác bán thì không thể giám sát được. Chúng tôi chỉ kiểm soát khai thác trong mỏ hay không, đừng ra khỏi mỏ là được", vị này nói và cho rằng, để kiểm soát được tình trạng này cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan. Đặc biệt, cảnh sát giao thông đường thủy cần chốt chặn để kiểm tra hóa đơn.

Tuy nhiên, thiếu tá Nguyễn Khánh Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Nghệ An), cho rằng đơn vị chỉ quản lý phương tiện, không quản lý bến bãi và điểm mỏ nên rất khó kiểm soát.

"Trên mặt đất, dùng hình ảnh vệ tinh thì giám sát được, chứ dưới mặt nước thì chịu. Về nguyên tắc khi xuất bán, tại điểm bán phải có cân trọng tải, camera, số liệu ra vào hàng ngày phải lưu, nhưng hiện tại gần như chưa có nơi nào có", thiếu tá Dũng nói.

(Nguồn: Thanh Niên)

Hàng nghìn nhân sự ngành bất động sản "mất việc", Đất Xanh, Novaland, Phát Đạt... cùng mạnh tay cắt giảm

(Ảnh minh họa).

Chỉ riêng trong quý đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản lớn đã cắt giảm hàng nghìn nhân viên. Quy mô nhân sự của một số tên tuổi trong ngành đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng trong quý đầu năm khiến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp địa ốc gặp khó khăn. Trong bối cảnh nguồn thu eo hẹp, nhiều doanh nghiệp đành “ngậm ngùi” cắt giảm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nhân sự để tiết kiệm chi phí. Vòng xoáy cuốn theo cả những tên tuổi đình đám trong lĩnh vực bất động sản và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Sau nhiều quý mở rộng quy mô liên tiếp, Vinhomes (VHM) đã bất ngờ cắt giảm mạnh số lượng nhân sự trực tiếp trong quý đầu năm. Số lượng nhân viên của nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam tại thời điểm cuối quý 1 còn 11.664 người, giảm 1.527 người so với đầu năm. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn 3.146 người so với thời điểm năm ngoái.

Trong bối cảnh ngành bất động sản gặp muôn vàn khó khăn, Vinhomes vẫn là điểm sáng khi soán ngôi Vietcombank để trở thành quán quân lợi nhuận sàn chứng khoán. Trong quý 1, Vinhomes ghi nhận lợi nhuận sau thuế 11.923 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Doanh nghiệp này cũng là cái tên duy nhất trên sàn lãi ròng trên 10.000 tỷ trong quý đầu năm.

Không được khả quan như Vinhomes, Đất Xanh (DXG) lại đi xuống cả về kết quả kinh doanh và quy mô nhân sự. Thời điểm cuối quý 1, số lượng nhân viên của tập đoàn chỉ ở mức 2.389 người, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Con số này đã giảm 1.384 người so với đầu năm và ít hơn đến 4.776 người so với thời điểm năm ngoái.

Trong quý 1, Đất Xanh ghi nhận doanh thu giảm sâu 79% so với cùng kỳ, xuống 378 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán căn hộ và đất nền chỉ đạt gần 268 tỷ đồng, giảm gần 73%; doanh thu từ dịch vụ môi giới cũng đạt gần 83 tỷ, tương ứng 1/9 cùng kỳ năm trước… Sau khi trừ chi phí, Đất Xanh lỗ ròng 117 tỷ đồng quý đầu năm trong khi cùng kỳ năm trước lãi 536 tỷ đồng.

Một công ty con của Đất Xanh là Đất Xanh Services (DXS) cũng cắt giảm mạnh nhân sự trong quý đầu năm. Đến cuối quý 1, số nhân viên của doanh nghiệp này chỉ còn 2.095 người, giảm 1.245 người so với đầu năm. Đất Xanh Services hiện là nhà môi giới bất động sản lớn nhất Việt Nam với thị phần 33%. Hoạt động môi giới bất động sản cũng không mấy khởi sắc trong quý 1/2023, doanh nghiệp này lỗ ròng 44 tỷ đồng.

Trong báo cáo thường niên 2022, ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch HĐQT Đất Xanh cho biết mục tiêu đầu tiên của tập đoàn trong năm nay sẽ tập trung tái cấu trúc mô hình hoạt động, kiện toàn bộ máy quản trị, hệ thống phòng ban. Theo ông Thìn, chỉ khi bộ máy tinh gọn, nền tảng ổn định sẽ là tiền đề để doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội mới.

Một “ông lớn” khác trong ngành bất động sản là Novaland ( NVL) cũng tiếp tục thu hẹp quy mô nhân sự sau quý đầu năm. Cuối quý 1, số nhân viên của tập đoàn còn 1.362 người, giảm 42 người so với đầu năm. Trước đó, Novaland đã cắt giảm đến hơn 500 nhân sự chỉ trong 6 tháng cuối năm 2022.

Quý đầu năm, Novaland lỗ ròng hơn 410 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 1.045 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu sụt giảm mạnh gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn hơn 600 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên tập đoàn này báo lỗ trong một quý kể từ khi niêm yết vào năm 2016 đến nay.

Với quy mô khiêm tốn hơn nhiều, Phát Đạt (PDR) cũng cắt giảm rất mạnh tay lực lượng nhân sự trong 2 quý vừa qua. Thời điểm 31/3, số lượng nhân viên của doanh nghiệp bất động sản này chỉ còn 244 người, giảm 111 người so với đầu năm và chỉ bằng chưa đến 60% so với thời điểm cuối quý 3 năm ngoái.

Phát Đạt tuy không lỗ nhưng lợi nhuận sau thuế quý 1 vỏn vẹn 22,4 tỷ đồng, chưa bằng 1/10 cùng kỳ. Doanh thu chỉ đạt hơn 192 tỷ đồng, cũng giảm mạnh 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu đến hoạt động chuyển nhượng đất hụt thu đến gần 70% so với cùng kỳ, xuống còn gần 189 tỷ đồng.

Ngoài những cái tên kể trên, một số doanh nghiệp bất động sản khác lại không có nhiều biến động lớn về mặt nhân sự thời gian qua điển như Khang Điền (KDH) . Thậm chí, Nam Long (NLG) còn đi ngược xu hướng cắt giảm để nâng quy mô nhân sự lên 890 người, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Thách thức vẫn còn

Nhằm tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, nhiều giải pháp đã được đề xuất thời gian qua. Đơn cử như gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho vay cả người xây dựng và người mua nhà ở xã hội; các kiến nghị về tháo gỡ vướng mắc pháp lý... Nghị định 08 cũng được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản “dễ thở” hơn.

Tuy nhiên, vẫn cần nhiều thời gian để các giải pháp đi vào thực tế và tạo ra tác động tích cực lên thị trường bất động sản. Còn trước mắt, các doanh nghiệp bất động sản được dự báo vẫn còn không ít thách thức phải đối mặt trong thời gian tới.

Theo BSC, doanh nghiệp bất động sản vẫn khó huy động nguồn vốn từ khách hàng vì niềm tin của người mua nhà giảm, nhu cầu thực chưa được đáp ứng, nhu cầu đầu tư giảm mạnh và hạn chế trong việc tiếp cận khoản vay. Trong khi đó, các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu và cổ phiếu gặp nhiều “cơn gió ngược”, thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.

Bên cạnh áp lực đáo hạn trái phiếu tập trung vào 2023-2024, môi trường lãi suất cao cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả các doanh nghiệp phát triển bất động sản và người mua nhà.

Theo đó, BSC cho rằng ngành BĐS đang bước vào giai đoạn ảm đạm tạm thời, giai đoạn tái cấu trúc toàn diện để sẵn sàng đón đợi chu kỳ tiếp theo của ngành. Triển vọng trong dài hạn tích cực khi nhu cầu nhà ở thực vẫn cao và nguồn cung dần được “cởi trói” nhờ hai yếu tố:

(1) Tiến độ hoàn thiện pháp lý được đẩy mạnh, thị trường hướng đến sự minh bạch, lành mạnh, tăng tính bền vững thông qua Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, Luật đất đai sửa đổi và Quyết định số 1435/QĐ-TTg.

(2) Hạ tầng kết nối được phát triển đồng bộ sẽ dần kéo nhu cầu thực sang các khu vực ngoại thành, giảm tải áp lực cho các thành phố lớn nơi quỹ đất còn lại rất hạn chế.

(Nguồn: Soha)

Bất động sản khó bán: Nhiều doanh nghiệp môi giới làm ăn thua lỗ, duy nhất một đơn vị báo lãi kỳ lạ

Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường bất động sản, đa phần các doanh nghiệp môi giới được niêm yết đều báo lỗ sau khi kết thúc quý đầu năm. Đáng chú ý, một doanh nghiệp môi giới báo lãi, song đóng góp chính không phải từ hoạt động kinh doanh chủ lực.

Theo báo cáo về thị trường bất động sản quý I/2023 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản tiếp tục ở trạng thái trầm lắng, chưa có dấu hiệu phục hồi. Bên cạnh đó, nhu cầu mua nhà giảm do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nguồn cung trên thị trường chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá quá cao so với khả năng tài chính của người dân.

Đồng thời, nhiều khách hàng vẫn có tâm lý “bắt đáy”, chờ giá tiếp tục giảm. Do vậy, trong quý I/2023 VARS ghi nhận có thanh khoản nhưng chưa nhiều. Điều này đã làm ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều doanh nghiệp môi giới bất động sản.

Theo đó, hầu hết các sàn giao dịch mới thành lập trong vòng 2 năm trở lại đây đều đóng cửa. Trong quý đầu năm, khoảng 30 – 50% sàn môi giới phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động. Đáng chú ý, có khu vực con số này lên tới 80%.

Theo thống kê của chúng tôi về 4 doanh nghiệp môi giới bất động sản được niêm yết trên sàn chứng khoán gồm: CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services; mã chứng khoán: DXS); CTCP Bất động sản Khải Hoàn Land (mã chứng khoán: KHG); CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cenland; mã chứng khoán: CRE); CTCP Tập đoàn Danh Khôi (mã chứng khoán: NRC) đều phải đối mặt với những khó khăn trong bối cảnh thị trường trầm lắng khiến doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính bị sụt giảm mạnh.

Kết thúc quý I/2023, CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh ghi nhận 329 tỷ đồng doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 62% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân do doanh thu dịch vụ bất động sản của doanh nghiệp này giảm mạnh từ 793 tỷ đồng (quý I/2022) xuống 74 tỷ đồng vào quý này, tương đương giảm 91%. Doanh thu chính trong kỳ vừa qua của DXS chủ yếu đến từ bán căn hộ, nhà phố và đất nền là 264 tỷ đồng, chiếm 91% doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Do đó, doanh thu không đủ bù các chi phí trong quý I khiến doanh nghiệp này lỗ sau thuế 44 tỷ đồng. Trước đó, quý IV/2022, DXS cũng báo lỗ sau thuế 137 tỷ đồng. Như vậy, đây là quý thứ 2 liên tiếp Đất Xanh Services báo lỗ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Cenland, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 con số này là 1.942 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2022, doanh thu môi giới bất động sản của doanh nghiệp này đã giảm từ 286 tỷ đồng về mức 69 tỷ đồng, còn doanh thu đầu tư bất động sản giảm từ 1.643 tỷ đồng xuống 22 tỷ đồng trong quý I/2023.

Theo đó, kết thúc quý đầu năm, Cenland báo lỗ gần 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 142 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ hai liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ.

Đáng chú ý, trong quý I/2023, CTCP Tập đoàn Danh Khôi không có doanh thu, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái doanh thu là 51 tỷ đồng. Đơn vị này cho biết, trong quý I/2023, công ty không phát sinh doanh thu do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản dẫn đến chưa kịp ghi nhận được doanh thu – lợi nhuận từ các dự án mà doanh nghiệp đang hợp tác đầu tư và môi giới.

Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước, do vậy đơn vị này báo lỗ sau thuế 16,8 tỷ đồng. Từ quý IV/2022, tình hình hoạt động của CRE đã sụt giảm rõ nét khi công ty chỉ có doanh thu 0,87 tỷ đồng và đem về khoản lỗ 60 tỷ đồng.

Kết thúc quý đầu năm, Khải Hoàn Land là doanh nghiệp môi giới hiếm hoi báo lãi, song đóng góp chính không phải từ hoạt động kinh doanh chủ lực mà từ doanh thu chuyển nhượng bất động sản.

Cụ thể, trong quý I, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của KHG là 261 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, doanh thu môi giới bất động sản chỉ đạt 15 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu chuyển nhượng bất động sản đạt 246 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ.

Đồng thời, nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng 1,8 lần so với cùng kỳ lên 135 tỷ đồng, doanh nghiệp này lãi sau thuế 57 tỷ đồng, tăng 14% so với quý I/2022.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang