- Thời sự
Thị trường dầu thế giới đang phải hứng chịu những áp lực mới sau khi Israel mới đây đã bác bỏ các đề xuất ngừng bắn tại dải Gaza.
Giá dầu trong phiên các giao dịch gần đây đã chứng kiến xu hướng đi lên. Hiện giá dầu Brent, chiếm 2/3 tổng lượng dầu trên thế giới, đang được giao dịch ở mức xung quanh 80 USD/thùng.
Tuy nhiên, tổ chức nghiên cứu thuộc ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) nhận định, giá dầu có thể đi lên tới mức 90 USD/thùng trong thời gian tới.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mới đây đã từ chối lời đề nghị ngừng bắn của Hamas, tuyên bố Israel đang hướng đến những chiến thắng quyết định trong các cuộc giao tranh ở dải Gaza. Giới quan sát Trung Đông cảnh báo, đây có thể tín hiệu cho thấy dải Gaza có thể bị "đốt nóng" hơn nữa với các hoạt động quân sự bị đẩy lên cao trong thời gian tới.
Quan ngại bất ổn tại Trung Đông càng gia tăng khi Mỹ cũng vừa tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu ở Iraq, tiêu diệt một chỉ huy lực lượng Hezbollah nhằm đáp trả lại vụ tấn công khiến 3 binh sĩ Mỹ thiệt mạng hồi tháng trước.
Ban đầu là những căng thẳng tại dải Gaza, rồi lan ra biển Đỏ. Những đối tượng chịu tác động bởi các căng thẳng tại Trung Đông cũng đang ngày càng mở rộng.
Các số liệu cho thấy, chỉ trong tháng 1 vừa qua, đã có khoảng 5 triệu tấn hàng hóa phải chuyển hướng hoặc thậm chí không thể xuất cảng vì các lo ngại tại Biển Đỏ. Điều người ta lo ngại hiện nay là nếu căng thẳng càng kéo dài, nguy cơ những điểm nóng mới bùng phát tại Trung Đông lại càng dễ xảy ra.
Giá hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Điều này báo hiệu nước xuất khẩu lớn nhất thế giới đang bắt đầu đẩy giảm phát ra các nước đang chống chọi với lạm phát cao.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), công bố hôm 7-2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Trung Quốc trong tháng 1 giảm với tốc độ hàng năm 0,8%, đánh dấu mức giảm mạnh nhất 15 năm. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới đầu tư toàn cầu kỳ vọng, vòng xoáy giá cả suy giảm ở Trung Quốc sẽ kéo lạm phát trên toàn thế giới giảm xuống trong năm nay khi công suất dư thừa trong nền kinh tế đang chậm lại, khiến nhà xuất khẩu Trung Quốc phải giảm giá hàng hóa bán ra nước ngoài.
“Trung Quốc sẽ xuất khẩu giảm phát sang phần còn lại của thế giới và bạn sẽ thấy nhiều nước đối mặt với thực tế là Trung Quốc đang dư thừa công suất”, Chetan Sehgal, giám đốc danh mục đầu tư của Templeton Emerging Markets Investment Trust, một tín quỹ đầu tư ở Anh, nói.
Rất ít nhà kinh tế kỳ vọng các nền kinh tế phát triển sẽ ghi nhận mức giảm giá cả tiêu dùng tương tự ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, giảm phát ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể có tác động đáng kể đến các thị trường mới nổi, đặc biệt là những thị trường có quan hệ thương mại lớn với Bắc Kinh.
Các nhà phân tích của Citigroup nhận định, giá cả giảm ở Trung Quốc có thể giúp đẩy nhanh lộ trình giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi trong năm nay, đặc biệt là ở các nước tiêu thụ tương đối lớn hàng hóa Trung Quốc.
“Chúng ta, với tư cách là nhà đầu tư, chỉ mới bắt đầu nắm bắt về việc giá nhập khẩu từ Trung Quốc giảm có thể ảnh hưởng như thế nào đến các thị trường. Câu hỏi hiện nay là mức độ ảnh hưởng”, Luis Costa, người đứng đầu toàn cầu về chiến lược nợ có chủ quyền tại các thị trường mới nổi tại Citigroup, cho biết:
Hàng hóa do Trung Quốc sản xuất với chi phí thấp đã trở thành một đặc trưng của thương mại toàn cầu kể từ khi Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001. Nhưng nhu cầu trong nước yếu khủng hoảng bất động sản kéo dài và đồng nhân dân tệ yếu hơn khiến giới đầu tư dự báo, xuất khẩu có thể là một nguồn lực đặc biệt mạnh mẽ lực của Trung Quốc trong năm nay.
Charles Robertson, người đứng đầu chiến lược vĩ mô của FIM Partners, cho rằng, triển vọng ‘xuất khẩu’ giảm phát của Trung Quốc là vấn đề quan trọng đối với các nền kinh tế đang phát triển vì có khả năng cơn bùng nổ xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2024 sẽ làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa nguyên liệu ở Mỹ Latin, châu Phi, Kazakhstan hoặc Indonesia. Do đó, Robertson dự báo, giảm phát ở hàng hóa sản xuất của Trung Quốc vẫn có thể tạo ra lạm phát nhẹ ở hàng hóa nguyên liệu.
Không phải tất cả các nhà kinh tế đều tin rằng xu hướng giảm phát ở Trung Quốc sẽ có tác động đáng kể đến giá cả toàn cầu. Helen Qiao và Miao Ouyang, hai chuyên gia kinh tế của ngân hàng Bank of America, nhận định, giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc khó có thể ảnh hưởng đáng kể đến giá tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển.
“Đối với Mỹ, chúng tôi ước tính, tỷ trọng hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong tổng mức tiêu thụ hàng hóa của Hoa Kỳ chỉ dưới 5%. Trong khi đó, hàng hóa tiêu dùng chiếm khoảng 40% trong rổ CPI của Mỹ”, họ viết trong một báo cáo.
Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Santander, cho rằng, bất kỳ tác động nào từ giá cả hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn từ Trung Quốc đối với lạm phát của Mỹ có thể sẽ ở mức độ nhỏ. Theo ông, động lực giúp giá cả hàng hóa tiêu dùng hạ nhiệt gần đây ở Mỹ là ô tô cũ, mặt hàng không liên quan gì đến Trung Quốc.
Nhưng một số nhà kinh tế nhận thấy, hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đang bị tính không đầy đủ. Điều này có thể khiến tác động của hàng hóa của Trung Quốc lên lạm phát ở Mỹ lớn hơn dự kiến. Ví dụ, trong những năm gần đây, dữ liệu thương mại của Trung Quốc cho thấy nước này xuất khẩu nhiều hơn hàng chục tỉ đô la so với mức nhập khẩu mà Mỹ đánh giá.
Đồng thời, hàng xuất khẩu rẻ hơn của Trung Quốc sẽ làm tăng thêm phàn nàn của nhà sản xuất phương Tây về sự cạnh tranh không lành mạnh. Các nhà phân tích của Capital Economics nhận xét, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những trở ngại trong năm nay. Chẳng hạn, chủ nghĩa bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng khi Trung Quốc giành thêm thị phần xuất khẩu toàn cầu gần đây ở một số mặt hàng.
“Mối đe dọa chủ nghĩa bảo hộ rõ ràng nhất là các thị trường phát triển vì Trung Quốc đang di chuyển từ đường cong giá trị gia tăng sang sản xuất cao cấp”, Charles Robertson, của FIM Partners nói.
BYD, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc, gần đây công bố giảm giá xe điện từ 5-15% tại Đức, sau khi Mercedes-Benz cảnh báo cuối năm ngoái rằng. lợi nhuận của hãng đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giá cả “tàn khốc” đối với xe điện.
Trong báo cáo tháng trước, Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) cho biết biết, hầu như mọi công ty sản xuất ở Đức đều phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc cho các hàng hóa đầu vào trung gian quan trọng dù trực tiếp hay gián tiếp.
“Trung Quốc đã dành 20 năm để tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh ở thị trường mới nổi trong lĩnh vực sản xuất, hoặc ít nhất là đẩy họ ra khỏi thị trường toàn cầu. Bây giờ nó đang đe dọa làm điều tương tự với các nhà sản xuất của các nền kinh tế tiên tiến”, Robertson nói thêm.
Brad Setser, nhà kinh tế và thành viên cấp cao tại Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR), cho biết, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với một sự lựa chọn chính sách khó khăn nhằm giảm thiểu rủi ro sự phụ thuộc hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các động lực kinh tế thúc đẩy nguồn cung giá rẻ của nước này.
Để giải bài toán đang ngày càng khó tìm ra lời giải trong vấn đề Triều Tiên, Hàn Quốc vẫn còn chiếc chìa khóa có thể mở cánh cửa, tháo nút thắt: đó là hướng tới Đông Nam Á.
Bài toán hóc búa
Chỉ còn gần 2 tháng nữa, là đến kỳ bầu cử Quốc hội ở Hàn Quốc. Trong khi đó, ở trong nước, Tổng thống Yoon Suk-yeol đang phải đối mặt với tỷ lệ tín nhiệm xuống mức thấp đáng lo ngại, dưới ngưỡng 30% lần đầu tiên sau 9 tháng. Nếu muốn tiếp tục cầm quyền, thì Đảng Sức mạnh Quốc dân (PPP) cần phải giành được đa số ghế tại Quốc hội trong kỳ bầu cử này.
Việc Đảng Dân chủ Hàn Quốc DPK (đảng đối lập chính của cựu Tổng thống Moon Jae-in) đang nắm đa số ghế trong Quốc hội với 164/300 ghế đã khiến quan hệ giữa Chính phủ và Quốc hội nước này lâm vào bế tắc, không thể thông qua các đạo luật theo ý muốn của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol. Nhằm giúp PPP có thêm cơ hội giành thắng lợi, Tổng thống Yoon đã tiến hành cải tổ nội các, bổ nhiệm mới 6 Bộ trưởng để các nguyên Bộ trưởng tham gia cuộc đua giành ghế cho PPP vào tháng 4 tới.
Về đối ngoại, bài toán hóc búa mang tên Triều Tiên ngày càng khó giải. Kể từ khi nhậm chức Tổng thống hồi tháng 5/2022, ông Yoon Suk-yeol đã bày tỏ quyết tâm tách biệt khỏi cách tiếp cận của chính quyền tiền nhiệm Moon Jae-in: Tăng cường trở lại răn đe quân sự với Triều Tiên trong khi không khiến Hàn Quốc bị “trói buộc” bởi các vấn đề trên bán đảo. Trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hàn Quốc, Tổng thống Yoon đã nêu rõ ý định này, muốn Hàn Quốc “vượt ra khỏi bán đảo Triều Tiên”, trở thành một quốc gia chủ chốt toàn cầu (Global Pivotal State).
Gần 2 năm nhiệm kỳ đã trôi qua, mặc dù Tổng thống Yoon đã nỗ lực và đạt được những kết quả nhất định nhằm tăng cường vị thế đối ngoại của Hàn Quốc trên trường quốc tế, nhưng nhìn chung chính quyền của ông vẫn phải dành nhiều thời gian và nguồn lực để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Gần đây, tình hình ngày càng khó khăn hơn cho Hàn Quốc: Triều Tiên đang cho thấy những dấu hiệu rõ ràng của việc chuẩn bị cho chiến tranh trên bán đảo.
Bước sang năm 2024, ông Yoon cần có phương án trả lời cho câu hỏi đang sôi sục: Làm sao để ứng phó với mối đe dọa chiến tranh với Triều Tiên trong khi cần đảm bảo giành chiến thắng cho PPP trong cuộc bầu cử sắp tới?
Thời gian qua, Triều Tiên duy trì không đáp ứng các lời kêu gọi nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ và cắt liên lạc với phía Hàn Quốc. Nói cách khác, ông Kim Jong-un đã loại trừ mọi khả năng tái thống nhất hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Việc ông Kim cho phá bỏ tượng đài biểu tượng tái thống nhất và cho ngừng hoạt động các cơ quan của Triều Tiên phụ trách thúc đẩy quan hệ liên Triều khiến Hàn Quốc buộc phải tìm đến các bên thứ ba khác để khai thông thế bế tắc.
Đi tìm lời giải
Nhìn ra xung quanh, các nước Đông Bắc Á không hẳn là lựa chọn tốt cho Hàn Quốc ở thời điểm hiện tại. Cho đến nay, Trung Quốc cơ bản không có hành động cụ thể, chỉ kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và hướng tới đối thoại. Phản ứng này của Trung Quốc không gây ngạc nhiên, vì Trung Quốc đang cần tập trung giải quyết các khó khăn kinh tế trong nước và không hài lòng về hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa ba bên Mỹ-Nhật-Hàn.
Một nước khác mà Hàn Quốc khó có thể nhờ cậy là Nga. Nga và Triều Tiên đang thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn, thể hiện qua hai chuyến thăm của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son-hui đến Nga thời gian qua.
Tuy vậy, nhìn ra xa hơn, Hàn Quốc vẫn có thể vận động các nước Đông Nam Á có đóng góp xây dựng trong vấn đề Triều Tiên. Qua nhiều thập kỷ, các nước Đông Nam Á và ASEAN đã đóng vai trò quan trọng đối với kiến tạo hòa bình và thúc đẩy hình thành tập quán đối thoại trong khu vực. Từ một khu vực bị chia rẽ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Đông Nam Á giờ đây đã thành một thể thống nhất khi ASEAN tập hợp được toàn bộ 10 nước thành viên và Timor-Leste đang được kỳ vọng trở thành thành viên thứ 11 vào năm 2025. Hàng năm, ASEAN tổ chức hơn 200 cuộc họp, trong khi Đông Bắc Á chưa có một tổ chức khu vực như ASEAN và việc các nước trong khu vực này ngồi lại đối thoại với nhau vẫn rất khó khăn.
Ở Đông Nam Á, Hàn Quốc có thể “đầu tư” vào một số cái tên. Thứ nhất là Indonesia - quốc gia lớn mạnh nhất và là một trong những thành viên sáng lập của ASEAN. Indonesia triển khai chính sách đối ngoại không liên kết và thường bày tỏ lập trường rõ ràng đối với các cuộc xung đột. Là chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2022, Indonesia đã mời Nga cử đại diện tham dự bất chấp các áp lực từ phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Một cái tên khác, đồng thời là một chủ thể mạnh khác trong ASEAN, mà Hàn Quốc có thể tính đến là Thái Lan. Gần đây, Thái Lan đã tổ chức thành công cuộc gặp tại Bankok giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung tiếp tục có những động thái quyết liệt hơn.
Trong khi đó, hai quốc gia Đông Nam Á đều có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên và từng hỗ trợ tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo phải kể đến là Singapore và Việt Nam. Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, Singapore và Việt Nam đã có đóng góp tích cực, lần lượt là các nước chủ nhà tổ chức hai cuộc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2018 và 2019.
Nếu Hàn Quốc muốn chủ động tháo gỡ vướng mắc trên bán đảo Triều Tiên, nước này nên hướng về Việt Nam - đối tác quan trọng của Hàn Quốc trong ASEAN. Hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào cuối năm 2022 và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Yoon Suk-yeol đến Việt Nam hồi tháng 6/2023. Không những vậy, Việt Nam còn đang là nước điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc giai đoạn 2021-2024, dự kiến có những đóng góp thiết thực cho việc nâng cấp quan hệ ASEAN-Hàn Quốc lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào cuối năm 2024.
Nhìn chung, muốn làm giảm căng thẳng và ngăn ngừa nguy cơ bùng phát xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên để tập trung cho bầu cử trong nước, chiếc chìa khóa có thể mở cánh cửa cho chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol lúc này có lẽ đang nằm ở Đông Nam Á. Và bất kể lựa chọn nào mà Chính phủ Hàn Quốc đưa ra, ưu tiên hàng đầu vẫn phải là đảm bảo được hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Mà hơn ai hết, Tổng thống Yoon Suk-yeol và PPP đã hiểu rất rõ điều này.
Theo Sputnik, các con đường hiện tại ở Avdiivka đầy rẫy xe chiến đấu bị thiêu rụi của Ukraine. Lực lượng Ukraine đang rút lui hàng loạt khỏi các vị trí ở đông nam Avdiivka.
Lực lượng Nga tràn vào Avdiivka
Tờ Kyiv Post tối ngày 9/2 đưa tin, ông Vitaliy Barabash - người đứng đầu Cơ quan quản lý quân sự ở Avdiivka - vừa lên tiếng xác nhận trong một chương trình phát sóng trên truyền hình rằng, lực lượng Nga đang tiến vào ngoại ô thành phố Avdiivka, tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine).
Tình hình hiện tại rất khó khăn cho Ukraine do các toán quân Nga đang tìm cách bao vây thành phố từ hai sườn phía bắc và phía nam. Bên cạnh đó, họ đang nỗ lực cắt đứt kết nối giữa nhà máy than cốc Avdiivka và phần còn lại của thành phố này.
Ông Barabash thừa nhận lực lượng Nga đã tiến vào vùng ngoại ô Avdiivka và đang hiện diện trong khu dân cư tư nhân của thành phố.
Trong khi đó, hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời ông Dmytro Lykhovyy - phát ngôn viên quân đội Ukraine - cho biết, những cuộc đụng độ giữa lực lượng Nga - Ukraine đã nổ ra, không chỉ tại khu dân cư tư nhân ở mạn phía bắc Avdiivka mà còn "ngay bên trong thành phố".
"Tôi có thể xác nhận điều này. Đúng như vậy, đang có những cuộc giao tranh, không chỉ ở khu dân cư tư nhân phía bắc mà còn ngay trong thành phố" - Ông Lykhovyy nói.
Cũng theo ông Lykhovyy, quân đội Nga đã tập trung lực lượng ở phía bắc thành phố với mục đích cắt đứt con đường tiếp tế duy nhất cho lực lượng Ukraine trong thành phố.
Trước đó 1 ngày, ông Barabash cho biết, Nga một lần nữa đang đẩy mạnh nỗ lực giành quyền kiểm soát Avdiivka. Quân đội Nga đang tấn công thành phố này "theo mọi hướng", huy động lực lượng với quy mô "rất lớn".
"Thật không may, Nga đang dồn ép từ mọi hướng. Họ đang tấn công với lực lượng rất lớn" - Ông Barabash nói.
Theo vị quan chức, lực lượng Nga chủ yếu sử dụng pháo binh, bộ binh và huy động máy bay không kích trong các đợt tấn công, bởi xe tăng và xe bọc thép của Nga khó di chuyển qua nền đất yếu.
Nga bao vây phần lớn đơn vị phòng thủ Ukraine
Cùng ngày 9/2, hãng tin Sputnik (Nga) đăng bài viết cho biết, quân đội Nga đã xuyên thủng được hàng phòng thủ của Ukraine ở Avdiivka, tại khu vực nằm về phía tây của khu mỏ cát, và đã chiếm giữ được cầu đường sắt ở phía nam khu vực phòng thủ Koksokhim.
Các đơn vị đặc nhiệm Nga đang tiếp tục tấn công, giành các bước tiến ở khu vực đường Sapronova, Lesya Ukrainka và hẻm Zheleznodorozhny, cơ bản chia cắt lãnh thổ của thành phố Avdiivka thành 2 phần không bằng nhau.
Một vòng vây đã được thiết lập, bao vây phần lớn các đơn vị trong khu vực phòng thủ của lực lượng Ukraine ở Avdiivka.
Lực lượng Ukraine đang cố gắng đào hào kiên cố xung quanh khu công nghiệp, tuy nhiên, tình trạng thiếu binh sĩ, vũ khí và đạn dược không cho phép họ thay đổi tình hình.
Ở phía nam Avdiivka, các cuộc giao tranh ác liệt tiếp tục diễn ra tại khu vực đường Chernyshevskogo, Sobornaya và Sportivnaya.
Lực lượng không quân Nga đang tích cực sử dụng bom lượn tấn công mục tiêu, trong khi pháo binh Nga liên tiếp giội hỏa lực, và hệ thống tác chiến điện tử (EW) của Nga đang chặn đứng tín hiệu từ hệ thống Starlink.
Kết quả là, việc truy cập Internet đã bị gián đoạn trên khắp Avdiivka. Lực lượng vũ trang Ukraine không thể liên lạc trên các thiết bị liên lạc vệ tinh mà Mỹ đã cung cấp, việc điều khiển vũ khí tấn công chính xác cũng không thể thực hiện được.
Theo kênh Telegram thân Nga "Military Summary", lực lượng Ukraine đang rút lui hàng loạt khỏi các vị trí ở đông nam Avdiivka.
Trước đó, có đến 10.000 binh sĩ Ukraine đã được triển khai đến Avdiivka, bao gồm lữ đoàn cơ giới tinh nhuệ thứ 47 với các xe chiến đấu M-2 Bradley sản xuất ở Mỹ, lữ đoàn cơ giới độc lập số 53 và số 110, lực lượng đặc biệt và các đơn vị biên phòng của Ukraine.
Hiện tại, các con đường ở Avdiivka đầy rẫy phương tiện chiến đấu bị thiêu rụi của Ukraine, kể cả những chiếc xe bọc thép đạt chuẩn NATO.
Tân Tổng Tư lệnh Ukraine khẩn cấp điều quân dự bị
Trước tình hình căng thẳng như vậy, theo trang tin Topwar (Nga), tân Tổng Tư lệnh mới của lực lượng vũ trang Ukraine - tướng Alexander Syrsky - đã bắt đầu điều quân dự bị tới Avdiivka. Ông Syrsky hoàn toàn đồng ý với chủ trương giữ vững Avdiivka bằng mọi giá của Tổng thống Volodymyr Zelensky, khác với ưu tiên "bảo vệ tính mạng binh sĩ" mà cựu Tổng tư lệnh Valery Zaluzhny đưa ra trước đó.
"Những 'tiếng chuông' đầu tiên đã vang lên, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine ra lệnh đưa quân dự bị tới Avdiivka và giữ thành phố bằng mọi giá.
Trước đây, ông Syrsky cũng từng đưa ra lời hứa tương tự với ông Zelensky về Bakhmut nhưng không thành do có sự can thiệp của tổ chức quân sự tư nhân Wagner. Do ở Avdiivka không có sự hiện diện ở Wagner nên ông Syrsky hy vọng có thể giữ được thành phố này" - Topwar cho hay.
Tờ Focus.ua (Ukraine) dẫn lời chuyên gia quân sự Yevgeny Diky ngày 9/2 cho biết, lực lượng Nga chỉ còn khoảng 1km là chặn được tuyến đường tiếp tế đạn dược cho khu vực phòng thủ Koksokhim. Nếu Nga thành công thì lực lượng phòng thủ Ukraine buộc phải rời khỏi Koksokhim để không lặp lại câu chuyện xảy ra ở Mariupol.
"Avdiivka đang bị phá vỡ. Tình hình của lực lượng vũ trang Ukraine thậm chí còn tồi tệ hơn ở Bakhmut, vì Avdiivka gần như đã bị bao vây hoàn toàn. Họ hoặc sẽ sẽ phải rời khỏi thành phố hoặc dồn toàn bộ lực lượng đến đó.
Tuy nhiên, cách thức thứ hai có khả năng sẽ kết thúc với một số lượng lớn binh sĩ Ukraine đầu hàng và bị bắt làm tù binh" - Tờ Pravda nhận định.
Hãng tin BBC (Anh) thì dẫn lời chuyên gia quân sự người Ukraine Mikhail Zhirokhov cho rằng, nếu chính quyền Ukraine quyết định rút quân khỏi Avdiivka thì thời gian vẫn còn, nhưng không còn nhiều.
"Vẫn có thể rút các nhóm lực lượng Ukraine (ra khỏi Avdiivka), nhưng cửa sổ cơ hội đang đóng lại rất nhanh" - ông nói.
Về phần mình, trong báo cáo hàng ngày tối 9/2, Bộ Tổng tham mưu Ukraine thông báo ngắn gọn rằng, các lực lượng vũ trang của họ đã đẩy lùi 17 cuộc tấn công của Nga nhằm vào các khu định cư Novobakhmutovka, Avdiivka, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Lực lượng Israel đã thực hiện các cuộc không kích chết người vào Gaza hôm thứ Sáu 9/2, vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng phản ứng quân sự đã đi quá xa khi đáp trả cuộc tấn công của phong trào Hamas cầm quyền trên một vùng lãnh thổ Palestine vào Israel hồi ngày 7/10 năm ngoái.
Israel vẫn tiếp tục chiến dịch ném bom khi các nhà ngoại giao tìm cách cứu vãn các cuộc đàm phán về ngừng bắn sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu bác bỏ đề xuất của Hamas, trong đó bao gồm dự tính thả các con tin do nhóm phiến quân Palestine bắt giữ.
Hoa Kỳ hy vọng có thể có được thỏa thuận dừng giao tranh trước khi Israel thực hiện một cuộc tấn công trên bộ như đã đe dọa vào thành phố Rafah ở miền nam gần biên giới với Ai Cập, nơi hơn một nửa trong số 2,3 triệu người dân Gaza đang trú ẩn.
Các quan chức y tế Palestine cho hay ít nhất 15 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích mới nhất, trong đó có 8 người ở Rafah, nơi ẩn náu cuối cùng của nhiều người Gaza, vốn đã phải di dời khi cuộc tấn công của Israel tiến về phía nam qua vùng đất hẹp ven biển.
Salem El-Rayyes, một nhà báo tự do người Palestine sống tại một trại dành cho người di tản, cho biết trẻ em nằm trong số những người thiệt mạng khi một tên lửa của Israel lao vào một ngôi nhà ở khu vực gần đó.
Israel chưa bình luận ngay lập tức về các cuộc không kích mới nhất. Họ nói rằng họ thực hiện các bước để tránh thương vong cho dân thường và cáo buộc các chiến binh Hamas ẩn náu giữa dân thường, kể cả tại các nơi tạm trú ở trường học và bệnh viện. Hamas phủ nhận chuyện họ làm như vậy.
Washington cảnh báo hôm 8/2 rằng bất kỳ hoạt động quân sự nào của Israel tiến hành ở Rafah mà không xem xét thỏa đáng đến hoàn cảnh khốn khó của dân thường sẽ là một thảm họa và nói thêm rằng họ sẽ không ủng hộ điều đó.
Mặc dù là đồng minh quan trọng nhất của Israel nhưng Mỹ đã thúc giục Israel giảm quy mô cuộc chiến tổng lực thành một chiến dịch có mục tiêu hơn nhằm vào các lãnh đạo Hamas.
Đưa ra một số lời chỉ trích công khai gay gắt nhất cho đến nay đối với chính phủ của ông Netanyahu, ông Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 8/2: “Như các bạn biết, tôi cho rằng việc tiến hành phản ứng ở Dải Gaza đã vượt quá giới hạn”.
Tổng thống Biden cho biết ông đang thúc đẩy một thỏa thuận về bình thường hóa quan hệ Ả rập Xê út-Israel, tăng lượng viện trợ nhân đạo đến tay thường dân Palestine và tạm dừng giao tranh trong một thời gian để cho phép thả các con tin bị Hamas bắt giữ.
“Tôi đang nỗ lực hết sức để có được lệnh ngừng bắn và thả con tin này”, ông Biden nói. “Có rất nhiều người vô tội đang chết đói, rất nhiều người vô tội đang khốn khổ và sắp chết, và chuyện này phải chấm dứt”.
Bộ Y tế Gaza cho hay hôm 9/2 rằng ít nhất 27.947 người Palestine đã được xác nhận thiệt mạng trong cuộc xung đột, 107 người trong số họ là trong 24 giờ trước đó, và 67.459 người bị thương.
Có thể còn nhiều người nữa vẫn bị chôn vùi dưới đống đổ nát trong cuộc tấn công của Israel, vốn được phát động sau khi các chiến binh Hamas giết chết 1.200 người và bắt 253 con tin ở Israel vào ngày 7/10/2023, theo thống kê của Israel.
Nguồn: VTV; The Saigon Times; Báo Quốc Tế; Soha; VOA
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá