Tết Quý Mão, nói chuyện Mèo


Thời còn thiếu niên, tôi vẫn thường nghe các đàn anh kháo nhau đi… bắt mèo. Tôi cũng cười cùng các anh cho vui, dù chẳng hiểu đi „bắt mèo“ thực sự là cái gì.

Mãi cho đến khi ông anh tôi phải lòng cô nữ sinh hàng xóm sát vách. Anh sợ ba mẹ rầy, vì đang tuổi đi học mà dính vô chuyện tình ái „ba lăng nhăng“, sẽ vỡ mọi kế hoạch cho tương lai, nên anh phải thầm yêu vụng trộm. Có những buổi chiều, khi biết cô nữ sinh chỉ một mình ở nhà với các em, anh đã „liều thân“ đến thăm. Tôi nói „liều“, bởi anh không đi qua nhà cô ấy bằng con đường bình thường, mà trèo lên mái nhà cao, rồi đu mình qua ban công, vào nhà cô hàng xóm.

Có lần tôi nhìn thấy, từ trên mái nhà cao, anh tôi đưa ngón tay ngang môi, báo hiệu là tôi phải yên lặng, đừng ồn ào ba mẹ sẽ biết. Còn em gái tôi thì che miệng cười khúc khích, bảo tôi, anh đang đi… bắt mèo. À, thì ra thế!

Lớn lên, là học sinh trường Petrus Ký ở Sài Gòn, sau khi đỗ Tú Tài xong tôi cũng có… mèo. Mèo của tôi là nữ sinh trường trung học Gia Long.

Và vì tôi đã xong một phần quan trọng chuyện học hành, nên ba má tôi có đôi phần cởi mở. Tôi được ông cho phép sử dụng chiếc xe Vespa của ông, để đèo nàng đi chơi mỗi cuối tuần. Khi tôi dắt xe ra ngõ, em gái tôi nhìn thấy lại che miệng cười khúc khích: Anh đi thăm… mèo phải không? Tôi nheo mắt nhìn em, rồi gật đầu.

Mèo là linh vật thứ tư trong 12 con giáp. Người ta cũng gọi là „mão“ hay „miêu“. Còn đám bợm nhậu lại kháo nhau là „tiểu hổ“.

Trong văn hóa người Việt, mèo thường được gán cho những người phụ nữ có tính nết nhẹ nhàng, ý tứ. Câu tục ngữ „Nam thực như hổ, nữ thực như miêu“ là một thí dụ.

Tuy vậy, mèo cũng bị gán cho nhiều tật xấu bị khinh ghét, như „mèo mả, gà đồng“, để ám chỉ trai gái lăng loàn, trộm cắp: "Mèo hoang lại gặp chó hoang, anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai".

Những mối quan hệ căng thẳng, cãi vã và xung đột, thì được ví như quan hệ giữa „chó với mèo“. Những người mê tín, cho rằng "mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang", đã gây cho chú mèo bao nỗi buồn oan, vì bị xua đuổi. Còn những bà vợ hay ghen tuông, khi thấy chồng có đồng nghiệp nữ xinh xắn thì vô cùng sợ hãi, đứng ngồi không yên. Bởi „mỡ béo treo trước miệng mèo“, thì làm sao mà mèo chịu bỏ qua cho được!

Trong chính trị, câu nói của Đặng Tiểu Bình, tại hội nghị bí thư Trung ương Đảng ở Trung Quốc tháng 7 năm 1962: "Không cần biết mèo trắng hay mèo đen, chỉ cần bắt được chuột đều là mèo tốt", khi ông chủ trì buổi thảo luận về vấn đề làm thế nào để khôi phục nền nông nghiệp đang trì trệ, khi cứ áp dụng mãi một hình thức cổ điển, mà phải thay đổi mới, miễn sao là đạt được thành công, đã trở nên nổi tiếng. Từ đó ông được „nâng“ lên thành tác giả của „học thuyết con mèo“, mà ít người biết rằng, quan niệm “hoàng li hắc li, đắc thử giả hùng“ này, đã được viết trong tiểu thuyết „Liêu trai chí dị“, một tập truyện ngắn của nhà văn Bồ Tùng Linh, vào đầu đời nhà Thanh, cuối thế kỷ 17, bên Trung Quốc.

Ngày 17 tháng 02 năm 1979, chính ông đã tuyên bố dạy cho Việt Nam một bài học, xua hơn 50 vạn quân, với xe tăng và đạn pháo, mở màn cuộc chiến tranh biên giới tàn bạo. Không biết ông có áp dụng „học thuyết con mèo“ vào chiến dịch đẫm máu này hay không?

Trong thời gian đại dịch Covid-19, nước Tàu vì sỉ diện hão, không chịu áp dụng „học thuyết con mèo“, thẳng thừng từ chối sử dụng Vắc Xin hiện đại của phương Tây, mà cứ bắt dân sử dụng đồ nội địa, như Sinovac, CanSino hay Sinopharm… vô cùng kém hiệu quả. Vì vậy mãi đến đầu năm nay 2023, Trung Quốc vẫn còn đang hoảng loạn vì dịch bệnh, nhiều cuộc biểu tình lan rộng đến nhiều thành phố, trong khi đại đa số thế giới đã trở lại cuộc sống yên bình.

Trong cuộc chiến đấu chống dịch Covid-19, nhà nước Việt Nam đã không phạm phải sai lầm của ông hàng xóm. Áp dụng „học thuyết con mèo“ ngay từ đầu, sử dụng tất cả các loại Vắc-Xin, miễn đạt hiệu quả là được. Sau đó đánh giá, cuối cùng „trụ“ lại ở các Vắc-Xin hiện đại của phương Tây, như Moderna, BionTech, Pfizer. Chứ nếu các nhà lãnh đạo cũng tính sĩ diện hão, bắt dân tiêm Nanocovax, một sản phẩm nội địa, ứng dụng công nghệ protein tái tổ hợp cổ lỗ sĩ, chưa nghiên cứu và thử nghiệm đến nơi đến chốn, thì bây giờ chắc dân mình cũng đang còn hoảng loạn như ở bên Tàu.

Nhờ vậy mà dân chúng nước Việt ta khỏe mạnh hân hoan, chào đón Tết Nguyên đán năm Quý Mão. Người dân ước gì nhà nước áp dụng „học thuyết con mèo“, đặc biệt vào những lãnh vực cần thiết.


Tại nước Đức hiện nay, với một chính quyền Liên minh gồm 3 đảng phái: đảng Xanh (Grüne), đảng Xã hội Dân chủ (SPD) và đảng Dân chủ Tự do (FDP). Mỗi đảng đều có những cương lĩnh hành động với màu sắc chính trị khác nhau. Theo „học thuyết con mèo“, thì đó đúng là 3 chú mèo với 3 màu lông khác biệt: xanh, đỏ và vàng. Mục tiêu chung của họ là một nước Đức hùng cường, tự do, dân chủ. Trong những năm qua, họ đã chứng minh trước bàn dân thiên hạ sự thành công của hợp tác liên minh, đưa nước Đức vượt qua bao khó khăn. Từ dịch bệnh Covid-19 đến sự khủng hoảng kinh tế và năng lượng, chi trả tiền bạc giúp đỡ từng người dân, không quên một ai, từ già đến trẻ, cả những người nhập cư hay tỵ nạn, để làm dịu bớt khó khăn vì chiến tranh xâm lược Ukraine của bạo chúa Putin.

Bỏ qua những lo toan và mệt mỏi vì chuyện cộng đồng, dịp Tết đến, bà con Việt kiều ở Đức đang hân hoan đón chào Tết, nhất là sau mấy năm dịch bệnh hãi hùng, kinh tế khó khăn.

Trước thềm Năm mới, kính chúc quí bạn đọc một năm Quý Mão an khang và thịnh vượng.


(Xem thêm:

=> Phụ nữ muốn hạnh phúc)

Nguồn: Tác giả Sa Huỳnh (trích từ nguyên bản).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang