Rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Chấm dứt thuế khoán hộ kinh doanh; Chống trục lợi nhà ở xã hội; Loạt dự án ở Quảng Bình chậm tiến độ

RÚT NGẮN NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XV, CHỐT NGÀY BẦU CỬ LÀ 15/3/2026

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 sẽ là Chủ nhật, ngày 15 tháng 3 năm 2026.

Sáng 21/5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Nghị quyết được thông qua với 449/449 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Theo đó, Nghị quyết quyết nghị: Rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 là Chủ nhật, ngày 15 tháng 3 năm 2026.

Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XVI được triệu tập chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày bầu cử. Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2026 - 2031 được triệu tập chậm nhất là 45 ngày, kể từ ngày bầu cử.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Trước đó, theo Tờ trình về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo các quy định của pháp luật, dự kiến đến ngày 20/7/2026 Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ kết thúc nhiệm kỳ và chậm nhất là ngày 24/5/2026 Quốc hội khóa XVI, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 phải được bầu xong.

Tuy nhiên, căn cứ chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn cho thấy, cần rút ngắn khoảng thời gian giữa Đại hội Đảng toàn quốc và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, HĐND khóa mới để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao.

Cùng với đó thực hiện việc phân công cấp ủy viên khóa mới đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, ổn định liên tục, liên thông đội ngũ cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Đồng thời, cấp ủy các cấp nhiệm kỳ mới kịp thời triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và Đại hội Đảng các cấp.

Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, pháp luật, để thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sau khi cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 dự kiến sẽ được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 15/3/2026 là phù hợp với các yêu cầu về thực tiễn.

Do vậy, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cần thiết. Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được rút ngắn 3 tháng, kết thúc vào đầu tháng 4/2026 (thay vì tháng 7/2026.

BÀI TOÁN CHẤM DỨT THUẾ KHOÁN HỘ KINH DOANH

Hộ kinh doanh có doanh thu lớn sẽ chuyển sang nộp thuế theo doanh thu thực tế từ ngày 1-6

Theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP về hóa đơn điện tử, từ ngày 1-6, các hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm thuộc 6 ngành nghề sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, thay vì nộp thuế khoán như hiện nay.

Minh bạch thông tin

Quy định trên được xem là một trong những chủ trương lớn của nhà nước trong việc hiện đại hóa công tác quản lý thuế, hướng đến công bằng và minh bạch trong nghĩa vụ nộp thuế của các đối tượng kinh doanh.

Ông Lê Minh Tâm - chủ một hộ kinh doanh dệt may tại quận 5, TP HCM - nhận định việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp xác định doanh thu thực tế, từ đó tính thuế chính xác hơn.

Theo ông, trước đây, thuế khoán thường được ấn định dựa trên cảm tính của hội đồng xét duyệt, gồm cán bộ thuế, ban quản lý chợ và chính quyền địa phương.

Điều này dẫn đến thực trạng là các hộ kinh doanh có doanh thu khác nhau nhưng lại đóng cùng một mức thuế, gây ra sự bất công. Chính vì vậy, việc triển khai hóa đơn điện tử sẽ tạo điều kiện để cơ quan thuế theo dõi sát sao doanh thu thực tế, đồng thời bảo đảm công bằng hơn trong việc tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Không chỉ ông Tâm, nhiều hộ kinh doanh tại các khu vực chợ Phú Nhuận, Tân Định (TP HCM) và các hộ bán hàng online cũng đồng tình với chủ trương này. Theo họ, việc chuyển đổi sang hình thức nộp thuế theo doanh thu thực tế là cần thiết, phù hợp với xu hướng hiện đại hóa và minh bạch hóa công tác thuế.

Một ví dụ điển hình là ông Điệp Minh Sơn, chủ gian hàng "Vua tôm khô đặc sản Cà Mau" trên TikTok Shop, cho biết ông đang đăng ký mô hình hộ kinh doanh và đóng thuế 1,5% trên doanh thu. Vào tháng Tết, doanh thu của cửa hàng khoảng 1 - 2 tỉ đồng; các tháng bình thường dao động từ 200 - 400 triệu đồng. Tất cả giao dịch đều được ghi nhận trên hệ thống của TikTok Shop, nhờ đó, việc kê khai và nộp thuế của ông trở nên đơn giản hơn.

Chia sẻ thêm, ông Sơn cho rằng việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ gây khó khăn chủ yếu cho những hộ kinh doanh bán hàng trực tiếp và thu tiền mặt, trong khi những người đã quen với môi trường số thì không quá lo ngại. Ngoài ra, do chỉ bán hàng trên một sàn thương mại điện tử nên ông cảm thấy yên tâm vì nguồn thu được minh bạch và dễ theo dõi.

Còn nhiều vướng mắc

Tuy nhiên, bên cạnh những trường hợp thuận lợi, không ít hộ kinh doanh đang gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi. Một trong những rào cản lớn nhất là sự thiếu hụt kiến thức về công nghệ và kỹ năng kê khai thuế.

Nhiều hộ kinh doanh chưa quen với việc sử dụng máy tính tiền để xuất hóa đơn điện tử hoặc không có thói quen lưu trữ hóa đơn đầu vào khi mua hàng, khiến họ gặp khó khăn trong việc cân đối giữa hóa đơn đầu ra và đầu vào - một yếu tố quan trọng trong quá trình nộp thuế chính xác.

Trường hợp của anh Nguyễn Văn Phúc (40 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP HCM), vừa đăng ký hộ kinh doanh thực phẩm hồi tháng trước, là một ví dụ cụ thể. Công việc chính của anh là mua thực phẩm từ chợ đầu mối rồi bán lại cho người quen trong khu vực sinh sống, doanh thu mỗi tháng chỉ khoảng 30 triệu đồng. "Vợ chồng tôi làm thêm để lấy công làm lời, không thuê nhân viên, không biết về kế toán, cũng không dùng phần mềm quản lý. Tất cả hoạt động bán hàng đều được ghi chép vào sổ" - anh Phúc chia sẻ.

Khi mới đăng ký kinh doanh, anh được hướng dẫn nộp thuế khoán theo quý, không cần kê khai phức tạp. Tuy nhiên, mới đây, anh nhận được thông báo từ cơ quan thuế từ ngày 1-6-2025 sẽ chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo mô hình từ máy tính tiền. "Tôi nghe nói phải dùng phần mềm bán hàng, chữ ký số, máy tính tiền… mà khách tôi toàn là người quen, mua vài chục ngàn đồng, không ai yêu cầu hóa đơn cả. Tôi không rành công nghệ, chưa quen quy trình, lỡ làm sai còn bị phạt nên chưa biết xoay xở ra sao" - anh Phúc không giấu được sự lo lắng.

Ngành thuế đẩy mạnh hỗ trợ

Những trường hợp như anh Phúc là thực tế phổ biến của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, còn thiếu kiến thức và phương tiện để thích nghi với hình thức quản lý thuế mới. Trước những khó khăn đó, ngành thuế đã có nhiều động thái nhằm hỗ trợ các hộ kinh doanh trong quá trình chuyển đổi. Ông Phạm Tuấn Anh - Đội phó Đội Thuế quận 3 (Chi cục Thuế khu vực II), cho biết các đội thuế trên địa bàn đang tích cực phối hợp với các đơn vị cung cấp giải pháp kỹ thuật để hướng dẫn hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử. Tại quận 3, khoảng 300 hộ có doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm đã được tập huấn trong 3 ngày để chuẩn bị triển khai thực hiện Nghị định 70.

Theo ông Tuấn Anh, việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp ngành thuế xác định chính xác doanh thu, từ đó tính đúng mức thuế phải nộp, góp phần bảo đảm nguồn thu ngân sách. Đây cũng là một phần trong lộ trình thực hiện Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, với mục tiêu xóa bỏ thuế khoán vào năm 2026.

Hiện nay, theo Chi cục Thuế khu vực II, TP HCM có khoảng 200.000 hộ kinh doanh, trong đó 13.000 hộ có doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm thuộc 6 ngành nghề quy định tại Nghị định 70. Những hộ này sẽ bắt buộc phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1-6-2025, thay vì tiếp tục áp dụng hình thức nộp thuế khoán như trước.

Ông Nguyễn Nam Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực II, nhấn mạnh Chính phủ đang định hướng chuyển đổi chính sách thuế cho hộ kinh doanh từ hình thức thuế khoán sang tự kê khai và tự nộp thuế. Đây được xem là bước đi chiến lược, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và nâng cao hiệu quả quản lý thuế.

"Nghị định 70 là bước tiến lớn trong việc hiện đại hóa ngành thuế, đặc biệt là với việc mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Đây sẽ là chìa khóa để quản lý thuế hiệu quả và tạo thuận lợi cho người nộp thuế" - ông Bình khẳng định.

Theo bà Trần Thị Cẩm Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Tư vấn Thuế VIFATAX, Hội Tư vấn và Đại lý Thuế TP HCM (HTCAA) đang phối hợp với cơ quan thuế tổ chức các buổi hướng dẫn "cầm tay chỉ việc" cho hộ kinh doanh, từ thao tác kê khai cho đến sử dụng máy tính tiền và phần mềm hóa đơn điện tử.

Về vấn đề hàng tồn kho, vốn là nỗi lo chung của nhiều hộ kinh doanh lâu năm, bà Hồng đề xuất cơ quan thuế công nhận số hàng tồn kho hiện tại là hợp lệ để hộ có thể xuất hóa đơn khi bán hàng. Đồng thời, bà khuyến nghị các hộ cần lấy hóa đơn đầu vào khi mua hàng để cân đối với hóa đơn đầu ra. "VIFATAX cam kết hỗ trợ miễn phí việc kê khai trong 3 tháng đầu để giúp hộ kinh doanh làm quen với quy trình mới" - bà Hồng nói.

CHỐNG TRỤC LỢI NHÀ Ở XÃ HỘI

Theo các chuyên gia, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm gắt gao các dự án nhà ở xã hội hiện nay là việc làm vô cùng cần thiết để ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách nhà ở của một số đối tượng.

Trả lại nhà ở xã hội

Mới đây, sự việc xảy ra tại chung cư nhà ở xã hội ở phường Quang Vinh (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đã khiến dư luận chú ý. Cụ thể, nhiều hộ dân bao gồm cả cán bộ, công chức bất ngờ xin trả lại nhà sau đợt kiểm tra của Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai. Trong đó, có những trường hợp là cán bộ, công chức, gây lãng phí nguồn lực nhà ở xã hội và làm giảm cơ hội tiếp cận nhà ở cho các đối tượng thực sự có nhu cầu.

Sự việc này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng trục lợi chính sách nhà ở xã hội tại địa phương.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho rằng, vụ việc tại Cty Cổ phần Kinh doanh Nhà Đồng Nai (đơn vị quản lý, vận hành chung cư nhà ở xã hội tại phường Quang Vinh, TP Biên Hòa) chỉ là “bề nổi của tảng băng trôi”. Đây là những trường hợp rõ ràng - người thuê, mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng phải trả lại nhà. Nhưng thực tế, đối tượng trục lợi nhà ở xã hội theo nhiều phương thức khác nhau. Có trường hợp người đứng tên trên hợp đồng mua nhà ở xã hội là đúng đối tượng, nhưng người đó lại không có nhu cầu ở, thậm chí người ta đăng ký hộ khẩu ở đó nhưng lại cho người khác ở. Việc phát hiện, thu hồi nhà sẽ phức tạp hơn. Vì thế, theo ông Châu, điều đầu tiên là lòng tự trọng của người mua nhà ở xã hội, nếu không đúng tiêu chí, tiêu chuẩn mua, hoặc đã có nhà không có nhu cầu ở thì không nên tìm cách trục lợi, mà nhường cơ hội đó cho những người thực sự cần thiết.

Theo ông Châu, Luật Nhà ở năm 2023 quy định rõ việc cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội trong trường hợp mua, bán, cho thuê lại nhà ở xã hội trái với đối tượng và quy định của luật nhằm tránh lợi dụng chính sách. Cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, thành phố (trực tiếp ở đây là Sở Xây dựng) cần tăng cường, thúc đẩy công tác hậu kiểm nhà ở xã hội một cách chặt chẽ, thực chất.

“Sở Xây dựng cần xem công tác hậu kiểm nhà ở xã hội là một công tác hết sức quan trọng và phải có kế hoạch, biện pháp cụ thể để thanh tra, kiểm tra những người đang thuê, mua nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở xã hội. Ai không đáp ứng đúng, đủ tiêu chí, tiêu chuẩn, thuê mua nhà ở xã hội thì cứ theo pháp luật thi hành”, ông Châu nói.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm gắt gao các dự án nhà ở xã hội hiện nay là việc làm vô cùng cần thiết để ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách nhà ở của một số đối tượng. Tuy nhiên, ông Võ cho rằng, gốc của vấn đề ở công tác xét chọn đối tượng mua nhà ở xã hội. Ông đề xuất phải sửa đổi quy định của pháp luật về xét chọn đối tượng thụ hưởng chính nhà ở xã hội. Việc lựa chọn hồ sơ thuê, mua nhà ở xã hội có thể giao cho UBND tỉnh, hoặc một đơn vị phụ trách xã hội, độc lập quyền lợi với đơn vị, doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.

“Đây là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất. Bởi từ trước đến nay, việc lựa chọn đối tượng thuê mua nhà ở xã hội đều được giao cho chủ đầu tư. Theo tôi đó là kẽ hở hớ hênh nhất để lọt những hồ sơ, đối tượng không đúng thuê, mua nhà ở xã hội. Bởi các doanh nghiệp họ sẽ lựa chọn đối tượng sao cho có lợi với dự án của họ”, ông Võ nói.

Mất cơ hội của người yếu thế

Sắp tới, Hà Nội dự kiến triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội tại những khu vực có nhu cầu lớn. Điển hình như dự án Him Lam Phúc Lợi với hơn 3.000 căn hộ do Cty CP Him Lam Thủ đô làm chủ đầu tư; dự án Uy Nỗ (Đông Anh) với gần 500 căn hộ thuộc Tổng Cty 319 Bộ Quốc phòng; dự án tại Khu đô thị mới Kim Chung do liên danh Tổng Cty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) cùng Tổng Cty Viglacera thực hiện, cung cấp 1.104 căn hộ.

Tính đến nay, trên 20 dự án nhà ở xã hội đã được đưa vào Kế hoạch phát triển nhà ở của TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Dự kiến trong thời gian tới, toàn thành phố sẽ bổ sung khoảng 1.462.000 m2 diện tích sàn, tương đương gần 19.730 căn hộ nhà ở xã hội, chủ yếu tập trung giai đoạn sau năm 2025.

Tuy nhiên, nhiều người dù không thật sự có nhu cầu về chỗ ở nhưng vẫn nhờ người thân đứng tên hộ hồ sơ nhằm hợp thức hóa điều kiện đăng ký mua. Thậm chí, có những trường hợp không đủ điều kiện vẫn cố gắng làm thủ tục xác nhận, liên hệ cò mồi, môi giới để làm sai lệch hồ sơ, trục lợi từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Tại một dự án nhà ở xã hội sắp mở bán tại quận Long Biên (Hà Nội), chủ đầu tư cho biết rất đông người dân đã đăng ký làm hồ sơ. Tuy nhiên, sau khi rà soát, kiểm tra, chủ đầu tư phát hiện chỉ khoảng 20% người đăng ký hoàn tất được các thủ tục, xác nhận cần thiết và đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng chính sách nhà ở xã hội. 80% còn lại chưa hiểu rõ quy định, chưa chuẩn bị hồ sơ đầy đủ hoặc không thực sự có nhu cầu mua nhà.

Phía chủ đầu tư nhận định, do giá thành của nhà ở xã hội rẻ hơn nhiều so với nhà ở thương mại, nên không loại trừ trường hợp một bộ phận dù không có nhu cầu ở nhưng vẫn tìm mọi cách để hợp thức hóa điều kiện đăng ký. Chủ đầu tư khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ luật pháp để chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, bảo đảm quyền mua hoặc thuê nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, người dân nên liên hệ trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền hoặc chủ đầu tư, tránh qua môi giới trung gian gây rủi ro pháp lý và làm sai lệch chính sách hỗ trợ người khó khăn.

Ông Bùi Tiến Thành, Trưởng Phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, thành phố Hà Nội đang áp dụng nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ việc bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội để đảm bảo đúng đối tượng, tránh tình trạng lợi dụng chính sách nhằm trục lợi cá nhân. Các cấp từ huyện đến phường đều thành lập tổ giám sát, theo dõi kỹ lưỡng quá trình xét duyệt và bốc thăm để phát hiện kịp thời các vi phạm, trường hợp sai phạm sẽ bị thu hồi ngay lập tức.

LOẠT DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM CHẬM TIẾN ĐỘ Ở QUẢNG BÌNH

Nhiều dự án trọng điểm ở Quảng Bình chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng và tái định cư. Tỉnh đang thúc giục các địa phương tháo gỡ khó khăn để đảm bảo tiến độ và giải ngân đầu tư công trong năm 2025.

Cầu vượt gỉ sét, cỏ mọc

Ghi nhận của PV Báo Lao Động sáng 19.5 tại TP Đồng Hới cho thấy, Dự án đường và cầu vượt đường sắt trung tâm thành phố gần như bị “đắp chiếu”. Công trình không có công nhân làm việc, nhiều mố trụ xây xong để mặc cỏ mọc um tùm, sắt thép phơi nắng mưa đã hoen gỉ.

Đây là một trong những dự án trọng điểm được kỳ vọng gỡ nút thắt giao thông nội đô Đồng Hới, kết nối trung tâm thành phố với khu vực phía Tây. Tuy nhiên, dự án rơi vào tình trạng chậm trễ nhiều năm do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư.

Đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường TP Đồng Hới cho hay, UBND thành phố đang phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là bố trí đất tái định cư cho các hộ dân còn lại để bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.

Không chỉ cầu vượt trung tâm TP Đồng Hới, hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng khác như đường ven biển giai đoạn 2, cầu Nhật Lệ 3, Quốc lộ 12A đoạn tránh thị xã Ba Đồn cũng rơi vào tình trạng chậm trễ kéo dài.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm, tiến độ GPMB các dự án này đang “ì ạch” và thiếu tính chủ động.

Cầu Nhật Lệ 3 và đường hai đầu cầu vẫn còn tồn đọng nhiều hộ chưa thống nhất phương án đền bù. Đường ven biển thì vướng ở các điểm tái định cư tại Quảng Trạch, Lệ Thủy, Đồng Hới... Riêng Quốc lộ 12A đoạn tránh thị xã Ba Đồn hiện chưa bàn giao hoàn toàn, chậm kéo dài hơn 6 tháng qua.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương liên quan phải hoàn thành GPMB các dự án trong tháng 5, nếu không sẽ chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Tỉnh cũng chỉ đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư theo dõi tổng thể và đề xuất điều chỉnh, thậm chí thu hồi đối với những dự án không khả thi.

Tăng tốc từ tháng 5.2025

Tại Dự án đường ven biển, tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố khẩn trương phê duyệt các phương án bồi thường còn lại, đặc biệt là các hộ nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh, Bố Trạch và Lệ Thủy. Tại TP Đồng Hới, các lô tái định cư cho dự án cầu Nhật Lệ 3 đã được quy hoạch, thi công xong, yêu cầu giao đất cho dân trước ngày 20.5 để kịp bàn giao mặt bằng.

Đối với Dự án đường và cầu vượt đường sắt trung tâm TP Đồng Hới, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, kiểm đếm tài sản, định giá, công khai phương án bồi thường. Hạ tầng khu tái định cư phía Tây đường Hữu Nghị đã hoàn tất, UBND thành phố phải giao đất để dân bàn giao mặt bằng đúng hạn. Các hộ dân liên quan đã bốc thăm và thống nhất vị trí, chỉ chờ thủ tục giao đất để có thể tiến hành di dời.

Riêng Quốc lộ 12A đoạn tránh Ba Đồn, UBND huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn được yêu cầu gấp rút hoàn thiện định giá, áp giá, chi trả và cưỡng chế nếu cần thiết. Công an tỉnh sẽ hỗ trợ lực lượng khi triển khai cưỡng chế bảo vệ thi công. Các địa phương cũng được yêu cầu xây dựng sẵn phương án cưỡng chế bảo vệ thi công, chuẩn bị lực lượng phối hợp nhằm xử lý triệt để các vướng mắc còn tồn đọng.

UBND tỉnh nhấn mạnh, những vướng mắc hiện nay phần lớn nằm ở địa phương, từ thiếu quyết liệt đến lúng túng trong tổ chức thực hiện. Vì vậy, các địa phương phải có phương án bảo vệ thi công và xử lý dứt điểm trong tháng 5 để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và khởi công các hạng mục quan trọng trong năm 2025.

Tỉnh cũng yêu cầu Sở Tài chính chủ động phối hợp, kịp thời trình bổ sung kinh phí cho các địa phương có phát sinh lớn trong chi phí giải phóng mặt bằng.

Nguồn: Soha; Người Lao Động; CafeF; Lao Động

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Đọc nhiều nhất

Dự án điện gió, mặt trời gặp vướng; Giải ngân vốn công ‘rùa bò’; Hộ kinh doanh đóng cửa né thuế; Khai trừ Đảng nguyên phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai

Các cửa hàng ‘nóng không’ với chuyển khoản; Nỗi lo siêu thị, chợ mạng; Hộ kinh doanh đóng cửa hàng loạt; Thủy sản & ‘bài toán’ thuế đối ứng

Bãi rác bánh kẹo khổng lồ tại La Phù; 10.000 con gà đột ngột chết ngạt; Sập giàn giáo, 2 người tử vong; Nước hồ thủy điện Hòa Bình thấp kỷ lục

Vòi bạch tuộc vẫn luồn lách; Làn sóng đóng cửa, trả mặt bằng ở TP.HCM; Vốn ngoại đạt kỷ lục; Giá chung cư ngang ngửa giá liền kề, biệt thự

Doanh nghiệp ‘chết không chôn được’; Tin mới vụ ‘tố’ thịt heo bệnh; Vải thiều Trung Quốc ‘đổ bộ’ chợ; Vì sao bất động sản tăng giá cao?

Cựu Bí thư Vĩnh Phúc đã nộp lại bao nhiêu tiền; Số phận 2 chiếc túi của Trương Mỹ Lan; Trịnh Văn Quyết nguy cơ tử vong; Chốt giảm 2% thuế VAT

Những đại gia mong sửa sai; Phúc thẩm vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2; Đi vệ sinh, giữ xe cũng phải xuất hóa đơn; Danh sách 34 tỉnh, thành

Sao nam mắc HIV bị chỉ trích; Ồn ào thí sinh bỏ thi Hoa hậu Hoàn vũ; Vụ sân pickleball bị sập; Đằng sau những chuyến bay chậm ngày giông bão

YOUTUBE: Tuần Lễ hội Văn hóa Việt tại Leipzig kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-CHLB Đức

Trong hai ngày 17 và 18/5, cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Leipzig đã phối hợp với Sở thú Leipzig tổ chức “Tuần Lễ hội Văn hóa Việt tại Leipzig ” kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam – CHLB Đức (1975 – 2025).

Đây cũng là sự kiện nằm trong khuôn khổ tuần lễ đa văn hóa do chính quyền thành phố Leipzig tổ chức nhằm tạo không gian để các cộng đồng sinh sống trên địa bàn quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa, ẩm thực... của đất nước mình.

Nguồn: TTX VIỆT NAM

Đức Việt Online

YOUTUBE: Lễ Trao tặng Huy hiệu Danh dự, tôn vinh ông Bùi Quang Huy & 8 nhà hoạt động cộng đồng xuất sắc nhất

Lễ vinh danh chín nhà hoạt động cộng đồng xuất sắc nhất Leipzig trong những năm qua, được tổ chức trang trọng tại Hội trường, Tòa Thị chính Thành phố Leipzig.

Trước sự chứng kiến ​​của các nhân vật trọng yếu, các phó thị trưởng, hội đồng thành phố, ban đối ngoại, sở văn hóa, đặc trách ngoại kiều, các ban nghành thành phố, Thị trưởng Burkhard Jung, cổ đeo vòng dây chuyền vàng Goldketten uy nghi, trịnh trọng trao tặng huy hiệu, bảng vàng danh dự, bằng khen của Thành phố Leipzig cho 9 nhà hoạt động cộng đồng  xuất sắc nhất trên các lĩnh vực xã hội, văn hóa, chính trị.

Tác giả Đức Thúy

Tỷ phú Elon Musk rơi lệ trên sóng truyền hình khi nhắc đến Việt Nam – Chuyện gì đã xảy ra?

Elon Musk – người đàn ông đứng sau SpaceX, Tesla, và hàng loạt công nghệ thay đổi thế giới - đã bất ngờ bật khóc ngay trên sóng truyền hình trực tiếp khi được hỏi về Việt Nam. Khoảnh khắc ấy khiến cả thế giới sững sờ, còn người dẫn chương trình không dám hỏi thêm một lời nào. Điều gì ẩn sau giọt nước mắt của một tỷ phú từng được xem là "người thép"? Trong video này, bạn sẽ được chứng kiến toàn bộ câu chuyện chưa từng được công bố: Từ bức thư cũ mà Elon nhận được từ một cậu bé Việt Nam, cho đến lời hứa bí mật giữa ông và một người lính gốc Á năm xưa. Mỗi chi tiết hé lộ một phần của sự thật – một sự thật có thể thay đổi cách thế giới nhìn về Việt Nam mãi mãi.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Đức

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Leipzig, CHLB Đức

Chiều Chủ Nhật, ngày 06.04.2025, tại thành phố Leipzig, Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại CHLB Đức đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, để tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Buổi lễ thu hút hàng trăm người Việt và gốc Việt từ khắp nơi trên nước Đức, và các đại biểu, khách mời các Hội đoàn Âu châu và tại Đức cùng về dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Tác giả: Thu Hằng - Phương Hoa - Thanh Tùng (TTXVN)

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Lên đầu trang