.jpg)
QUỐC HỘI XEM XÉT NỚI LỎNG CHÍNH SÁCH NHẬP TỊCH
Chính phủ muốn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam nhằm thu hút nguồn lực chất lượng cao.
Sáng 17/5, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Theo dự thảo, người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, khi xin nhập quốc tịch Việt Nam thì được miễn một số điều kiện quy định trong luật hiện hành. Đó là: biết tiếng Việt đủ để hòa nhập; thường trú trong nước; thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên và có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
Người chưa thành niên nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ, hoặc có cha đẻ, mẹ đẻ, ông nội, bà nội, ông ngoại hoặc bà ngoại là công dân Việt Nam sẽ được miễn các điều kiện nhập quốc tịch. Họ chỉ cần nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nếu đang cư trú tại nước ngoài.
Ngoài ra, người xin nhập quốc tịch Việt Nam có người thân là công dân Việt Nam thì được giữ quốc tịch nước ngoài nếu phù hợp với pháp luật của nước đó và không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến Việt Nam.
Dự luật cũng tạo điều kiện tối đa cho kiều bào trở lại quốc tịch Việt Nam. Theo đó, Chính phủ đề xuất không quy định cụ thể về các trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam. Như vậy, tất cả các trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được xét.
Cơ quan soạn thảo cho rằng việc "nới lỏng" chính sách cho nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam và đơn giản hóa thủ tục là cần thiết, nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Chính sách này giúp người nước ngoài, cộng đồng kiều bào về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Người tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước chỉ có quốc tịch Việt Nam
Dự luật nêu một số trường hợp chỉ được phép có một quốc tịch Việt Nam và phải thường trú tại Việt Nam.
Đó là người ứng cử, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ; người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và địa phương; người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngoài ra, người làm việc trong tổ chức cơ yếu, người tham gia lực lượng vũ trang của Việt Nam cũng chỉ được phép có quốc tịch Việt Nam. Chính phủ đề xuất được phép có ngoại lệ nếu xét thấy lợi cho Nhà nước, không làm phương hại đến lợi ích quốc gia. Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung này.
Chính phủ cho biết một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã có quy định về tiêu chuẩn, điều kiện người được bầu, tuyển dụng, bổ nhiệm vào một số vị trí, chức danh là người chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên một số Luật khác chỉ quy định tiêu chuẩn, điều kiện là "công dân Việt Nam".
Vì vậy, dự thảo Luật bổ sung quy định này nhằm bảo đảm vấn đề an ninh, lợi ích quốc gia cũng như tính trung thành, trách nhiệm của công dân Việt Nam đối với đất nước, nhất là khi tham gia vào các cơ quan dân cử, các cơ quan của hệ thống chính trị, tham gia lực lượng vũ trang, cơ yếu.
Để tạo sự linh hoạt, góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, dự thảo luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết trường hợp ngoại lệ khi xét thấy có lợi cho đất nước.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (cơ quan thẩm tra) đánh giá quy định này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu về an ninh chính trị, lợi ích quốc gia, khẳng định trách nhiệm, mối quan hệ của người được trở lại quốc tịch, người được nhập quốc tịch Việt Nam với đất nước.
Quốc hội sẽ thảo luận hội trường dự án Luật này vào ngày 29/5 và thông qua vào ngày 23/6.
BA DỰ ÁN VAY NƯỚC NGOÀI CHẬM GIẢI NGÂN, BỊ MẤT PHÍ CAM KẾT 135 TỶ
Tính đến 31/12/2023, Việt Nam có 3 dự án đã ký hiệp định vay nước ngoài nhưng chưa giải ngân và phải trả phí cam kết tương đương 135,7 tỷ đồng.
Thông tin trên được nêu trong Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước.
Trong số 3 dự án được đề cập, có dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TPHCM (tuyến Bến Thành - Tham Lương) sử dụng vốn vay KfW theo Chương trình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, ký năm 2011. Tuy nhiên, đến ngày 24/2/2024, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị không tiếp tục sử dụng khoản vay này.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ký kết hiệp định vay trước khi thực hiện thẩm định và phê duyệt cho vay lại, không phù hợp với quy định hiện hành đối với Dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số - Dự án thành phần tỉnh Bình Định” (Mã dự án: 19964100).
"Việc này dẫn đến chậm ký hợp đồng cho vay lại với địa phương, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân", theo Kiểm toán Nhà nước.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra sai sót trong thủ tục hủy vốn đối với Dự án mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam (Hiệp định vay 6055-VN, nguồn IDA). Cụ thể, việc hủy vốn để tái bố trí cho dự án hoặc khoản vay mới chưa chính xác, dẫn đến 4.190.020 SDR (đơn vị tiền tệ dự trữ quốc tế do IMF phát hành) không được đàm phán để tái bố trí, trái với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, cơ quan kiểm toán cho biết, trong năm 2023, bình quân số dư tiền gửi không kỳ hạn của Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài còn lớn (6.996,3 tỷ đồng).
“Việc để tiền không kỳ hạn tại Kho bạc Nhà nước thay vì gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại là chưa phát huy hiệu quả sử dụng quỹ”, Kiểm toán Nhà nước nhận định.
Do đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm theo quy định đối với các trường hợp: ba dự án đã ký hiệp định nhiều năm nhưng chưa giải ngân, phát sinh phí cam kết lớn (đặc biệt là dự án tuyến metro số 2 TPHCM); thủ tục hủy vốn chưa chính xác khiến 4.190.020 SDR không được tái đàm phán...
Cơ quan này cũng đánh giá, công tác quản lý thu của cơ quan thuế còn nhiều hạn chế. Việc quản lý thu đối với hộ kinh doanh chưa đầy đủ, chưa chính xác; chưa phối hợp với các cơ quan liên quan để thu hồi giấy đăng ký kinh doanh đối với các hộ ngừng hoạt động quá 6 tháng theo quy định; chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế theo nguyên tắc rủi ro trong thời hạn 5 năm theo quy định; chậm giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nộp thuế...
Về quản lý đất đai, vẫn tồn tại tình trạng đơn vị sử dụng đất nhưng chưa có quyết định thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất; chậm thu hồi đất đã có quyết định thu hồi nhiều năm; chưa điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định; xác định tiền thuê đất trả một lần chưa phù hợp quy định; miễn tiền thuê đất không đúng đối tượng.
Trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, vẫn còn sai sót trong kê khai sản lượng để tính thuế tài nguyên vượt công suất được cấp phép; kê khai chưa đầy đủ phí bảo vệ môi trường và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Tại cơ quan hải quan, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện một số trường hợp kê khai giảm thuế giá trị gia tăng (2%) không đúng quy định đối với một số mặt hàng, cũng như tình trạng áp mã hàng hóa chưa thống nhất.
NÚT GIAO 3.400 TỈ ĐỒNG Ở TPHCM THI CÔNG 9 NĂM VẪN VƯỚNG MẶT BẰNG
.jpg)
Sau gần 9 năm thi công, dự án nút giao Mỹ Thủy hơn 3.400 tỉ đồng vẫn ỳ ạch do vướng mặt bằng, với 61 hộ dân chưa bàn giao.
Dự án nút giao Mỹ Thủy là nút giao thông chiến lược tại cửa ngõ Cát Lái, TP Thủ Đức - nơi có mật độ phương tiện vận tải hàng hóa cao hàng đầu TPHCM.
Công trình chính thức được khởi công từ năm 2016, gồm hai dự án thành phần: Xây lắp với kinh phí 1.826 tỉ đồng và bồi thường, giải phóng mặt bằng với hơn 1.623 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ thi công, toàn dự án mới chỉ đạt khoảng 30% khối lượng. Một số hạng mục đã hoàn thành như: cầu Kỳ Hà 3, cầu vượt trên đường Vành đai 2, hầm chui rẽ trái từ Vành đai 2 đi Cát Lái và cầu Mỹ Thủy 3.
Nhưng phần lớn các gói thầu còn lại đang bị ngưng trệ hoặc thi công cầm chừng do chưa có mặt bằng.
Gói thầu xây dựng các nhánh đường phía bờ tả rạch Mỹ Thủy hiện đang tạm ngưng, mới đạt 15% khối lượng. Gói thầu nhánh đường phía bờ hữu rạch Mỹ Thủy đã thi công được 50% nhưng cũng buộc phải dừng lại vì mặt bằng chưa được bàn giao tiếp.
Gói thầu xây cầu Kỳ Hà 4 và nhánh rẽ từ cầu Phú Mỹ đi Cát Lái đã khởi công từ tháng 4.2024 nhưng hiện cũng đang dừng thi công sau khi hoàn thành một phần móng cầu, do chưa có mặt bằng cho phần còn lại.
Một số gói thầu khởi công trong năm 2025 như cầu vượt rẽ trái từ Cát Lái đi cầu Phú Mỹ (khởi công ngày 18.1), cầu Kỳ Hà 3 (nhánh phải) và cầu vượt trên đường Vành đai 2 (nhánh phải) cùng khởi công ngày 14.3, đang được thi công cọc khoan nhồi và móng cầu, nhưng tiến độ cũng bị đe dọa nếu công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục chậm trễ.
Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông), tiến độ thi công hiện đang phụ thuộc lớn vào khâu giải phóng mặt bằng, vốn là trách nhiệm của UBND TP Thủ Đức.
Dự án thành phần 2 - bồi thường, giải phóng mặt bằng được TP Thủ Đức triển khai từ năm 2016, tổng vốn khoảng 1.190 tỉ đồng.
Tính đến hết tháng 4.2025, mới có 134/195 trường hợp được bàn giao mặt bằng, chiếm khoảng 69%.
Ban Giao thông kiến nghị UBND TP Thủ Đức khẩn trương bàn giao toàn bộ mặt bằng còn lại trước ngày 30.5.2025, nhằm đảm bảo mục tiêu hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 4.2026.
Phía UBND TP Thủ Đức cho biết nguyên nhân chậm trễ chủ yếu do vướng tranh chấp đất đai, chồng lấn ranh giới, các vụ khiếu nại, tố tụng hành chính hoặc người dân chưa đồng ý vì chưa được bố trí nền tái định cư phù hợp.
TP Thủ Đức cho biết đang tháo gỡ các vướng mắc để hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong quý II năm nay.
TP.HCM CHƯA TÍNH THU PHÍ RÁC THEO KÝ
Từ ngày 1.6, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt tại TP.HCM sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Thế nhưng đến thời điểm này, người dân vẫn không biết phải đóng tiền thế nào.
Chỉ thực hiện khi tiến hành phân loại rác tại nguồn
Theo Quyết định 67/2025 của UBND TP.HCM, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (tiền rác sinh hoạt) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.6. Cụ thể, hình thức và mức giá rác sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Nhiều người thắc mắc, có phải từ tháng tới, mỗi lần bỏ rác phải xếp hàng đợi cân ký tính tiền như mua hàng?
Ngày 14.5, đại diện Sở NN-MT TP.HCM xác nhận với PV Thanh Niên: Từ ngày 1.6, việc tính giá thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt theo đơn giá mới và theo khu vực thay vì theo từng quận, huyện như từ trước nay. Chủ nguồn thải nhỏ là các cá nhân, hộ gia đình sẽ được áp dụng định mức 126 kg rác/tháng, đơn giá sẽ theo khu vực như quy định. Với những hộ kinh doanh, nguồn thải lớn cũng sẽ tiếp tục được áp dụng định mức khối lượng như hiện tại nhưng với đơn giá mới. Do vậy, về cơ bản chi phí có biến động nhẹ.
Tuy nhiên, vị này cho biết hiện tại TP.HCM chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn nên chưa áp dụng việc tính phí (đơn giá) theo khối lượng, thể tích. Việc tính đơn giá theo khối lượng, thể tích sẽ được áp dụng khi thành phố tiến hành thực hiện phân loại rác tại nguồn. Khi đó, UBND TP sẽ có hướng dẫn cụ thể về phương pháp, lộ trình thực hiện. "Việc tính phí theo khối lượng cũng sẽ theo hướng đơn giản, thuận tiện chứ không có chuyện phải cân ký mỗi khi người dân đi bỏ rác", vị này khẳng định.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, so với hiện tại, tiền rác do UBND các quận, huyện tự xây dựng và ban hành dựa theo các quy định hiện hành. Còn theo Quyết định 67, tiền rác do UBND TP.HCM quy định và phân theo khu vực với mức giá khác nhau như: khu vực 1 là các quận trung tâm và TP.Thủ Đức; khu vực 2 là Bình Chánh và Củ Chi; và khu vực 3 là các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ.
Ông Nguyễn Trọng Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Grac, đơn vị đang phối hợp với nhiều địa phương ở TP.HCM và các tỉnh thành thực hiện số hóa việc thu gom phân loại rác tại nguồn, thông tin: Theo quyết định mới, đối với nguồn thải là hộ gia đình không có hoạt động kinh doanh ở khu vực 1 sẽ được áp dụng định mức khối lượng rác thải là 126 kg/tháng trở xuống; giá thu gom được áp dụng là 61.000 đồng, giá vận chuyển là 23.000 đồng, cộng thêm 8% thuế VAT thì tổng mức tiền phải trả là 90.720 đồng/hộ. So với trước đây, với cùng định mức phổ biến ở các quận huyện từ 120 - 125 kg thì tổng số tiền rác phải trả có tăng nhẹ; cụ thể tại Q.Phú Nhuận là 83.500 đồng/hộ hay tại Q.Bình Thạnh là 68.000 đồng/hộ... Đối với khu vực 2, theo giá mới thì hộ dân (không kinh doanh) trả tiền rác là 86.400 đồng và khu vực 3 là 82.080 đồng. Các hoạt động thu gom vận chuyển vẫn thực hiện như hiện tại. Đối với những hộ kinh doanh cũng áp dụng theo cách làm và định lượng tương tự.
"Trước đây, thành phố giao về cho địa phương nên mỗi quận một giá thì nay thống nhất cả thành phố chỉ có 3 mức giá theo 3 khu vực. TP.HCM hiện chưa triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn theo luật Bảo vệ môi trường 2020 và mức phí này tính theo giá chưa phân loại được áp dụng cho cả thành phố. Trong trường hợp các hộ gia đình có lượng rác thu gom gia tăng bất thường thì người thu gom sẽ báo với chủ nguồn thải để đảm bảo quyền và nghĩa vụ liên quan của các bên", ông Nguyễn Trọng Minh thông tin.
Đẩy mạnh phân loại rác và số hóa nguồn thải
Luật Bảo vệ môi trường quy định từ ngày 1.1.2025, các hộ gia đình phải thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, đến nay tại TP.HCM việc thực hiện vẫn chỉ "nằm trên giấy". Đại diện Phòng TN-MT (Q.Tân Bình) cho biết trong thời gian qua, địa phương áp dụng chuyển đổi số vào công tác quản lý các chủ nguồn thải đã lọc ra được khoảng 2.000 trường hợp bị trùng lặp so với trước kia. Hiện nay, việc trả phí rác thải, chủ nguồn thải trả 80%, còn 20% được thành phố hỗ trợ. Việc lọc ra được sự trùng lặp này giúp ngân sách thành phố tiết kiệm được một khoản đáng kể. Đây chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh về những tồn tại trong công tác thu gom rác ở địa phương.
Ông Lê Trí Bá, Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích Q.Bình Thạnh, cũng xác nhận việc thu tiền điện, nước rất hiện đại và thuận tiện nhờ đẩy mạnh số hóa nhờ có nguồn lực tốt, trong khi các đơn vị thu gom rác lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc số hóa dữ liệu người dùng/nguồn thải.
Ông Nguyễn Trọng Minh nhấn mạnh rác cũng là tài nguyên và phân loại rác tại nguồn không còn là xu hướng mà trở thành yêu cầu bắt buộc vì đã được luật hóa. Một trong những nguyên nhân khiến chính sách này chưa đi vào cuộc sống là do chúng ta chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về chủ nguồn thải nên việc xử lý chất thải còn khó khăn. Trong khi đó, mô hình thu gom rác dân lập vốn chiếm tỷ lệ đến 60% ở thành phố hiện nay ngày càng giảm hiệu quả.
Theo đó, để phân loại rác tại nguồn hiệu quả, cần tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng. Có thể xây dựng các mô hình thí điểm ở khu dân cư, trường học, cơ quan để tạo thói quen và nhân rộng dần. Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý, ban hành các văn bản hướng dẫn rõ ràng về cách thức phân loại, quy chuẩn cho từng loại rác, lịch thu gom, xử phạt vi phạm. Thứ ba là nâng cấp cơ sở hạ tầng và công nghệ; đầu tư vào hệ thống thu gom - vận chuyển - xử lý tương ứng với các loại rác đã được phân loại. Cần có các nhà máy hoặc dây chuyền xử lý phù hợp; cơ sở hạ tầng đồng bộ sẽ giúp quá trình phân loại thực sự hiệu quả.
Nguồn: Vnexpress; Vietnamnet; Lao Động; Thanh Niên
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá