Phần hay nhất của tác phẩm Faust - Bi kịch Gretchen

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

Bàn về văn học Đức, người ta không thể không nói đến tác phẩm „Faust“ của Đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe. Đó là một trường ca hai tập, khoảng 12 000 câu thơ. Giới quan tâm đến văn học coi „Faust“ là một trong những kiệt tác, đã được dịch ra hơn 50 ngôn ngữ, được dựng thành phim, kịch, họa.

Một trong những phần hay nhất của tác phẩm này là „Bi kịch Gretchen“. Tại sao nhân vật Gretchen lại được tác giả xây dựng thành công đến thế?

Không những là một nhà văn lớn, Goethe còn là nhà triết học, bác sĩ, luật sư. Chính ông đã tham dự phiên tòa xử và kết án tử hình cô Margaretha Brandt, một người hầu nghèo sống ở Frankfurt am Main. Trong một lần ghé qua Đức, một thương gia Hà Lan đã cưỡng hiếp cô. Margaretha kể câu chuyện này với chị gái. Chị cô đã công khai trước công chúng việc này, nên sau khi sinh con cô đã giết đứa bé vì quan niệm xã hội lúc đó rất nặng nề. Người phụ nữ không chồng mà có con là nỗi nhục không gì so sánh nổi.

Sự oan ức đã làm cho Goethe vô cùng xúc động, ông đã xây dựng hình tượng Gretchen trong tác phẩm của mình bằng tất cả tâm huyết và tài năng.

Trước khi giới thiệu nội dung phần hay nhất của tác phẩm, người viết xin đề cập đến hai nhân vật đã quyết định số phận nghiệt ngã của Gretchen: FAUST là giáo sư đại học, hiểu cao biết rộng, lúc nào cũng muốn nghiên cứu trong trào lưu Khai Sáng ở châu Âu lúc bấy giờ. Có lẽ con người Faust hội tụ gần như toàn bộ kiến thức của loài người lúc bấy giờ. MEPHISTO đại diện cho thế giới của ma quỷ, nhưng lại là người luôn bên cạnh Faust, vì hắn đã cá với thượng đế sẽ dụ dỗ được nhà bác học này ăn chơi để không còn lúc nào cũng thiết tha với đèn sách nữa.

Nhân vật chính GRETCHEN là một cô gái mới lớn, con nhà lành thuộc tầng lớp dưới trong xã hội. Cô là một người ngoan đạo đến thánh thiện, quan hệ xã hội rất ít. Ngoài mẹ và anh trai, cô chỉ có hai người bạn gái là Liechen và Barbelchen. Tuần nào cô cũng đến nhà thờ cầu nguyện cho cái thiện, cho sự may mắn trên đường đời.

Mephisto biết, dụ được một người vốn dĩ cả đời muốn cống hiến cho khoa học để ăn chơi và nhụt chí tìm hiểu là một điều rất khó. Nhưng hắn quyết tâm làm và vì thế hết sức kiên nhẫn để chiều lòng Faust. Hắn chi tiền chuyến đi đến những nơi ăn chơi khét tiếng như quán rượu tầng hầm ở Leipzig, đến những nơi phù thủy có thể làm những điều tưởng chừng không thể, để lung lạc Faust. Có một lần vào động phù thủy, Faust được uống một ly nước thần do chính phù thủy pha. Tự nhiên Faust trẻ lại và khao khát một bóng hình phụ nữ mà từ trước đến giờ ông chẳng để ý gì ngoài sách vở. Faust thấy người phụ nữ nào cũng giống Helena, nữ thần Hy Lạp bị bắt cóc đưa sang Troja, nguyên nhân gây ra cuộc chiến 10 năm với truyền thuyết „Con ngựa thành Troja“.

Faust gặp Gretchen rất ngẫu nhiên. Ánh mắt của cô gái mới qua tuổi trăng tròn làm cho Faust choáng váng. Ông lịch lãm ngỏ ý muốn tiễn cô một đoạn đường. Gretchen từ chối và nói rằng, cô chỉ là một cô gái rất bình thường không quyền quý, không xinh đẹp đến mức nghiêng nước nghiêng thành nên tự về được chứ không quen đưa đón. Gretchen muốn giữ phẩm giá và sự trong sáng nên đã khước từ. Nhưng sự xuất hiện của một người đàn ông lạ mặt vẫn đọng lại trong tâm trí cô. Cô tự hỏi, người đàn ông này là ai, có thể đó là một người tuyệt vời mà thượng đế phái xuống? Ít trải đời và sự ngây thơ của tuổi mới lớn, cô đã để những cảm xúc tự phát triển trong mình mà không cần nghĩ đến những hậu quả sau này.

Mephisto phát hiện ra sự thèm khát của Faust nên bàn với ông tìm cách lẻn vào phòng ngủ của cô gái lúc cô đi ra ngoài để giấu một món quà quý. Faust đồng ý nhưng muốn một mình hít thở không khí trong căn phòng đạm bạc nơi Gretchen sống nên không cho Mephisto vào cùng. Cảm giác da thịt trong ông bỗng trỗi dậy. Ông giấu một hộp đồ trang sức do Mephisto chuẩn bị ở trong tủ của Gretchen, rồi hai người biến mất.

Khi trở lại phòng, cô gái có cảm giác là lạ. Cô thầm hát bài về sự chung thủy của tình yêu và tìm thấy trong tủ của mình một hộp đồ trang sức quý giá mà cô chẳng dám mơ tới. Có món quà giá trị trong tay, Gretchen vượt dần khỏi giới hạn của khiêm nhường và những giá trị chỉ đề cao tinh thần mà cô đã được học trong đạo giáo.

Đeo thử những đồ trang sức này, Gretchen thấy mình tự tin hơn. Nhưng cô tự cảm thấy mình không xứng với Faust về mọi mặt. Cô muốn biết Faust thấy cô thế nào và đã hỏi Faust rất thật. Cô mang đồ trang sức được tặng khoe với mẹ nhưng bà mẹ đã nộp cho linh mục nhà thờ. Điều đó làm cho Mephisto rất cáu giận, nhưng Faust vẫn bình tĩnh đặt một hộp quà khác tặng Gretchen.

Điều làm cho Gretchen trăn trở là không biết Faust có yêu cô thực lòng không. Cô đã ngắt một bông hoa rất đẹp. Mỗi lần ngắt một cánh hoa, cánh đầu tiên „Anh ấy yêu tôi“, cánh tiếp là „Anh ấy không yêu tôi“ rồi lặp lại cho đến khi bông hoa không còn cánh. Bông hoa mất dần cánh đồng nghĩa với Gretchen cũng mất dần cái thánh thiện vô tội. Cánh hoa cuối cùng đã nói với cô rằng „Anh ấy yêu tôi!“. Tính ngây thơ của cô gái mới lớn thể hiện rất rõ trong trò chơi này của giới trẻ!

Tìm thấy hộp quà thứ hai trong tủ, Gretchen không khoe với mẹ nữa mà khoe với người hàng xóm Martha. Bà tự tay trang điểm cho Gretchen. Đúng thời điểm đó thì Mephisto xuất hiện, tự giới thiệu là người quen của chồng bà và chính anh ta chứng kiến sự hy sinh trong chiến trận của ông ấy. Bà mong chờ một người như thế đã từ lâu nên Faust có điều kiện gặp Gretchen rất êm thấm.

Gretchen kể cho Faust nghe hoàn cảnh của mình trong những giây phút bên nhau. Cô kể rằng, cha và em gái cô đã chết, anh trai là lính, cô ở với mẹ để giúp đỡ công việc hàng ngày. Họ tỏ tình với nhau, một tình yêu không môn đăng hậu đối. Khoảng cách giữa hai người rất xa nhau, cả về trình độ lẫn nguồn gốc xuất thân.

Họ hôn nhau và hẹn một đêm chung sống. Lúc đó Gretchen khẽ hát một bản tình ca muốn thể hiện rằng, không có Faust cô không thể hạnh phúc và không thể sống được nếu mất Faust. Mặc dù biết đã vi phạm những giá trị lễ giáo nhưng cô vẫn sẵn sàng cống hiến cho tình yêu. Cô cũng chân thật muốn biết Faust nghĩ gì khi cô chỉ là một cô gái rất nghèo, không được học hành đáng kể và Faust có theo một tín ngưỡng nào không. Faust chậm rãi nói rằng, ông là người vô thần. Điều đó làm cho Gretchen không tin và không thể yên lòng. Ngoài ra cô linh cảm thấy Mephisto luôn ám ảnh cô, rất khó hiểu.

Faust và Mephisto đi dạo trong rừng mong thiên nhiên làm cho ông tỉnh táo. Thế nhưng ruột gan ông như lửa đốt, chỉ muốn quay lại ngay tìm Gretchen. Ông biết làm điều đó sẽ đẩy Gretchen vào con đường bất hạnh, nhưng tính ích kỷ trong ông đã thắng.

Vắng Faust, Gretchen luôn cảm thấy trống trải và nhớ nhung. Tâm tư ấy cô thể hiện qua bài hát „Sự yên lặng của tôi đã ra đi“. Cô không còn cảm thấy mình là một thiếu nữ nữa, mà là một người đàn bà đầy khát vọng.

Đêm hôm đó, vì mong không bị mẹ quấy rầy, Gretchen đã cho mẹ uống một liều thuốc ngủ mạnh pha trong nước trái cây (do Mephisto chuẩn bị). Và nó đã làm cho bà không bao giờ tỉnh dậy nữa. Faust và cô đã phạm tội giết chết mẹ mình, sau đó cô mang thai.

Gretchen có hai người bạn gái thân là Liechen và Barbelchen. Liechen tình cờ gặp Gretchen bên giếng nước rồi kể, Barbelchen sắp có con và bị người tình bỏ rơi. Cô ấy đang bị thiên hạ khinh thường. Trước kia Gretchen rất nhiệt tình bình luận những đề tài như thế, nhưng lần này cô giật mình nghĩ đến số phận mình và linh cảm rằng, mình cũng sẽ bị trừng phạt. Không có ai để tâm sự những uẩn khúc, cô đã đến thánh đường tìm lời an ủi của Maria.

Anh trai của Gretchen tên là Valentin, một người lính. Khi nghe tin em gái dính vào vụ bê bối thì cảm thấy bị xúc phạm không thể chịu nổi. Là người lính, anh quyết định rửa nhục lấy lại thanh danh cho gia đình, tìm cách hạ sát tình nhân của em.

Ngay trước cửa nhà mình, Valentin gặp Faust và Mephisto. Lúc đó Mephisto đang hát một bài có nội dung éo le, gần giống như hoàn cảnh của Gretchen nhưng phảng phất âm thanh nhạo báng. Không thể chịu được, Valentin rút gươm tấn công Faust và Mephisto. Valentin là lính chiến nên quen với cung kiếm binh đao, còn Faust chỉ là một học giả chưa bao giờ một lần cầm kiếm. Nhưng khi bị thách đấu, Faust cũng sẵn sàng vì đó là danh dự của một thằng đàn ông. Nhờ ảo thuật của Mephisto, lưỡi gươm của Faust đã hạ gục Valentin. Sau khi giết Valentin, hai người bỏ chạy. Cả khu phố thức giấc đổ ra đường, trong đó có cả Gretchen và Martha. Trước khi chết, Valentin vẫn còn sỉ nhục em là con điếm trước bàn dân thiên hạ.

Sau vụ này, Faust trốn khỏi thành phố, còn Gretchen hoang mang đến cực độ. Cô đã giết chết đứa con còn đỏ hỏn khi dìm đứa bé vào bể tắm. Cô cảm thấy vô cùng ngột ngạt và không còn đường thoát.

Cô đến nhà thờ và nhận ra rằng, cô đã tham gia giết mẹ, có mang khi không có chồng và vì thế dẫn đến cái chết của anh trai. Cô cảm thấy mọi ánh mắt đều buộc tội cô. Chủ đề giảng đạo của nhà thờ hôm đó lại là „Sự tận thế của trái đất và tòa án công lý sẽ trừng phạt người có tội“, cô ngất xỉu. Khi tỉnh lại, cô bị bắt tống giam vì giết con.

Để làm Faust bớt phiền muộn, Mephisto đưa ông đến Walpurgis nhân ngày hội của quỷ, bên sườn dãy núi Harz. Quỷ thần nhảy múa và thể hiện những điều huyền bí vượt quá khả năng con người. Trong đêm đó, Faust nhìn thấy xa xa một đứa bé rất đẹp nhưng nhợt nhạt. Nó rất giống Gretchen nhưng mắt như đã chết và có một dải dây đỏ quấn quanh cổ. Ông hiểu rằng, Gretchen sắp bị hành quyết.

Ông đau khổ đến cực độ và kết tội Mephisto đã gây ra thảm cảnh này. Faust ra lệnh cho Mephisto bằng mọi giá phải cứu Gretchen. Hai người cưỡi một con ngựa thần màu đen nhanh chóng đến nơi tuyệt mật, nơi giam giữ Gretchen.

Đến được nhà tù, Mephisto dùng ảo thuật đầu độc người gác cổng. Faust vào được nhà giam, nhưng Gretchen đã bị điên không nhận ra ông mà cứ tưởng đao phủ đến dẫn đi. Khi ông gọi tên, cô mới giật mình nhận ra người tình. Ý nghĩ được cứu thoát vụt hiện trong đầu cô. Gretchen lao đến hôn Faust, nhưng ông không thể hôn cô lúc này vì phải rời khỏi đây nhanh nhất như có thể.

Khoảnh khắc ấy làm cô bàng hoàng và rất thất vọng vì Faust từ chối hôn cô. Cô không muốn trốn thoát cùng Faust nữa. Sự xuất hiện của Mephisto càng làm cho cô quyết tâm không đi. Cô phó thác cho định mệnh, cho tòa án của chúa trời. Gretchen cảm thấy mình có tội và xứng đáng với cái chết.

Biết không lay chuyển được ý chí của Gretchen, Faust nói rằng ông không muốn sống nữa. Nhưng sau đó chữa lại, ông cần phải sống để chăm sóc mộ của toàn bộ gia đình và cả mộ của Gretchen. Gretchen nói với Faust lời cuối cùng là đừng chôn cô cùng những ngôi mộ của gia đình, vì cô là một kẻ tội lỗi, nhưng hãy chôn cô ở gần đó. Đó là sự ân hận sâu sắc của cô gái có số phận nghiệt ngã.

Cô bị hành quyết, nhưng linh hồn đã được tự do. Màn bi kịch này kết thúc đã lấy đi nước mắt của không biết bao nhiêu người hơn hai thế kỷ qua. Người ta đều hỏi: Sao lại có những số phận nghiệt ngã đến thế! Đó cũng là phần hay nhất của kiệt tác Faust, xin được giới thiệu với bạn đọc trong những ngày Noel năm 2021, khi thế giới vẫn chìm trong đại dịch.

(Nguồn: Tác giả Nhà giáo Nguyễn Thế Tuyền, Berlin - Bài và ảnh trên FB Tuyen Nguyen)

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Thơ

Tiền là bạc; Trăng lúc tròn lúc khuyết, người lúc buồn lúc vui – Hãy tin tất cả sẽ an bài đẹp nhất  

25/04/2024

  Bàn về văn học Đức, người ta không thể không nói đến tác phẩm „Faust“ của Đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe. Đó là một trường ca hai tập, khoảng 12 0

Thông điệp hôm nay; Nghịch lý cuộc sống

24/04/2024

  Bàn về văn học Đức, người ta không thể không nói đến tác phẩm „Faust“ của Đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe. Đó là một trường ca hai tập, khoảng 12 0

Hạnh phúc là khi đã cố gắng hết mình; Định  nghĩa vui về chồng

23/04/2024

  Bàn về văn học Đức, người ta không thể không nói đến tác phẩm „Faust“ của Đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe. Đó là một trường ca hai tập, khoảng 12 0

Văn xuôi

Những lời nói vô giá, để bạn ngẫmlại chính mình; Một bài học đơn giản nhưng quý báu

13/04/2024

  Bàn về văn học Đức, người ta không thể không nói đến tác phẩm „Faust“ của Đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe. Đó là một trường ca hai tập, khoảng 12 0

Nhịn; Đừng cãi

10/04/2024

  Bàn về văn học Đức, người ta không thể không nói đến tác phẩm „Faust“ của Đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe. Đó là một trường ca hai tập, khoảng 12 0

Sự thật nơi đáy giếng; Khi thấy buồn bực, chên vênh, mơ hồ về định hướng cuộc đời

09/04/2024

  Bàn về văn học Đức, người ta không thể không nói đến tác phẩm „Faust“ của Đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe. Đó là một trường ca hai tập, khoảng 12 0

Lên đầu trang