Những người tỵ nạn. Từ hai phía

Khu nhà mình ở có rất nhiều người tỵ nạn đến tạm cư. Mình tiếp xúc thấy họ đều điềm tĩnh, thứ điềm tĩnh quý báu của một dân tộc không hoảng loạn trước cái chết. Phải chạy trốn bỏ lại quê hương đang chìm trong máu lửa chiến tranh, họ không có cái dáng vẻ hoảng sợ, chụp giật, ta đây hay ngược lại, khom mình. Điềm tĩnh, với một chút tổn thương rất nhẹ thoáng qua trong thần thái, nhưng tự trọng, đó là cảm giác chung của mình khi tiếp xúc với họ.

Thoạt tiên mình tưởng tất cả đều là người Ukraine. Sau mới biết, cả hai, cả bên gây chiến lẫn bên phản chiến đều chạy loạn đến nước này. Nhưng có một chút khác biệt. Người Nga tự ti hơn, co cụm hơn, họ cũng rất ngại khi nhận mình là người Nga.

Hồi đầu, mình cũng không phân biệt được đâu là người Ukraine đâu là người Nga do chưa có kinh nghiệm. Một bên được chào đón và bên kia, miễn cưỡng bị chào đón. Một bên gây ra cuộc chiến và một bên bị đẩy vào cuộc chiến. Cho nên, chỉ xét riêng về hoàn cảnh mà nói, người Nga chả có cớ gì để mà khệnh khạng ta đây ở đất nước này. Đức từ đầu cuộc chiến cũng như 40 quốc gia khác trên thế giới, đứng về phía Ukraine ,phe chính nghĩa”. Còn Nga kiều ở Đức lâu rồi thì khác. Mình không thích họ với tư cách là khách hàng. Người Đức khi mua hàng rất dễ chịu, người Nga, ngược lại. Văn hoá cả đấy. Văn hoá đo bằng chiều dài cả một dân tộc. (Cứ nhìn cách người Việt từ quốc nội sang Đức vào quán xem. Coi nhân viên như rác, kiểu không khệnh khạng xấc xược nó không oai.)

Mình không nói chuyện được nhiều với họ do bất đồng ngôn ngữ. Tiếng Nga/Ukraine của mình chỉ biết mỗi nhét và nhe, còn họ, mới sang Đức được ít ngày. Thậm chí, mới sang ngày hôm qua.

Đó là một bà mẹ đến mua hoa cho con gái sinh nhật 18 tuổi. Con bé đón sinh nhật sau một cuộc chạy loạn kinh hoàng. Biên giới Phần Lan đã đóng cửa, họ đi vòng qua một nước khác rồi vào Đức. Bó hoa sinh nhật của bà mẹ này không giống với bó hoa của một người tỵ hạn. Nó rất xa xỉ. Khi trả tiền, mắt bà vẫn còn lộ vẻ thất thần với một chút nhợt nhạt chưa kịp bay màu do cuộc đào thoát. Tờ 100 Euro mới cứng. Không biết họ để dành hay từ nguồn viện trợ nào. Tất nhiên, họ có tiền.

Tôi không phải là người Ukraine. Tôi là người Nga. Sau cùng, bà nói, thông qua cô bé phiên dịch đi cùng. Cô hỏi tôi có sợ không à. Không, tôi không sợ. Nhưng tôi không thích chiến tranh. Tất cả những ai không thích cuộc chiến tranh của Putin đều chọn cách ra đi. Bà nói.

“Bà đi được vì bà có tiền”. Mình thầm nghĩ. Tự nhiên thấy thương dân Nga kinh khủng. Họ có tội gì mà bầu một tên độc tài khát máu lên làm thủ lĩnh rồi phải bỏ chạy khỏi tổ quốc mình?

Ở một lần khác, mình gặp một gia đình người Việt chạy loạn từ Ukraine sang. Họ được thành phố cấp cho một căn hộ bé xíu ở tầng gác mái. Căn nhà cổ này là của vợ chồng anh bạn vừa mua xong còn đang sửa chữa lanh tanh bành. Ban ngày, đôi vợ chồng tỵ nạn đi làm, chỉ có thằng bé con ở nhà. Mình gặp nó ở cầu thang. Thằng bé học lớp 6 đứng gần chạm lên trần nhà. Cứ đà này, nó sẽ phải cúi nếu không muốn bị bươu đầu.

Cháu tên là gì? Cháu tên Thừa!

Sao lại Thừa? À đúng rồi. Cháu có tên nào khác không? (Thằng bé nói một cái tên).

Cháu sang đây lâu chưa? Được ba tháng rồi ạ.

Cháu đi bằng gì? Bằng ô tô ạ.

Cháu có sợ không? Cháu không sợ. Nhưng cháu nhớ các bạn cháu.

Thế ở đây cháu có bạn chưa? Có nhưng ít ạ, chỉ là bạn ở lớp thôi ạ.

Thằng cu Thừa trả lời các câu hỏi của đồng hương một cách chật vật bằng tiếng Việt ngọng ngịu. Trông nó ngơ ngác, như mất một cái gì lớn lắm.

Phải rồi, mất gì lớn bằng đánh mất quê hương. Lớn lên, cháu mới hiểu được điều đó. Còn bây giờ, thôi thì ở lại đây. Đất nước này không rộng nhưng lòng người đủ lớn để dìu nhau qua cơn binh biến không biết khi nào mới kết thúc.

Và kết thúc như thế nào, cũng vẫn là mất mát.

Cho cả hai phía.

(Xem thêm:

=> Một thời ta đã yêu).

Nguồn: FB Kiều Thị An Giang

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang