.jpg)
TUẦN LỄ TÔN VINH VĂN HÓA VIỆT TẠI MỸ
Tuần lễ Việt Nam 2024 được Vietnam Society, một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa của người Việt ở Mỹ, đã diễn ra tại khu bảo tàng châu Á thuộc hệ thống bảo tàng Smithsonian, từ ngày 4-12/10.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, đến với chương trình, những người tham dự được chiêm ngưỡng phần biểu diễn các trang phục thời cung đình triều Nguyễn, tìm hiểu các bản khắc gỗ truyện Kiều, ca dao, tục ngữ cổ và thưởng thức những món ăn mang đậm phong vị ẩm thực Huế.
Theo anh Andrew Well Đặng, một chuyên gia về Việt Nam của Viện Hòa bình Mỹ (USIP), khu bảo tàng nghệ thuật châu Á này là bảo tàng lâu đời dành cho các chuyên gia và công chúng Mỹ. Việt Nam có một nền văn hóa giàu có và phong phú trong chiều dài lịch sử lâu đời, rất cần giới thiệu với mọi người. Chương trình này đã giới thiệu được nhiều điều theo cách mà công chúng Mỹ yêu thích.
Còn chị Nguyễn Thị Hải Triều, một du khách tới từ thành phố Houston, bang Texas chia sẻ: "Mình thấy cái gì ở đây cũng đẹp, chưa bao giờ được thưởng thức văn hóa Việt Nam trong một không gian lý tưởng như thế này. Và mình thấy rất tự hào về văn hóa Việt”.
Tuần lễ Việt Nam năm nay được kết hợp giữa Vietnam Society với các bạn trẻ người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại khu vực thủ đô nước Mỹ cùng một số nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử được mời từ Việt Nam và một số người Việt đại diện tại các bang khác nhau của nước Mỹ tới tham dự. Chương trình đã mang đến cho du khách một cái nhìn cuốn hút về Việt Nam thông qua những bộ trang phục cung đình đầy màu sắc mà tinh tế, cũng như những lễ rước cung đình vào cuối thế kỷ 19. Chị Erin Stenhauer Phương, người sáng lập tổ chức Vietnam Society cho biết chương trình này giúp cộng đồng gắn kết, cùng nhau bảo tồn các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam. Chị chia sẻ: "Trong khung cảnh tuyệt vời của Viện bảo tàng châu Á, chúng tôi rất tự hào được giới thiệu những gì thật hấp dẫn trong hàng nghìn năm văn hóa truyền thống của người Việt cho bạn bè quốc tế, công chúng người Mỹ và những người Việt tại Mỹ".
Viện bảo tàng nghệ thuật châu Á nằm trong hệ thống bảo tàng thuộc viện Smithsonian, mỗi năm thu hút hàng chục triệu lượt khách tham quan. Viện bảo tàng nghệ thuật châu Á thường xuyên có những chương trình triển lãm chuyên sâu giới thiệu văn hóa các nước thuộc khu vực châu Á. Để có được chương trình giới thiệu văn hóa Việt ở đây là điều không hề dễ dàng bởi sự đòi hỏi về tính chuyên nghiệp và giá trị thông tin văn hóa cao. Vietnam Society những năm gần đây thường xuyên có những chương trình giới thiệu văn hóa truyền thống Việt Nam tại bảo tàng nghệ thuật châu Á vào mỗi dịp Tết nguyên đán, bên cạnh những hoạt động giới thiệu văn hóa của những cộng đồng khác như Trung Quốc và Hàn Quốc…
Bên cạnh các hoạt động văn hóa, Tuần lễ Việt Nam 2024 còn tổ chức Diễn đàn Thanh niên về Di sản và Hòa bình. Với thông điệp cùng chung gốc rễ, cội nguồn và tương lai chung, diễn đàn đã trao quyền cho các bạn trẻ người Mỹ gốc Việt và các bạn trẻ đang sinh sống, học tập và làm việc tại Mỹ chia sẻ ý tưởng, tầm nhìn của họ đối với tương lại.
Diễn đàn cũng mời những chuyên gia trong lĩnh vực này của Viện hòa bình Mỹ, các học giả và Học viện Ngoại giao Việt Nam tham gia thảo luận bàn tròn với các bạn trẻ, nhằm xây dựng một tầm nhìn chung, cùng nhau tạo dựng một nước Việt Nam thịnh vượng và hòa bình.
Tuần lễ Việt Nam 2024 đã tôn vinh di sản văn hóa giàu có của Việt Nam, làm phong phú thêm bản sắc của người Mỹ gốc Việt, đồng thời tôn vinh những thành tựu của cộng đồng người Mỹ gốc Việt và truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai.
NHỮNG NỖ LỰC CỦA THẾ HỆ KIỀU BÀO TRẺ TRONG VIỆC LAN TỎA TIẾNG VIỆT
"Tròng trành" hay "chòng chành", đâu mới là cách dùng đúng? "Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay" nghĩa là gì? Những câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng lại gợi mở sự phong phú của ngôn ngữ tiếng Việt. Đây là một trong những chủ đề mà trang Facebook “Tiếng Việt giàu đẹp” do anh Lê Trọng Nghĩa, một kỹ sư phần mềm sống tại Tokyo, Nhật Bản, thường xuyên giải đáp cho cộng đồng người Việt xa quê.
Hành trình của dự án “Tiếng Việt giàu đẹp”
Dự án "Tiếng Việt giàu đẹp" bắt đầu năm 2012 như một sở thích cá nhân của Nghĩa khi anh là học sinh lớp 11. Khi ấy, đó là nơi để Nghĩa chia sẻ các bài viết về tiếng Việt và văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, sau khi sang Nhật du học vào năm 2015 và ở lại làm việc, Nghĩa nhận ra rằng tiếng Việt là một người bạn trân quý bởi "dù cho có thông thạo tiếng nước ngoài đến đâu thì cũng chẳng thể nào dùng thứ tiếng ấy để diễn đạt được hết tâm tư, tình cảm như tiếng nói quê mình". Từ đó anh quyết định quyết định phát triển trang "Tiếng Việt giàu đẹp" không chỉ nhằm lan tỏa tình yêu tiếng Việt mà còn giúp gìn giữ ngôn ngữ trong cộng đồng kiều bào.
Dự án thực sự được biết đến rộng rãi sau sự kiện “Ngày Tôn vinh tiếng Việt” (21/2 - Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ được UNESCO công nhận) vào năm 2021, thu hút sự tham gia của đông đảo cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Để chào mừng sự kiện này, nhóm của Nghĩa tổ chức hai cuộc thi viết ca ngợi tiếng Việt và "Tiếng Việt qua tranh vẽ". Năm 2022, "Tiếng Việt giàu đẹp" tiếp tục tổ chức chuỗi sự kiện kỷ niệm ngày 21/2, bao gồm đăng tải loạt truyện dài kỳ về tiếng Việt, tổ chức cuộc thi viết "Tiếng Việt muôn màu", thi hát "Tiếng Việt trong những lời ca". Nhóm cũng tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến mang tên "Tiếng Việt trong tôi" với sự tham gia của PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và TS Nguyễn Thế Dương - Giám đốc Trường Yêu tiếng Việt tại Úc.
Từ một trang Facebook, “Tiếng Việt giàu đẹp” đã chuyển mình thành một tổ chức phi lợi nhuận với hàng loạt dự án bảo tồn tiếng Việt. Hiện nay, fanpage của tổ chức có hơn 148.000 người theo dõi, tiếp cận hàng ngàn người trẻ Việt ở nước ngoài.
Anh Nghĩa chia sẻ: “Tiếng Việt giàu đẹp” không chỉ là tên của tổ chức mà còn là thông điệp mà tất cả những thành viên muốn gửi gắm đến cộng đồng. Chúng tôi không dừng lại ở việc tìm hiểu cái hay, cái đẹp của tiếng Việt mà còn muốn lan tỏa những cái hay, cái đẹp đó đến với cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ. Với các bài viết gần gũi, sinh động, chúng tôi hy vọng mang đến một góc nhìn thân thiện hơn về ngôn ngữ học, đồng thời khơi dậy niềm tự hào về sự đa dạng, phong phú của tiếng nói quê nhà. Từ đó, mỗi người con Việt sẽ tự nâng cao ý thức giữ gìn, lan tỏa và phát huy những giá trị cao đẹp của tiếng Việt thân thương”.
Lan tỏa tiếng Việt qua văn học và giảng dạy
Câu chuyện giữ gìn tiếng Việt không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu ngôn ngữ, mà còn được thể hiện qua văn học và giảng dạy. Tại Trại hè Việt Nam 2024, Nguyễn Nam Khánh, một thanh niên gốc Việt đang sinh sống tại Pakistan, đã mang theo cuốn "Truyện Kiều" của Nguyễn Du để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Khánh tin rằng văn học là cầu nối giữa cậu và quê hương, giúp duy trì sự kết nối về ngôn ngữ và văn hóa.
“Em thường tìm bản dịch tiếng Anh của "Truyện Kiều" để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè bản xứ”, Khánh nói.
Khánh còn truyền tải tiếng Việt qua những buổi gặp gỡ bạn bè quốc tế. Những bữa ăn truyền thống Việt Nam mà Khánh tổ chức tại nhà đã trở thành cơ hội tuyệt vời để cậu giới thiệu về ngôn ngữ, văn hóa và nguồn cội của mình.
Trong khi đó, Lê Nguyễn Lưu An, một kiều bào trẻ tại Malaysia, chọn cách bảo tồn tiếng Việt bằng việc giảng dạy. Cùng mẹ mình, An tham gia giảng dạy cho con em kiều bào tại Câu lạc bộ tiếng Việt. “Mỗi ngày nhìn các em tiến bộ, có thể viết, đọc và giao tiếp bằng tiếng Việt, em cảm thấy rất tự hào”, An cho biết. Việc dạy tiếng Việt không chỉ giúp các em duy trì ngôn ngữ mà còn gắn kết các thế hệ trong gia đình, giúp các em gần gũi hơn với cội nguồn văn hóa.
Công nghệ - Cầu nối bảo tồn tiếng Việt
Trong thời đại số, công nghệ mở ra nhiều cơ hội cho việc bảo tồn và lan tỏa tiếng Việt. Các ứng dụng học tiếng Việt như Monkey Junior, Duolingo... là công cụ hữu ích cho nhiều bạn trẻ. Tại Chiba (Nhật Bản), bé Bùi Lê Bảo Châu (9 tuổi) đã học tiếng Việt thông qua phần mềm Monkey Junior. Với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, ứng dụng đã thiết kế nhiều bài giảng gần gũi dễ hiểu để trẻ em người Việt ở nước ngoài cũng có thể học tiếng Việt cách dễ dàng. Châu cho biết: “Con học được cách đánh vần và viết tiếng Việt. Nhờ ứng dụng mà việc học tiếng Việt trở nên thú vị hơn rất nhiều”.
Cùng với các ứng dụng, học tiếng Việt qua truyền hình cũng là một phương thức để thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài học ngôn ngữ quê hương. Lên sóng từ năm 2018, chương trình "Xin chào Việt Nam" do VTV4 sản xuất với những hình thức thể hiện mới mẻ là địa chỉ học tiếng Việt quen thuộc dành cho người Việt ở nước ngoài. Với các tập trải nghiệm văn hóa và đời sống tại Việt Nam cùng người nước ngoài, chương trình không chỉ cung cấp kiến thức ngôn ngữ mà còn mang lại cái nhìn gần gũi về quê hương cho người Việt ở xa xứ.
Bên cạnh đó, các kênh YouTube như "Learn Vietnamese With Annie" cũng trở thành địa chỉ phổ biến giúp giới trẻ gốc Việt tiếp cận ngôn ngữ. Với cách dạy sáng tạo và thực tế, Annie, một cô gái gốc Việt sống tại Úc, đã thu hút gần 40.000 lượt người đăng ký. Những câu chuyện đời thường, tình huống giao tiếp thực tế mà Annie đưa vào bài giảng đã giúp nhiều bạn trẻ dễ dàng học tiếng Việt và tiếp cận với văn hóa Việt Nam.
Các cộng đồng trực tuyến cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn tiếng Việt. Những nhóm Facebook, diễn đàn đã thu hút hàng ngàn thành viên từ khắp nơi, nơi mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm học tập, tài liệu và câu chuyện về ngôn ngữ mẹ đẻ.
Nỗ lực bảo tồn tiếng Việt của giới trẻ kiều bào không chỉ là câu chuyện cá nhân, mà còn là sự kết hợp giữa công nghệ và lòng tự hào dân tộc. Từ các dự án phi lợi nhuận đến sự hỗ trợ của công nghệ, giới trẻ Việt ở nước ngoài đang từng bước giữ gìn và lan tỏa vẻ đẹp của ngôn ngữ quê hương, giữ vững bản sắc văn hóa trong lòng mỗi người con Việt Nam xa xứ.
CHƯA TÌM THẤY 2 NGƯỜI VIỆT BỊ SÓNG CUỐN MẤT TÍCH TẠI NHẬT

Ngay sau khi nhận được thông tin về việc 2 công dân Việt Nam bị sóng biển cuốn trôi mất tích tại bờ biển thành phố Kamisu, tỉnh Ibaraki, miền Đông Nhật Bản., Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã khẩn trương tiến hành công tác bảo hộ công dân và đã có những kết quả bước đầu, nhưng đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa tìm thấy 2 người này.
Đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã đến hiện trường xảy ra sự cố để làm rõ thêm thông tin. Trước đó, đoàn đã làm việc với các cơ quan chức năng của Nhật Bản bao gồm cảnh sát Ibaraki, chính quyền địa phương và nghiệp đoàn quản lý lao động phái cử…
Theo Tham tán Vũ Tiến Hân - Trưởng phòng Lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam, đã xác minh được danh tính của 2 người mất tích là Võ Minh S. và Ngô Xuân B., đều là lao động Việt Nam đang làm việc tại địa phương. Ông Hân nói:
“Sau khi nhận được tin có người Việt Nam bị nạn khi đi câu cá trên bờ biển tỉnh Ibaraki. Lãnh đạo Đại sứ quán đã chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp bảo hộ công dân. Chúng tôi đã liên hệ với cảnh sát Nhật Bản, cử đoàn công tác đến hiện trường, làm việc với các cơ quan hữu quan của bạn. Đoàn công tác đã đề nghị cảnh sát và các đơn vị cứu hộ của Nhật Bản tiếp tục thực hiện các biện pháp tìm kiếm, cứu nạn, đồng thời đề nghị các nghiệp đoàn, các công ty tiếp nhận lao động Việt Nam bảo vệ sự an toàn và quyền lợi của lao động Việt Nam. Các đơn vị liên quan của Nhật Bản khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để cứu hộ người mất tích cũng như bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam”
Đại sứ quán Việt Nam cũng cho biết thêm, các công ty tiếp nhận lao động sẽ liên lạc với gia đình những người mất tích đang ở trong nước và sẽ tiếp tục có các bước cần thiết để bảo hộ công dân, cũng như tạo điều kiện cho các gia đình người mất tích trong công tác tìm kiếm, cứu nạn. Được biết, hai người này cùng một nhóm bạn người Việt Nam câu cá tại khu vực cấm và thường xuyên có cảnh báo nguy hiểm vì sóng dữ.
Nguồn: Thể thao & Văn hóa; Việt Báo; VOV
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá