Người Việt hải ngoại: Tri ân liệt sỹ ở Lào; Hỗ trợ trẻ mồ côi; Tháng Thanh niên ở Nam Sudan; Cô gái Thụy Điển tìm mẹ

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI TỈNH OUDOMXAY CỦA LÀO TRI ÂN ANH HÙNG LIỆT SỸ

(Ảnh minh họa).

Trong không khí trang nghiêm, đại diện cộng đồng người Việt tại Oudomxay đã thành kính dâng hương, hoa bày tỏ lòng biết ơn sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ để thế hệ hôm nay có cuộc sống hòa bình.

Tối 23/3, Hội người Việt Nam tỉnh Oudomxay (Bắc Lào) đã tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ công ơn 4 anh hùng liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ quốc tế tại các tỉnh Bắc Lào.

Đây là những anh hùng liệt sỹ đầu tiên được đội quy tập hài cốt liệt sỹ Quân khu 2 tìm kiếm, cất bốc trong mùa khô 2022-2023.

Hài cốt 4 anh hùng liệt sỹ đã được đội quy tập hài cốt liệt sỹ Quân khu 2 tìm kiếm, cất bốc tại tỉnh Luang Namtha, Bắc Lào, tất cả đều chưa xác định được danh tính, quê quán.

Trong không khí trang nghiêm, đại diện cộng đồng người Việt tại Oudomxay đã thành kính dâng hương, hoa bày tỏ lòng biết ơn sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ để thế hệ hôm nay có được cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc.

Theo kế hoạch, đội quy tập hài cốt liệt sỹ Quân khu 2 sẽ tiếp tục tìm kiếm, xác minh thông tin, cất bốc hài cốt các liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ quốc tế tại các tỉnh Bắc Lào để hồi hương trong mùa khô 2022-2023.

Công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam tại 6 tỉnh Bắc Lào được đội tìm kiếm quy tập mộ liệt sỹ Quân khu 2 triển khai từ năm 1994.

Đến nay, qua xác minh gần 4.300 thông tin về mộ liệt sỹ, đội đã tìm kiếm cất bốc và hồi hương được gần 1.800 bộ hài cốt liệt sỹ, trong đó có hơn 360 bộ hài cốt có thông tin./.

(Nguồn: Quê Hương Online)

Cùng con đi tiếp cuộc đời: Vòng tay người Việt ở nước ngoài nâng niu trẻ mồ côi

Những hoàn cảnh khốn khó của các gia đình bị ảnh hưởng hậu đại dịch Covid-19 đăng tải trên Thanh Niên tháng 2 và tháng 3 vừa qua đã nhận được sự chung tay, giúp đỡ của nhiều bạn đọc trong và ngoài nước.

Sau buổi ký thỏa thuận bảo trợ cho 7 trẻ vào ngày 5.3, sáng qua (23.3), có thêm 16 trẻ nữa được bảo trợ từ các nhà bảo trợ cá nhân, trong đó có nhà bảo trợ là người Việt ở nước ngoài.

Sự chu đáo của cặp vợ chồng việt kiều Đức

Một ngày cuối tháng 2.2023, vợ chồng ông Lê Thế Hùng, Việt kiều Đức, tìm đến Báo Thanh Niên, gặp gỡ những người làm chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời. "Thanh Niên là tờ báo mà vợ chồng tôi đọc thường xuyên và tôi đặc biệt ấn tượng với chương trình bảo trợ, nâng đỡ trẻ mồ côi sau đại dịch mà Báo thực hiện. Đây là hoạt động rất ý nghĩa, nhân văn mà Báo Thanh Niên làm được và làm thành công nên chúng tôi đến đây để mong góp một phần nhỏ, chăm lo cho các con", ông Lê Thế Hùng chia sẻ.

Sau khi tìm hiểu về chương trình, vợ chồng ông Hùng quyết định bảo trợ cho 7 trẻ mồ côi, gồm các cháu: N.T.Tr, N.T.H (đường Bình Đông, P.15, Q.8); P.N.T.A (TT.Hóc Môn, H.Hóc Môn), L.T.Q.C, L.V.H.A (đường Rạch Cát Bến Lức, P.7, Q.8); T.N.Q.N (thương xá Nhị Thiên Đường, P.5, Q.8) mỗi trẻ 1 triệu đồng/tháng và cháu H.V.H (đường Đình Nghi Xuân, KP.10, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) mỗi tháng 2 triệu đồng. "Chúng tôi sẽ bảo trợ, hỗ trợ 7 trẻ trong 1 năm. Hết năm, tùy theo tình hình của gia đình các trẻ cũng như điều kiện kinh tế của vợ chồng tôi, chúng tôi sẽ bảo trợ tiếp", bà Mỹ, vợ ông Hùng, cho biết.

Khi biết sẽ có buổi ký thỏa thuận bảo trợ giữa Báo Thanh Niên với vợ chồng ông Hùng và gia đình 7 trẻ vào sáng 23.3, vợ chồng ông Hùng ngoài chuẩn bị phong bì để trao tiền bảo trợ tháng đầu tiên cho các trẻ, hai ông bà còn lặn lội đi mua quà cho từng trẻ. Mỗi trẻ khác nhau ở độ tuổi, giới tính nên vợ chồng ông Hùng phải chọn quà gì, chọn giấy màu nào để gói cho hợp lứa tuổi của các cháu, sau đó ghi tên từng trẻ trên mỗi món quà. "Tôi thật sự thấy ấm áp và hạnh phúc khi mang đến một chút niềm vui, sự hỗ trợ cho các con và gia đình các con. Sự đóng góp của vợ chồng tôi nhỏ lắm so với những mất mát mà các con và gia đình đã gánh chịu do đại dịch Covid-19. Cảm ơn sự chu đáo, nhiệt tình của Báo Thanh Niên khi tổ chức buổi ký thỏa thuận rất ấm áp, trang trọng", ông Lê Thế Hùng chia sẻ sau lễ ký thỏa thuận.

Sẽ vận động nhiều người tham gia bảo trợ

Ở buổi lễ ký thỏa thuận bảo trợ sáng 23.3, ngoài vợ chồng ông Hùng bảo trợ cho 7 cháu, còn có anh Phạm Dương Sang (Công ty Luật hợp danh Sài Gòn Việt Nam) bảo trợ trẻ H.N.C.T (sinh năm 2019) đến năm 18 tuổi; ông Trần Hai (Q.Bình Thạnh) bảo trợ cho hai con của anh Đào Công Tú (Q.Bình Tân), nhân vật trong bài Nhọc nhằn gánh nặng trên vai người thợ hồ đăng trên Thanh Niên ngày 1.3, mỗi tháng 2 triệu đồng trong vòng 1 năm; anh Nguyễn Xuân Hiệp (Q.Bình Thạnh) bảo trợ cho hai con của chị Trần Thảo Nguyên (H.Bình Chánh), nhân vật trong bài Bà ngoại rửa chén thuê phụ nuôi cháu đăng trên Thanh Niên ngày 23.2, mỗi tháng 1 triệu đồng, trong vòng 1 năm. Bên cạnh đó, từ nguồn đóng góp của bạn đọc khắp nơi từ các bài viết, Báo Thanh Niên cũng ký thỏa thuận để bảo trợ cho hai con của chị Trần Thảo Nguyên với số tiền 2 triệu đồng/tháng trong 1 năm; hai con của anh Mai Văn Út (Q.Bình Tân), nhân vật trong bài Chơi vơi cảnh gà trống nuôi con đăng trên Thanh Niên ngày 22.2 với số tiền 2 triệu đồng/tháng trong 1 năm; 2 con của anh Hà Sơn Đông (Q.8), nhân vật trong bài Bà ngoại rửa chén thuê phụ nuôi cháu đăng trên Thanh Niên ngày 23.2 với số tiền 2 triệu đồng/tháng trong 1 năm, và bảo trợ cho trẻ H.V.H (đường Đình Nghi Xuân, KP.10, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) mỗi tháng 2 triệu đồng, trong 1 năm. Mẹ của cháu H.V.H là chị Đặng Thị Hạnh (46 tuổi) đang bị di chứng hậu Covid-19, thường xuyên bị khó thở, mệt mỏi, mờ mắt không thể làm việc nặng nhọc được, nên nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, quyết định ngay tại chỗ, trích từ phần tiền bạn đọc quyên góp cho chương trình, hỗ trợ chị Hạnh và con thêm 2 triệu đồng/tháng.

Cũng tại buổi lễ, ông Trần Hai (Q.Bình Thạnh) xúc động khi nhìn thấy những em bé trong sáng, hồn nhiên nhưng không còn mẹ sau đại dịch Covid-19 nên đã tặng riêng một ít tiền mặt cho các cháu. Ông Trần Hai chia sẻ: "Tôi sẽ cố gắng bảo trợ lâu dài cho hai con của anh Đào Công Tú, nếu sự bảo trợ của tôi mang đến những kết quả tốt đẹp. Sau buổi ký kết hôm nay, tôi sẽ cố gắng vận động những người thân quen để bảo trợ cho các cháu chưa được bảo trợ. Mong có thêm nhiều trẻ được nâng niu trong vòng tay yêu thương của cộng đồng, xã hội, để các con mạnh mẽ, trưởng thành sau những mất mát vừa qua".

Đặc biệt, chúng tôi nhận được tin nhắn của anh Nguyễn Xuân Hiệp, người bảo trợ cho hai con của chị Trần Thảo Nguyên: "Em không chuẩn bị đủ tiền bảo trợ tháng đầu tiên cho cháu. Em chuẩn bị được có 500.000 đồng. Em sẽ chuyển bù cho con trong tháng tiếp anh nhé".

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ với các trẻ được bảo trợ và gia đình tại buổi ký thỏa thuận: "Chúng tôi rất xúc động và cảm kích trước tấm lòng của các nhà bảo trợ có mặt ngày hôm nay dành cho các trẻ mồ côi. Đây là sự sẻ chia, nâng đỡ, giang rộng vòng tay với nhau trong hoạn nạn khó khăn. Mong rằng với sự đồng hành của các nhà bảo trợ, quý phụ huynh sẽ cố gắng chăm lo cho các con. Dù có nhà bảo trợ, nhưng nếu phụ huynh không toàn tâm toàn ý lo cho con thì tương lai của các con cũng rất mờ mịt. Quý nhà bảo trợ đến với các con hôm nay bằng cả tấm lòng thương yêu; ngoài vật chất, các nhà bảo trợ còn mang quà, tỉ mẩn gói ghém từng phần quà thật đẹp, chu đáo để mang đến tặng cho các con, và sẽ còn chăm lo cho các con về đời sống tinh thần, đối nhân xử thế trong những tháng ngày tới. Vì thế, rất mong các con cố gắng học tập để trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội".

(Nguồn: Thanh Niên)

Sôi nổi hoạt động hưởng ứng Tháng Thanh niên từ Bệnh viện dã chiến Việt Nam

(Ảnh minh họa).

Trong tháng qua, được sự chỉ đạo của Ban giám đốc, Chi đoàn Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) tại Nam Sudan đã phối hợp với tổ Phụ nữ, tổ truyền thông, phòng tác chiến tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa và thiết thực.

Các hoạt động nhằm thi đua lập thành tích chào kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2023), đồng thời thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

Để làm nổi bật chủ đề của Tháng thanh niên 2023 “Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số; xung kích lập công, tô hồng truyền thống”, với đặc thù công tác trong môi trường đa văn hóa tại phái bộ Liên hợp quốc, chi đoàn BVDC2.4 đã tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường quảng bá truyền thống và hình ảnh về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, trong đó thanh niên là lực lượng nòng cốt.

Một số hoạt động tiêu biểu có thể kể đến như: tham gia giao hữu thể thao với các đơn vị bạn, tham gia hoạt động dân vận giúp đỡ phụ nữ địa phương nhân Ngày quốc tế phụ nữ 8/3, tham gia khám chữa bệnh thiện nguyện tại Bệnh viện đa khoa Bentiu, bang Unity, tập luyện, biểu diễn và giới thiệu các tiết mục văn nghệ mang bản sắc văn hóa Việt Nam đến cán bộ nhân viên của phái bộ, tham gia tổ chức Tuần lễ áo dài nhằm giới thiệu hình ảnh phụ nữ Việt đến bạn bè các nước.

Bên cạnh các hoạt động quảng bá văn hóa Việt, Chi đoàn BVDC2.4 còn tổ chức cho các đoàn viên tham gia vào nhiều hoạt động xây dựng đơn vị, cải tạo cảnh quan môi trường như tổ chức các ngày chủ nhật thu gom rác thải, “Ngày thứ Bảy xanh”, trong đó đoàn viên tích cực tham gia vào trồng cây, xây dựng các vườn hoa, vườn cây ăn trái trong khuôn viên của bệnh viện.

Chương trình hành động Tháng Thanh niên 2023 đã thực sự tạo ra những chuyển biến tích cực đối với các đoàn viên trong chi đoàn, góp phần khích lệ, động viên đoàn viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 100% đoàn viên nhiệt tình hưởng ứng, tạo nên không khí thi đua sôi nổi trong đơn vị.

Thông qua chương trình nhiều đoàn viên thể hiện được năng lực, tinh thần tiên phong xung kích của tuổi trẻ, là tấm gương cho các đoàn viên khác học tập, điển hình có thể kể đến như: đoàn viên Nguyễn Đức Hiệp, Bùi Thị Khiêm, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Mạnh Dũng…

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

Cô gái Thụy Điển gốc Việt đau đáu mong ước tìm lại mẹ ruột sau 31 năm

Là một công dân toàn cầu, đã đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng với cô gái gốc Việt Iris Dager, chuyến trở về Việt Nam sắp tới đặc biệt hơn mọi hành trình khác vì đây là chuyến đi tìm mẹ ruột.

"Tên tôi là Iris Dager. Tên tiếng Việt là Nguyễn Mai Thanh. Tôi sinh ngày 21/9/1992. Tôi được nhận nuôi tới Thụy Điển khi mới 2 tháng tuổi (tháng 11/1992). Cha nuôi của tôi là người Thụy Điển và mẹ là người Iceland vì thế tôi là người mang 2 quốc tịch nói trên", Iris nói với phóng viên Báo Dân trí vài ngày trước khi cô sẽ trở về Việt Nam lần thứ 4.

Lần này đặc biệt hơn những lần trước là Iris sẽ dành một tháng ở quê hương chôn rau cắt rốn để bắt đầu hành trình góp nhặt những manh mối ít ỏi, nhằm tìm lại người mẹ Việt - người đã để cô lại bệnh viện 31 năm trước đó. Bà đã rời đi với mà chỉ để lại cho con gái nhỏ cái tên "Mai Thanh".

"Tôi sinh ra tại bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Mẹ tôi đã để lại một số thông tin cho các y tá của bệnh viện nhưng chúng không phải là thông tin chính thức và tôi không rõ chúng có chính xác hoàn toàn hay không. Theo các y tá, mẹ ruột của tôi tên là Ngô Thị Dung. Bà có thể 18 tuổi vào thời điểm sinh ra tôi (có nghĩa là mẹ có thể sinh năm 1974) và đến từ huyện Gia Lâm, Hà Nội", Iris nói.

Cô cho rằng, mẹ cô đã để lại các thông tin này (dù chưa thể biết tính chính xác đến đâu) dường như là vì bà nghĩ cô sẽ quan tâm tới chúng khi cô lớn lên. Đây là một trong những động lực để Iris quyết định sẽ tìm lại mẹ sau hơn 30 năm xa cách, dù cô thừa nhận những manh mối mà cô có là quá ít ỏi và chưa chắc chắn.

Sau khi được gia đình Dager nhận nuôi, Mai Thanh sống dưới cái tên mới, trong vòng tay yêu thương của một gia đình đa văn hóa. Dưới sự chỉ dạy và nuôi dưỡng của bố mẹ nuôi - những người đã cho cô một cuộc sống tuyệt vời, Iris thực sự cảm thấy hạnh phúc. Cô từng sống ở cả Thụy Điển, Iceland, Đan Mạch, học đại học ở Anh và Scotland; làm việc, du lịch, đi làm tình nguyện ở Pháp, Hy Lạp, North-Macedonia, Ấn Độ, Kenya… Cô hiện là một cố vấn cho cơ quan cảnh sát Iceland, hợp tác với các cơ quan cảnh sát quốc tế.

Iris có một cuộc sống trong mơ so với nhiều người. Cô gái trẻ là một blogger du lịch và thừa nhận rằng cô may mắn khi đã đi tới nhiều hơn "hơn hầu hết những người ở cùng độ tuổi với tôi".

Dù cô thừa nhận cuộc đời đang rất hạnh phúc, nhưng trái tim cô vẫn cảm thấy cần một mảnh ghép, cần một câu trả lời cho câu hỏi: "Tôi là ai? Nguồn gốc của tôi từ đâu?".

Chuyến về quê đặc biệt

Iris dự kiến trở lại Việt Nam từ 25/3-25/4, dành một tháng để bắt đầu lần theo các manh mối nhằm tìm ra mẹ đẻ. Với cô gái đã thực hiện nhiều hành trình tới nhiều nơi trên thế giới, chuyến đi này đầy thú vị và háo hức vì cô chưa biết điều gì sẽ đợi mình phía trước.

Iris đã trở về Việt Nam 3 lần từ khi còn nhỏ và đây là lần đầu tiên cô tự trở về nơi chôn rau cắt rốn để trải nghiệm, tìm hiểu về một phần máu thịt trong mình với tư cách một người trưởng thành.

"Với tôi, chuyến về quê lần này đặc biệt hơn rất nhiều các chuyến xê dịch khác. Tôi thấy thực sự căng thẳng, điều mà tôi chưa bao giờ cảm thấy trong các chuyến đi trước. Tôi đã lên kế hoạch về Việt Nam tìm lại mẹ trong nhiều năm qua và giờ đây tôi cảm thấy điều này rất siêu thực. Nó siêu thực đến nỗi tôi thậm chí còn chưa kịp hình dung mọi thứ sẽ điên rồ như thế nào nếu tôi may mắn tìm được mẹ ruột của mình. Tôi nhận ra có lẽ tôi sẽ cần tất cả sự may mắn trên thế giới để tìm thấy mẹ, vì vậy tôi đang cố gắng không kỳ vọng quá nhiều nhưng chỉ nghĩ đến việc có thể tìm thấy mẹ khiến tôi vô cùng háo hức", cô chia sẻ.

"Tôi từ lâu đã muốn tìm lại nguồn gốc của mình. Có rất nhiều lý do, nhưng đầu tiên là câu hỏi: Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Khi đi khám bác sĩ, tôi thường được hỏi gia đình có tiền sử bệnh tật gì không. Tôi chỉ đành nhún vai vì tôi không biết", cô giải thích.

Việt Nam trong ký ức của cô gái trẻ là một nơi có nhiều thắng cảnh đẹp, người dân thân thiện và đồ ăn tuyệt vời "tới mức một người kén ăn như tôi cũng cảm thấy mê đắm". Iris cho rằng dòng máu Việt Nam chảy trong người đã khiến cô trở thành một người thân thiện, chăm chỉ làm việc như những đồng hương khác mà cô từng gặp trong đời.

"Mỗi khi gặp người Việt Nam hoặc đi qua nhà hàng Việt Nam, có thứ gì đó xuyến xao trong tôi, điều mà không bao giờ xảy ra khi tôi nghĩ về quốc gia khác. Như thể là kết nối tâm linh với quê hương, xứ sở nơi tôi sinh ra chăng? Và tôi tự hào vì được sinh ra ở Việt Nam", Iris cho biết.

"Con không bao giờ trách mẹ!"

"Tôi đã từng tò mò vì sao mẹ ruột lại để lại tôi cho người khác nhận nuôi, nhưng tôi chưa và không bao giờ trách mẹ vì bất cứ lý do nào. Tôi chưa bao giờ thấy tức giận, đau khổ hay tổn thương vì điều đó. Nếu có bất cứ cảm xúc nào, tôi ngưỡng mộ vì mẹ vì có thể đã đưa ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời bà, là cho tôi đi. Tôi biết ơn vì mẹ đã mạnh mẽ (khi quyết định sinh ra tôi)", Mai Thanh nói khi được hỏi về cảm xúc của cô với mẹ ruột.

Thông qua Báo Dân trí, Mai Thanh muốn gửi thông điệp tới mẹ ruột: "Nếu mẹ đọc được những dòng này thì con chỉ muốn nói là, mẹ không cần phải tự trách mình. Với con, mẹ vẫn là một người tuyệt vời. Dù con đã cố tưởng tượng và chuẩn bị tinh thần cho mọi kịch bản có thể xảy ra khi tìm mẹ, nhưng con vẫn không thể tưởng tượng được mẹ đã phải trải qua những gì khi quyết định để lại con. Tất cả những gì con mong muốn là mẹ có một cuộc sống đầy đủ tình yêu, niềm vui, và hạnh phúc và mẹ không bị ám ảnh với quá bận tâm với những ký ức đau buồn hay tiếc nuối hay lo lắng về con".

"Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ điều gì có thể ngăn cản mẹ, bằng cả trái tim mình, con thực sự hy vọng mẹ sẽ liên lạc để tìm lại con. Điều này rất có ý nghĩa với con vì con thực sự mong gặp được mẹ", Iris chia sẻ.

(Nguồn: Dân Trí)

(Xem thêm:

=> Trúc Diễm ở Mỹ; Ăn thịt ngựa sống ở Nhật; 2 nghi phạm giết người ở Houston; Làm bánh fondant ở Úc ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang