Người Việt hải ngoại: Thích ứng lạm phát Canada; Hội thanh niên SV ở Mỹ; Chợ người Việt ở EU; Nước mía vươn tầm thế giới

Người Việt tại Canada thích ứng như thế nào với lạm phát tăng cao?

(Ảnh minh họa).

Nền kinh tế chưa thể phục hồi cộng với lạm phát tăng cao đã tác động tới đời sống hằng ngày của nhiều người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ở Canada.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, nền kinh tế Canada vẫn chưa thể phục hồi ổn định khi lạm phát đang có dấu hiệu tăng trở lại sau đợt giảm tạm thời.

Điều này khiến giá cả sinh hoạt leo thang và gây khó khăn cho cuộc sống của người dân nói chung, cũng như người Việt tại Canada nói riêng.

Cơ quan Thống kê Canada cho biết lạm phát của nước này trong tháng 4/2023 ở mức 4,4%, tăng 0,1% so với tháng trước. Đây là lần tăng lạm phát đầu tiên kể từ tháng Sáu năm ngoái, gây thách thức đối với Ngân hàng Trung ương Canada trong việc điều chỉnh về mức mục tiêu 2%.

Trong bối cảnh đó, hầu hết các mặt hàng đều tăng giá và lạm phát cao hơn là điều mà người dân khó tránh khỏi.

Cụ thể, so với năm ngoái, giá xăng đã tăng 6,3%, giá thuê nhà tăng 6,1%, lương thực, thực phẩm tăng gần 10%, đặc biệt lãi suất thế chấp tăng vọt 30%.

Lạm phát đã tác động tới đời sống hằng ngày của nhiều người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ở Canada.

Bác Chung Vinh, một viên chức trong cơ quan nhà nước Canada đã về hưu, cho biết thực phẩm tăng giá rất nhiều, đặc biệt là thực phẩm châu Á có mặt hàng tăng giá tới 30%. Nhiều người phải tìm kiếm các nơi bán buôn hoặc nhờ tới sự hỗ trợ của chính quyền sở tại để giảm bớt khó khăn. Có những mặt hàng không thể kiểm soát được như giá điện, giá xăng hay tiền thuê nhà và đây chính là những thách thức.

Tuy nhiên, bác Chung Vinh cho rằng với sự linh hoạt và thói quen phòng xa, người Việt sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều cho dù phải cắt giảm chi tiêu.

Trong khi đó, chị Hồ Anh Hoa, cố vấn di trú tại thành phố Toronto, cho biết may mắn hơn một số người khác, công việc của chị khá ổn định và hiện vẫn có những khoản thu nhập để đối phó với bão giá. Là luật sư và chuyên gia tư vấn về di trú tại Canada, lạm phát và tăng giá có ảnh hưởng đôi chút tới khách hàng vì phải thuê nhà cũng như sinh sống và học tập tại Canada.

Tuy nhiên, lạm phát và tăng giá tại đây vẫn tốt hơn so với nhiều quốc gia khác nên đó có thể là yếu tố khiến nhiều người nước ngoài đến Canada học tập, định cư và công việc của họ hiện nay bận rộn hơn.

Đối với những người Việt trẻ tuổi, mỗi người lại có những cách xử lý phù hợp để tiếp tục vượt qua khó khăn và vươn lên.

Bạn Jessie Thảo Trần, nhân viên thẩm mỹ và chăm sóc da, chia sẻ rằng với những sinh viên mới tốt nghiệp như mình, các công ty tuyển dụng thường thuê làm bán thời gian vì thủ tục giấy tờ sẽ đơn giản hơn và công việc cũng sẽ linh hoạt hơn.

Chính nhờ điều này, bạn có thể làm được nhiều việc cùng lúc và có thể chủ động sắp xếp thời gian cho những công việc đã nhận như giao hàng, chạy bàn, hoặc dịch vụ dắt thú cưng đi dạo.

Đây là những ngành dịch vụ rất thịnh hành mà người bản xứ ít lựa chọn nên có nhiều cơ hội cho sinh viên hoặc những người mới ra trường kiếm thêm thu nhập và hòa nhập với cuộc sống.

Đối với những sinh viên Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Canada, ngoài học bổng và những khoản chu cấp từ gia đình, họ cũng cố gắng đi làm thêm và chi tiêu tiết kiệm để có thể đảm bảo cuộc sống trong thời kỳ "bão giá."

Bạn Minh, sinh viên năm thứ 2 Đại học Ottawa, chia sẻ rằng dù lương đi làm thêm tăng lên, nhưng không thể theo kịp lạm phát và nhiều sinh viên như em buộc phải giảm chi tiêu cá nhân. Ngoài những khoản cố định, các bạn sinh viên thường tìm cách cắt giảm tối đa những khoản chi không cố định như tiền điện, nước...

Người Canada cũng đang cảm nhận rõ những tác động của lạm phát khi họ luôn phải hạn chế mua những mặt hàng không thiết yếu. Thách thức hiện nay của chính phủ là phải đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, dù điều này có thể sẽ không sớm diễn ra trước cuối năm 2024.

Giáo sư Luis Silva tại Đại học Toronto nhận định rằng lạm phát ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau và phụ thuộc vào mức thu nhập của từng người. Những người giàu có thể vượt qua bão giá vì vấn đề này không tác động lớn đến thói quen chi tiêu của họ.

Những người có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất và tầng lớp trung lưu cũng chịu tác động ít nhiều. Việc tiền lương không bắt kịp với đà tăng lạm phát khiến những người thu nhập thấp tiếp tục gặp khó khăn.

Đây là lý do vì sao Chính phủ Canada hay bất kỳ quốc gia công nghiệp nào trên thế giới cũng muốn duy trì lạm phát ở mức khoảng 2%.

Điều này sẽ giúp tạo ra sự ổn định về giá và cho phép mọi người ở các mức thu nhập, đặc biệt là người thu nhập thấp hay tầng lớp trung lưu có thể đủ sống.

(Nguồn: VietnamPlus)

Hội Thanh niên-Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ: Đẩy mạnh hoạt động hướng về biển đảo quê hương

Chị Lê Tú Mỹ Liên, Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ - đã có những chia sẻ với PV Thời đại về sức trẻ và sự năng động của cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng như hoạt động hướng về biển đảo quê hương.

Phát huy sức mạnh của thanh niên, trí thức trẻ Việt tại Hoa Kỳ

Bạn có thể cho biết một số thông tin về sự phát triển của Hội Thanh niên-Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ hiện nay?

- Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ được thành lập vào năm 2013 và trở thành một tổ chức phi lợi nhuận được đăng ký theo luật pháp Mỹ từ ngày 3/3/2014. Hiện nay, Hội thu hút hơn 35.000 thành viên.

Trong gần một thập kỷ qua, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện ý nghĩa để giúp gắn kết và phát huy sức mạnh của cộng đồng thanh niên, trí thức trẻ người Việt tại đây.

Các hoạt động của Hội không chỉ thực hiện hoài bão tiến tới thành công cho mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng người Việt tại Mỹ, mà còn đem kiến thức, kinh nghiệm của những trí thức trẻ đóng góp cho công cuộc xây dựng Tổ quốc, góp sức vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và là cầu nối tích cực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ.

Trong năm 2023, Hội Thanh niên-Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ thực hiện những kế hoạch nổi bật gì?

- Trong nhiệm kỳ 2023-2024, Hội sẽ xây dựng hệ thống nhân sự mới, phối hợp với ban điều hành các hội địa phương và tạo điều kiện cho các bạn trẻ thế hệ mới phát triển các hoạt động của Hội.

Ngoài ra, Hội sẽ kết nối với hội sinh viên, du học sinh Việt Nam tại các quốc gia khác các trong các phong trào Đoàn Hội và thiện nguyện tại Việt Nam. Đồng thời, Hội mong muốn cộng tác với hội Việt kiều để tổ chức các hoạt động, dự án vì cộng đồng cho đồng bào Việt Nam ở hải ngoại.

Ngoài ra, Hội cũng sẽ tận dụng mạng lưới thanh niên và trí thức trẻ đa dạng hiện có để đẩy mạnh các nền tảng kết nối chuyên môn, hỗ trợ việc làm, và chia sẻ kinh nghiệm sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ.

Là một trong những tổ chức của sinh viên Việt Nam ở nước ngoài được đánh giá hoạt động hiệu quả, cộng đồng sinh viên cũng có thế mạnh là nghiên cứu khoa học, Hội đã phát huy nguồn lực trí thức trẻ kiều bào phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước như thế nào?

- Hội phát triển nguồn lực trí thức trẻ theo hai hình thức: trực tuyến và trực tiếp. Hội thường tổ chức các buổi webinar định kì hàng tháng hoặc hàng quý, dựa trên nhiều chủ đề khác nhau, để các thành viên trao đổi và chia sẻ kiến thức chuyên môn. Hội có nhiều nhóm thành viên trên mạng xã hội, với số lượng lên tới hàng nghìn người, để các thành viên thảo luận tích cực các vấn đề về việc làm, học tập, và chia sẻ các dự án cộng đồng.

Ngoài ra, Vòng tay nước Mỹ là sự kiện thường niên có quy mô lớn nhất của Hội. Tại đó, chúng tôi có Ngày hội nghề nghiệp, nơi quy tụ nhiều nhà tuyển dụng đến từ Hoa Kỳ hoặc Việt Nam, họ sẽ có các gian hàng để quảng bá về tập đoàn của mình, phỏng vấn thử, hoặc nhận xét hồ sơ cho các bạn sinh viên. Sau sự kiện, chúng tôi vẫn đồng hành với họ trong mỗi đợt tuyển dụng thông qua các workshop, webinar, hoặc hỗ trợ truyền thông.

Ngoài ra, mỗi Hội sinh viên địa phương sẽ có những hoạt động cộng đồng riêng, phù hợp với vị trí địa lý và nhu cầu của đa số sinh viên, trí thức trẻ khu vực đó. Ví dụ, Hội sinh viên tại New York sẽ tổ chức các hoạt động thiên về tài chính - kinh doanh, còn Hội sinh viên tại San Francisco sẽ tập trung đẩy mạnh các dự án về công nghệ - khởi nghiệp.

Lan toả tình yêu nước, biển đảo là ưu tiên số một trong mọi nhiệm kỳ hoạt động

Vừa qua, Hội Thanh niên-Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tiến hành quyên góp ủng hộ các cán bộ, chiến sĩ đang làm việc trên quần đảo Trường Sa. Bạn có thể cho biết rõ hơn về hoạt động này?

- Tổng số tiền quyên góp từ đoàn kiều bào Mỹ trong chuyến công tác tại Trường Sa năm 2023 là hơn 170 triệu đồng. Trong đó, Hội đóng góp 50 triệu cho Quỹ “Xanh hóa Trường Sa” và hơn 20 triệu cho các điểm đảo đoàn đã ghé thăm trong chuyến công tác.

Ngoài phần đóng góp vào Quỹ Xanh hoá Trường Sa, đại diện đoàn kiều bào Mỹ & Hội cũng đã có những phần quà cho từng đảo mà đoàn công tác số 4 đã đến thăm. Hội đã tới thăm hỏi và trao tặng phần quà nhỏ đến cả 5 hộ dân đang sinh sống tại đảo Trường Sa lớn. Hội cũng đã hỗ trợ để giúp ngư dân gặp nạn trên biển đang điều trị tại trạm xã đảo Trường Sa lớn.

Bạn có thể cho biết, trong thời gian tới, Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Mỹ sẽ có những dự định, kế hoạch gì trong việc lan tỏa tình yêu và trách nhiệm của mình với biển đảo quê hương?

- Việc lan toả tình yêu nước nói chung và tình yêu biển đảo nói riêng luôn là ưu tiên số một của chúng tôi trong mọi nhiệm kì hoạt động. Thời gian tới, chúng tôi sẽ luôn nhiệt tình tham gia và hưởng ứng các hoạt động từ Việt Nam, đồng thời chủ động tạo ra các sự kiện (trực tuyến và trực tiếp) để thông qua đó, sinh viên và thanh niên Việt Nam có thể thể hiện tình yêu quê hương và đóng góp những giá trị, về vật chất lẫn tinh thần, cho đất nước.

(Nguồn: Việt Báo)

Bên trong chợ Việt lớn nhất châu Âu

(Ảnh minh họa).

Có nhiều khu chợ Việt Nam trên thế giới, như chợ Đồng Xuân ở Berlin, Đức; chợ Việt ở Footscray, Melbourne, Úc; Trung tâm thương mại Phúc Lộc Thọ ở California, Mỹ... Tuy nhiên, xét về độ rộng lớn và quy mô buôn bán, đầy đủ đồ ăn thức uống quê hương nhất thì chắc chắn đó là chợ Sa Pa của người Việt ở Praha, CH Séc.

Chợ Sa Pa nằm ở quận 4, thủ đô Praha, được chia thành nhiều khu như ẩm thực, thời trang bán sỉ, siêu thị... trên diện tích gần 40 ha và đang tiếp tục mở rộng. Vào khu chợ, khách như lạc trong khu phố nhộn nhịp ở một tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Thỉnh thoảng, các nhóm người Séc đến đây khám phá ẩm thực Việt, cắt tóc, làm móng, spa hoặc đi siêu thị Tam Da mua hàng hóa với giá rẻ hơn bên ngoài khá nhiều.

Khu chợ nằm cách trung tâm Praha khoảng 11 km. Để đến chợ Sa Pa, bạn có thể bắt xe buýt hoặc đón taxi công nghệ với khoảng 15 euro (tương đương 400.000 đồng). Chợ được hình thành từ năm 1999 bởi cộng đồng người Việt ở CH Séc trên khu nhà máy cũ phá sản. Vì thế, có thể nhận thấy, khu chợ trông cũ kỹ, ngoại trừ những khu nhà xây dựng mới sau này dạng tiền chế, nơi có hàng trăm sạp hàng bán sỉ thời trang, giày dép, túi xách...

Ngay cổng vào là quán bánh cuốn Hải Dương. Tên là vậy nhưng quán bán nhiều món khác nhau, như cháo lòng, bún đậu mắm tôm, trứng vịt lộn... Đĩa bánh cuốn chả lớn đủ cho hai người ăn có giá 180 koruna (khoảng 180.000 đồng). Một số quốc gia trong EU vẫn chưa thể chuyển qua dùng đồng euro, như CH Séc. Tại nước này, du khách có thể sử dụng cùng lúc hai đồng tiền nhưng ở Ba Lan hay các nước Bắc Âu, bạn không thể sử dụng đồng euro để giao dịch.

Phở là món ăn phổ biến nhất trong chợ Sa Pa khi có 5 - 6 quán. Du khách có thể gặp phở Nam Định, phở Hà Nội; sau đó là các món bún chả, bún cá, lẩu dê, hải sản, bánh mì...

"Mỗi lần từ Đức qua Praha, mình đều đến chợ Sa Pa ăn uống. Đồ ăn thức uống ở đây đúng vị Việt Nam nhất, như quán bún bò Huế này", anh Hùng, sống ở Munich, chia sẻ. Theo anh Hùng, Sa Pa là chợ sỉ, cung cấp hàng hóa cho người mua ở nhiều nơi trong và ngoài CH Séc. Bên cạnh đó, chợ Sa Pa cũng đa dạng thực phẩm, trái cây nhập từ Việt Nam hơn các chợ Việt khác ở châu Âu vì quy định nhập khẩu vào CH Séc lỏng hơn vào các nước Đức, Pháp... Vì thế, nhiều người Việt từ Đức vẫn phải qua chợ Sa Pa lấy hàng.

Quán bún chả Hải Hà khá nổi tiếng ở Sa Pa vì đã tồn tại 20 năm. Chị Hà, người Hải Phòng, chủ quán cho biết: "Những ngày cuối tuần hay lễ của người địa phương, khách - phần lớn là người Séc - xếp hàng dài ra tận ngoài đường". Mỗi phần bún chả có giá 180.000 đồng.

Tuy nhiên, hoạt động chính của chợ Sa Pa là hàng thời trang, giày dép.... Những sạp hàng sỉ trong chợ chủ yếu cung cấp cho đầu mối ở các nước châu Âu. Theo một chủ sạp, nguồn hàng cung cấp cho chợ đến từ Ba Lan.

Bên trong khu chợ Sa Pa còn có siêu thị Tam Da cực lớn, bán chủ yếu các mặt hàng tiêu dùng gia đình. Siêu thị không chỉ có khách Việt, mà người Séc đến đây mua đông đúc vì giá rẻ hơn các siêu thị bên ngoài.

Cuối hành trình, du khách có thể ghé vào chùa Vĩnh Nghiêm Praha ngay bên trong khu chợ, để hóng mát và cầu nguyện. Chùa được xây dựng trên diện tích khoảng 12.000m2, được khánh thành vào năm 2008.

Người Việt chiếm gần 1% dân số CH Séc, khoảng hơn 80.000 người. Người Việt hội nhập sâu vào kinh tế và xã hội nước này, đó là lý do năm 2013, Quốc hội CH Séc đã công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số thứ 14 của quốc gia.

(Nguồn: Thanh Niên)

Nước mía Việt Nam vươn tầm thế giới

Là món đồ uống ngon bổ rẻ ở Việt Nam nhưng gần đây nước mía đã vươn tầm thế giới khi "gây bão" trên nhiều thị trường nước ngoài như: Hàn Quốc, Australia hay tận châu Phi xa xôi,...

Nước mía là thức uống dân dã và quen thuộc ở Việt Nam. Vào mỗi dịp hè nắng nóng, thức uống này có công dụng giải nhiệt cực tốt và dĩ nhiên rất đắt khách.

Là món đồ uống ngon bổ rẻ ở Việt Nam nhưng gần đây nước mía đã vươn tầm thế giới khi "gây bão" trên nhiều thị trường nước ngoài như: Hàn Quốc, Australia hay tận châu Phi xa xôi,...

Mới đây, nước mía được người tiêu dùng Australia yêu thích đặc biệt khi xuất hiện tại trung tâm thương mại Stockland Merrylands thuộc bang New South Wales, Australia.

Tiệm nước mía mang tên Juice Mia và do người Việt sống ở Australia mở bán. Quán đã mở được một thời gian, nhưng thực sự gây sốt sau khi đoạn video do blogger có tên Raafat Maamari chia sẻ lên mạng xã hội.

Đoạn clip về quầy bán nước mía do nữ blogger đăng tải nhận được hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội. Theo chia sẻ trong đoạn clip, tiệm nước mía đặt tại sảnh của trung tâm thương mại, khá nhỏ nhắn, xinh xắn. Tiệm dùng loại máy ép mía bằng kim loại nhìn khá giống với những chiếc máy của Việt Nam.

Điều đặc biệt là bên cạnh việc dùng loại mía xanh để ép lấy nước, chủ quán sẽ mix thêm một số loại hoa quả trái cây khách nhằm tăng khẩu vị, đa dạng menu. Món uống của quán rất phong phú. Ngoài nước mía nguyên chất, khách có thể chọn uống kèm dâu tây, dứa, kiwi, vài lát chanh hay thậm chí thêm vài lát gừng.

Đối với cây mía xanh, thay vì cạo vỏ như cách làm ở Việt Nam, chủ tiệm vẫn giữ nguyên vỏ ngoài sơ chế sạch sẽ từ trước. Mía sau đó được chẻ làm đôi, để kẹp thêm các loại hoa quả khác rồi cho vào máy ép.

Được biết, giá 1 ly nước mía tại đây từ 6 AUD - 7,7 AUD (93.000 đồng - 120 nghìn đồng) tùy theo cách khách chọn uống loại tự nhiên hay kết hợp với số lượng trái cây.

Phần giá cả ly nước mía ở Australia gây nhiều ý kiến trái chiều khi có người cho rằng một ly nước mía bình dân ở Việt Nam chỉ khoảng 10.000 đồng, thì giá thành ở Australia được coi là "quá đắt đỏ". Tuy nhiên, không chỉ ở Australia, giá 1 ly nước mía khi "xuất ngoại" sang các nước khác cũng cao ngất ngưởng bởi liên quan đến chi phí vận chuyển, nguyên liệu, nhân công,...

Trước đó, tiệm nước mía của cô gái người Việt ở Hàn Quốc cũng từng gây sốt cộng đồng mạng khi bán được hơn 1.200 ly mỗi ngày. Giá của 1 ly nước mía tại đây là 5.000 won (gần 90.000 đồng/ly). Minh chứng cho sự đắt hàng đó là những "núi" vỏ bã mía chất đầy cao ngất ngây. Trong khi người bán thì không kịp ngơi tay thì người mua thì xếp hàng khá dài.

(Nguồn: Thế Giới Tiếp Thị)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang