Hướng dẫn nhập quốc tịch Đức: Những câu hỏi và trả lời cần biết - Phần kết


(Tài liệu nhập quốc tịch: =>Bộ đề, đáp án kiểm tra nhập quốc tịch Einbürgerungstest song ngữ)

Yều cầu phải cam kết tuân theo Hiến pháp Tự do Dân chủ của Cộng hòa Liên bang Đức như thế nào?

Các quyền cơ bản và các nguyên tắc dân chủ tạo thành cốt lõi của Hiến pháp Đức Grundgesetz. Hiến pháp này bảo vệ một số nguyên tắc đặc biệt, như quyền cơ bản của con người (quyền tự do nêu quan điểm, và tự do báo chí, tự do tôn giáo, quyền bình đẳng nam, nữ), quyền tự quyết của người dân, phân chia quyền lực nhà nước, nhà nước pháp quyền và quyền đối lập trong nghị viện. Những nguyên tắc này được thiết kế để ngăn chặn sự chuyên chế.

Những nguyên tắc trên có nghĩa là các đại diện được bầu cử tự do của người dân là đại diện cho lợi ích của người dân trong quốc hội, đưa ra các quyết định chính trị và kiểm soát chính phủ.

Khi nhập quốc tịch, người đệ đơn phải cam kết thừa nhận hệ thống nhà nước tự do và dân chủ của Cộng hòa Liên bang Đức. Để chứng minh điều có, người được nhập quốc tịch phải tuyên thệ tại lễ nhập quốc tịch: Thượng tôn Hiến pháp và luật pháp của Cộng hòa Liên bang Đức. Không làm tổn hại Cộng hòa Liên bang Đức.

Tại lễ trao giấy chứng nhận nhập quốc tịch, cũng phải tuyên thệ đồng ý bằng văn bản cũng như bằng lời nói.

Nếu từng có các hoạt động chống lại hiến pháp verfassungsfeindliche Tätigkeiten
Trong trường hợp đó, có thể không được nhập quốc tịch Đức. Cơ quan nhập quốc tịch sẽ trao đổi với Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp Verfassungsschutz và kiểm tra, xác minh. Vì vậy, người đệ đơn nhập quốc tịch cần trao đổi trước với cơ quan nhập quốc tịch nếu thấy mình có ít nhiều liên quan, để giải trình kịp thời.

Việc nhập quốc tịch đối với người trước đây có biểu hiện chống lại hiến pháp chỉ có thể thực hiện được, nếu họ có thể chứng minh một cách đáng tin cậy với Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp và các cơ quan có thẩm quyền nhập quốc tịch rằng họ đã từ bỏ những hoạt động đó. Nếu các nhà chức trách thấy không đủ căn cứ thuyết phục, việc nhập quốc tịch sẽ bị từ chối.

Có khả năng thích nghi với đời sống xã hội Đức.

Điều đó có nghĩa là người đệ đơn sống tuân thủ luật pháp Đức, không chỉ biết các quy tắc của hệ thống luật pháp và xã hội ở Đức mà còn chấp nhận chúng. Ví dụ, nếu một người kết hôn với nhiều người cùng một lúc theo luật đạo Hồi (tức chế độ đa thê), sẽ không phù hợp với đời sống xã hội Đức.

Người đệ đơn không bị kết án về tội hình sự

Không thể nhập quốc tịch nếu đã bị kết án phạm tội hình sự ở Đức hoặc ở nước ngoài. Nếu có tiền sự hoặc đang bị điều tra hay truy tố tội hình sự thì phải báo cho cơ quan nhập quốc tịch biết. Cơ quan nhập quốc tịch sẽ đợi cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất hoặc cho đến khi tòa án ra phán quyết. Các trường hợp ngoại lệ duy nhất là chỉ bị kết án về các tội phạm nhỏ, chẳng hạn như bị áp dụng các hình phạt theo Đạo luật Xét xử Thanh niên, hay phạt tiền tối đa đến 90 ngày lao động, hoặc phạt tù đến ba tháng quản chế, được trả tự do sau khi hết thời gian thụ án. Quy định trên không áp dụng nếu hành vi phạm tội bởi các động cơ phân biệt chủng tộc, bài ngoại, bài Do Thái hoặc vô nhân đạo được xác định là một phần của bản án về tội hình sự. Trong trường hợp này, việc nhập quốc tịch là không thể.

Theo quy định, trên nguyên tắc người đệ đơn phải từ bỏ quốc tịch

Khi nhập quốc tịch, người đệ đơn thường không được phép giữ quốc tịch trước đây của mình. Hoặc có thể tự động mất quốc tịch nước mình, hoặc phải từ bỏ nó một cách tự nguyện (thôi quốc tịch). Điều đó nhằm tránh người có nhiều quốc tịch.

Đôi khi việc từ bỏ quốc tịch gốc, là không thể hoặc khó khăn quá lớn, sẽ được áp dụng trường hợp ngoại lệ, tức được phép giữ quốc tịch trước đây cùng với quốc tịch Đức của mình.

Từ bỏ quốc tịch trước đây
Để từ bỏ quốc tịch trước đây của mình, cần liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia gốc của mình. Nhiều trường hợp, thủ tục khá phức tạp. Nhiều nước yêu cầu đệ đơn theo mẫu do luật pháp quốc gia gốc quy định. Người xin nhập quốc tịch phải gửi đơn, hồ sơ cho cơ quan chức năng nước họ, thông thường là cơ quan ngoại giao. Hãy tìm hiểu những thủ tục gì cần thiết phải làm tại cơ quan này. Cơ quan nhập quốc tịch Đức nơi nhận đơn cũng có thể cung cấp các thông tin về thủ tục từ bỏ quốc tịch. Ngoài ra các chuyên gia tư vấn và công ty luật cũng có thể hỗ trợ.

Nguyên tắc quan trọng là: Chừng nào quốc gia gốc chưa đưa ra quyết định đối với đơn xin thôi quốc tịch (đồng ý hoặc không), thì chừng đó, Đức không thể xét nhập quốc tịch.

Mất quốc tịch quốc gia gốc
Một số nước coi những công dân của họ nhập quốc tịch ở một quốc gia khác tự động mất quốc tịch gốc. Ai thuộc công dân những nước này không phải làm thủ tục thôi quốc tịch. Cũng có thể xảy ra trường hợp, cơ quan nhập quốc tịch có thể yêu cầu cung cấp giấy xác nhận đã mất quốc tịch gốc.

Trong trường hợp gặp khó khăn bất khả kháng khi xin thôi quốc tịch gốc thì cần phải làm gì?

Sau đây là những hướng dẫn cần thiết:

- Trình bày với cơ quan nhập quốc tịch Đức, nếu thấy rằng xin thôi quốc tịch là không thể.

- Phải thực hiện đầy đủ các các bước xin thôi quốc tịch theo quy định của quốc gia gốc, để chứng minh rằng xin thôi quốc tịch là không thể do từ phía quốc gia gốc.

- Nếu có lịch hẹn tại cơ quan đại diện của quốc gia gốc ở Đức để xin thôi quốc tịch, nên đi cùng với một người để làm nhân chứng khi bị từ chối không có văn bản.

- Đơn từ gửi qua bưu điện đến cơ quan đại diện quốc gia mình ở nước ngoài tại Đức, hoặc trong nước phải được gửi dưới dạng bảo đảm có biên nhận.

- Bằng các cách trên có thể chứng minh rằng đã làm mọi cách có thể để thôi quốc tịch Đức nhưng thất bại.

- Hãy chú ý làm theo các hướng dẫn từ cơ quan nhập quốc tịch về thủ tục thôi quốc tịch gốc.

Hãy kịp thời tới cơ quan nhập quốc tịch hoặ cơ quan tư vấn nhập cư để được tư vấn, cần phải làm gì tiếp.

(Xem thêm:

=> Hướng dẫn nhập quốc tịch Đức: Những câu hỏi và trả lời cần biết - Phần III).

Đức Việt Online

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang