Đức: Volkswagen gia nhập cuộc đua xe điện; Đóng cửa chi nhánh SVB; Giảm nhập dầu Nga; 'Làm khó' đối tác EU

Làng xe điện bùng "cuộc chiến mới": Thương hiệu ô tô lừng danh của Đức sẵn sàng ‘bơm’ 131 tỷ USD để đối đầu với Tesla và BYD

Một trong những công ty chế tạo ô tô hàng đầu thế giới đang rục rịch chuẩn bị kế hoạch ‘đánh bại’ Tesla và BYD.

Vào ngày 14/3 (giờ địa phương), tập đoàn sản xuất ô tô Volkswagen (VW) của Đức tuyên bố sẽ thực hiện kế hoạch chuyển đổi sang xe điện vào những năm tới trong bối cảnh cuộc chiến tranh giành thị trường đang tăng tốc.

Kế hoạch lần này dự kiến kéo dài từ năm 2023-2027 với số tiền khoảng 131 tỷ USD, tương đương 68% trong tổng số vốn đầu tư vào các dự án điện hóa và số hóa. Với kế hoạch lần này, VW đặc biệt tập trung vào hai thị trường là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Khoản tiền đã tăng đáng kể so với mức 56% trong kế hoạch đầu tư trước đó.

Động thái ‘bơm vốn’ là tín hiệu thông báo về chiến lược lớn đầu tiên kể từ khi Giám đốc điều hành Oliver Blume lên nắm quyền VW vào tháng 9/2022.

Với kế hoạch đầu tư 5 năm mới này, ông Blume đang dần bắt đầu với cuộc chiến “căng thẳng” trong ngành xe điện cũng như tranh giành thị phần ở Trung Quốc. Đồng thời Volkswagen cũng đang cố gắng thay đổi hoạt động kinh doanh tại Mỹ để phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Tổng số vốn đầu tư của Volkswagen là 193,2 tỷ USD. Thời gian này, VW tương đối “rủng rỉnh” tiền mặt sau khi thu về hàng tỷ euro nhờ việc niêm yết thương hiệu xe Porsche lên Sở giao dịch chứng khoán Frankfurt (Đức).

Với kế hoạch 5 năm, dự án dự kiến xây dựng một loạt nhà máy sản xuất pin mới.

Trước đó, Volkswagen thông báo rằng tập đoàn đã chọn tỉnh Ontario, Canada làm địa điểm xây dựng nhà máy sản xuất pin đầu tiên ở Bắc Mỹ. Thông báo này được ra sau khi Volkswagen có kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD nhằm xây dựng nhà máy mới ở Nam Carolin để chế tạo xe tải và SUV chạy hoàn toàn bằng điện cho thương hiệu Scout.

Ông Blume cho biết: “Chúng tôi đã đặt ra các mục tiêu rõ ràng và đầy tham vọng, đồng thời đưa ra nhiều quyết định cần thiết để thúc đẩy hoạt động diễn ra năng suất. Năm nay sẽ là thời điểm quyết định để thực hiện các mục tiêu chiến lược và đẩy nhanh tiến độ của toàn tập đoàn”.

Sau nhiều nỗ lực thất bại trong việc tăng thị phần của VW tại Hoa Kỳ, ông Blume đang cố gắng đầu tư vào phát triển ô tô điện (EV). Tập đoàn hiện cũng đang xây dựng một nhà máy pin ở Salzgitter, Đức.

Tại Trung Quốc - thị trường lớn nhất của VW, doanh số bán hàng của công ty đã giảm 41% trong tháng 1/2023 và bị mất thị phần vào tay Tesla, BYD. Tuy nhiên, thị trường tại đất nước tỷ dân vẫn chiếm 33% doanh số bán hàng toàn cầu của VW.

Có thể nói, tập đoàn xe ô tô của Đức đang nỗ lực hết sức để có thể giành lại thị phần. Việc cạnh tranh giành lấy người tiêu dùng xe điện tại Trung Quốc đang nóng đến mức các nhà sản xuất “ồ ạt” tham gia vào cuộc chiến giá cả gay gắt.

BYD đang giảm giá tới 1.000 USD cho một chiếc xe. Tesla thì hạ giá hai mẫu xe đình đám là Model 3 và Model Y tại đất nước tỷ dân. Gần đây VW và Bayerische Motoren Werke cũng đang "rục rịch" với ý tưởng này.

Theo Reuters trích dẫn, Giám đốc Tài chính Volkswagen Arno Antlitz cho biết dự kiến sớm nhất là vào năm 2025, 20% xe bán ra thế giới của VW là xe sử dụng động cơ chạy hoàn toàn bằng điện. Ông cũng nói rằng: “Chúng ta cần duy trì tính cạnh tranh của xe động cơ đốt trong, đó là một gánh nặng kép".

(Nguồn: CafeF)

Đức đóng cửa chi nhánh SVB

Đức đã phản ứng với sự sụp đổ của SVB ở Mỹ, thông báo rằng họ cấm thanh lý tài sản và thực hiện kinh doanh với khách hàng.

Theo mạng tin Euractiv.de (Đức) ngày 14/3, cơ quan quản lý tài chính BaFin của Đức đã đóng cửa chi nhánh Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở nước này, ngân hàng đang phải đối mặt với tình trạng phá sản ở Mỹ, để bảo vệ các chủ nợ trong bối cảnh lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính mới.

SVB gần đây đã gây chấn động quốc tế khi sự sụp đổ của ngân hàng có trụ sở tại California (Mỹ) này được cho là vụ phá sản lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

BaFin đã phản ứng với sự sụp đổ trên, thông báo vào đầu tuần này rằng họ cấm chuyển nhượng tài sản và thanh lý, tạm thời cấm ngân hàng giao dịch kinh doanh với khách hàng, với lý do “mối đe dọa hiện tại đối với việc thực hiện nghĩa vụ đối với các chủ nợ”.

Cơ quan trên của Đức cho biết thêm, tình huống này không gây ra "mối đe dọa nào đối với sự ổn định tài chính" và chi nhánh ở Đức "không có liên quan đến hệ thống".

Người phát ngôn chính của Chính phủ Đức Steffen Hebestreit nói với các phóng viên rằng chính phủ nước này không cho rằng những diễn biến hiện tại tương tự như những diễn biến trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

“Tôi không cho rằng chúng ta đang ở trong một tình huống có thể so sánh được với trường hợp mà chúng ta đối mặt vào thời điểm đó”, ông Hebestreit nói.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn nghi ngờ: Bất chấp sự đảm bảo của BaFin, chỉ số thị trường chứng khoán quốc gia Đức DAX đã mất 3% vào ngày 13/3 sau khi đã giảm vào cuối tuần. Xu hướng này được các nhà phân tích giải thích là phản ánh những lo ngại rằng sự sụp đổ của SVB có thể là khởi đầu của một cuộc khủng hoảng tài chính mới.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Nguồn cung dầu từ Nga sang Đức giảm 99,9%

Cơ quan thống kê Destatis cho biết việc Đức nhập khẩu dầu thô của Nga đã ngừng gần như hoàn toàn trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

Dữ liệu cho thấy sản lượng dầu thô mà Đức nhập khẩu từ Nga đã giảm 99,9% trong tháng 1, xuống chỉ còn 3.500 tấn, trong khi con số này cùng kỳ năm ngoái là 2,8 triệu tấn.

Tuy nhiên, báo cáo của Destatis chỉ thống kê các giao dịch mua dầu trực tiếp của Nga, không bao gồm dầu thô có nguồn gốc từ Nga được mua gián tiếp từ các thương nhân toàn cầu thông qua chuyển giao từ tàu này sang tàu khác.

Berlin thừa nhận hồi tháng 2 rằng việc trộn lẫn dầu thô của Kazakhstan và Nga là không thể tránh khỏi do dầu từ Kazakhstan đi qua lãnh thổ Nga đến Đức thông qua đường ống Druzhba.

Tỷ trọng dầu thô của Nga trong tổng nhập khẩu nhiên liệu của Đức đã giảm xuống 0,1% trong tháng 1 năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 36,5% được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2022. Các con số hoàn toàn trái ngược với số liệu của tháng 12, khi Đức nhập khẩu gần 1,3 triệu tấn dầu thô từ Nga. Trước đó, Berlin đã tăng mua mặt hàng này từ tháng 11.

“Việc nhập khẩu dầu thô từ Nga gần như đã dừng lại”, Destatis kết luận.

Hồi tháng 12, EU đã áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga và áp giá trần đối với dầu từ nước này.

Để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga, Đức đã phải tăng cường mua dầu từ Na Uy (tăng 44%), từ Anh (tăng 42%) và Kazakhstan (tăng 34,6%), Destatis cho biết. Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng tăng cường chuyển hàng đến các nhà máy lọc dầu của Đức, nơi trước đây chủ yếu xử lý dầu của Nga.

Đức đã trả trung bình 686 euro cho mỗi tấn dầu nhập khẩu vào năm ngoái, lập kỷ lục về giá kể từ khi số liệu thống kê ngoại thương bắt đầu được theo dõi vào năm 1950.

(Nguồn: Soha)

Đức “làm khó” các đối tác EU

Đức gây bức xúc cho các đối tác thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào đầu tháng này khi chặn một thỏa thuận quan trọng cấm bán xe chạy nhiên liệu hóa thạch mới từ năm 2035.

Ngày 14/3, Đức đã khiến các thành viên Liên minh châu Âu (EU) thất vọng khi yêu cầu những thay đổi vào phút chót đối với một văn bản đã được thống nhất trước đó về việc sửa đổi các quy định ngân sách.

Đức cũng gây bức xúc cho các đối tác vào đầu tháng này khi chặn một thỏa thuận quan trọng cấm bán xe chạy nhiên liệu hóa thạch mới từ năm 2035. Thỏa thuận đã chính thức trở thành luật nhưng Đức đã rút lại sự ủng hộ sau khi Thủ tướng Olaf Scholz chịu sức ép từ liên minh cầm quyền.

Trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính tại Brussels, Đức đã tìm cách phản đối các cải cách đối với quy tắc tài khóa. Tháng Mười Một năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất cải cách Hiệp ước ổn định và tăng trưởng nhằm giới hạn số tiền các nước EU có thể vay mượn.

Theo hiệp ước, thâm hụt ngân sách của nước thành viên không được vượt 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nợ công ở mức dưới 60% GDP.

Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Elisabeth Svantesson, nước đang giữ chức Chủ tịch EU, cho biết trong một cuộc họp báo rằng Đức đã yêu cầu EC tham khảo ý kiến các quốc gia thành viên một lần nữa trước khi có thể đề xuất luật cho những cải cách này.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết vẫn còn một chặng đường dài trước khi Đức có thể chấp nhận một thỏa thuận khi nền kinh tế lớn nhất của EU, lo ngại rằng các quy định mới sẽ ít nghiêm ngặt hơn và cho phép các thành viên gia tăng thêm nợ.

Hiện có những lo ngại rằng các cải cách có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến để chuyển sang giai đoạn phê duyệt. Một nguồn tin châu Âu cho biết mục tiêu là công bố đề xuất vào nửa cuối tháng Tư. Sau đó, thỏa thuận sẽ được thảo luận tại Hội đồng châu Âu.

Trong khi đó, bất đồng về việc mua bán xe có động cơ đốt trong cũng chưa được giải quyết. Ngày 13/3, các bộ trưởng giao thông của tám nước EU bao gồm CH Czech (Séc), Đức, Hungary, Italy (I-ta-li-a), Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania (Ru-ma-ni) và Slovakia (Xlô-va-ki-a) đã gặp nhau tại Strasbourg để tìm kiếm một thỏa thuận nhưng vẫn chưa có gì cụ thể từ các cuộc đàm phán.

(Nguồn: BizLive)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang