Đức: Thông qua đề xuất Luật phúc lợi trẻ em; Volkswagen kí trực tiếp với các nhà sản xuất chip; Triển vọng kinh tế Đức tốt bất chấp hiện tại

Liên minh cầm quyền Đức thống nhất đề xuất Luật Phúc lợi cơ bản của trẻ em

Sau nhiều tháng thảo luận, Chính phủ Liên minh Đức đã đạt được thỏa thuận về Dự thảo Luật phúc lợi trẻ em cơ bản gây tranh cãi.

Chi tiết đã được công bố vào sáng thứ Hai tại một cuộc họp báo với Bộ trưởng Gia đình Lisa Paus (Đảng Xanh), Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner (FDP) và Bộ trưởng Xã hội Hubertus Heil (SPD).

Trong thỏa thuận liên minh của họ, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Tự do (FDP) đã đồng ý Chủ trương bảo đảm phúc lợi cơ bản cho trẻ em. Các phúc lợi trước đây như tiền con, tiền công dân cho trẻ em hoặc trợ cấp bổ sung trẻ em sẽ được gộp lại nằm trong Luật Phúc lợi trẻ em.

Với sự rõ ràng hơn và sự giúp đỡ của một cổng thông tin điệm tử, nhiều gia đình sẽ biết được phúc lợi của con mình mà trước đây họ thiếu thông tin hoặc do rào cản quan liêu. Thỏa thuận liên minh cầm quyền nêu rõ: Chúng tôi muốn giúp nhiều trẻ em thoát nghèo hơn và tập trung đặc biệt vào biện pháp số hóa.

Tuy nhiên, một cuộc tranh chấp đang diễn ra giữa Đảng Xanh và FDP về việc nhà nước nên chi bao nhiêu tiền cho các phúc lợi trẻ em cơ bản và liệu có nên tăng trợ cấp hay không. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề gia đình, Paus, ban đầu ước tính 12 tỷ euro mỗi năm, sau hạ xuống 7 tỷ euro và được thông qua.

Volkswagen kí trực tiếp với các nhà sản xuất để đảm bảo nguồn cung chip

Nhà sản xuất ô tô của Đức Volkswagen cho biết đã bắt đầu mua các loại chip quan trọng về mặt chiến lược trực tiếp từ 10 nhà sản xuất, trong đó có NXP Semiconductors, Infineon Technologies và Renesas Electronics. Volkswagen tin rằng nguồn cung các loại chip này sẽ bị thiếu hụt trên toàn cầu.
Để tránh phụ thuộc nguồn cung

Theo ông Karsten Schnake, người đứng đầu nhóm phụ trách nguồn cung linh kiện của Volkswagen, thay vì phụ thuộc vào các nhà cung cấp linh kiện trong việc mua chip như trước đây, Volkswagen đã bắt đầu ký kết các thỏa thuận mua hàng trực tiếp với các nhà sản xuất vào tháng Mười năm ngoái để đảm bảo nguồn cung.
Ông Dirk Grosse-Loheide, một giám đốc mua hàng của Volkswagen, cho biết năng lực sản xuất trên toàn cầu sẽ không đủ, nên công ty này phải chủ động trong việc đảm bảo nguồn cung.
Nhu cầu chip trong ngành ô tô đã tăng mạnh cùng với xu hướng sản xuất xe điện và nhu cầu đối với các phần mềm ngày càng phức tạp hơn. Trong khi đó, nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu vì việc xây dựng các nhà máy chip rất phức tạp.
Thu hút các nhà đầu tư Chip trên thế giới

Tháng Bảy vừa qua, Volkswagen và nhà sản xuất chip STMicroelectronics đã công bố kế hoạch cùng phát triển một sản phẩm bán dẫn mới, đánh dấu mối quan hệ hợp tác trực tiếp đầu tiên của VW với một nhà cung cấp bán dẫn có tên tuổi.
Đức đang thu hút các nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới với hàng tỷ euro đầu tư. Tập đoàn Intel của Mỹ và TSMC của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) trong năm nay đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy ở Đức.

Thủ tướng Scholz: Đức có triển vọng kinh tế tốt, bất chấp tình trạng yếu kém hiện nay

Trả lời phỏng vấn báo chí hôm 26.08, Thủ tướng Đức Scholz cho biết: Nền kinh tế lớn nhất châu Âu này sở hữu những điều kiện tiên quyết tốt nhất để đảm bảo vị trí dẫn đầu về mặt công nghệ trong hàng chục năm nữa. Đức có triển vọng kinh tế tốt, bất chấp tình trạng yếu kém hiện nay.
Mới đây, Bộ Kinh tế Đức thông báo đang chuẩn bị đầu tư trị giá khoảng 22 tỷ USD để hỗ trợ phát triển sản xuất chất bán dẫn trong nước vào những năm tới bằng tiền từ Quỹ Biến đổi và Khí hậu ngoài ngân sách.

Bình luận của ông Scholz được đưa ra một ngày sau khi dữ liệu triển vọng kinh doanh cho thấy Đức lại hứng chịu một cú sốc khác trong tháng 8, mặc dù nền kinh tế này đã thoát khỏi suy thoái trong quý hai.

Bác bỏ những lo ngại

Vốn là đầu tàu tăng trưởng thương mại suốt nhiều thập kỷ qua của châu Âu, tình hình kinh tế tại Đức đã làm dấy lên mối lo ngại rằng có thể xảy ra một thời kỳ suy yếu kéo dài. Đức là quốc gia lớn duy nhất có sản lượng được dự báo sẽ giảm trong năm nay.

Thủ tướng Scholz lập luận rằng Đức chịu tác động từ gánh nặng của nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu do phụ thuộc vào xuất khẩu.

Thủ tướng Đức cũng bác bỏ những lời chỉ trích rằng các vấn đề của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã trở nên trầm trọng hơn do chính phủ của ông từ chối tăng cường chi tiêu. Ông đồng thời chỉ ra rằng Đức đã gánh thêm khoản nợ hàng trăm tỷ euro trong những năm gần đây để vượt qua đại dịch COVID-19, cũng như giảm bớt hậu quả từ xung đột tại Ukraine và giá năng lượng tăng vọt.

Từ chối trợ cấp giá điện

Ông cũng từ chối những lời kêu gọi của một số nhà lập pháp nhằm trợ giá điện cho các doanh nghiệp lớn. Ông nói: Chúng tôi không chỉ thiếu tiền để trợ cấp giá điện dài hạn mà còn thiếu các lựa chọn hợp pháp.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang