Chương trình học tập và chăm sóc học sinh tuyệt vời ở Đức; Khủng hoảng nhập cư, nghịch lí, hệ lụy, gói cải cách và hiệp ước EU

Chương trình học tập và chăm sóc học sinh tuyệt vời ở Đức – Cảm nhận của một phụ huynh Việt

Bắt đầu vào lớp 1, ở Đức có lễ ngày đầu nhập trường Einschulung. Lễ này được coi là lễ lớn nhất được tổ chức cho trẻ em bắt đầu đi học, rất long trọng. Ngày lễ đầu tiên nhập trường, các phụ huynh đưa con đến trường dự lễ.

Các buổi lễ học sinh

Hiệu trưởng đọc lời chúc mừng các em vào lớp 1, giới thiệu khái quát về nhà trường, nhấn mạnh niềm vui được đi học của trẻ nhỏ, kết thúc bằng lời chúc học sinh và phụ huynh trong ngày lễ nhập trường để được khai mở trí tuệ và tâm hồn.

Sau buổi lễ, tùy từng gia đình sẽ tổ chức bữa tiệc Einschulung (mời các bạn bè của con và của gia đình) gọi là bữa tiệc mừng con vào lớp 1. Sau đó, từ lớp 2 đến lớp 12, cứ đúng ngày 1/9 hàng năm là bắt đầu năm học mới không tổ chức một lễ nào nữa.

Riêng về phía gia đình học sinh có tổ chức lễ trưởng thành cho con trẻ ở tuổi từ 14 - 16 tuổi (tùy theo từng gia đình). Đến hết lớp 12 có lễ ra trường nếu học trường chuyên gọi là Abitur. Sau lễ này thì các gia đình sẽ tổ chức một buổi tiệc cho học sinh đã tốt nghiệp lớp 12 để mời bạn bè và người thân trong gia đình đến dự trong một phạm vi hẹp, bữa tiệc này gọi là Abiball.

Chương trình lễ nhập trường

Tại lễ Einschulung, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 sẽ mời phụ huynh cùng con vào lớp để làm quen với cô (thầy) giáo, tự giới thiệu về gia đình mình một cách ngắn gọn. Ở Đức có nhiều dân nhập cư nên có nhiều sắc tộc; trẻ em các sắc tộc được đối xử bình đẳng. Việc giáo dục về sự hòa nhập không phân biệt đối xử nên trẻ em ở lớp rất dễ hòa đồng.

Cháu tôi là người Việt sinh ra ở Đức, ngay những ngày đầu đã làm bạn với mấy bạn người Đức, người Ba Lan. Năm 2019, cháu vào lớp 1, rất mừng là cũng trong năm đó Bang Berlin có chính sách cho các cháu học tiểu học được ăn bữa trưa miễn phí và cho các cháu được đi các phương tiện công cộng miễn phí (các cháu đeo thẻ học sinh có ảnh xác nhận là đi các phương tiện công cộng nào cũng không mất tiền). Ở Đức có nhiều phương tiện giao thông kết nối với nhau nên mọi người đi lại rất thuận tiện.

Chương trình học

Các môn học ở bậc tiểu học cũng thật nhẹ nhàng và kích thích việc học tập và rèn luyện của các cháu như: Toán, tiếng Đức, tìm hiểu tự nhiên tìm hiểu xã hội, âm nhạc, hội họa, thể dục thể thao (lên các lớp trên có thêm các môn thể thao để các cháu tự nguyện đăng ký).

Thời gian học từ 8h (có 10 phút để các cháu chuẩn bị), 8h10 chính thức vào học. Thời gian nghỉ trưa 1h, sau nghỉ trưa vào học tiếp. Tùy theo từng ngày mà giờ học có thể kết thúc lúc 14h hay 15h. Các cháu học lớp 1 và lớp 2 cha mẹ đến đón, còn từ lớp 3 trở lên các cháu có thể tự đi về nhà trên các phương tiện giao thông công cộng.

Ở Đức các trường phổ thông công lập (tiểu học và trung học) không bắt buộc mặc đồng phục, chỉ một vài trường tự yêu cầu mặc đồng phục.

Hệ thống trường học ở Đức

Có một điều đặc biệt là học sinh tiểu học ở Đức có thể tự chọn học từ 5-6 năm tùy theo sức học của các cháu. Nếu các cháu học tốt, gia đình có thể cho cháu từ lớp 5 học thẳng lên lớp 7 (lớp đầu cấp trung học - ở Đức từ lớp 7 đến lớp 12 là hai cấp gọi là cấp trung học); gia đình nào thấy con học yếu hoặc thấy con còn non thì cho học thêm lớp 6, rồi mới cho học lên lớp 7.

Ở bậc trung học có phân ra trường chuyên hoặc trường thường, muốn vào trường chuyên phải được xét qua học bạ. Cũng có trường trung học tuyển học sinh vào lớp chuyên từ lớp 5, nhưng phải thi vào (lớp 5 và 6 ở trường này được coi là các lớp dự bị của bậc trung học hệ chuyên). Hệ thống trường chuyên tùy theo từng bang ở nước Đức; nhưng thông thường tiểu học là 6 năm và trung học là 6 năm, học sinh học hết lớp 9, hoặc lớp 10 được tách làm 2 hướng: Hướng học tiếp lớp 10, 11, 12 để thi vào đại học. Hướng đi học nghề từ sau lớp 9 hoặc 10.

Chương trình nghỉ ngơi

Trong một năm học, các cháu có những đợt nghỉ theo mùa và những ngày nghỉ lễ theo dịp nghỉ lễ của người lớn. Dịp nghỉ theo mùa sẽ gồm: Nghỉ thu (từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11) nghỉ lễ Noel và năm mới (trước Noel 1 tuần đến hết ngày 1/1 đầu năm mới). Nghỉ hè từ đầu tháng 4 đến 31/8.

Quan hệ nhà trường với gia đình học sinh

Ở Đức việc họp phụ huynh học sinh đầu năm học cũng bầu Ban phụ huynh học sinh để thường xuyên giáo viên chủ nhiệm liên lạc trao đổi tình hình ở lớp. Ban phụ huynh học sinh cũng thu tiền quỹ Hội và cũng có tặng quà giáo viên nhân các ngày lễ hoặc cuối năm học hoặc chi cho các cháu khi tổ chức cho các cháu đi trải nghiệm hoặc đi vui chơi, việc thu chi quỹ được công khai rõ ràng.

Giáo dục tinh thần cộng đồng

Để giáo dục học sinh có tinh thần cộng đồng và trách nhiệm xã hội, sau khi tốt nghiệp lớp 12, thông thường học sinh ở Đức được khuyến khích làm tình nguyện ở các nước chưa phát triển. Việc tình nguyện này sẽ được tính cộng điểm cho xét tuyển vào đại học. Những học sinh tốt nghiệp lớp 12 sẽ được xét qua học bạ để tuyển vào các trường đại học, những chuyên ngành Luật và Y khoa thường tuyển học sinh có điểm cao.

Tôi có 3 cháu gọi bằng ông tốt nghiệp lớp 12, thì 2 cháu đã xin đi tình nguyện đi các nước chậm phát triển để làm tình nguyện viên, 1 cháu đi Nam Phi và 1 cháu xin về Việt Nam để dạy Tiếng Anh cho học sinh ở vùng cao. Một ví dụ cụ thể như tôi kể ở trên là các cháu gốc Việt thường được gia đình chăm lo nên học giỏi, nhiều cháu điểm tốt nghiệp (ở Đức tính điểm 1 là cao nhất), còn dưới 1 (nghĩa là được cộng thêm để điểm tốt nghiệp cao hơn).

Mỗi ngày đi học là một ngày vui

Với những chính sách rõ ràng như vậy cũng đủ thấy rõ ràng trẻ em ở Đức được quan tâm rất chu đáo. Với cấp tiểu học giáo dục không có việc nhồi nhét kiến thức, học sinh đến trường học rất thoải mái nên học sinh đến trường rất vui vẻ, tự tin; đúng là mỗi ngày đi học là một ngày vui, ngày hạnh phúc.

Giáo dục toàn diện

Đặc biệt, ngành giáo dục ở Đức luôn coi trọng việc giáo dục toàn diện cho trẻ em. Giáo dục cho học sinh ý thức về việc tự học, tự bồi dưỡng nên học sinh lớn lên luôn có ý thức tự lập, không ỷ lại, vì thế đến 18 tuổi các em đã ý thức được tinh thần tự lập. Nhiều gia đình để cho con em họ tự quyết nhiều vấn đề, kể cả việc ra ở riêng, tự kiếm việc làm để tự nuôi bản thân. Trẻ em ở mọi sắc tộc, mọi tôn giáo được đối xử bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử nên các học sinh dễ hòa đồng, thân thiện; hiện tượng đánh nhau chửi thề... (gọi chung là bạo lực học đường) hầu như không có.

Khủng hoảng nhập cư, nghịch lí, hệ lụy, gói cải cách và hiệp ước EU

Không chỉ chịu áp lực mạnh mẽ trong nước về vấn đề nhập cư, chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng phải gánh trách nhiệm lớn đối với nỗi lo không của riêng ai ở “lục địa già” vốn đang thúc đẩy các giải pháp ngăn dòng người ồ ạt kéo tới “miền đất hứa”...

Nghịch lí càng tìm cách giảm thì tị nạn càng tăng

Theo Politico, chính phủ của Thủ tướng Scholz đang đứng trước nguy cơ thất bại trong việc đạt được những cải cách quan trọng về vấn đề nhập cư. Một nghịch lý đang diễn ra là càng nỗ lực tìm cách giảm số lượng người xin nhập cư, nước Đức lại càng nhận được nhiều đơn xin tị nạn hơn. Từ đầu năm tới nay, lượng đơn xin tị nạn đã tăng hơn 70% khiến ông Scholz vốn nổi tiếng hòa nhã, cũng đang phải tính tới những biện pháp cứng rắn hơn.

Năm nay, Đức dự kiến sẽ tiếp nhận số lượng kỷ lục người xin tị nạn kể từ mức đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 do cuộc nội chiến ở Syria gây ra. Với hơn 3 triệu người tị nạn hiện nay, chính phủ của ông Scholz đang phải đối mặt với áp lực nặng nề.

Hệ lụy

Làn sóng người tị nạn gần đây đã đẩy nhiều khu vực và thành phố của Đức vào hoàn cảnh khó khăn. Các quan chức địa phương cho biết họ không bảo đảm được nhà ở cho người tị nạn cũng như nhân sự để xử lý các vấn đề liên quan tới hơn 250.000 người xin tị nạn đã đến nước này trong năm 2023. Trong khi đó, những bất lực trong ngăn chặn dòng người di cư đang khiến người dân Đức thất vọng nhiều hơn vào cách thức xử lý của chính phủ.

Trong bối cảnh đó, các bang và thành phố đã gây sức ép lên chính phủ nhằm nhận được các khoản tài chính để có thể bảo đảm điều kiện ăn ở vốn đang quá tải hiện nay của người tị nạn, cũng như vấn đề chăm sóc và sự hòa nhập của họ. Cuộc họp của ông Scholz với lãnh đạo 16 bang mới đây phần nào giúp các địa phương đạt mục tiêu khi nhận được nhiều tiền hơn từ chính phủ liên bang để chi trả cho việc tiếp nhận người tị nạn. Tuy nhiên, mục tiêu giảm số lượng người tị nạn vẫn là một vấn đề hóc búa.

Một gói cải cách mới

Đã được thông qua bao gồm các biện pháp hạn chế người nhập cư, nhưng được đánh giá là không mấy triển vọng. Trong đó có thể kể tới kế hoạch cấp phúc lợi cho người tị nạn bằng thẻ ghi nợ thay vì tiền mặt, đồng thời khiến những người mới đến phải chờ đợi lâu hơn để nhận được phúc lợi của Đức. Sáng kiến được gọi là mới này lại chứa đựng những cam kết cũ nhằm đẩy nhanh quá trình đánh giá và trục xuất người tị nạn, tăng cường kiểm soát biên giới và theo đuổi những cuộc đàm phán với các nước ở châu Phi cũng như nhiều nơi khác để ngăn chặn dòng người xin tị nạn. Việc trục xuất cũng không phải “muốn là được” vì nhiều người tị nạn áp dụng chiêu vứt bỏ giấy tờ của mình, như hộ chiếu, vì biết rằng như vậy sẽ làm phức tạp thêm việc trục xuất.

Hiện một số biện pháp đang được Đức áp dụng như kiểm tra tạm thời ở biên giới Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ, cũng như áp dụng các hình phạt cứng rắn hơn đối với tội phạm buôn người. Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser đã đề xuất luật đẩy nhanh việc trục xuất những người xin tị nạn không đủ điều kiện ở lại Đức. Chính phủ Đức cũng đang tìm cách cho phép những người xin tị nạn thành công bắt đầu làm việc sớm hơn.

Hiệp ước về di cư và tị nạn EU

Tuy nhiên, Chính phủ Đức đang đối mặt với những áp lực phải thi hành những biện pháp cứng rắn hơn theo một thỏa thuận chung mà các nước Liên minh châu Âu (EU) phải chật vật mới đạt được vào tháng 10 và đang phải chờ Nghị viện châu Âu thông qua. Đó là Hiệp ước về di cư và tị nạn của EU, trong đó có những điều khoản giúp giảm bớt gánh nặng cho các quốc gia trên tuyến đầu ứng phó với dòng người di cư như Đức. Cụ thể đó là chuyển một số lượng người tị nạn sang các quốc gia EU khác hoặc yêu cầu đóng góp tài chính từ những nước từ chối tiếp nhận người tị nạn.

Mặc dù Đức cũng sẽ là nước hưởng lợi chính từ thỏa thuận của EU, nhưng cách tiếp cận của nước này đối với các cuộc đàm phán về hiệp ước trên đã cho thấy sự dè dặt của chính phủ do ông Scholz đứng đầu trước áp lực phải thực thi đường lối cứng rắn hơn trong vấn đề tị nạn. Trên thực tế, Berlin vẫn miễn cưỡng chấp nhận các điều khoản nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như cho phép giam giữ những người xin tị nạn ở biên giới bên ngoài EU cho đến khi trường hợp của họ được giải quyết.

Là một trong những nước giữ vai trò chính trong xử lý cuộc khủng hoảng di cư của châu Âu, Thủ tướng Scholz tuyên bố rằng “sự đoàn kết” của châu Âu trong việc chia sẻ gánh nặng tiếp nhận người tị nạn là giải pháp khả thi duy nhất cho vấn đề này. Người tiền nhiệm của ông là bà Angela Merkel cũng từng đề cập tới điều này cách đây gần một thập kỷ. Và kết cục cũng giống nhau đó là không mấy quốc gia ở “lục địa già” vốn đầy chia rẽ để tâm tới điều này. Thách thức kép đối với nền kinh tế đầu tàu châu Âu trong việc tìm lời giải cho bài toán nhập cư vì thế càng nan giải hơn.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang