Chủ tịch Ủy ban Cứu xét tiểu bang Sachsen lên tiếng – Quyền ở lại cho gia đình ông Phạm Phi Sơn cực bấp bênh

Sở Ngoại kiều Chemnitz đã gia hạn giấy tạm dung cho ông Phạm Phi Sơn, để tránh bị xuất về Việt Nam. Nhưng trong khi đó, thì vợ con ông Nguyễn Thị Quỳnh Hoa và con gái sáu tuổi không được gia hạn tạm dung tiếp như chồng, đồng nghĩa có thể bị trục xuất bất kì lúc nào, kể cả nửa đêm, gà gáy... Nghĩa là một gia đình luôn thấp thỏm trong cảnh bị đe dọa chia lìa và người chồng thì vẫn chưa có giấy phép cư trú, khả năng bị trục xuất tiếp theo cũng không thể loại trừ!

Phát ngôn viên báo chí của Hiệp hội Ủng hộ người tị nạn Flüchtlingsrat tiểu bang Sachsen, ông Dave Schmidtke phát biểu với báo giới: Mối đe dọa trục xuất chưa bao giờ nghiêm trọng như bây giờ. Do thiếu giấy đăng kí kết hôn ở Việt Nam, nên đã không được công nhận là vợ chồng ở Đức. Trong khi đó, họ đã sống chung cùng nhau 6 năm nay sinh con và nuôi dưỡng nó ở Đức.

Gia đình không nên bị chia cắt

Trường hợp từ chối tước quyền cư trú của ông Phạm Phi Sơn từng sống ở Đức 36 năm nay đã gây bất bình trong dân chúng Đức trong nhiều tháng, không chỉ ở Sachsen mà trên toàn Liên bnang. Ông Phạm Phi Sơn đã đến CHDC Đức vào năm 1987 với tư cách là lao động xuất khẩu và sau đó được cấp quyền cư trú vô thời hạn. Ông bị thu giấp phép đó chỉ vì ở lại Việt Nam vượt quá mức luật định là 6 tháng với lí do bệnh tật nhưng không thực hiện đủ các thủ tục giấy tờ xác nhận lí do đó. Khi bị tước quyền ở lại, đã có hơn 103.000 người Đức kí tên vào một bản kiến nghị gửi lên Ủy ban Cứu xét, đòi quyền ở lại cho gia đình họ Phạm Phi Sơn.

Schmidtke thông báo, Hiệp hội Ủng hộ Người tị nạn muốn tận dụng tất cả các bước pháp lý để ngăn chặn gia đình ly tán. Một đơn Cứu xét lần thứ ba gửi tới Ủy ban Cứu xét đang được chuẩn bị.

Phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Cứu xét

Geert Mackenroth, Chủ tịch Ủy ban Cứu xét trả lời truyền thông, hôm thứ 5, cho biết: Ủy ban đã tổ chức 2 lần bỏ phiếu đối với đơn cứu xét của ông Phạm Phi Sơn. Lần một vào năm 2018 và gần đây nhất là vào tháng 2.2023. Cả hai lần đều bị Ủy ban phủ quyết. Vì vậy ông Phạm Phi Sơn có rất ít cơ hội được chấp thuận khi đệ đơn cứu xét lần thứ 3. Lí do, Ủy ban chỉ xem xét lại, trong trường hợp tình hình thay đổi về cơ bản. Ông nói: Tôi không nhận thấy điều thay đổi đó trong trường hợp này. Những thiếu sót của ông Phạm Phi Sơn làvô cùng lớn.

Mackenroth bày tỏ sự chia sẻ cảm thông với cách giải quyết của Sở Ngoại kiều Chemnitz gây bức xúc công luận lâu nay: Theo luật pháp Đức và trước những tranh cãi mạnh mẽ trên công luận, Sở Ngoại kiều không còn lựa chọn nào khác, buộc phải giải quyết như vậy.

Theo ông, ông Phạm Phi Sơn có thể xuất cảnh và tái nhập cảnh, để có thể được cấp giấy phép cư trú mới. Đối với vợ và con, ông nhận thấy ít cơ hội ở lại Đức hơn, ngay cả khi con được sinh ra ở Đức. Cho tới khi con tới 15 tuổi và có một cuộc sống của riêng mình, chúng mới không phụ thuộc cha mẹ.

Nghĩa là ông Geert Mackenroth đã không công nhận cuộc hôn nhân và trong trường hợp này, con chỉ ăn theo mẹ, chứ không được quyền ăn theo bố.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang