Bế mạc Hội nghị BCH lần thứ 11; Chi tiết danh sách 34 tỉnh, thành mới; Kỷ nguyên tiến biển; Vành đai 4 HN chậm bàn giao mặt bằng

BẾ MẠC HỘI NGHỊ LẦN THỨ 11 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII: HỘI NGHỊ LỊCH SỬ & NHỮNG QUYẾT SÁCH LỊCH SỬ

Sau ba ngày (10 - 12/4) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và bế mạc chiều 12/4.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên bế mạc.

Phát biểu Bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, các đồng chí Trung ương đã thảo luận dân chủ, lắng nghe, trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề mới, hệ trọng và thống nhất rất cao những nội dung quan trọng, cốt lõi. Ban Chấp hành Trung ương đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị với tỷ lệ tuyệt đối. Có thể khẳng định Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Rất nhiều đồng chí Trung ương đề nghị Bộ Chính trị ghi nhận đây là Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới của nước ta.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương tinh thần làm việc tích cực, trách nhiệm, chủ động, khoa học, sáng tạo, quyết đoán, hiệu quả, đổi mới của Trung ương; công tác chuẩn bị và phục vụ Hội nghị chu đáo, kỹ lưỡng, trọng tâm, trọng điểm, có nhiều cải tiến của các Tiểu ban, của Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan.

Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố và giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã

Tổng Bí thư cho biết, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao nội dung đề xuất nêu tại các Tờ trình, Báo cáo, Đề án thuộc nhóm công việc về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao các chủ trương về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: cấp Tỉnh (Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương), cấp Xã (Xã, Phường, Đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 06 thành phố trực thuộc Trung ương) với tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị xác định theo các nguyên tắc nêu tại các Tờ trình và Đề án; kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sau khi Quốc hội quyết nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi); sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.

Tổng Bí thư nêu rõ, đồng ý chủ trương lập tổ chức đảng ở địa phương tương ứng với hệ thống hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động của các đảng bộ cấp huyện; việc lập tổ chức đảng ở địa phương thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng, quy định của Trung ương.

Với mô hình tổ chức hành chính mới, cấp Tỉnh vừa là cấp thực hiện chủ trương, chính sách từ Trung ương, vừa là cấp ban hành chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố và trực tiếp chỉ đạo, quản lý các hoạt động của cấp xã trên địa bàn. Cấp Xã chủ yếu là thực hiện chính sách từ cấp Trung ương và cấp Tỉnh ban hành; được tăng cường phân cấp phân quyền và có thẩm quyền ban hành văn bản qui phạm pháp luật để quyết định việc tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp mình.

Tổng Bí thư cho biết, thống nhất chủ trương sắp xếp, tinh gọn, hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương; chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang, giảm mức đóng góp công đoàn phí của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Trung ương đồng ý chủ trương tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; kết thúc hoạt động của Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và cấp huyện; xác lập hệ thống tổ chức Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân có 03 cấp là: Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và khu vực (hệ thống tòa án và viện kiểm sát quân sự giữ nguyên mô hình hiện nay).

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước liên quan đến các quy định về chính quyền địa phương phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6/2025; có hiệu lực từ ngày 01/7/2025; quy định thời gian chuyển tiếp để bảo đảm hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với kế hoạch, lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Trung ương yêu cầu, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan phối hợp triển khai chặt chẽ có hiệu quả các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế. Tập trung cao độ để thực hiện tốt các nhiệm vụ này, đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm, phấn đấu ngay trong năm 2025 phải tháo gỡ triệt để những rào cản, khó khăn, vướng mắc về thể chế để tạo hành lang pháp lý, tạo nền tảng cho phát triển, nhất là các vấn đề liên quan đến đấu thầu, ngân sách, đầu tư công, kinh tế tư nhân, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tạo cơ sở vững chắc, thuận lợi cho cuộc Cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; khơi thông các điểm nghẽn, nguồn lực; đẩy mạnh phân cấp phân quyền triệt để gắn với tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực hiệu quả; kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước. Xây dựng, ban hành pháp luật, cơ chế chính sách phải bám sát sự lãnh đạo của Đảng, theo sát tình hình thực tiễn và tính đặc thù của cuộc cách mạng về cơ cấu tổ chức, không để tình trạng chờ luật, chờ cơ chế dẫn đến chậm trễ, mất cơ hội; tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí thấp; xử lý triệt để các "điểm nghẽn" về thể chế để biến thành nguồn lực, lợi thế cạnh tranh, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu về cải cách hành chính, khởi nghiệp sáng tạo để có thể tiến kịp, đi cùng, vượt lên cùng các nước đi trước.

Tiếp tục đóng góp hoàn thiện văn kiện Đại hội XIV của Đảng

Về dự thảo các văn kiện phục vụ Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư cho biết, Trung ương thống nhất đánh giá, các dự thảo lần này được biên tập ngắn gọn, súc tích (giảm khoảng 30% - 35%), song nội dung khá đầy đủ, sâu sắc vừa bảo đảm tính văn kiện, toàn diện vừa đảm bảo tính hành động cao, có thể giúp triển khai ngay, cập nhật, bổ sung nhiều vấn đề lớn, là hình mẫu cho việc xây dựng văn kiện của các tổ chức Đảng. Qua trao đổi, thảo luận, Trung ương thống nhất cao và nhận thấy cần triển khai ngay một số giải pháp lớn đã được nhất trí thông qua trong dự thảo các văn kiện, đồng thời cụ thể hóa trong văn kiện nhiệm kỳ 2025 - 2030 của các tổ chức Đảng. Từ đó, yêu cầu các Tiểu ban tiếp tục rà soát các ý kiến của Trung ương, bổ sung đầy đủ những khó khăn, thách thức khách quan phải đối mặt, những tồn tại, hạn chế kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chưa khắc phục, những nhiệm vụ, giải pháp thích ứng với bối cảnh tình hình mới, thời cơ vận hội và thử thách mới bằng tư duy mới, cách làm mới mang tính cách mạng, vượt lên chính mình để bảo đảm phát triển chủ động, tự chủ, nhanh, bền vững; đồng thời yêu cầu các đảng bộ trong quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội phải tập trung thảo luận kỹ lưỡng những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đóng góp hoàn thiện văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện đại hội cấp mình…

Về công tác tổ chức xây dựng và thi hành điều lệ Đảng, Tổng Bí thư nêu rõ, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến và cơ bản thống nhất, thông qua dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; bổ sung nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; các nội dung sửa đổi, bổ sung Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; các nội dung sửa đổi, bổ sung Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118-KL/TW ngày 18/01/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Phương hướng Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu Hội đồng  nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Trung ương yêu cầu, Bộ Chính trị, cấp ủy, các tổ chức Đảng, các cơ quan có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung đã được Trung ương thống nhất, thông qua.

Về những việc cần làm ngay, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu, ngay sau Hội nghị, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương và người đứng đầu triển khai ngay các công việc. Trong đó về tổ chức đại hội các cấp tại địa phương sáp nhập, hợp nhất, Tổng Bí thư lưu ý, về văn kiện: Cấp tỉnh phải sớm bổ sung, hoàn thiện văn kiện Đại hội cấp mình trên cơ sở dự thảo Văn kiện mới của Trung ương. Đối với các tỉnh có sáp nhập, hợp nhất thì các Ban thường vụ phải bàn với nhau để xây dựng Văn kiện của Đại hội tỉnh mới. Phải trên tinh thần "không gian phát triển mở rộng" của tỉnh mới để xây dựng văn kiện. Không phải là cộng gộp cơ học các Văn kiện của tỉnh cũ thành Văn kiện của tỉnh mới. Các xã sáp nhập cũng phải thực hiện theo tinh thần này. Về nhân sự, phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác. Ban Thường vụ cấp tỉnh (có sáp nhập, hợp nhất) phải bàn kỹ với nhau về vấn đề này, tạo sự thống nhất cao trong thực hiện, nhất là bố trí người đứng đầu các cơ quan sau khi sáp nhập. Những vấn đề chưa thống nhất, đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư được phân cộng phụ trách địa bàn sẽ hướng dẫn, chỉ đạo (các tỉnh cũng cần phân công các đồng chí cấp ủy tỉnh hướng dẫn chỉ đạo Đại hội cấp xã).

Trung ương yêu cầu các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV nhanh chóng tiếp thu ý kiến góp ý bổ sung, hoàn thiện các dự thảo văn kiện (nhất là phần định hướng phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng, địa phương sau sáp nhập) gửi đại hội đảng bộ các cấp thảo luận, góp ý, tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn kiện, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 12 để cán bộ, đảng viên và nhân dân thảo luận cho ý kiến.

Công việc trước mắt rất bộn bề, thực tiễn cuộc sống đang đòi hỏi cấp bách, nhân dân, cán bộ đảng viên đang mong chờ, nhiệm vụ phía trước rất nặng nề, gian khó, Tổng Bí thư nêu rõ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tin tưởng rằng, phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường, bất khuất của dân tộc, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, sự nỗ lực chung sức, đồng lòng, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra.

 

 

CHÍNH THỨC: DANH SÁCH CHI TIẾT 34 TỈNH, THÀNH PHỐ MỚI VỪA ĐƯỢC THÔNG QUA

Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 60-NQ/TW về Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

Theo đó, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII cơ bản thống nhất với các nội dung đề xuất của Bộ Chính trị và Đề án về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; xây dựng hệ thống tổ chức đảng ở địa phương, chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 01/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được xác định theo các nguyên tắc nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng uỷ Chính phủ.

Bên cạnh đó, Ban Chấp hành cũng đồng ý sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Danh sách dự kiến tên gọi 23 tỉnh, thành sau sáp nhập

Cụ thể, theo danh sách ban hành kèm theo Nghị  dự kiến 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sáp nhập, hợp nhất như sau:

(1) Hợp nhất tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang, lấy tên là tỉnh Tuyên Quang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay.

(2) Hợp nhất tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái, lấy tên là tỉnh Lào Cai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Yên Bái hiện nay.

(3) Hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên, lấy tên là tỉnh Thái Nguyên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay.

(4) Hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Hoà Bình; lấy tên là tỉnh Phú Thọ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Phú Thọ hiện nay.

(5) Hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang, lấy tên là tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang hiện nay.

(6) Hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.

(7) Hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, lấy tên là thành phố Hải Phòng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Hải Phòng hiện nay.

(8) Hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định; lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.

(9) Hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị, lấy tên là tỉnh Quảng Trị, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.

(10) Hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, lấy tên là thành phố Đà Nẵng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.

(11) Hợp nhất tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi, lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.

(12) Hợp nhất tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, lấy tên là tỉnh Gia Lai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bình Định

(13) Hợp nhất tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa, lấy tên là tình Khánh Hoà, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hòa hiện nay.

(14) Hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận, lấy tên là tỉnh Lâm Đồng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay.

(15) Hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên, lấy tên là tỉnh Đắk Lắk, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay.

(16) Hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, lấy tên là Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

(17) Hợp nhất tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước, lấy tên là tỉnh Đồng Nai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai hiện nay,

(18) Hợp nhất tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An, lấy tên là tỉnh Tây Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Long An.

(19) Hợp nhất thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang; lấy tên là thành phố Cần Thơ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Cần Thơ hiện nay.

(20) Hợp nhất tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh, lấy tên là tỉnh Vĩnh Long, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Vĩnh Long hiện nay.

(21) Hợp nhất tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp, lấy tên là tỉnh Đồng Tháp, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tiền Giang.

(22) Hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau, lấy tên là tỉnh Cà Mau, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Cà Mau hiện nay.

(23) Hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang, lấy tên là tỉnh An Giang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang.

Các đơn vị hành chính không thực hiện sáp nhập

(1) Thành phố Hà Nội

(2) Thành phố Huế

(3) Tỉnh Lai Châu

(4) Tỉnh Điện Biên

(5) Tỉnh Sơn La

(6) Tỉnh Lạng Sơn

(7) Tỉnh Quảng Ninh

(8) Tỉnh Thanh Hóa

(9) Tỉnh Nghệ An

(10) Tỉnh Hà Tĩnh

(11) Tỉnh Cao Bằng

 

 

KỶ NGUYÊN TIẾN BIỂN

Lần đầu tiên, hoạt động lấn biển được quy định tại luật Đất đai 2024, đánh dấu mốc quan trọng trong kỷ nguyên phát triển xứng tầm cho VN - đất nước có tới hơn 3.000 km đường bờ biển. Công cuộc tiến ra đại dương, hội nhập xu hướng thế giới cũng chính là một trong những động lực phát triển cho kinh tế đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Từ thành phố bên sông tới đô thị tiến ra biển lớn

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa, người dân huyện đảo Cần Giờ sẽ được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử: động thổ, khởi công Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Dự án có diện tích lập quy hoạch khoảng 2.870 ha với tổng mức đầu tư gần 9 tỉ USD, được kỳ vọng sẽ biến Cần Giờ thành nơi du lịch, nghỉ dưỡng, đầu tư đủ sức cạnh tranh với các khu lấn biển trên thế giới ở Singapore, Miami (Mỹ), Úc... Cùng với đó, TP.HCM đang đặt mục tiêu khởi công cầu Cần Giờ hơn 11.000 tỉ đồng và siêu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gần 5 tỉ USD. Ban đầu, cầu Cần Giờ dự kiến được khởi công đúng dịp lễ 30.4, song do quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn 2060 chưa được phê duyệt nên dự án chưa đủ cơ sở để trình HĐND TP xem xét chủ trương đầu tư. Sau khi quy hoạch chung của TP được thông qua, Sở GTCC cho biết sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình cấp thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khởi công dự án ngay trong năm nay, hoàn thành vào năm 2028.

Một khu đô thị lấn biển sẽ đưa Cần Giờ thành nơi nghỉ dưỡng đẳng cấp khu vực; một siêu cảng trung chuyển container biến Cần Giờ thành trung tâm logistics quốc tế; kết nối trực tiếp với trung tâm TP.HCM bằng cả đường bộ và đường sắt tốc độ cao… Tất cả những công trình này đang mở ra cơ hội vàng cho Cần Giờ phục dựng vị thế cảng viễn dương nổi tiếng một thời trên đường hàng hải Á - Âu, hiện thực hóa tầm nhìn trở thành đô thị toàn cầu, bám sông, hướng biển theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Bộ Chính trị khi cho ý kiến về Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhìn lại lịch sử, TP.HCM chỉ nối ra Biển Đông từ khi H.Duyên Hải (nay là H.Cần Giờ) được sáp nhập năm 1978. Nằm cách khu vực trung tâm khoảng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của TP giáp biển, với 23 km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, và các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Từ những năm 1990, chính quyền TP.HCM đã có chủ trương phát triển TP về phía nam - tiến ra Biển Đông. Sự hợp tác của Tập đoàn CT&D (Đài Loan) đã biến khu vực rộng lớn hàng ngàn héc ta đất bỏ hoang (vì nhiễm phèn) ở khu Nam trở thành khu chế xuất Tân Thuận, khu công nghiệp Hiệp Phước, nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, khu đô thị Phú Mỹ Hưng... là những bước đi đầu tiên. Từ đó đến nay, phát triển về hướng biển là mong muốn và ý chí của nhiều thế hệ lãnh đạo cùng người dân TP.HCM. TP đã xác định tầm nhìn dài hạn phát triển cần dựa trên nền tảng kinh tế biển, đô thị biển, kết nối quốc tế. Thế nhưng giữa khát vọng và thực tế vẫn còn khoảng cách rất xa. Chỉ đến thời điểm hiện tại, với hàng loạt siêu dự án như vừa nói trên, công cuộc tiến ra biển lớn của thành phố bên sông - TP.HCM mới thực sự tăng tốc.

Động lực tăng trưởng mới của TP.HCM

PGS-TS Nguyễn Hồng Thục (ĐH Quốc gia Hà Nội) thẳng thắn: "Trong nhiều năm qua, tiềm năng và lợi thế kinh tế biển của TP.HCM chưa được khơi dậy cho chiến lược phát triển toàn diện của TP. Đây là một trong những điều đáng tiếc góp phần dẫn tới thực tế "không mấy dễ chịu" đối với TP.HCM, đó là vị thế dẫn dắt và đầu tàu đang đối mặt với nhiều thách thức".

"Nếu như vào năm 1995, nền kinh tế TP.HCM có quy mô gấp gần 2 lần so với Hà Nội thì đến nay, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn chưa tới 1,7 lần. Nhiều địa phương khác như Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… hiện tại và trong thập niên tới vẫn chưa phải là đối thủ cạnh tranh ngang tầm với TP.HCM, nhưng trong một số lĩnh vực đã có thể cạnh tranh trực tiếp. Xét ở một phương diện nào đó, các địa phương này, chứ không phải TP.HCM, là tác nhân chủ yếu tạo cảm hứng và sự ganh đua giữa các địa phương trong giai đoạn vừa qua", PGS-TS Nguyễn Hồng Thục dẫn chứng.

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Thục, những phát triển hiện nay của TP mới ở giai đoạn khởi đầu, chưa chạm tới thời kỳ trưởng thành của một vùng đô thị có tầm vóc quốc tế. Tuy nhiên, TP.HCM nằm ở vị trí có nhiều lợi thế địa kinh tế của khu vực Đông Nam Á, hội tụ đủ điều kiện và tiềm năng phát triển thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong vòng 1 - 2 thập niên tới. Cùng với sự ủng hộ của Chính phủ và những chuyển biến mạnh mẽ từ chủ trương đến hành động của các cấp lãnh đạo, đây là thời cơ vàng để TP.HCM giành lại cơ hội đã bỏ lỡ trong gần 20 năm qua và khẳng định lại vị thế đầu tàu kinh tế.

"TP.HCM có 3 động lực chính đều bắt nguồn từ kinh tế sông biển và 300 năm qua, TP luôn luôn sống với huyết mạch kinh tế này. Do vậy, chúng ta bắt buộc phải kết nối kinh tế sông biển và những thành phố nước để trở thành động lực phát triển. Chuỗi đô thị biển Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công sẽ trở thành cực kinh tế biển "mặt tiền" để TP.HCM chủ động đón nhận các cơ hội phát triển kinh tế biển có giá trị gia tăng cao và giao dịch hàng hải quốc tế. Hành lang đô thị biển này cũng sẽ là bàn đạp để TP.HCM trở thành cửa ngõ kết nối mạnh hơn nữa với khu vực và quốc tế. TP khi đó không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với phát triển của Vùng kinh tế phía nam, mà còn là mấu chốt trong các chiến lược quốc tế, như Hành lang kinh tế Ấn Độ - Mê Kông, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ...", PGS-TS Nguyễn Hồng Thục nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, nhận định: Phát triển kinh tế biển, lấn biển là xu thế của toàn thế giới. Trung Quốc trước đây đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế biển, từ đó tạo ra nguồn lực để phát triển kinh tế vùng núi và họ đã thành công. Đối với TP.HCM, Cần Giờ là vùng tiếp giáp duy nhất tới cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, đồng thời là điểm duy nhất tiếp giáp với biển để phát triển các loại hình kinh tế biển. Trong quá trình quy hoạch, tổ chức lại đơn vị hành chính tới đây, nếu Bà Rịa-Vũng Tàu sáp nhập với TP.HCM thì cảng biển Cần Giờ cùng với các cảng biển đang hoạt động tốt ở Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ cùng gia tăng năng lực, động lực phát triển mới cho TP.

"VN đã nói đến phát triển kinh tế biển từ rất lâu nhưng thực sự vẫn chưa có những dự án lớn mang tầm quốc tế. Chúng ta cần phải tranh thủ lấn biển được bao nhiêu hay bấy nhiêu và càng nhanh càng tốt. Bởi càng chậm trễ thì khả năng cạnh tranh với các nước sẽ càng giảm, trong khi các động lực phát triển kinh tế trên đất liền dần cạn kiệt. TP.HCM sẽ có thêm động lực phát triển mới khi tiến ra biển qua cửa ngõ Cần Giờ. Đừng lo sợ khi chưa thực hiện lấn biển, miễn là khi đã thực hiện đúng quy hoạch, đánh giá tác động môi trường biển để lựa chọn nơi thực hiện phù hợp, khai thác được hiệu quả vùng biển thuộc VN", GS-TS Đặng Hùng Võ chia sẻ.

 

 

VÀNH ĐAI 4 HÀ NỘI CHẬM BÀN GIAO MẶT BẰNG

Chủ tịch UBND thành phố giao các quận, huyện hoàn thành thu hồi đất làm Vành đai 4 trước 15.4 nhưng đến nay nhiều đoạn mặt bằng chưa được giải phóng.

Dự án xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô đoạn qua địa phận thành phố Hà Nội dài hơn 57km, đi qua các quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai và Thường Tín.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 Hà Nội, cách đây gần 1 tháng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các quận, huyện giải quyết dứt điểm diện tích đất còn lại phải thu hồi, hoàn thành trước ngày 15.4.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, đây là khoảng thời gian cuối cùng, không được phép muộn hơn.

Tuy nhiên, ghi nhận của Lao Động ngày 13.4 cho thấy, dự án Vành đai 4 đoạn qua địa bàn Hà Nội vẫn còn rất nhiều vị trí chưa được giải phóng mặt bằng.

Tại gói thầu số 8 - xây dựng đường song hành Vành đai 4 qua huyện Sóc Sơn và Mê Linh, các công trình hạ tầng ngầm, nổi cơ bản đã được di dời.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hai khu dân cư tại xã Đại Thịnh và Chu Phan (huyện Mê Linh) chưa bàn giao mặt bằng cho dự án.

Tại gói thầu số 9 - xây dựng đường Vành đai 4 qua địa phận huyện Đan Phượng và Hoài Đức, đến nay còn vướng mặt bằng tại ba khu dân cư ở xã Đức Thượng, Đông La (Hoài Đức) và xã Hạ Mỗ (Đan Phượng).

Tại khu vực xây dựng cầu Hồng Hà, thuộc địa phận xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) và xã Văn Khê (huyện Mê Linh), nhiều hộ dân vẫn chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Chỉ huy trưởng gói thầu số 9 (nhà thầu Vinaconex) Nguyễn Hoàng Hải cho hay, nhà thầu thường xuyên liên hệ với huyện Hoài Đức và Đan Phượng để cập nhật tiến độ giải phóng mặt bằng.

"Các đơn vị liên quan đang tiến hành di dời hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi. Tuy nhiên, ba khu dân cư vẫn chưa rõ thời điểm địa phương sẽ bàn giao cho nhà thầu để thi công dự án" - ông Hải nói.

Tương tự, một số đoạn mặt bằng tại gói thầu số 10 - xây dựng đường song hành qua địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Oai cũng còn nhiều điểm chưa được bàn giao. Các công trình cản trở chủ yếu là khu dân cư, nhà xưởng và hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi.

Ở gói thầu số 11, đoạn qua huyện Thường Tín, các khu dân cư trong phạm vi dự án đã được giải phóng mặt bằng. Hiện còn hơn 10 điểm chưa bàn giao, chủ yếu là các công trình hạ tầng ngầm, nổi.

Ông Trần Viết Sơn - Chỉ huy trưởng gói thầu số 11 (nhà thầu Cienco 4) - cho biết trước đây, thành phố yêu cầu các địa phương giao đủ mặt bằng cho nhà thầu trong quý I, sau đó lùi đến trước ngày 15.4.

"Việc hoàn thành đường song hành Vành đai 4 vào tháng 10 như chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội gần như không khả thi, bởi tiến độ bàn giao mặt bằng của địa phương quá chậm. Chưa kể, mùa mưa đang đến gần và sẽ kéo dài nhiều tháng, gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ của dự án" - ông Sơn nói.

 

Nguồn: Báo Tin Tức; CafeF; Thanh Niên; Lao Động

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Tỷ phú Elon Musk rơi lệ trên sóng truyền hình khi nhắc đến Việt Nam – Chuyện gì đã xảy ra?

Elon Musk – người đàn ông đứng sau SpaceX, Tesla, và hàng loạt công nghệ thay đổi thế giới - đã bất ngờ bật khóc ngay trên sóng truyền hình trực tiếp khi được hỏi về Việt Nam. Khoảnh khắc ấy khiến cả thế giới sững sờ, còn người dẫn chương trình không dám hỏi thêm một lời nào. Điều gì ẩn sau giọt nước mắt của một tỷ phú từng được xem là "người thép"? Trong video này, bạn sẽ được chứng kiến toàn bộ câu chuyện chưa từng được công bố: Từ bức thư cũ mà Elon nhận được từ một cậu bé Việt Nam, cho đến lời hứa bí mật giữa ông và một người lính gốc Á năm xưa. Mỗi chi tiết hé lộ một phần của sự thật – một sự thật có thể thay đổi cách thế giới nhìn về Việt Nam mãi mãi.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Đức

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Leipzig, CHLB Đức

Chiều Chủ Nhật, ngày 06.04.2025, tại thành phố Leipzig, Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại CHLB Đức đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, để tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Buổi lễ thu hút hàng trăm người Việt và gốc Việt từ khắp nơi trên nước Đức, và các đại biểu, khách mời các Hội đoàn Âu châu và tại Đức cùng về dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Tác giả: Thu Hằng - Phương Hoa - Thanh Tùng (TTXVN)

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang