Khai mạc Hội nghị lần thứ 11 BCH TƯ; Bẫy ngoại giao nhà ở xã hội; Vụ sai phạm ở 2 dự án bệnh viện; Tăng tốc đường sắt

KHAI MẠC HỘI NGHỊ LẦN THỨ 11 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII

Sáng 10/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị. Chủ tịch nước Lương Cường điều hành Phiên khai mạc.

Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 12/4 để tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với các nội dung tập trung vào hai nhóm vấn đề chính: Nhóm vấn đề về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Nhóm vấn đề về tiếp tục chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Cũng tại Hội nghị, Trung ương xem xét, quyết định một số nội dung công tác cán bộ theo thẩm quyền; nghe báo cáo về tình hình đất nước, tình hình thế giới và khu vực; những công việc quan trọng Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 10 đến nay; các chuyên đề về hoàn thiện thể chế, về đột phá phát triển khoa học , công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, khối lượng công việc cần giải quyết tại Hội nghị Trung ương lần này rất lớn, phạm vi rất rộng, nhiều nội dung liên quan đến quốc kế dân sinh .

Gợi mở một số vấn đề thảo luận, Tổng Bí thư nêu rõ, trong hơn hai tháng qua, thực hiện các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc ở cấp Trung ương.

Song, đánh giá một cách tổng thể cho thấy, mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị chưa thật sự hoàn thiện, nhất là địa phương vẫn còn cấp trung gian, nhiều đơn vị hành chính cấp tỉnh quy mô nhỏ, không còn dư địa phát triển, phần lớn các đơn vị cấp xã còn bất cập cả về quy mô, trình độ phát triển và đội ngũ cán bộ.

Tiếp tục cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp bàn và thống nhất trình Trung ương Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp cùng với các đề án liên quan.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là những vấn đề rất hệ trọng, có tính lịch sử. Mục tiêu là xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn; đồng thời mở ra cục diện mới phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài, ít nhất là cho tới 100 năm tới. Đề nghị các đồng chí Trung ương với tư duy đổi mới vì sự phát triển của đất nước, vì nhân dân, tập trung cho ý kiến, góp ý về phương án, lộ trình tổ chức thực hiện sao cho đồng bộ, thống nhất, thông suốt, hiệu quả, không được để việc sắp xếp tổ chức bộ máy làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động thường ngày của người dân, của doanh nghiệp; nhất là với cấp xã, làm thế nào để thực sự gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, giải quyết mọi nhu cầu của dân ở cấp cơ sở.

Tổng Bí thư cho biết, từ sau Hội nghị Trung ương 10, Bộ Chính trị quyết liệt chỉ đạo chuẩn bị các công việc tổ chức Đại hội lần thứ XIV của Đảng, trọng tâm là văn kiện và nhân sự. Về văn kiện, Bộ Chính trị đã chỉ đạo bổ sung, cập nhật nhiều vấn đề mới, nhất là những chủ trương, quyết sách quan trọng mang tính cách mạng để phát triển đất nước .

Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất muốn được nghe những kiến nghị, những giải pháp nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng liên tục hai con số trong những năm tiếp theo trong điều kiện chúng ta tiến hành cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy và sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, cũng như trong tình hình chiến tranh thương mại trên phạm vi toàn cầu.

Điều quan trọng, các đồng chí ở từng địa phương, bộ, ngành phải tìm ra được những việc cần làm ngay từ chính nội lực của địa phương, đơn vị mình.

Về nhân sự, Bộ Chính trị đã chỉ đạo rà soát, bổ sung dự thảo phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phù hợp với cơ cấu của mô hình tổ chức mới; dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Đây là vấn đề chiến lược, rất quan trọng để phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đại biểu cần nghiên cứu kỹ, nhất là các nội dung mới cập nhật bổ sung so với các dự thảo lần trước.

Khẳng định bối cảnh tình hình mới rất khẩn trương, cần sự đột phá, quyết đoán, quyết liệt, sự đoàn kết, thống nhất từ đề xuất chính sách tới việc triển khai thực hiện, Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Trung ương, các đại biểu dự Hội nghị phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung để Hội nghị đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra.

 

 

CẨN TRỌNG BẪY NGOẠI GIAO NHÀ Ở XÃ HỘI: TỔNG GIÁM ĐỐC NÓI CŨNG BỊ LỪA, HIỆN LÁI XE THUÊ

Trong khi hàng chục người mua nhà ở xã hội qua 'suất ngoại giao' không liên hệ được với kế toán thì Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tân Nhật Phát tiết lộ với PV VietNamNet 'bản thân em cũng bị lừa'?!

Tổng giám đốc nói cũng bị lừa?!

Tại các bài viết, VietNamNet đã phản ánh việc nhiều người dân vì tin lời môi giới quảng cáo công ty có các “suất ngoại giao” nhà ở xã hội nên đã nộp hàng trăm triệu đến hơn 2 tỷ đồng tiền cọc.

Tất cả “phiếu đăng ký tư vấn hồ sơ” và phiếu thu tiền của người mua nhà đều được đóng dấu treo mang tên Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tân Nhật Phát (Công ty Tân Nhật Phát). Còn tiền được chuyển vào tài khoản của bà Phạm Thị Hương. Theo người mua, bà Hương là kế toán trưởng công ty.

Theo thông tin công bố doanh nghiệp, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tân Nhật Phát được thành lập ngày 7/8/2023. Người đại diện pháp luật là Phạm Hồng Phương - Tổng giám đốc và Phạm Thị Huyền Sâm - Phó giám đốc.

PV VietNamNet đến địa điểm Công ty Tân Nhật Phát tại LK 08-30, khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông (Hà Nội) để tìm hiểu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này không còn hoạt động tại địa chỉ trên, chỉ còn treo biển tên công ty. Hàng xóm xung quanh không ai biết họ chuyển đi đâu. Căn nhà đã được người khác thuê ở từ đầu năm nay.

PV tiếp tục liên lạc tới số điện thoại của bà Phạm Thị Hương và ông Phạm Hồng Phương - Tổng giám đốc do người mua nhà cung cấp.

Tuy nhiên, nhiều lần gọi điện và nhắn tin, bà Hương đều không nghe máy, nhắn tin không phản hồi.

Còn phía ông Phạm Hồng Phương, phóng viên nhận được câu trả lời: “Hiện đang làm công việc lái xe thuê nên không tiện nói chuyện trao đổi”.

Qua tin nhắn, ông Phương cho hay, ông đứng tên pháp nhân công ty nhưng cũng được trả lương như mọi nhân viên, với vai trò sale (bán hàng).

“Mọi vấn đề điều hành, quản lý công ty, quản lý tài chính đều là chị Hương kế toán trưởng, đồng thời là cổ đông công ty chỉ đạo điều hành. Sau khi chị Hương nhận tiền của khách hàng tại các dự án (NHS Trung Văn, Ecohome 3, dự án UDIC 214 Nguyễn Xiển), có dấu hiệu không thực hiện đúng theo các phiếu tư vấn mà chị Hương đã thỏa thuận với khách.

Bản thân em cũng là người bị lừa và chị Hương cũng đang cầm một số tiền của gia đình em. Em đã phối hợp và trình báo Cơ quan điều tra để yêu cầu chị Hương trả lại tiền cho khách hàng và yêu cầu báo cáo dòng tiền đang đi về đâu, như thế nào nhưng chị Hương cũng từ chối hợp tác nhiều lần, thậm chí còn dùng con dấu cũ của công ty (con dấu chị Hương quản lý) tự ký kết các hợp đồng.

Em cũng đang tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ dòng tiền của khách hàng và của chính em đã gửi cho chị Hương đang ở đâu để thu hồi, trả lại cho gia đình em và mọi người”, ông Phạm Hồng Phương nhắn tin trả lời PV VietNamNet.

Chúng tôi cũng đặt nhiều câu hỏi khác nhưng không nhận được thêm câu trả lời nào từ ông Phương.

Người mua nhà cần làm gì?

Trước sự việc 24 người đã nộp tiền để được mua “suất ngoại giao” nhà ở xã hội nhưng nhà thì không thấy đâu, còn người nhận tiền biến mất, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, cho rằng do nguồn cung nhà ở xã hội ít, một số đối tượng lừa đảo đã lập sàn giao dịch, quảng cáo có “suất ngoại giao”, thu được rất nhiều tiền cọc của người dân rồi biến mất. Thực tế này đã xảy ra nhiều.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội cần tìm hiểu dự án có đáp ứng đủ điều kiện không, rồi liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư.

“Không nên qua sàn hay qua môi giới, không nên tin họ nói có suất ngoại giao, càng không nên tin vào các lời hứa rồi xuống tiền đặt cọc hàng trăm triệu đồng, rủi ro rất cao.

Với các trường hợp đã đặt cọc tiền, cần thu thập chứng cứ, làm đơn gửi cơ quan công an, từ đó có cơ sở để họ điều tra, tìm kiếm đối tượng lừa đảo. Còn nếu thấy không liên lạc được với môi giới mà người mua không làm gì thì việc lấy lại được tiền là rất khó”, ông Hà nói.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kê khai, nộp hồ sơ mua, thuê, thuê nhà ở xã hội đúng quy định, ngăn chặn và hạn chế tối đa các đối tượng môi giới lợi dụng, Sở Xây dựng Hà Nội mới đây đã đề nghị Công an thành phố tăng cường chỉ đạo công an cấp xã (nơi có dự án nhà xã hội) rà soát, xử lý môi giới lợi dụng nhận kê khai, nộp hồ sơ mua, thuê, thuê mua trái quy định pháp luật.

“Mọi hành vi gian dối khi kê khai và xác nhận hồ sơ nhà ở xã hội khi được phát giác, kể cả trong quá trình hậu kiểm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành”, Sở Xây dựng lưu ý.

Sở Xây dựng cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ xác nhận điều kiện về nhà ở thuận tiện. UBND cấp xã cũng cần hỗ trợ người dân trong việc xác nhận các điều kiện về nhà ở, thu nhập, vay vốn ưu đãi.

Sở này cũng lưu ý người dân chỉ được nộp hồ sơ trực tiếp cho chủ đầu tư, không qua các đối tượng môi giới, sàn giao dịch bất động sản trung gian.

 

 

SAI PHẠM TẠI 2 DỰ ÁN BỆNH VIỆN: NHÀ THẦU MANG 145 TỶ GỬI TIẾT KIỆM

Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm tạm ứng lần 1 cho Công ty Cổ phần Hồng Hà (gói thầu XDVD-01) hơn 185 tỷ đồng, sau đó công ty này mang 145 tỷ gửi tiết kiệm.

Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận thanh tra số 528 về dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức tại tỉnh Hà Nam.

Theo tính toán sơ bộ của cơ quan thanh tra, hai dự án bệnh viện bỏ không dẫn đến lãng phí, thiệt hại ngân sách trên 1.254 tỷ đồng.

Nhà thầu mang tiền tạm ứng gửi tiết kiệm

Đáng chú ý, khi kiểm tra xác suất hồ sơ tạm ứng, thanh toán, Thanh tra Chính phủ nhận thấy, từ năm 2016 đến hết năm 2024, Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm không có báo cáo tình hình thực hiện tạm ứng vốn, thu hồi tạm ứng vốn.

" Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm tạm ứng lần 1 cho Công ty Cổ phần Hồng Hà (gói thầu XDVD-01) số tiền hơn 185 tỷ đồng (ngày 29/5/2015). Nhưng Công ty Cổ phần Hồng Hà sử dụng sai mục đích số tiền tạm ứng 145 tỷ đồng (gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) - Chi nhánh Thanh Xuân - Hà Nội) ", kết luận nêu rõ.

Theo Thanh tra Chính phủ, ngày 24/11/2015, Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm có văn bản về việc phong tỏa hợp đồng tiền gửi 145 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Hồng Hà và tất toán, chuyển toàn bộ gốc và lãi lũy kế của số tiền gửi tiết kiệm nói trên về tài khoản tạm ứng, dừng toàn bộ tạm ứng các khoản tiếp theo cho đến khi có văn bản chấp thuận của chủ đầu tư.

Ngày 9/12/2015, Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm có văn bản gửi MBBank (Chi nhánh Thanh Xuân - Hà Nội) đề nghị giải tỏa việc phong tỏa tài khoản nhận tiền gửi.

Tuy nhiên, cơ quan thanh tra xác định, Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm chưa có báo cáo về việc xử lý đối với nội dung này.

Thanh tra Chính phủ cũng ghi nhận một số hóa đơn giá trị gia tăng của các nhà thầu lập không đúng thời điểm tiến hành nghiệm thu khối lượng hoàn thành, vi phạm quy định tại Thông tư số 39/2014, Thông tư số 219/2013 của Bộ Tài chính.

Thi công 2 dự án bệnh viện chậm hàng nghìn ngày

Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tại tỉnh Hà Nam được khởi công từ đầu năm 2015, đến hết năm 2020 cơ bản hoàn thành phần xây dựng. Nhà thầu dừng thực hiện từ tháng 1/2021 cho đến nay. Tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ xác định rõ thời gian chậm tiến độ của từng nhà thầu thi công.

Với dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai:

Tổng Công ty 36 thi công Khối kỹ thuật nghiệp vụ: Phần cọc thi công chậm khoảng 89 ngày; kết cấu phần thân (tính đến thời gian thi công xong hết thang bộ) chậm khoảng 359 ngày; phần kiến trúc thi công từ 17/1/2017 đến thời điểm thanh tra (31/12/2024) chậm khoảng 2.903 ngày; phần điện, cấp thoát nước thi công từ ngày 29/12/2016 đến thời điểm thanh tra chưa xong (31/12/2024) chậm khoảng 2.923 ngày.

Tổng Công ty Thành An thi công Khối khám và điều trị ban ngày: Phần cọc thi công chậm khoảng 44 ngày; kết cấu phần thân chậm khoảng 202 ngày; phần kiến trúc thi công chậm khoảng 2.939 ngày; phần điện, cấp thoát nước thi công từ ngày 18/2/2016 đến thời điểm thanh tra chưa xong (31/12/2024) chậm khoảng 3.233 ngày.

Tổng Công ty 319 thi công Khối nội trú: Phần cọc thi công chậm khoảng 67 ngày; kết cấu phần thân thi công (từ ngày 6/4/2016 đến ngày 29/4/2017) chậm khoảng 283 ngày; phần kiến trúc thi công chậm khoảng 1.210 ngày; phần điện, cấp thoát nước thi công chậm khoảng 504 ngày.

Với dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức (Liên danh nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP và Công ty cổ phần Hồng Hà Việt Nam):

Phần cọc tiến độ được phê duyệt 142 ngày (từ 31/3/2015 đến 19/8/2015), thực tế thi công 166 ngày, chậm khoảng 25 ngày.

Kết cấu móng, tầng hầm: Tiến độ dự thầu 76 ngày, thực tế thi công 570 ngày (từ 20/8/2015 đến 12/3/2017), chậm khoảng 494 ngày.

Kết cấu phần thân: Tiến độ dự thầu 70 ngày, thực tế thi công 571 ngày (từ 7/9/2015 đến 31/3/2017), chậm khoảng 501 ngày.

Hoàn thiện phần kiến trúc: Tiến độ dự thầu 154 ngày, thực tế thi công 1.106 ngày (từ 20/6/2017 đến 30/6/2020), chậm khoảng 952 ngày.

Hạng mục điện, cấp thoát nước trong nhà: tiến độ dự thầu 155 ngày, thực tế thi công 723 ngày (từ 24/4/2018 đến 16/4/2020), chậm khoảng 568 ngày.

Các hạng mục lắp đặt thiết bị công trình còn lại của khối nhà chính, tiến độ thực tế đều chậm hơn nhiều so với tiến độ theo hồ sơ dự thầu được phê duyệt.

 

 

TĂNG TỐC ĐƯỜNG SẮT: VĨ THANH - CƠ CHẾ ĐẶC THÙ, ĐẶC BIỆT ĐÃ ĐỦ CHO METRO?

Kỷ nguyên mới của đất nước đang đến, kỷ nguyên của đường sắt sẽ đến. Có thể nói, Nghị quyết 188 đã đánh dấu mốc lịch sử, góp phần quyết định thay đổi giao thông đô thị cho TP.HCM và Hà Nội trong thập kỷ tiếp theo. Tuy vậy, rất nhiều thách thức còn ở phía trước, đòi hỏi hệ thống hành lang pháp lý, nghị định, thông tư, quyết định cần phải tiếp tục được hoàn thiện.

Cần thêm hành lang pháp lý để cụ thể hóa những cơ chế đặc thù

Hiện nay, ngoài Nghị quyết 188, hành lang pháp lý cho đường sắt đô thị chỉ có thêm 1 chương, 8 điều trong luật Đường sắt, có hiệu lực từ tháng 7.2018. Điều 73 của luật Đường sắt quy định, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác đường sắt đô thị trên địa bàn quản lý.

Thực tế, các tuyến metro đã triển khai tại TP.HCM và Hà Nội thời gian qua đều là những dự án có quy mô trên 10.000 tỉ đồng, thuộc nhóm "dự án quan trọng quốc gia" theo luật Đầu tư công nên quyền quyết định rất nhiều nội dung thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thậm chí là Quốc hội. Nhiều nội dung khác liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, công tác nghiệm thu, môi trường... lại thuộc thẩm quyền ở các bộ chuyên ngành. Với những nội dung chưa có tiền lệ thì chủ đầu tư phải báo cáo có văn bản hỏi hoặc áp dụng, vận dụng các luật, quy định khác.

Nghị quyết 188 về cơ bản đã đã cụ thể hóa được các nội dung trao quyền cho chính quyền địa phương hai thành phố theo tinh thần của Điều 73 của luật Đường sắt.

Tuy nhiên, khác với các dự án đường bộ, "chuỗi cung ứng" của một dự án đường sắt từ quy hoạch đến lập dự án - đầu tư - giải phóng mặt bằng - thiết kế - thi công - thử nghiệm - vận hành bao gồm nhiều giai đoạn hơn và mức độ kết nối của các giai đoạn cũng đòi hỏi cao hơn. Nghị quyết 188 chủ yếu mới tập trung ở những giai đoạn đầu. Do đó, hành lang pháp lý cho đường sắt đô thị cần phải được tiếp tục cụ thể hóa và bổ sung.

Ở các quốc gia khác trong khu vực, đường sắt đô thị không chỉ có 1 luật riêng mà còn được phân định rõ trong nhiều luật liên quan, cụ thể cho từng khâu, từng lĩnh vực.

Đơn cử như Hàn Quốc, Singapore hay Nhật Bản, mỗi khía cạnh của đường sắt đều có những luật riêng như luật Đầu tư kinh doanh đường sắt quy định các hình thức đầu tư, trình tự thủ tục chuẩn bị, phê duyệt dự án...; luật Xây dựng đường sắt quy định về các trình tự thủ tục trong xây dựng, xử lý các vướng mắc trong quá trình xây dựng...; luật Vận hành đường sắt quy định về trách nhiệm quản lý, bảo trì, giá vé, quảng cáo, kinh doanh trong quá trình vận hành; luật An toàn đường sắt quy định về trách nhiệm phối hợp, giải quyết sự cố… liên quan đến an toàn cho hành khách.

Đối với phát triển đô thị TOD, có luật Phát triển đô thị xung quanh các nhà ga, luật Tích hợp quy hoạch đô thị và đường sắt quy định về chỉ tiêu, tăng mật độ, trách nhiệm các bên trong quá trình kết nối giữa cơ quan xây dựng hay vận hành với các chủ đầu tư dự án phát triển đô thị từ giai đoạn quy hoạch, thiết kế, thi công và vận hành.

Có thể thấy, các cơ chế, chính sách trong Nghị quyết 188 đều thuộc thẩm quyền của Quốc hội, để vận dụng được cần phải cụ thể hóa bằng các nghị định, thông tư. Những vấn đề còn thiếu cũng sẽ được tiếp tục bổ sung trong luật Đường sắt sửa đổi sắp tới và các nghị định tiếp theo của Chính phủ. Song song, hai thành phố cũng phải có những nghị quyết, quyết định để có thể đảm bảo công tác triển khai các dự án thực thi một cách chủ động và thông suốt.

Cụ thể, thông qua các nghị định, Chính phủ cần cụ thể hóa cơ chế hỗ trợ nguồn vốn trung ương, cách thức phân bổ và giám sát nguồn vốn của Trung ương cho các dự án đường sắt đô thị, xây dựng hành lang pháp lý giải phóng mặt bằng trong quá trình thi công các đoạn ngầm. Bên cạnh đó, các chính sách nhằm chuyển giao công nghệ, tăng cường nội địa hóa, đào tạo nhân lực cần phải được thiết kế chi tiết, để tạo thành các cơ chế, làm bệ phóng cho các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp chủ động vào cuộc.

Việc tìm kiếm đủ nguồn vốn đầu tư khoảng gần 100.000 tỉ đồng mỗi năm cho đường sắt đô thị là sẽ là thách thức lớn nhất trong việc hiện thực hóa "giấc mơ" đường sắt đô thị. Do vậy, chính quyền hai thành phố sẽ phải tìm kiếm và huy động các nguồn lực, xác định hình thức đầu tư phù hợp cho từng dự án; tập trung khai thác nguồn lợi từ quỹ đất kết hợp chỉnh trang đô thị ở các khu vực trung tâm hoặc phát triển đô thị ở khu vực bên ngoài gắn với các tuyến metro.

Tư duy quản lý đường sắt đô thị suốt vòng đời dự án

Bài học từ các quốc gia khác trên thế giới chỉ ra rằng, để thành công, các thành phố cần phải quy tụ được một "hệ sinh thái" (hoạt động như một tổ đội chuyên ngành) gồm các chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp… đủ tâm huyết, đủ năng lực, dám cam kết và thực thi chủ động "chuỗi cung ứng" của đường sắt đô thị, từ công tác tìm kiếm nguồn vốn tín dụng, phát triển TOD, triển khai thiết kế, thi công, cung cấp trang thiết bị, đoàn tàu, quản lý dự án cho tới tổ chức vận hành.

Tổ đội này sẽ chịu trách nhiệm thực hiện toàn bộ hệ thống các dự án đường sắt đô thị hoàn chỉnh, tránh tình trạng xé lẻ mỗi dự án giao cho một đơn vị.

Cùng với đó, "chuỗi cung ứng" của đường sắt đô thị phải được các thành phố tính toán chi tiết, đầy đủ trong mối tương quan với các dự án đường sắt quốc gia để đảm bảo đủ nhân lực, máy móc, vật tư, vật liệu, bãi đổ thải... trong quá trình thi công. Bài học về thiếu vật liệu đất đắp của các dự án giao thông đường bộ gần đây một phần là do việc tính toán "chuỗi cung ứng" chưa thật kỹ. Thập kỷ vừa qua, cả nước xây được hơn 2.000 km đường bộ cao tốc thì nguồn vốn đầu tư cũng khoảng 12 - 15 tỉ USD, chỉ bằng 10% so với kế hoạch xây dựng đường sắt trong 10 năm tới. Vì thế, vấn đề chuẩn bị nhân lực, vật lực là vô cùng quan trọng.

Tương tự như cơ chế Trung ương trao quyền tự chủ cho địa phương, các thành phố cũng cần giao thêm quyền hạn, trách nhiệm cho chủ đầu tư trong công tác chuẩn bị và triển khai dự án. Khi chủ đầu tư đăng tăng quyền tự quyết sẽ tiết kiệm đáng kể khâu trình xin ý kiến các nơi, giúp dự án được triển khai thật sự chủ động, nhanh chóng.

Mặt khác, các chủ đầu tư cũng cần hoạch định tìm kiếm các hình thức đầu tư phù hợp cho từng tuyến, từng dự án. Hình thức quản lý dự án cũng phải được thay đổi theo hướng hạn chế sự can thiệp và tăng trách nhiệm cho các tư vấn, nhà thầu; hợp đồng có thưởng phạt rõ ràng, minh bạch, đảm bảo dự án triển khai đúng tiến độ, chất lượng, an toàn trong tổng mức đầu tư đã tính toán.

Kinh nghiệm từ công tác quản lý dự án đường sắt đô thị trước đây cho thấy, chủ đầu tư phải luôn chủ động, làm chủ được tình hình, kiểm soát được công việc của tư vấn, nhà thầu, sẵn sàng thay thế hay có phương án dự phòng khi cần thiết.

Công tác quản lý dự án cũng phải được tăng cường tối đa việc ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo sự minh bạch, tạo thuận lợi cho công tác theo dõi suốt vòng đời dự án. Chủ đầu tư phải chuẩn bị đội quân quản lý dự án tinh nhuệ, tiếp tục đào tạo và tự đào tạo, tìm kiếm phương án thuê các chuyên gia trong, ngoài nước hỗ trợ khi cần thiết; chủ động thực thi quyền hạn được giao và tăng cường trách nhiệm giải trình.

Kết luận 49 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 188 của Quốc hội được xem là những công cụ chính trị và pháp lý thuyết phục nhất, cách mạng nhất, tạo điều kiện cho phát triển đường sắt đô thị ở hai siêu đô thị của đất nước. Đường sắt đô thị sẽ là cứu cánh cho giao thông TP.HCM và Hà Nội, mang ý nghĩa quyết định góp phần đưa hai thành phố phát triển sánh ngang với các đô thị trên thế giới.

 

Nguồn: Người Đưa Tin; Vietnamnet; CafeF; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Tỷ phú Elon Musk rơi lệ trên sóng truyền hình khi nhắc đến Việt Nam – Chuyện gì đã xảy ra?

Elon Musk – người đàn ông đứng sau SpaceX, Tesla, và hàng loạt công nghệ thay đổi thế giới - đã bất ngờ bật khóc ngay trên sóng truyền hình trực tiếp khi được hỏi về Việt Nam. Khoảnh khắc ấy khiến cả thế giới sững sờ, còn người dẫn chương trình không dám hỏi thêm một lời nào. Điều gì ẩn sau giọt nước mắt của một tỷ phú từng được xem là "người thép"? Trong video này, bạn sẽ được chứng kiến toàn bộ câu chuyện chưa từng được công bố: Từ bức thư cũ mà Elon nhận được từ một cậu bé Việt Nam, cho đến lời hứa bí mật giữa ông và một người lính gốc Á năm xưa. Mỗi chi tiết hé lộ một phần của sự thật – một sự thật có thể thay đổi cách thế giới nhìn về Việt Nam mãi mãi.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Đức

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Leipzig, CHLB Đức

Chiều Chủ Nhật, ngày 06.04.2025, tại thành phố Leipzig, Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại CHLB Đức đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, để tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Buổi lễ thu hút hàng trăm người Việt và gốc Việt từ khắp nơi trên nước Đức, và các đại biểu, khách mời các Hội đoàn Âu châu và tại Đức cùng về dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Tác giả: Thu Hằng - Phương Hoa - Thanh Tùng (TTXVN)

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang