Vụ án xử tội cáo buộc buôn người từ Việt Nam sang Đức bằng con đường du học nghề diễn tiến bất ngờ

Tòa án Amtsgericht St. Georg Hamburg.

Vụ án cáo buộc tội buôn người xảy ra từ 7 năm trước. Thứ 6 tuần qua Tòa án Amtsgericht St. Georg Hamburg mở phiên xét xử làm rõ: Có phải bị cáo Nguyễn, đã dụ dỗ một số đồng bào của mình từ Việt Nam sang Đức với những lời hứa lừa đảo hay không? Thậm chí vụ án này có phải là một mắt xích trong đường dây buôn người hay không?

Bị cáo là người Việt, 46 tuổi, đã kết hôn, có 3 con, bị cáo buộc hứa với bị hại là những người Việt Nam trong nước rằng, bà làm dịch vụ du học nghề kí hợp đồng đào tạo cho họ với các cơ sở dạy nghề và lo thị thực nhập cảnh vào Đức cho họ với giá nhiều ngàn Euro.

Nhiều người Việt trong nước bị thu hút đến Đức nhập cư lao động và nhiều công ty Đức cũng đang cố gắng tuyển du học nghề từ nước ngoài. Nhờ đó mà quảng cáo của bị cáo Nguyễn được nhiều người Việt kí kết.

Cáo trạng

Năm 2017, bà Nguyễn lần đầu đã thu hút được Sáu người Việt Nam kí dịch vụ môi giới, mỗi người chuyển tới 7000 euro cho bị cáo. Sau đó, bà Nguyễn đã soạn thảo các hợp đồng đào tạo với các cơ sở điều dưỡng ở Hamburg và khu vực lân cận, ký kết và gửi chúng trở lại Việt Nam cho 6 người này, yêu cầu họ tự nộp đơn xin thị thực nhập cảnh tại cơ quan đại diện ngoại giao Đức tại Hà Nội.

Vấn đề nằm ở chỗ, theo cáo trạng, các nhà điều dưỡng không biết gì về các học viên đăng kí này. Bị cáo Nguyễn bị cáo buộc đã giả mạo hợp đồng và chữ ký của các cơ sở điều dưỡng. Các nhân viên lãnh sự Đức tại Hà Nội đã phát hiện hợp đồng kí kết giữa học sinh đăng kí và nhà điều dưỡng có dấu hiệu bất thường, nên không thể cấp thị thực. Tuy nhiên bị cáo không trả lại tiền cho những người Việt đăng kí du học.

Ngừng xét xử

Các bị hại hiện sống ở Việt Nam và không thể tham gia tranh tụng tại Tòa án. Ngay cả nhân viên cảnh sát điều tra, người được coi là nhân chứng đầu tiên, cũng đang đi nghỉ vào đúng lịch xét xử, không có mặt tại tòa. Phiên tòa vì vậy không thể thực hiện được như kế hoạch.

Vì vậy, sau khi thỏa thuận giữa thẩm phán, công tố viên và người bào chữa, các bên đi đến thỏa thuận: Ngừng xét xử theo Điều § 153a thay vào đó bị cáo phải chịu khoản tiền phạt 1.800 euro, tội giả mạo tài liệu. Và như vậy bị cáo Nguyễn may mắn thoát được lí lịch tư pháp ở Đức là không bị tiền án, chỉ bị tiền sự.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang