Sang Đức làm việc & Du học cần biết: Đạo luật Nhập cư Lao động chuyên ngành mới có hiệu lực từ 01.11.2023 – Phần III

Việc làm đối với lao động phổ thông và lao động chuyên ngành

Quy định đặc biệt về việc làm đối với lao động có kinh nghiệm nghề nghiệp

Việc làm đối với lao động chuyên ngành được mở rộng. Được coi là người có kinh nghiệm nghề nghiệp là họ phải có bằng cấp học nghề hoặc bằng đại học được quốc gia đào tạo tương ứng công nhận. Trong trường hợp có chứng chỉ học nghề, thì thời gian đào tạo nghề đó ít nhất là hai năm. Để thay thế cho bằng cấp được nhà nước công nhận, bằng cấp của Phòng Thương mại nước ngoài ở Đức deutsche Auslandshandelskammer là đủ trong một số điều kiện nhất định. Ngoài ra, cần có ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc trong nghề. Việc công nhận chính thức bằng cấp ở Đức là không cần thiết.

Đối với chuyên gia CNTT quyền được nhập cư lao động thậm chí còn dễ dàng hơn

Theo đó, thời gian chứng minh có kinh nghiệm làm việc được giảm xuống còn hai năm (trước đây là ba năm). Bằng cấp học nghề hoặc đại học không bắt buộc. Kỹ năng ngôn ngữ không còn phải chứng minh khi xin thị thực.

Nhập cư lao động điều dưỡng từ các nước thứ ba

Việc tiếp cận thị trường lao động dành cho nhân viên ngành điều dưỡng sẽ được bổ sung bằng quy định dành riêng cho điều dưỡng từ các nước thứ ba. Tất cả những người từ các nước thứ ba được đào tạo điều dưỡng ba năm theo quy định đều có thể được tuyển dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và điều dưỡng. Điều kiện tiên quyết là những người này có thể trình bằng chứng có kiến thức đào tạo nghề phù hợp với Đức trong lĩnh vực điều dưỡng hoặc bằng cấp điều dưỡng nước ngoài đã được công nhận ở Đức.

Tìm kiếm việc làm sau khi được đào tạo nghề chăm sóc sức khỏe và điều dưỡng

Các điều dưỡng và trợ lý điều dưỡng từ các nước thứ ba đã hoàn thành khóa đào tạo tại Đức có thể xin cấp giấy phép cư trú để tìm việc. Giấy phép cư trú được cấp trong tối đa mười hai tháng và có thể được gia hạn thêm tối đa sáu tháng nếu có thể tiếp tục đảm bảo sinh kế của mình (tức có đủ thu nhập không xin trợ cấp xã hội).

Giấy phép định cư cho người lao động chuyên ngành từ nước ngoài

Người lao động chuyên ngành nước ngoài đã được cấp giấy phép cư trú theo Điều §18a, §18b, §18d hoặc § 18g Luật Cư trú AufenthG và chưa hoàn thành khóa đào tạo nghề trong nước cũng như không có bằng cấp ở Đức sẽ được cấp giấy phép định cư Niederlassungserlaubnis tại Đức chỉ sau ba năm (trước đây là bốn năm). Ngoài ra, những người có Thẻ xanh EU nhận được giấy phép định cư thậm chí còn nhanh hơn: Sau 27 tháng làm việc với Thẻ xanh EU đã có thể được cấp, thậm chí nếu đủ kiến ​​​​thức về tiếng Đức chứng chỉ B1 thì chỉ cần sau 21 tháng.
Đối với sinh viên tốt nghiệp một khóa đào tạo nghề ở Đức

Áp dụng quy định đặc biệt hiện tại về giấy phép định cư. Chỉ sau hai năm sở hữu giấy phép cư trú Aufenthaltserlaubnis để làm việc với tư cách là "lao động chuyên ngành" (theo §§ 18a, 18b hoặc 18d Luật Cư trú AufenthG), có thể được cấp giấy phép định cư Niederlassungserlaubnis.

Đoàn tụ gia đình dễ dàng hơn đối với lao động chuyên ngành

Nếu vợ hoặc chồng hoặc con nhỏ chuyển đến Đức đoàn tụ gia đình với chồng vợ cha mẹ là lao động chuyên ngành ở Đức, thì không cần phải chứng minh có nhà ở đủ diện tích sinh sống. Ngoài ra, những lao động chuyên ngành như vậy cũng có thể mang theo cha mẹ của họ. Nếu vợ và chồng cũng định cư tại Đức, thì cả cha mẹ chồng và vợ đều được cấp giấy phép cư trú. Áp dụng từ ngày 01.03.2024.

Giấy phép cư trú cho những người được trợ cấp khởi nghiệp

Những người lao động có tay nghề cao chiểu theo Điều §18 Luật Cư trú có thể nhận được giấy phép cư trú trong tối đa 18 tháng để thành lập công ty nếu họ được cấp một khoản trợ cấp khởi nghiệp từ một tổ chức khoa học hoặc cơ quan công quyền Đức.

Còn tiếp

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang