Phan Vũ ra đi để lại những “Nao nao kỷ niệm”

Ông vốn là người luôn trầm tĩnh nên trong tâm luôn an bình, đó là lý do ông thọ mạng với đời.

Đã quá nhiều người viết về cuộc đời làm nghệ thuật của ông, nên tôi không viết lại những cái “Biết rồi… nói mãi”, mà ôn lại những lần gặp Phan Vũ ở Hà Nội và tại Sài Gòn.

Nhà tôi ở gần đường Quán Thánh, từ thủa nhỏ đã hay cùng bạn bè đi chơi quanh các con phố gần đó, những con phố đẹp của quận Ba Đình có nhiều biệt thự kiến trúc kiểu Pháp, hai bên đường với hàng cây sấu lâu niên, là nơi có nhiều cơ quan của các ban ngành Trung ương làm việc và một số vị trong Ban lãnh đạo Nhà nước có nhà ở đây, không phải là khu thương mại nên rất yên tĩnh. Thủa ấy dân số Hà Nội ít, không có cảnh xe cộ chạy ồn ào. Lớn lên, tôi và bạn bè vẫn thích thú đi quanh những phố Quán Thánh, Phan Đình Phùng, Lê Cảnh Chân, Hoàng Diệu, Đặng Tất…

Trong thập niên 70, có lần tôi cùng cô bạn ở phố Phó Đức Chính đạp xe quanh những con phố thân quen thì thấy Phan Vũ. Hồi đó tôi chỉ biết ông là chồng của diễn viên Phi Nga và ông cũng là một diễn viên điện ảnh. Đang trong mùa Đông, ông mặc áo ba đờ xuy bằng vải dạ, cổ áo dựng cao che gáy. Ông đút hai tay túi áo lững thững đi dưới lòng đường sát vỉa hè phố Phan Đình Phùng gần nhà thờ Cửa Bắc (vì nhà thờ xây dựng ở cửa bắc thành Thăng Long nên có tên Cửa Bắc, trước đó có tên là Eglise des Martyrs). Cái cách đi của ông không phải của người nhàn hạ, đi bộ thể dục mà hình tướng của ông như ẩn chứa ngôn ngữ trong tâm. Hai đứa tôi gọi “Ô, anh Vũ!”:

- Ừ, hai em đi đâu đấy?

- Bọn em đi dạo ạ.

- Anh cũng vậy – Anh ngước lên cao mỉm cười – Mùi hoa sữa thơm nhỉ - Lát sau, anh hướng cằm về chiều xe chúng tôi đang đi, nói – Thôi các em đi chơi tiếp đi.

Tôi hiểu đã làm ngắt quãng tư duy của anh nên chào anh rồi lên xe đi tiếp.

Sau những lần khác chúng tôi đi qua khu vực này vẫn thấy cái dáng trầm tư của anh lúc thì trên phố Nguyễn Biểu, lúc xuất hiện ở phố Đặng Tất. Phố Đặng Tất có căn nhà của NSND Mạnh Linh đóng vai chồng sắp cưới của nhân vật Hoài trong phim “Chung một dòng sông”.

Gia đình Phan Vũ ở trên một căn nhà nhỏ trên sân thượng của một tòa nhà kiểu Pháp gần cuối phố Hàng Bún, bên phải gần với phố Phan Đình Phùng, bên trái gần phố Quán Thánh, sau lưng là cuối phố Yên Ninh. Từ nhà anh có thể nhìn sang cửa sổ gia đình NSND Trần Tiến (bố của diễn viên Lê Vân) nhà ở Phan Đình Phùng, cửa sổ nhìn ra Yên Ninh, vì nhà của Trần Tiến cũng ở trên tầng hai. Năm 1972, số nhà 45 và 47 phố Quán Thánh đều là nhà hai tầng bị bom Mỹ đánh trúng sập gần như hoàn toàn. Nhà của gia đình Phan Vũ cách đó rất gần, không biết dư chấn của bom có ảnh hưởng đến nhà của anh không.

Hai bên hè phố Quán Thánh đều có những cây bàng cổ thụ và cây hoa sữa. Mãi sau này bái hát “Em ơi, Hà Nội phố” ra đời thì tôi mới hiểu ngôn ngữ trong tâm của anh trên những đoạn phố anh thả bộ, những sự kiện và hình ảnh ấy đều đã gửi gắm trong bài thơ này của anh: “Ta còn em cây bàng mồ côi mùa Đông. Ta còn em nóc phố mồ côi mùa Đông”… “Ta còn em mùi hoa sữa”… và “Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân”. Đó là tiếng chuông của nhà thờ Cửa Bắc. Và, “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”…

Vâng, không chỉ riêng anh lang thang hoài trên phố mà không nhớ tên đường mà chúng tôi người Hà Nội hầu như cũng vậy. Vào khoảng năm 1970, có một người hỏi thăm phố Lương Văn Can ở đâu, tôi ú ớ lắc đầu nói “không nhớ”. Mãi sau mới phát hiện đó là con phố tôi hàng ngày hai lần đạp xe qua đi làm nhưng chẳng để ý tên phố.

Mỗi câu thơ trong “Em ơi Hà Nội phố” chuyển tải nhiều hình ảnh đẹp của Hà Nội, gần gũi và thân quen. Do vậy, bài hát này sinh ra đã nhanh chóng nổi tiếng, tên tuổi Phan Vũ càng được nhân lên.

Cho đến năm 1983, trong Liên hoan phim lần thứ ba tại Sài Gòn, tôi gặp lại Phan Vũ đang ngồi với đạo diễn Trần Phương. Anh Phan Vũ cho tôi địa chỉ và mời tôi đến nhà chơi. Nghe nói chị Phi Nga bệnh nên tôi tới thăm.

Những năm đó, nhà anh ở con đường nhỏ, đi từ đường Phan Đăng Lưu vào – gần ngã tư Nguyễn Kiệm + Hai Bà Trưng (bây giờ là Phan Đình Phùng).

Các buổi sáng anh tập thể thao tại phòng thể thao trên đường Phan Đăng Lưu gần nhà. Anh hẹn tôi đến sau giờ tập của anh. Chị Phi Nga không đi lại được đang ngồi trên một cái ghế giống như sofa, chị không nói được nhưng nghe được, sau tiếng chào của tôi chị gật đầu cười, ánh mắt vẫn ấm và hiền thân quen, nét cười vẫn tươi tắn như vẫn thấy trên màn ảnh thủa nào. Biết được tôi lúc đó đã là nhà biên kịch, anh Phan Vũ nói với vợ: “Nó là nhà sáng tác kịch đấy”, rồi quay sang cốc vào đầu tôi cười: “Nhóc con cũng sáng tác” rồi anh cười, cái cười của một đàn anh.

Anh đưa tôi lên thăm tầng trên, vừa đi vừa nói tình hình bệnh của vợ, và không giấu giếm kể qua loa về tình yêu với một phụ nữ. Anh chỉ vào cái bàn có vài thứ mỹ phẩm nữ nói: “Anh sợ Phi Nga biết sẽ buồn nên không thể duy trì tình cảm với cô ấy. Đó, vẫn còn vài thứ son phấn của cô ấy”.

Hồi đó Phan Vũ đang làm biên tập phòng sân khấu Đài Truyền hình thành phố. Khi hai anh em ra ngồi uống nước ở cái xó đầu hẻm, anh nói: “Có kịch bản nào chủ đề thành phố đổi mới thì đưa cho anh”. Hồi đó tôi mới vào Sài Gòn còn ngô nghê chỉ có thể viết báo, viết tiểu phẩm kịch truyền thanh cho Đài Phát thanh thành phố và Đài Vì An ninh Tổ quốc ở Hà Nội, viết kịch ngắn và dựng kịch bản của mình cho đội kịch Nhà Văn hóa quận I, chưa thể viết kịch bản dài nên tôi cười hề hề “Vâng ạ”.

Có thể nói Phan Vũ không nổi tiếng với nghề diễn viên điện ảnh, cũng không nổi lắm vai trò đạo diễn, người ta biết anh nhiều vì anh là chồng của diễn viên điện ảnh Phi Nga. Và, nếu nhạc phẩm “Em ơi Hà Nội phố” không ra đời thì chẳng biết chừng nào thiên hạ mới biết đến bài thơ dài cùng tên của anh.

Thời làm điện ảnh của Phan Vũ chưa có Internet nên ít ai biết Phan Vũ đã xuất hiện trong hai phim nhựa. Đó là vai một tên lính cộng hòa trong phim nhựa trắng đen “Nguyễn Văn Trỗi” do Xưởng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1966, một vai phụ trong cảnh tên lính kiểm tra gói quà của một em bé là con một tù nhân đang chạy trong sân, hắn mở ra thấy quả cam liền lấy luôn nhưng bị em bé túm ống quần ôm chân đòi lại, chỉ diễn ra khoảng một phút nên ít ai nhận ra Phan Vũ vì cách biểu lộ của anh rất khác vẻ chất phác ngoài đời. Vào khoảng năm 1983, Phan Vũ đóng vai K’rao một già làng Tây Nguyên có con trai là Fulro, một vai chính thứ trong phim nhựa “Người không mang súng” do Lê Văn Duy đạo diễn. Trong cảnh K’rao ngồi bên người con trai với tâm trạng muốn giết thằng Fulro này, nhưng nó là con trai duy nhất của mình. Phan Vũ đã lột tả chi tiết nội tâm giằng xé hoàn toàn không có đối thoại rất thành công.

Xuất hiện trên màn bạc ít, thế nhưng nếu ai đã gặp anh một lần thì không thể quên anh được. Cái chất nghệ sĩ của anh thấy rất rõ. Anh sở hữu một hình tướng lãng tử, gương mặt biểu lộ đủ sắc thái khi nói đến những vấn đề đang bày tỏ. Một gương mặt không phải của người quý phái mà hơi khắc khổ, nhưng chính là ngôn ngữ chân thật của tâm hồn anh nên khi anh đóng phim cũng lột tả được tâm trạng khác nhau của các tình huống. Ở anh ẩn chứa một nhân cách khiến người ta kính nể và quý mến.

Trải qua đạo diễn, viết kịch bản sân khấu, điện ảnh, vẽ tranh, đóng phim. Lắm nghề vậy đấy. Nghĩ cũng tiếc cho anh trọn đời làm nghệ thuật nay vẫn chỉ là nghệ sĩ… chơn.

Nay Phan Vũ đã ra đi để lại những kỷ niệm đẹp với bạn bè, đồng nghiệp những “Nao nao kỷ niệm” của ”Em ơi Hà Nội phố”.

Ảnh chụp lại từ phim truyện

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Phan Vũ trong vai tên lính coi tù).

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Già làng Krao giằng xé nội tâm).

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Phan Vũ trong phim Người không mang súng).

Thủy Mộc

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang