Ba mươi lăm quy tắc dạy làm người lịch sự; Con đứa ghét đứa thương

35 QUY TẮC DẠY BẠN LÀM NGƯỜI LỊCH SỰ

1. Đừng bao giờ tùy tiện chụp mũ cho những người có ý kiến bất đồng với bạn.

2. Cho dù có ác ý hay không cũng đừng bao giờ nhại lại những người nói giọng địa phương.

3. Đến trước giờ hẹn, nếu ai đó hỏi, luôn trả lời rằng “Tôi cũng vừa đến thôi”.

4.Bất luận là xin lỗi hay cảm ơn, đều phải nói đúng lúc (vừa đủ để đối phương nghe thấy).

5. Khi nhận điện thoại, cố hết sức thấp giọng nói, đừng hét lên.

6. Không rung chân, dù đứng hay ngồi cũng không rung chân.

7. Khi người khác phủ định bản thân cũng không thẹn quá hóa giận, nói lời khó nghe.

8. Tuân thủ phép lịch sự trên bàn ăn, khi chọn món cần để ý đến khẩu vị của mọi người, chủ động rót đồ uống, thêm canh cho người bên cạnh, chủ động ngồi vào vị trí thêm đồ ăn, khi ăn chú ý không gây ra tiếng động.

9. Khi có người giúp, rót nước hoặc đưa đồ cho mình, đừng chỉ nhìn không, hay dùng tay đỡ, thể hiện phép lịch sự.

10. Những thứ đã cho vào miệng, đừng nhổ ra bàn, nếu cần nhằn xương, dùng khăn giấy, nhằn vào tay, gói lại rồi đặt xuống dưới khay.

11. Đừng nói chuyện với thái độ dạy bảo người khác, cẩn thận khi dùng những câu như “Hiểu chưa?” “Biết chưa?”, và những câu cầu khiến.

12. Khi nghe người khác nói cần phải tập trung, đừng vội giải thích quan điểm của mình, trước tiên phải làm rõ ý kiến và quan điểm của người khác.

13. Có thể không thích một ai đó, nhưng không có nghĩa là có thể không tôn trọng họ.

14. Khi người phía trước giữ cổng giúp bạn, thì chạy tới, khi mình đã tới cổng, đưa tay ra giữ, và nói cảm ơn.

15. Khi đi qua một con đường chật hẹp, đừng chen chúc, mà hãy xếp hàng đi theo thứ tự.

16. Trời mưa, đi vào phòng, cửa tiệm hoặc những nơi công cộng khác, hãy cụp ô lại rồi bỏ vào túi.

17. Đừng tùy ý nhìn vào màn hình máy tính của người khác, mà hỏi, “đang làm gì thế”?

18. Gặp người lớn chào hỏi, nếu bạn đang ngồi, thì hãy đứng lên nhé.

19. Ở những tiệm ăn nhanh, khi ăn xong hãy để gọn những đồ thừa trên bàn.

20. Ba người cùng đi với nhau, hai người nói chuyện rôm rả, hoàn toàn không để ý đến người thứ ba, như vậy là bất lịch sự.

21. Trên xe buýt, nếu bạn không xuống xe thì hãy đứng gọn sang bên cửa, đừng đứng chắn trước cửa xe.

23. Khi ăn cơm ở nhà người khác, đừng bỏ dở cơm ở bát hoặc sót lại nhiều hạt cơm.

24.Khi ở nhà tiếp khách cũng nên ăn mặc gọn gàng.

25. Đừng ở trước mặt người khác chơi điện thoại, khi chuông điện thoại kêu cũng nên nói, “xin lỗi.”

26. Khi nhờ ai đó giúp đỡ, đừng hỏi người ta có thời gian không mà không nói rõ chuyện gì.

27. Đối với đồ vật của người khác, hay đồ công cộng, sau khi dùng xong hãy cố hết sức để nó về trạng thái ban đầu, tiện cho người sau sử dụng.

28. Đừng lấy điểm yếu của người khác làm trò cười, hoặc gần chạm đến cũng không thích hợp, ví như xung quanh có người béo, mà bạn lại nói cách giảm cân của mình, như vậy không được lịch sự cho lắm. (Đối với quan hệ xã giao bình thường).

29. Tránh đến muộn, nếu có lỡ hẹn với ai đó ít nhất hãy nói trước một ngày.

30. Khi ho, hay chảy nước mũi, quay mặt ra chỗ khác.

31. Giữ quan hệ tương đối với bạn bè, đừng đợi đến khi cần người ta giúp mới nhớ đến.

32. Khi vào không gian riêng của người khác phải có sự đồng ý của họ.

33. Khi người khác đưa cho bạn xem một thứ gì đó, dù là điện thoại, sách báo, hay văn kiện, người ta không để bạn tiếp tục lật xem thì đừng lật.

34. Cầm những vật sắc nhọn, để đầu nhọn chĩa về hướng mình, đưa đồ cho người khác hãy dùng hai tay.

35. Đừng bao giờ chỉ tay vào mặt người khác khi nói chuyện hay tranh luận.

FB Viết Lách VN

CON ĐỨA GHÉT, ĐỨA THƯƠNG

“Con sẽ không bao giờ về cái nhà này nữa”. Nước mắt ngắn dài, nó kéo vali đi như chạy ra ngõ. Bên ô cửa kính xe khách, gió lùa hong khô nước mắt nó từ khi nào. Bao kỷ niệm xưa quay về... Cũng trên chiếc xe này, nhiều năm trước, một cô bé 18 tuổi cố hết sức dìu đỡ người cha bị gãy tay, kịp lên bệnh viện huyện bó bột. Rồi cũng trên chính chiếc xe này, người con gái ấy đã không thể nhớ bao lần dẫn mẹ đi bệnh viện khám bệnh…

“Anh Hai lừa lấy hết tiền làm thêm của con rồi…”. Nó không bao giờ quên câu nói thảng thốt ấy, vào mùa hè năm nó học lớp 10. Tiền lương 3 tháng hè, nó lên thành phố phụ người ta bưng bế hủ tiếu gõ, anh trai hỏi mượn rồi nướng sạch vào sòng bài. Khi nó nhằng nhẵng đòi mãi, chỉ nhận được lời hăm dọa: “Coi chừng ăn đòn đó”. Khi ấy, nó ấm ức vô cùng, bởi mẹ chỉ thở dài, khuyên nó: “Anh em như thể tay chân. Thôi cho anh đi con...”.

Lại một mùa hè đầu tiên, khi nó mới tốt nghiệp đại học, nó vui mừng, chạy chiếc xe máy do chính những đồng tiền mình chắt bóp làm thêm mua được về khoe với cha mẹ. Nhưng khi trông thấy cảnh mẹ già nối dây, kéo từng thùng nước đục ngầu, dưới cái giếng cạn, đáy trơ mỏm đá, lòng nó se sắt lại.

Cha nó ngồi vân vê điếu thuốc, chặc lưỡi: “Đợt này mùa khô kéo dài quá!”. Mẹ nó đánh tiếng: “Để tôi đi qua xin chú Tứ hàng xóm cho bơm nhờ ít nước!”. Trông thấy gương mặt cha mẹ khô khốc đi như cái giếng cạn, nó tự nhủ lòng, phải làm gì đó để giúp cha mẹ.

Hôm đưa chiếc xe mới tậu chưa bao lâu đi bán, bàn tay nó cứ vuốt ve mãi cái yên xe như người ta âu yếm con vật mình yêu thích, trước khi rời xa.

“Con ơi! Giếng khoan nhà mình nước nhiều lắm!”. Giọng mẹ háo hức trong điện thoại, kế bên là tiếng cười sang sảng của cha. Nó nhớ ra bao công trình nhỏ bé từ giếng rồi đến sân, bếp, nhà cửa… của cha mẹ cũng một tay nó thuê người sửa chữa, dựng xây nên.

“Sao con không cứu anh con? Con trơ mắt nhìn nó chết sao? Nhiều tiền để làm gì, chết cũng có ôm theo được đâu con…”. Từng lời của mẹ tức tối tuôn ra hôm ấy khiến nước mắt nó chảy mãi không ngừng. Còn cha nó ngồi mọc rễ trên ghế, một lúc lâu ông mới lên tiếng: “Tiền mất đi rồi có thể kiếm lại được…Hay con giúp anh con lần này nữa thôi!”

Đó là một buổi trưa nắng gắt. Nó nghe giọng mẹ thất thanh trong điện thoại, báo tin anh Hai nó trong lúc uống quá chén đã đánh một người bạn nhậu đến trọng thương, phải nhập viện. Giờ gia đình người ta đang hăm sẽ kiện tụng anh nó…đi tù.

Nó đã từ chối giúp anh trai và nhủ lòng sẽ “không bao giờ về nhà nữa…” nhưng những ngày ở thành phố, lòng dạ nó như lửa đốt. Khi nó bốc điện thoại lên gọi, giọng cha nó nghèn nghẹt như đang bị cảm: “Mấy bữa nay, mẹ con bỏ ăn rồi đổ bệnh luôn…”. Nó buông điện thoại xuống, nhìn thẫn thờ cuốn sổ tiết kiệm, công sức nó dành dụm sau những năm ra trường đi làm.

Trên bức tường trắng, một màn hình máy chiếu căng ra: cảnh mẹ nó nằm thiêm thiếp trên giường, miệng đắng, môi khô, nước mắt cứ rơi mãi, khi nghĩ đến chiếc còng tra vào tay người con trai. Rồi ánh mắt anh ngoảnh lại nhìn mẹ đầy ăn năn, sau vành móng ngựa. Bỗng lòng nó đau như ai lấy dao cắt cứa vào.

Cuối cùng nó cũng đưa toàn bộ số tiền tiết kiệm cho anh Hai bồi thường cho nhà nạn nhân, trước sự chứng kiến của cha mẹ. Trước lúc rời nhà đi, nó nhìn cha mẹ thật lâu rồi nói một câu đầy hờn tủi: “Con biết, cha mẹ không yêu thương con bằng anh Hai. Có lẽ kiếp trước con mắc nợ cha mẹ nên kiếp này con phải trả…”. Nó quay đi, nước mắt đã tuôn ướt mi.

Nhưng mẹ nó bất ngờ vòng tay, ôm chặt nó, giọng nghẹn đi: “Không phải cha mẹ không yêu thương con…chỉ là cha mẹ luôn yên tâm về con. Bởi con biết cách sắp xếp cuộc đời mình…Hãy thương anh trai con. Vì đầu óc nó khờ khạo còn trái tim nó chật hẹp hơn con…”. Nó bất giác vòng tay, ôm lại mẹ. Cả hai mẹ con cùng đứng khóc thút thít mãi, chỉ đến khi ngoài ngõ, chiếc xe trung chuyển bóp kèn inh ỏi, nó mới rời đi.

Suốt đoạn đường ngồi trên xe, câu nói của mẹ cứ hiển hiện trong tâm trí nó: “Hãy thương anh trai con. Vì đầu óc nó khờ khạo còn trái tim nó chật hẹp hơn con…”.

Tác giả: Nguyễn Nga

FB Viết Lách VN

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang