Nóng chính trường Đức: Các Nghị sỹ Liên bang phản đối, coi trục xuất gia ông Phạm Phi Sơn là vô nhân đạo

(Gia đình ông Phạm Phi Sơn có mặt ở hàng đầu trong cuộc biểu tình ở Chemnitz ủng hộ quyền ở lại cho gia đình ông).

Nguy cơ trục xuất gia đình ông Phạm Phi Sơn sống ở Chemnitz đã khiến một số Nghị sỹ Quốc hội Liên bang Đức thuộc tiểu bang Sachsen bức xúc, gửi thư đến Bộ trưởng Nội vụ tiểu bang Sachsen, ông Armin Schuster yêu cầu cân nhắc lại quyết định. Họ muốn gia đình ông Phạm Phi Sơn được phép ở lại Đức vĩnh viễn.

Nghị sỹ Kassem Taher Saleh sống ở Dresden đã yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ tiểu bang Sachsen Schuster đảo ngược lệnh trục xuất, thừa nhận quyền ở lại cho gia đình ông Phạm Phi Sơn.

15 thành viên khác của Quốc hội từ các đảng phái khác nhau cùng ủng hộ yêu cầu trên.

Nghị sĩ đảng SPD Nadja Sthamer cho rằnng trục xuất là "vô nhân đạo".

Kassem Taher Saleh giải thích rằng, ông đã nhắc Armin Schuster về những lời nói của mình từ hồi tháng 02.2023 trong một thông cáo báo chí. Lúc đó ông hoan nghênh quyết định của Sở Ngoại kiều Chemnitz đã không trục xuất gia đình ông Phạm Phi Sơn. Nhiều cư dân Chemnitz cũng ra sức đấu tranh cho gia đình người Việt được quyền ở lại Chemnitz. Chia rẽ một gia đình, trục xuất một em bé sinh ra ở Đức sắp bắt đầu đi học đến một đất nước hoàn toàn xa lạ với nó thì còn tồi tệ hơn cả vô nhân đạo.

Thêm 15 nghị sĩ Liên bang tham gia kí tên ủng hộ gia đình ông Phạm Phi Sơn

Ngoài Kassem Taher Saleh, bức thư còn có chữ ký của các Nghị sỹ Liên bang thuộc tiểu bang Sachsen: Paula Piechotta, Merle Spellerberg, Bernhard Herrmann (thuộc Đảng Bündnis 90 / Die Grünen), Rasha Nasr, Holger Mann, Kathrin Michel, Carlos Kasper, Franziska Maschek, Fabian Funke và Nadja Sthamer (tất cả thuộc đảng SPD), André Hahn, Caren Lay, Clara Bünger, Sören Pellmann (thuộc đảng Linke).

Nghị sỹ Nadja Sthamer chỉ trích cách đối xử vô nhân đạo

Nghị sỹ đồng ký tên Nadja Sthamer, một thành viên của Ủy ban Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo tại Quốc hội Liên bang, nói với truyền thông: Vụ việc cần phải được xem xét lại thật cẩn thận. Đơn giản là tôi không thể hiểu nổi, tại sao không có một quyết định đặc biệt áp dụng cho từng trường hợp cụ thể, để tạo điều kiện cho phép gia đình họ được quyền ở lại.

Bà tin rằng áp lực của công chúng có thể mang lại động lực hơn nữa giải quyết vấn đề này. Bà nói: Chúng tôi muốn có một cuộc thảo luận trung thực ở đây một lần nữa và sẽ đạt được một giải pháp khác. Không thể để xảy ra tình huống như vậy, một gia đình bị xé nát. Điều đó cũng không phù hợp, vi phạm quyền trẻ em. Đây là một sự đối xử vô nhân đạo mà tôi và các đồng nghiệp không thể chấp nhận.

Nghị sĩ Quốc hội tiểu bang Nagel đấu tranh cho gia đình này

Nghị sỹ quốc hội tiểu bang Juliane Nagel cũng lên tiếng kêu gọi Bộ trưởng Nội vụ Sachsen cần vào cuộc. Bà kêu gọi ông sử dụng một lựa chọn khác có trong Luật Cư trú cho phép ông cấp giấy phép cư trú cho gia đình ông Phạm Phi Sơn. Điều này cũng có thể xảy ra "trong các trường hợp chính đáng" nếu mục đích cư trú không nằm ngoài quy phạm pháp luật.

Trả lời báo giới, Bộ trưởng Nội vụ Sachsen tuyên bố rằng trong trường hợp gia đình ông Phạm Phi Sơn, quyền ở lại vì lý do nhân đạo đang được xem xét, do đó không áp dụng biện pháp ngoại lệ. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng như Sở Ngoại kiều bị ràng buộc trong khuôn khổ luật pháp. Do đó, phải tuân thủ giới hạn của các quy phạm pháp luật, ở đây do Đạo luật cư trú đặt ra và không được tùy tiện đi chệch khỏi các quyết định đúng đắn về mặt pháp lý của các cơ quan khác.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang