Người Việt hải ngoại: Nhà hàng bị đóng cửa; Sắc màu Việt ở Festival Séc; Hỗ trợ người tị nạn từ Thái; 'Lên rừng, xuống biển' ở Úc

Nhà hàng Việt nổi tiếng bậc nhất ở Mỹ bị đóng cửa

(Ảnh minh họa).

Moon Rabbit, nhà hàng Việt Nam nổi tiếng nằm ở khuôn viên khách sạn InterContinental - The Wharf ở Washington D.C. (Mỹ), đã nhận được nhiều lời khen ngợi kể từ khi khai trương vào năm 2020.

Hai năm trước, trang Esquire vinh danh đây là một trong 40 nhà hàng mới xuất sắc nhất trong nước và nhận xét rằng "các món ăn của đầu bếp Kevin Tien không chỉ là một cuộc khám phá về ẩm thực Việt Nam mà còn là sự kích thích vị giác tối đa".

Độc giả của trang Food & Wine đã bình chọn đây là 1 trong 10 nhà hàng tốt nhất ở Mỹ vào tháng 4 vừa qua. Đầu bếp Tien cũng từng nấu ăn cho Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại dinh thự của bà vào dịp Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, theo đài NBC, kể từ ngày 23.5, nhà hàng đột ngột bị ngừng hoạt động mà không có thông báo chính thức từ InterContinental - The Wharf. Các nhân viên của Moon Rabbit chỉ biết được lý do sau khi Unite Here Local 25, một hiệp hội công nhân ngành khách sạn tại Mỹ, ra thông cáo cho biết việc đóng cửa nhà hàng được đưa ra trong bối cảnh khách sạn đang tổ chức chiến dịch thành lập công đoàn. Các thành viên Unite Here Local 25 cho biết đại đa số (83%) nhân viên của khách sạn ủng hộ việc thành lập công đoàn, đi kèm với các đặc quyền như lương cao hơn, chăm sóc sức khỏe hợp lý và bảo hiểm công việc.

(Nguồn: Thanh Niên)

Rực rỡ sắc màu Việt tại Festival các dân tộc thiểu số Cộng hòa Séc

Ngày 27/5, Festival các dân tộc thiểu số với chủ đề “Praha - trái tim của các dân tộc” đã được tổ chức tại thủ đô Praha, Cộng hòa Séc. Cộng đồng người Việt Nam Séc đã tham dự nhiều tiết mục văn hóa nghệ thuật đặc sắc được đông đảo cộng đồng quốc tế và người dân địa phương hưởng ứng.

Festival các dân tộc thiểu số tại Séc với chủ đề “Praha - Trái tim các dân tộc” là một trong những sự kiện lớn nhất của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Cộng hòa Séc. Năm nay, hơn hai mươi nhóm cộng đồng từ nhiều vùng miền trên thế giới đã tham gia diễu hành và biểu diễn nghệ thuật ở nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng của Cộng hòa Séc như Quảng trường Phố cổ và Quảng trường Con Ngựa.

Khán giả đã được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật đặc sắc bao gồm hát, múa, trình diễn thời trang và triển lãm…đến từ hơn 20 quốc gia như Ba Lan, Đức, Hungary, Ukraine, Romania, Bulgaria, Serbia…trong đó có Việt Nam. Lễ hội bao gồm các chương trình âm nhạc, khiêu vũ, ca hát, trình diễn trang phục, triển lãm, thủ công và dạy khiêu vũ.

Với sự đầu tư chuẩn bị công phu, đoàn Việt Nam năm nay rực rỡ sắc màu với những tà áo dài, khăn vấn và những điệu múa truyền thống Việt Nam như múa Trống hội, múa Cung đình Huế, múa Sen… được đông đảo khán giả nước ngoài yêu thích. Thông qua chương trình này, cộng đồng người Việt tiếp tục khẳng định là cộng đồng đoàn kết, có sự hội nhập sâu rộng ở nước sở tại.

Ông Nguyễn Duy Nhiên - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc cho biết: “Cộng đồng người Việt đã liên tục tham gia Festival dân tộc thiểu số trong nhiều năm qua. Điều này thể hiện sự trách nhiệm và mục đích là hòa hợp đoàn kết giữa các dân tộc ở Cộng hòa Séc và tiếp đó là thể hiện hình ảnh tốt đẹp đất nước con người Việt Nam. Cộng đồng Việt Nam đã hội nhập sâu rộng và luôn sáng tạo chủ động trong mọi hoạt động”.

Thông qua các tiết mục văn hóa nghệ thuật đặc sắc đến từ các quốc gia, Festival là cơ hội để các cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng, người dân các quốc gia tại Séc xích lại gần nhau hơn. Qua đó lan tỏa tinh thần đoàn kết, chia sẻ và học hỏi những giá trị tốt đẹp từ các nền văn hóa khác nhau.

(Nguồn: VOV)

Người Việt ở Mỹ góp sức hỗ trợ người tị nạn đồng hương từ Thái Lan sang định cư

(Ảnh minh họa).

Nhiều người Việt ở Mỹ đang thực hiện các khâu chuẩn bị cần thiết để có thể hỗ trợ đưa những người tị nạn đồng hương đến Mỹ định cư theo một chương trình mới được thành lập bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Chương trình Welcome Corps, ra mắt vào tháng 1 năm nay, cho phép công dân hoặc thường trú nhân ở Hoa Kỳ có thể bảo trợ những người tị nạn hội đủ tiêu chuẩn sang Mỹ định cư.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mô tả chương trình này là “sự canh tân táo bạo nhất trong lĩnh vực tái định cư người tị nạn trong bốn thập niên qua” vì nó được thiết kế để mở rộng năng lực của Chương trình Tiếp nhận Người Tị nạn Hoa Kỳ (USRAP) thông qua sự góp sức của các cá nhân trong xã hội Mỹ muốn phục vụ trong tư cách người bảo trợ tư nhân.

Khi người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới đến Mỹ, họ đối mặt với một lối sống hoàn toàn khác. Để giúp quá trình chuyển tiếp suôn sẻ hơn, theo truyền thống, Bộ Ngoại giao làm việc với các tổ chức phi lợi nhuận chuyên về các vấn đề người tị nạn. Bây giờ, với chương trình Welcome Corps, công dân và thường trú nhân tại Mỹ có thể đứng ra thành lập các nhóm 5 người để giúp hoàn thành vai trò này.

Họ được yêu cầu quyên góp tối thiểu 2.275 đôla cho mỗi người tị nạn mà họ muốn bảo trợ. Sự hỗ trợ sẽ bao gồm mọi thứ từ chào đón những người tị nạn tại sân bay cho đến tìm cho họ nơi ở và đưa con cái của họ đến trường.

Các nhóm bảo trợ cũng sẽ được yêu cầu vượt qua kiểm tra lý lịch và lập kế hoạch hỗ trợ, theo website của Welcome Corps.

Trong sáu tháng đầu tiên của chương trình, Bộ Ngoại giao sẽ kết nối các nhà bảo trợ với những người tị nạn đã được chấp thuận, Bộ cho biết.

Một số người Việt hiện đang chuẩn bị tham gia chương trình nói với VOA họ xem đây một cơ hội quý giá để giúp đỡ những người đã rời bỏ Việt Nam vì những lý do chính trị hoặc tôn giáo và đang chật vật sinh tồn ở Thái Lan trong khi chờ đợi được tái định cư ở một nước thứ ba.

Một số hội đoàn và cá nhân gốc Việt ở một số tiểu bang có đông người Việt sinh sống trong những tháng qua đã tổ chức liên lạc và thành lập các nhóm 5 người theo quy định của chương trình như một phần trong công tác chuẩn bị trước khi chương trình chính thức đi vào hoạt động. Một số nhóm thậm chí còn tổ chức những chuyến đi sang Thái Lan, nơi mà nhiều người tị nạn Việt Nam đang cư trú, để tìm hiểu hoàn cảnh và nhu cầu của những người mà họ sẽ bảo trợ.

Bà Kimmy Dương, một mạnh thường quân gốc Việt có tiếng ở khu vực thủ đô Washington, cho biết cách đây một tháng bà qua Bangkok trong chuyến đi khoảng một tuần để gặp gỡ những người Việt đã được Liên hiệp quốc cấp quy chế người tị nạn và đang chờ được các nước thứ ba nhận để tái định cư. Bà Kimmy cam kết bảo trợ cho 24 gia đình, tổng cộng khoảng từ 80 đến 100 người, dưới chương trình Welcome Corps.

“Theo lời họ kể lại, họ bị đàn áp về tôn giáo, về lý tưởng, rồi có một số người theo tôi biết cũng là thuyền nhân mà đến bây giờ vẫn kẹt lại ở bên đó, những người bất đồng chính kiến với chính phủ thành ra phải trốn qua bên này,” bà Kimmy kể về những người Việt mà bà đã gặp ở Thái Lan khi bà đến để phát gạo từ thiện.

“Đời sống của họ rất là khó khăn, thành ra tôi nghĩ không còn cách nào hơn là mình phải ráng giúp để qua [Mỹ]. Người Việt Nam mình đa số ai cũng chăm lo làm việc. Tôi nghĩ họ qua đây rồi cũng sẽ kiếm được việc và làm ăn sinh sống được,” bà nói thêm.

Bà Nguyễn Lam Châu, giám đốc điều hành Hội Cao niên Á Mỹ ở thành phố Westminster của bang California, cũng tham gia chuyến đi làm công tác từ thiện và tìm hiểu tình hình người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan hồi tháng rồi. Bà nói ban đầu bà chỉ có ý định giúp bảo trợ một gia đình nhưng chuyến đi đã giúp bà thấy rõ hơn tình cảnh của nhiều người tị nạn, và bây giờ bà quyết định sẽ giúp 5 gia đình với tổng cộng 17 người.

Đối với bà, sự hỗ trợ này xuất phát từ sự thấu hiểu và thông cảm đã “in sâu” trong tâm hồn của bà, bà nói. Kinh nghiệm 25 năm làm việc trong lĩnh vực hỗ trợ di dân giúp bà hiểu rõ những khó khăn của họ trong việc tìm kiếm một nơi định cư mới cũng như xây dựng lại cuộc sống. Bản thân chồng bà từng là một người Việt tị nạn ở Thái Lan.

“Tôi có thuyết phục gia đình tôi rằng, ‘chính bố là người tị nạn Thái Lan thì thử hỏi trong thời gian đó chắc chắn một điều hằng đêm hằng ngày vẫn chắp tay nguyện cầu có ai đó để kéo mình ra khỏi trại tị nạn.’ Nên do đó bây giờ cả gia đình tôi rất là thấu hiểu và đồng ý tham gia chương trình này để giúp người tị nạn,” bà chia sẻ.

Chương trình bảo trợ người tị nạn này - tương tự như mô hình được sử dụng ở Canada - là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm tạo cơ hội cho người Mỹ hỗ trợ những người nước ngoài đang tìm kiếm sự bảo vệ.

Dù việc mở rộng năng lực tiếp nhận người tị nạn của Mỹ thông qua chương trình Welcome Corps nhận được sự tán dương của nhiều người, tuy nhiên cũng có những ý kiến đề nghị rằng người tị nạn cần được kiểm tra lý lịch kỹ càng để tránh gian lận và cũng phải bảo đảm là người bảo trợ có đủ khả năng để gánh các chi phí.

Đông y sĩ Nhất Nguyên, một người tham gia nhiều hoạt động cộng đồng và từ thiện ở thành phố Houston của bang Texas, nói ông muốn tham gia hỗ trợ người tị nạn từ Thái Lan nhưng có những lo ngại về việc xác minh lý lịch của những người này. Dù vậy, ông hoan nghênh ý tưởng hợp tác với các nhà bảo trợ tư nhân để giúp đẩy nhanh việc tái định cư những người tị nạn đã chờ đợi mòn mỏi nhiều năm.

“Hầu hết những người tị nạn Thái Lan nếu họ đến đây với chương trình này, nếu những ai có điều kiện ghi danh thì nên tham gia giúp đỡ những người tị nạn này, bởi vì dù sao đi nữa họ cũng đã chịu cảnh cực khổ ở Thái Lan, cảnh vô gia cư, vô tổ quốc, không có nguồn sống nhất định, và như chúng ta đã biết họ có thể bị bắt bất cứ lúc nào,” ông Nhất Nguyên, người cũng từng là người tị nạn, nói.

Bà Kimmy Dương nhớ lại khi xưa bà đặt chân đến Mỹ trong tư cách người tị nạn chỉ với 30 đô la trong túi. Bà nói bà may mắn được tiếp tục làm việc cho hãng IBM, chủ lao động của bà khi còn ở Việt Nam, nhưng bà vẫn phải chật vật mưu sinh để xây dựng lại cuộc đời trên đất Mỹ.

Giờ đây, bà dành sự hào phóng đối với những người tị nạn mà bà đã gặp gỡ ở Thái Lan vì bà nhìn thấy một phần cuộc đời của bà nơi họ.

“Hồi đó mình cứ ngó trong cái tài khoản ngân hàng của mình không có đồng nào nên rầu lắm. Bây giờ tôi hiểu được cái lo của những người tị nạn, không có tiền là khổ lắm,” bà chia sẻ.

(Nguồn: VOA)

Con vào kỳ nghỉ, vợ chồng người Việt đưa cả nhà lên rừng, xuống biển ở Úc

Con trai lớp 3 và con gái lớp 7 vừa vào kỳ nghỉ, anh Nguyễn Hòa - người đang làm việc tại sở cảnh sát ở Úc - đưa cả gia đình đi cắm trại tại khu rừng cách nhà 173km, trong 5 ngày.

Kỳ nghỉ thú vị

Trong khi nhiều phụ huynh Việt đang băn khoăn chưa biết sẽ lên thời khóa biểu cho con như thế nào trong dịp nghỉ hè sắp tới thì ở tiểu bang Victoria, Úc, vợ chồng anh Nguyễn Hòa, chị Phan Nguyệt vừa cùng các con trải qua một kỳ nghỉ thú vị.

Chị Nguyệt cho biết, một năm học ở Úc có 4 học kỳ. Mỗi học kỳ kéo dài 2 - 2,5 tháng. Sau mỗi học kỳ 1, 2, 3 các học sinh được nghỉ 2 tuần. Hết học kỳ 4 (cuối tháng 12), học sinh được nghỉ 6 tuần.

Thời gian các con được nghỉ, phần lớn các bậc cha mẹ cho con đi chơi trong nước hoặc nước ngoài. Một số gia đình cho con về quê thăm ông bà, một số đưa con đến thư viện. Trong kỳ nghỉ, các thư viện cũng tổ chức rất nhiều hoạt động vui chơi cho học sinh như cắt dán thủ công, mở CLB đàn hát...

"Trẻ con bên này học khá nhàn. Con trai mình học lớp 3 nhưng bài tập về nhà mỗi ngày chỉ là đọc sách 20 phút và 20 phút làm toán trên trang web của trường. Các bài tập đều rất đơn giản.

Khi các con vào kỳ nghỉ, giống như nhiều gia đình khác ở Úc, vợ chồng mình thường đưa các con đi chơi để lũ trẻ rèn luyện sức khỏe, tái tạo năng lượng tích cực, có thêm nhiều trải nghiệm, thực hành những kỹ năng sống...", chị Nguyệt nói.

Đợt giữa tháng 4 vừa qua, con trai học lớp 3 và con gái học lớp 7 của chị Nguyệt kết thúc học kỳ 1 và được nghỉ 2 tuần. Ngay lập tức, vợ chồng chị xin nghỉ phép ở nơi làm việc rồi đưa các con đi chơi.

Những kỳ nghỉ trước, anh Nguyễn Hòa - người đang làm việc tại sở cảnh sát ở Úc - thường đưa vợ con đi leo núi, tắm biển… sau đó về khách sạn hoặc nhà thuê để nghỉ ngơi. Lần này, anh đưa vợ con đi cắm trại ở khu rừng cách nhà 173km trong 5 ngày.

Nơi đây hoàn toàn tách biệt với khu dân cư, không có sóng wifi, không có khách sạn, chỉ có núi rừng và biển.

Gắn kết gia đình, tái tạo năng lượng tích cực

Trước ngày đi chơi, hai vợ chồng cùng quê Long Khánh, Đồng Nai chuẩn bị gạo, nước, rau, hoa quả và nấu sẵn một ít đồ ăn rồi xếp lên xe cùng với nồi niêu, bát đũa. Còn hai con tự chuẩn bị quần áo, đồ dùng cá nhân cho chuyến đi.

Tới địa điểm đã chọn, cả nhà cùng nhau dựng trại, đi tham quan xung quanh. Ngày hôm sau, vợ chồng chị Nguyệt đưa con đi tắm biển, câu cá. Hôm sau nữa thì leo núi…

“Các kỹ năng sinh tồn khi leo núi, tắm biển, câu cá, thậm chí sinh hoạt trong rừng, lũ trẻ đã được học rất kỹ ở trường. Ba mẹ chỉ cần dạy thêm cho các con một số điều. Ví dụ, không bỏ rác ở bất cứ nơi nào không có thùng rác; khi đi câu cá, các con phải chú ý điều gì”, chị Nguyệt chia sẻ.

Người phụ nữ quê Đồng Nai kể, ở Úc, muốn câu cá, tôm, cua… người dân phải mua giấy phép. Giấy phép có 3 loại: loại có thời hạn 3 ngày, loại 1 tháng, 1 năm.

Anh Hòa đã mua giấy phép 1 năm cho cả gia đình. Khi đi câu, cả nhà phải tuân thủ các quy định rất nghiêm ngặt. Một buổi câu tôm hùm, mỗi người được bắt tối đa 4 con. Trong đó, con tôm đực phải dài hơn 11cm, con cái dài hơn 10,5cm.

Khi câu cá, mỗi người chỉ được mang về 5 con. Mỗi loại cá có quy định về kích thước riêng. Nếu câu được cá đối thì con cá phải dài trên 60cm, câu được cá hồng thì cá phải dài hơn 23cm mới được mang về nhà. Cá nhỏ hơn kích thước cho phép phải nhẹ nhàng thả xuống biển. Người nào vi phạm quy định sẽ bị phạt rất nặng.

"Câu cá mà không mua giấy phép bị phạt 2.200 USD. Bắt cá chưa đủ kích thước có thể bị phạt đến 3.100 USD", chị Nguyệt thông tin.

Hai bạn trẻ nhà chị Nguyệt rất thích câu cá và các trải nghiệm leo núi, bơi lội, hòa mình với thiên nhiên. Nhưng cả hai thích nhất là đi nhặt củi, nhóm bếp lửa.

Có hôm, lũ trẻ tự nhóm lửa và nấu ăn, không dùng chung bếp với bố mẹ. Đêm xuống, việc được ngủ trong lều, giữa rừng cũng khiến bọn trẻ phấn khích.

Khi chuyến đi chơi kết thúc, chị Nguyệt cảm nhận được tình cảm gia đình gắn kết hơn. “Cả nhà được trải nghiệm nhiều điều mới, được hoà mình vào thiên nhiên. Việc đi chơi ngoài trời còn giúp các thành viên có cơ hội luyện tập thể thao”, chị Nguyệt chia sẻ.

Việc các con được trải nghiệm, vui vẻ và rèn luyện sức khỏe là điều hai vợ chồng quan tâm nhất. Vì vậy, gia đình luôn tận dụng các kỳ nghỉ của con để cùng nhau vui chơi, thay vì ép các con vào các lớp học thêm.

(Nguồn: Vietnamnet)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang