Người Việt hải ngoại: Nghe tiếng bom ở Liban; Ôm con tháo chạy ở Israel; 9 người bị bắt ở Thái Lan; Cô giáo gây sốt ở Phi

NHỮNG NGÀY NGHE TIẾNG BOM TẠI LI BĂNG

Xung đột ngày càng leo thang khiến nhiều người Việt sống ở Li Băng rơi vào trạng thái thấp thỏm. Nhiều người bất ngờ nghe tiếng bom nổ và sẵn sàng về Việt Nam để đảm bảo an toàn.

Li Băng đã hứng chịu đợt tấn công chết chóc nhất từ năm 2006 khi xung đột Hezbollah - Israel leo thang. Cuộc sống nhiều người Việt ở Li Băng trong những ngày này có nhiều thay đổi, thậm chí họ còn nghe tiếng bom nổ sát nơi sinh sống.

Chuẩn bị tinh thần về Việt Nam

Ông Đinh Công Tráng (54 tuổi, quê ở Hà Nội) sang thủ đô Beirut, Li Băng khoảng 26 năm nay. Chỗ ông sống cách khu vực xảy ra xung đột dữ dội ở thời điểm hiện tại khoảng 40 km.

2 ngày trước, khi đang ngủ ông bỗng nghe tiếng bom nổ nên chỉ biết nằm yên trong nhà. Người dân không ra khỏi nhà nhiều như trước, đường sá vắng vẻ hơn. Hàng quán, siêu thị vẫn hoạt động bình thường, giá cả không có gì thay đổi.

"Cuộc sống đang diễn ra yên ổn bỗng xảy ra tình trạng này khiến tôi không khỏi lo lắng. Hơn nữa, việc làm ảnh hưởng rất nhiều, tôi làm đầu bếp nhiều thực khách đặt bàn từ vài tháng trước phải hủy hết. Họ không tụ tập, tổ chức tiệc tùng trong thời gian gần đây", ông Tráng nói.

Ông Tráng nói mất đi sự tự tin khi ra đường. Người thân, bạn bè ở Việt Nam liên tục gọi điện hỏi thăm vì lo lắng xung đột diễn ra phức tạp.

"Hôm tôi nghe tiếng bom nổ cách chỗ tôi sống khoảng 15 km, buổi tối yên tĩnh nên có thể nghe tiếng bom rõ ràng. Tần suất không phải cả ngày, từ hôm đó đến nay tôi vẫn đi làm bình thường", ông Tráng bày tỏ.

Người đàn ông chia sẻ, năm 2006 từng chứng kiến xung đột diễn ra khốc liệt, mức độ khủng khiếp. Nhiều tên lửa bắn đến các tòa nhà khiến xung quanh hoang tàn, đổ nát. Thời điểm hiện tại, nơi ông sống vẫn an toàn nhưng phải theo dõi thường xuyên, lên kế hoạch về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

"Tôi tính về nước để mọi người đỡ lo, chỉ sợ sân bay đóng cửa. Theo tôi biết, người Việt Li Băng chỉ có khoảng 13 người. Tôi đang liên hệ với một người bán vé máy bay để hỏi các thông tin liên quan để về Việt Nam khi tình hình diễn ra phức tạp", ông Tráng cho biết.

Sẵn sàng đi lánh nạn

Chị Từ Thị Năm (34 tuổi, quê Bắc Giang) hiện làm giúp việc cho một gia đình người Li Băng. Chị sống ở quốc gia này 10 năm nay, công việc chủ yếu ở nhà nên ít khi ra ngoài. Hiện chủ nhà đang đi công tác nên chỉ có 3 người giúp việc ở lại Li Băng, một mình chị là người Việt Nam.

"Chủ nhà có nói nếu tình hình chiến sự diễn ra căng thẳng, mọi người sẽ chuyển lên một ngôi nhà trên đồi. Tuy nhiên đến giờ mọi thứ vẫn an toàn, khu vực chiến sự cách chỗ tôi khoảng 1 tiếng đi xe", chị Năm nói.

Những ngày này, người đi chợ sẽ mua nhiều thực phẩm dự trữ để hạn chế ra ngoài. Bánh mì trở nên khan hiếm vì nhiều người lựa chọn mỗi khi có xung đột hay vụ việc nghiêm trọng xảy ra. Người ở đại sứ quán Việt Nam cũng liên hệ, hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn trong thời gian này.

"Mọi người ở quê gọi điện bảo tôi về nhà đi nhưng hiện giờ tôi vẫn theo dõi tình hình. Tôi vẫn có một người bạn, liên lạc hỗ trợ với nhau thời gian này. Cuộc sống xung quanh vẫn diễn ra không khác nhiều so với ngày thường", người phụ nữ thông tin.

Trước đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Li Băng ra thông báo khẩn, khuyến cáo công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Li Băng rời khỏi quốc gia này khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.

Thông báo cũng khuyến cáo công dân trong nước dự định đến Li Băng cần dừng hoặc hủy chuyến đi cho đến khi tình hình ổn định trở lại. Công dân đang sinh sống và làm việc tại Li Băng, trong trường hợp bất khả kháng không thể rời khỏi Li Băng cần nâng cao cảnh giác, theo dõi sát sao diễn biến trên các phương tiện thông tin đại chúng ở sở tại, hạn chế tối đa tụ tập nơi đông người và tuyệt đối không đến gần biên giới Li Băng - Israel, khu vực phía nam thủ đô Beirut và khu vực phía bắc gần biên giới với Syria.

Đại sứ quán đề nghị bà con cần tìm nơi tạm trú ở những vùng an toàn và có phương án dự trữ thực phẩm, thuốc men, đề phòng tình huống xấu.

 

 

ÔM CON THÁO CHẠY KHỎI ISRAEL

Gia đình 4 người vừa chạy xuống hầm hơn 10 giây, chị Kim nghe một tiếng nổ rất lớn trên không trung. Chị Kim và người dân thành phố Tel Aviv bắt đầu ngày mới bằng cuộc chạy loạn khi nghe báo động.

Căng thẳng leo thang, sẵn sàng chạy loạn

Sáng sớm, đang say giấc, chị Kim Golbari (ở Tel Aviv, Israel) bất ngờ nghe tiếng còi báo động rú inh ỏi. Theo phản xạ, chị và chồng vùng dậy bế thốc đứa con đang ngủ lao ra khỏi nhà. Cả hai kéo theo cậu con trai lớn chạy thang bộ xuống dưới sảnh và di chuyển thật nhanh tới hầm trú ẩn của tòa nhà bên cạnh.

Mỗi giây lúc ấy đều đáng quý nên chị Kim chẳng kịp mặc thêm đồ cho con trai út ngoài chiếc bỉm đã đóng từ đêm hôm trước. Cậu bé 3 tuổi bị đánh thức đột ngột bỗng òa khóc, người mẹ vừa ôm con chạy, vừa dỗ dành.

Tại hầm trú ẩn, người dân xung quanh cũng hớt hải chạy tới, gương mặt còn ngái ngủ, quần áo xộc xệch, có người không kịp đeo giầy dép, phải đi chân đất.

"Khi gia đình 4 người của tôi vừa chạy xuống hầm được hơn 10 giây thì nghe một tiếng nổ rất lớn trên không trung. Ai nấy đều bàng hoàng thắc mắc, không nghĩ Hezbollah lại tấn công sâu tới như vậy", chị Kim chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Sáng 25/9, người dân ở Tel Aviv bị đánh thức bởi tiếng còi báo động. Lực lượng Hezbollah Li Băng đã phóng một tên lửa đạn đạo nhằm vào trụ sở cơ quan tình báo Mossad ở ngoại ô thành phố Tel Aviv của Israel.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sau đó thông báo đã đánh chặn tên lửa phóng từ Li Băng, khi còi báo động vang lên ở khu vực Tel Aviv và Netanya.

Phía Israel cũng xác nhận đây là lần đầu tiên tên lửa Hezbollah bay tới khu vực Tel Aviv, đánh dấu bước leo thang mới trong xung đột. Tel Aviv nằm ở miền Trung Israel, là trung tâm kinh tế và công nghệ của đất nước này.

Các cuộc tấn công qua lại trả đũa lẫn nhau với cường độ và quy mô ngày càng lớn khiến tình hình xung đột giữa Israel và Li Băng trở nên phức tạp. Cuộc sống của những người dân nơi đây nói chung và người Việt tại Israel nói riêng ít nhiều bị xáo trộn.

Chị Kim (quê Đồng Nai, sinh sống ở Israel 15 năm) chia sẻ, mấy ngày nay, chị thường xuyên cập nhật tin tức về cuộc giao tranh và luôn ở trong tâm thế sẵn sàng chạy loạn.

Đề phòng những cuộc tấn công bất ngờ lúc đêm hay sáng sớm, vợ chồng chị mặc trang phục nghiêm túc thay vì những bộ đồ ngủ thoải mái. Điện thoại được đặt sát bên cạnh để nhận thông báo và mang theo xuống hầm trú ẩn.

"Khi phát hiện có tên lửa hoặc máy bay không người lái, điện thoại hoặc tivi (nếu đang bật) sẽ lập tức hiện thông báo, còi báo động cũng sẽ kêu trước khoảng 90 giây.

Tuy nhiên, cũng có những khi hệ thống phát hiện muộn, chỉ mấy chục giây các vũ khí tấn công đã phát nổ. Nếu hệ thống phòng không cản phá được thì sẽ xảy ra vụ nổ trên không, còn nếu không cản phá được để trúng mục tiêu dưới mặt đất thì sẽ gây thiệt hại về người, nhà cửa…", chị Kim kể.

Theo chị Kim, mấy ngày trước, chính phủ đã cảnh báo người dân cả nước nâng cao cảnh giác, chuẩn bị cho những ngày thách thức. Các thành phố phía Bắc cách biên giới 40-50km được yêu cầu thực hiện các biện pháp an toàn như không cho trẻ đến trường, không tập trung đông người…

Nơi chị Kim sinh sống cách biên giới phía Bắc khoảng 200km hiện tại chưa chịu nhiều ảnh hưởng ngoài vụ tấn công sáng 25/9. Tuy vậy, chị Kim và gia đình vẫn nâng cao cảnh giác, sắp xếp sinh hoạt, công việc cho phù hợp với tình hình.

Đường phố Tel Aviv những ngày này vắng vẻ hơn, không còn tình trạng kẹt xe giờ cao điểm như trước đây. Các bãi biển, khu chợ thường ngày đông đúc cũng thưa thớt hơn. Chị Kim dặn dò con trai lớn thật kỹ về kỹ năng tránh trú nếu không may xảy ra tấn công ở trường hoặc khi di chuyển trên đường.

Sinh sống ở đất nước là "điểm nóng" về giao tranh, chị Kim buộc phải làm quen với những tình huống căng thẳng. Dẫu vậy, chị vẫn ám ảnh về những vụ tấn công của lực lượng Hamas hay các xung đột quân sự khác tại Tel Aviv.

Chị kể: "Có lần, tên lửa rơi gần nhà tôi, làm hư hỏng 80 căn hộ. Cách đây vài tháng, máy bay không người lái đã đâm vào tòa nhà gần nơi tôi làm việc khiến 1 người chết, các căn hộ bị bể nát. Căn phòng tôi làm việc cảm nhận rõ rung chấn, bụi bay khắp nơi.

Sau mỗi đợt tấn công, người dân lại trở về với nhịp sinh hoạt bình thường. Hiện tôi và gia đình vẫn an toàn, đi học đi làm hàng ngày".

Đất nước không dành cho những người "yếu tim"

Theo chị Kim, Isarel có lẽ là đất nước không dành cho những người "yếu tim" bởi mỗi khi căng thẳng leo thang người dân sẽ liên tục nhận được thông báo, cảnh báo về các cuộc tấn công.

Họ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công, thường xuyên nghe thấy còi báo động hay tiếng nổ của các trận cản phá trên không... Ở nhiều "điểm nóng", người dân thậm chí phải di chuyển khỏi nơi sinh sống cả năm trời, lưu trú trong các khu tị nạn hoặc ở khách sạn.

Mỗi người dân, mỗi gia đình đều phải thường xuyên cập nhật tin tức, nắm vững các kỹ năng an toàn, nhanh chóng sơ tán khi có cảnh báo. Mỗi ngôi nhà, trường học, khu chung cư, bệnh viện đều có hầm trú ẩn để người dân tránh trú mỗi khi có tên lửa tấn công.

"Nhà nước Israel luôn thông báo rõ ràng về tình hình chiến sự, trang bị hệ thống phòng thủ tối tân, áp dụng công nghệ đưa ra các cảnh báo để người dân chủ động sơ tán, tháo chạy.

Các cuộc tấn công được dự báo trước khoảng 90 giây, cũng có những cuộc được dự báo trước tới 9-10 tiếng. Nếu tuân thủ đúng các chỉ định thì người dân sẽ được an toàn, hạn chế thương vong. Nhờ vậy, chị cũng bớt lo lắng phần nào", người phụ nữ Việt chia sẻ.

Chị Kim cho biết, ngoài hệ thống báo động tự động phát tiếng kêu còn có thông báo trên điện thoại, ti vi. Mỗi năm, người dân đều được tập huấn các kỹ năng đảm bảo an toàn.

Thời gian đầu mới sinh sống tại Isarel, chị Kim cảm thấy rất áp lực. Tuy nhiên, khi trang bị cho mình lối sống giữa "điểm nóng" và được sự bảo vệ từ phía nhà nước, sự quan tâm từ Đại sứ quán Việt Nam tại Isarel, chị Kim cảm thấy an tâm và chủ động hơn.

"Nhiều người thắc mắc sao tôi không lựa chọn về Việt Nam hay chuyển đến nước khác an toàn hơn. Nhưng tôi xác định sẽ sinh sống ở đây và thích ứng với mọi hoàn cảnh vì chồng tôi là người Do Thái, anh ấy sẽ sống trong cộng đồng của mình", chị Kim cho hay.

Từ thứ hai (23/9) tới hôm nay, chị Kim vẫn đi làm bình thường, con cái vẫn được đến trường. Song chị đã có những phương án phòng bị. Chị chia sẻ, không phải tới thời điểm này mà từ ngày xảy ra giao tranh năm 2023, chị luôn tích sẵn trong nhà nước uống, gạo, bánh kẹo, đồ khô, đồ hộp.

Những ngày này, chị Kim liên tục nhận được các tin nhắn, cuộc gọi từ người thân tại Việt Nam hỏi thăm, dặn dò bảo trọng.

Chị Kim dự định sẽ về thăm nhà vào tháng 10 năm nay. Tuy nhiên vì hầu hết các hãng hàng không đã hủy đường bay tới Israel từ tháng 10 năm ngoái nên, chị Kim và chồng con chưa biết khi nào sẽ thực hiện được chuyến về Việt Nam.

Cũng theo chị Kim, cộng đồng người Việt Nam tại Israel có khoảng 500 người, sống rải rác ở nhiều thành phố. Mọi người thường xuyên giữ liên lạc với nhau và với Đại sứ quán Việt Nam tại Israel. Trong những ngày qua, người Việt luôn chấp hành quy định của nước sở tại, cập nhật tình hình, động viên tinh thần và hỗ trợ nhau.

"Chúng tôi mong sớm hòa bình trở lại để ổn định cuộc sống", chị Kim nói.

Làm việc trong một trang trại ở cuối miền Bắc Israel, cách biên giới Israel - Li Băng khoảng 200km, Nguyễn M. A. lần đầu tiên nghe thấy tiếng tên lửa nổ trên không. Chàng trai trẻ lo lắng: "Thời gian trước, khu vực tôi sinh sống khá bình yên. Tuy nhiên, hôm 25/9 đã thấy có dấu hiệu nghiêm trọng hơn".

Theo dõi tin tức, A. cũng nhận thấy, các cuộc tấn công xảy ra chủ yếu ở các địa phương cách biên giới khoảng 40-50km. Như nhiều lao động khác, A. giữ vững mối liên hệ với bạn bè người Việt và Đại sứ quán Việt Nam tại Israel để nhờ trợ giúp trong tình huống khẩn cấp.

"Một số người cho rằng, Israel và Hezbollah đang tiến sát bờ vực xung đột toàn diện sau 11 tháng giao tranh biên giới nên tôi khá lo lắng", anh A. cho hay.

 

 

BẮT CÓC TỐNG TIỀN Ở THÁI LAN, 9 NGƯỜI VIỆT BỊ BẮT

Nhà chức trách Thái Lan bắt giữ 9 người đàn ông Việt Nam ở Bangkok với cáo buộc họ giam giữ trái phép một phụ nữ Thái Lan và một người đàn ông Đài Loan, đồng thời đã đánh đập người đàn ông để ép ông ấy trả khoản nợ 1,7 triệu baht từ một giao dịch về tiền mã hóa, theo tin trên Bangkok Post và Khaosod English hôm 26/9.

Giới chức của cơ quan xuất nhập cảnh Thái Lan đã tiến hành điều tra sau khi nhận được thông tin rằng một nhóm công dân nước ngoài đã bắt giữ một đôi nam nữ vì chuyện nợ nần, Thiếu tướng cảnh sát Phanthana Nutchanart, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh (IB), cho hay, được Bangkok Post và Khaosod English đăng lại.

Theo hai trang tin, người phụ nữ Thái Lan được nêu tên là Suchada, 33 tuổi, và người đàn ông Đài Loan là Li, 21 tuổi. Các bản tin không cho biết họ của hai người này là gì.

Các điều tra viên phát hiện ra rằng những nghi phạm là công dân Việt Nam điều hành một cơ sở kinh doanh tiền kỹ thuật số ở Thái Lan. Họ cư trú trong một ngôi nhà tại Lat Phao Soi 41 ở khu vực Chankasem của quận Chatuchak.

Cảnh sát xuất nhập cảnh đã theo dõi hoạt động của những người bên trong ngôi nhà, họ nhận thấy có nhiều người ở đó và hành xử một cách đáng ngờ, Bangkok Post và Khaosod English mô tả.

Hôm thứ Tư 25/9, một số người đàn ông đã lên một xe ô tô đeo biển số giả và rời khỏi ngôi nhà. Sau đó, các sĩ quan cảnh sát đã lần theo dấu vết của họ đến một nhà kho ở tỉnh Suphan Buri.

Đêm hôm đó, chiếc xe rời khỏi nhà kho và quay trở lại ngôi nhà ở Lat Phrao Soi 41. Nhóm người đáng ngờ đã đưa một người đàn ông và một người phụ nữ ra khỏi xe.

Cục Xuất nhập cảnh Thái Lan nhận được thông tin từ các quan chức Đài Loan ở Bangkok rằng cha của ông Li đã nộp đơn trình báo với cảnh sát ở Tân Đài Bắc sau khi con trai ông gọi điện cho gia đình ở Đài Loan, đề nghị họ chuyển tiền cho ông ấy.

Tin cho hay ông Li đã nói với cha mình rằng ông bị một nhóm người đàn ông Việt Nam bắt giữ và hành hung, họ đe dọa sẽ giết ông.

Bangkok Post và Khaosod English cho biết cảnh sát xuất nhập cảnh đã xin tòa án chấp thuận cho họ được khám xét ngôi nhà.

Các sĩ quan cảnh sát đã tìm thấy bà Suchada và ông Li trong một căn phòng của ngôi nhà. Theo lời Thiếu tướng Phanthana được Bangkok Post và Khaosod English trích dẫn lại, 9 người đàn ông Việt Nam đã bị bắt giữ. Cảnh sát cũng thu giữ 1 khẩu súng lục Smith & Wesson, 33 viên đạn, và 2 xe hơi.

Trong quá trình thẩm vấn, bà Suchada nói rằng bà là bạn gái của ông Li. Một nhà môi giới người Thái đã đưa đôi nam nữ này đến ngôi nhà vì ông Li muốn mua tiền kỹ thuật số Tether trị giá khoảng 1,7 triệu baht, tương đương hơn 52.200 đô la Mỹ.

Hai ông bà sau đó đã gặp một người đàn ông có tên là Pham Ngoc và thảo luận việc mua bán. Những người đàn ông Việt Nam đã chuyển số tiền kỹ thuật số tương đương với 16,3 triệu baht vào một ví kỹ thuật số do ông Li cung cấp. Tuy nhiên, người đàn ông Đài Loan này đã không chuyển số tiền Thái Lan cho nhóm người Việt.

Các bản tin nói rằng ông Li chỉ là đại diện cho một người đàn ông khác chỉ được nêu tên là Artong. Sau khi nhận được tiền chuyển khoản, Artong đã cắt đứt liên lạc, Thiếu tướng cảnh sát Phanthana cho biết.

Vì vậy, những người đàn ông Việt Nam đã khống chế ông Li và bà Suchada. Họ đã đánh người đàn ông Đài Loan bằng ống kim loại và trói một sợi dây quanh cổ ông, Bangkok Post và Khaosod English mô tả. Họ cũng đe dọa sẽ dùng kéo cắt đứt ngón tay của ông. Có lúc họ đánh ông ấy vào đầu bằng súng và đe dọa sẽ giết ông nếu ông không trả lại tiền, ông khai với cảnh sát.

Cảnh sát xuất nhập cảnh đã thu hồi giấy phép lưu trú của 9 người Việt Nam và thu giữ vũ khí, xe cộ của họ. Các nghi phạm đã được bàn giao cho đồn cảnh sát Phahon Yothin để xử lý theo pháp luật.

Danh tính của 9 nghi phạm được xác định là Pham Van, 40 tuổi, trưởng nhóm; Pham Ngoc, 37 tuổi, phó trưởng nhóm; Nguyen Xuan, 49 tuổi; Ngoc Phap, 34 tuổi; Nguyen Ngoc, 41 tuổi; Nguyen Thanh, 33 tuổi; Tran Vu, 41 tuổi; Ngoc Tu, 35 tuổi; và Nguyen Hou, 40 tuổi.

 

 

CÔ GIÁO VIỆT GÂY SỐT KHI MẶC ÁO DÀI DẠY HỌC Ở CHÂU PHI

Chị Đinh Thu Hồng hiện là giáo viên tiểu học tại Mỹ. Hành trình trở thành giáo viên của người phụ nữ gốc Việt này khiến nhiều người vô cùng ngưỡng mộ.

Tự hào cô giáo Mỹ gốc Việt mặc áo dài dạy học

Chị Đinh Thu Hồng sở hữu bằng cử nhân khoa Báo chí - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; văn bằng hai khoa tiếng Anh - Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Năm 2007, chị sang Mỹ định cư. Hiện chị là thạc sĩ Giáo dục chuyên ngành tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL), hiện là giáo viên tiểu học tại học khu Gwinnett, tiểu bang Georgia.

Mới đây, chị vừa kết thúc chuyến hành trình hơn 2 tuần sang Ghana (quốc gia ở Tây Phi) để làm giáo viên dạy cho các em nhỏ.

Được biết, những lớp học này nằm trong khuôn khổ của chương trình giáo viên toàn cầu của Fulbright. Để trở thành người được chọn, chị phải trải qua quá trình xét duyệt và nộp hồ sơ cũng vô cùng khó và cạnh tranh. Chị Hồng nộp hồ sơ tháng 2/2023, biết kết quả vào tháng 5, bắt đầu chương trình kéo dài 1 năm vào tháng 9/2023 và sẽ kết thúc vào tháng 9/2024.

Chị Hồng chia sẻ: "Năm học mình nộp có tới gần 1.000 giáo viên bậc phổ thông (K12) ở Mỹ ứng tuyển, 60 người được chọn. Trong 60 người được chọn cho năm học này thì chỉ 5 người (trong đó có Thu Hồng) là giáo viên tiểu học. Còn lại chủ yếu là giáo viên THCS & THPT, hoặc thủ thư hay giáo viên dạy giáo dục đặc biệt”.

Tất cả các giáo viên được chọn đều có trên 10 năm kinh nghiệm giảng dạy ở Mỹ. Có những người là giáo viên xuất sắc toàn quốc, được diện kiến tổng thống. Có người là giảng viên ballet tại California, dạy học sinh đi dự và đoạt giải thế giới. Có giáo viên từng tốt nghiệp ĐH Stanford, học cùng lớp với những nhà văn nổi tiếng toàn cầu…

Chị Hồng được lọt vào danh sách giáo viên này nhờ những đóng góp không ngừng nghỉ của chị cho giáo dục. Chị là người sáng lập và quản trị trang fanpage “Học kiểu Mỹ tại nhà” với hơn 62.000 người theo dõi, đồng thời là tác giả 3 cuốn sách bán chạy: “Học kiểu Mỹ tại nhà”, “Học STEM kiểu Mỹ tại nhà” và “Phát triển năng lực cảm xúc xã hội”. Trong năm 2024, chị Thu Hồng còn là đồng tác giả sách “50 hoạt động nâng cao kỹ năng tiếng Anh trên lớp và tại nhà”.

Chị Thu Hồng cho biết: “Mình có những đóng góp cho cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc ứng tuyển”.

Điều đặc biệt, chị Hồng đã diện áo dài trong những giờ lên lớp với trẻ em ở Ghana (quốc gia ở Tây Phi). Nụ cười rạng rỡ của chị Hồng trong trang phục truyền thống của Việt Nam khiến nhiều người vô cùng tự hào.

Hành trình trở thành giáo viên ở Mỹ

Nghề giáo viên đem lại cho chị Hồng những trải nghiệm, chị có cái nhìn sâu sắc và bao dung hơn, hiểu biết được văn hóa, hoàn cảnh của học sinh và chấp nhận những góc nhìn khác nhau.

Để trở thành giáo viên trên đất Mỹ là điều không hề dễ dàng, khác biệt về văn hóa, cùng những yêu cầu khắt khe khác khiến chị phải mất một thời gian dài cố gắng.

Thu Hồng chia sẻ, chị đến với nghề giáo là nhờ... chồng mình. Khi còn ở Việt Nam, chị chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành giáo viên tiểu học ở một nơi cách quê hương mình cả nửa vòng trái đất, mặc dù ở Việt Nam đã từng là gia sư tiếng Anh.

Tốt nghiệp đại học, chị vào làm cho một tờ báo Tiếng Anh ở trong nước. Kết hôn và sang Mỹ theo chồng, Thu Hồng phải làm lại từ đầu. Nhìn lại số bằng cấp trong nước mà Hồng sở hữu, ông xã đã đưa ra lời khuyên, cô nên theo nghề giáo viên, bởi làm báo ở nước Mỹ quá khác so với khi ở Việt Nam.

Thế rồi, chị trải qua kỳ thi Toán và Tiếng Anh để đậu vào khóa học giáo viên kéo dài 2 năm trên đất Mỹ. Đến kỳ thi đầu ra và đi thực tập để được cấp giấy phép. Chị tích lũy kinh nghiệm từ quãng thời gian dạy thế (khi đột xuất thiếu giáo viên, nhà trường sẽ gọi những người đã đăng ký dạy thế đến hỗ trợ).

Đến năm 2013, chị Hồng chính thức trở thành giáo viên tiểu học ở trường Brighton Avenue, bang New Jersey. Chị Hồng gắn bó với nghề từ đó đến nay. Và đến giờ, sau rất nhiều trải nghiệm, Hồng vẫn chia sẻ rằng "mình biết ơn chồng vì lời khuyên chọn nghề rất hữu ích và sự ủng hộ thầm lặng với những dự án mình theo đuổi”.

Những nỗ lực hướng tới quê nhà

Qua fanpage “Học kiểu Mỹ tại nhà”, chị Hồng cập nhật thông tin đều đặn về những kinh nghiệm thực tế đứng lớp ở Mỹ. Đây là kênh thông tin được nhiều phụ huynh mong đợi và hứng thú vì họ có thể áp dụng tại nhà, không tốn tiền đưa con đến học tại các trung tâm.

Chị Thu Hồng nói: "Tôi muốn chia sẻ đam mê và hứng thú say mê học tập cho các phụ huynh và các em nhỏ tại Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với nguồn kiến thức cập nhật nhất trên thế giới. Đó là những kiến thức bổ ích giúp cho các em cả về tư duy chứ và kỹ năng xã hội chứ không chỉ đơn thuần là kiến thức từng môn học cụ thể".

Chưa dừng lại ở đó, từ đây, chị Thu Hồng đã kết nối để gây quỹ, triển khai một loạt các dự án cho cộng đồng ở Việt Nam như: Dự án góc thông tin giúp phụ nữ nghèo ở Yên Bái tiếp cận nguồn thông tin để làm nông nghiệp sạch, Dự án xây dựng tủ sách nhỏ cho học sinh miền núi Yên Bái và Thái Nguyên; Chia sẻ về chủ đề dạy và học theo phương pháp STEM tiêu chuẩn Hoa Kỳ… và cuốn sách tập hợp các bài đã đăng trên trang “Học kiểu Mỹ tại nhà” do Công ty Nhã Nam phát hành vào tháng 3/2019.

Với chị, việc được đứng trên bục giảng, viết sách, lan tỏa kiến thức cho cộng đồng như “sứ mệnh”. Chị luôn nỗ lực, cố gắng mỗi ngày với những đam mê của mình.

 

Nguồn: Thanh Niên; Dân Trí; VOA; Đời sống & Pháp luật

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang