Người Việt hải ngoại: Ngày hội tiếng Việt ở Nga; Giữ tiếng mẹ đẻ ở mọi nơi; Quốc Nghiệp biểu diễn ở Mỹ; Trộm trang sức ở Nhật

NGÀY HỘI TIẾNG VIỆT TẠI NGA

Lần đầu tiên, Ngày hội tiếng Việt diễn ra tại một trường phổ thông của Nga. Sự kiện đánh dấu một bước phát triển mới trong hành trình lan tỏa tiếng Việt và văn hóa Việt trong cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga nói chung, cũng như thúc đẩy giao thoa văn hóa và ngôn ngữ giữa hai đất nước.

Mới đây, ngày hội tiếng Việt đã được tổ chức tại trường trung học số 76 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Ulyanovsk - quê hương của Lênin. Các em học sinh đã chia làm 4 nhóm, bao gồm cả người Việt Nam và người Nga thi đua đánh vần và nhận mặt chữ cái tiếng Việt.

Học sinh Elvira, Chapaeva, Trường THPT số 76 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ: "Em rất thích ngày hội tiếng Việt được tổ chức ngày hôm nay. Rất thú vị. Tại đây, chúng em được cô giáo người Việt Nam dạy cho các chữ cái tiếng Việt và tham gia trò chơi đố chữ. Em đã đọc được các chữ cái tiếng Việt".

Ngày hội tiếng Việt do Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga phối hợp với Quỹ thúc đẩy hợp tác Nga - Việt “Truyền thống và Hữu nghị”, Hội người Việt Nam “Đoàn kết” tại địa phương, Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” tổ chức.

Trong thư chào mừng, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi đã dẫn lời Bác Hồ: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Quỹ thúc đẩy hợp tác Nga - Việt "Truyền thống và hữu nghị" cho biết: "Lần đầu tiên chúng tôi tổ chức Ngày hội Tiếng Việt tại một trường phổ thông của Nga. Những hạt giống ngôn ngữ chúng ta gieo xuống ngày hôm nay sẽ mang lại trái ngọt cho các thế hệ mai sau. Đó là những tâm hồn Việt giàu lòng nhân ái, yêu quê hương, đất nước, mang đậm bản sắc Việt. Đó là sự thấu hiểu và chia sẻ, sát cánh bên nhau của nhân dân hai nước Việt - Nga".

Ông Evgeni Miller, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Ulyanovsk, Nga cho hay: "Chúng tôi rất vui khi Ngày hội tiếng Việt được tổ chức hôm nay. Sự kiện này không chỉ giúp con em người Việt Nam hiểu về ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, văn hóa, đất nước Việt Nam mà còn giúp người dân tỉnh Ulyanovsk biết nhiều hơn về đất nước Việt Nam anh hùng. Tôi muốn bày tỏ sự cảm ơn đến Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, tỉnh Nghệ An, Quỹ thúc đẩy hợp tác Nga - Việt “Truyền thống và Hữu nghị”, Hội người Việt Nam “Đoàn kết”. Họ đã cống hiến rất nhiều để ngày hôm nay chúng ta tổ chức được Ngày hội tiếng Việt ở đây".

Trao tình yêu, niềm tự hào tiếng Việt và văn hóa Việt tới các thế hệ kiều bào và bạn bè thế giới. Từ ngày hội, tình yêu tiếng Việt sẽ được lan toả, khuyến khích phong trào dạy và học ngôn ngữ này tại Nga.

 

 

CHUYỆN GIEO MẦM TIẾNG MẸ ĐẺ Ở NƯỚC NGOÀI

Hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, TG&VN giới thiệu một số tấm gương vừa được vinh danh Sứ giả tiếng Việt năm 2024.

Đem tình yêu đến mọi nơi

Sứ giả tiếng Việt là danh hiệu cao quý dành tặng những cá nhân xuất sắc trong việc gìn giữ và lan toả tiếng Việt ở nước ngoài. Phóng viên TG&VN có cuộc trò chuyện đầu tiên với một sứ giả của năm 2024 - Anh Nguyễn Thế Dương hiện đang sinh sống và làm việc tại Brisbane, bang Queensland, Australia, là Giám đốc của Viet Academy (trường Yêu tiếng Việt).

Anh Dương là đồng tác giả của bộ sách “Tiếng Việt của em” đã được trao giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi “Biên soạn sách, giáo trình dạy học tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2021, đồng sáng lập nhóm “Dạy con học tiếng Việt” trên nền tảng Facebook, tổ chức câu lạc bộ “Đọc sách tiếng Việt”…

Hơn 22 năm học tập, nghiên cứu và giảng dạy ở lĩnh vực ngôn ngữ học và tiếng Việt, đâu là động lực khiến anh bền bỉ theo đuổi công việc này?

Thật đáng mừng vì hiện nay nhu cầu học tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài rất lớn, cho thấy ý thức về việc gìn giữ và bảo tồn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) ngày càng tăng lên. Hiểu được nhu cầu đó, tôi cùng với vợ mình là Thạc sĩ Ngôn ngữ học Hoàng Thị Thu Thủy đã thành lập trường Yêu tiếng Việt chuyên dạy tiếng Việt cho trẻ em NVNONN.

Như cái tên của nó, Yêu tiếng Việt là tâm huyết mong được lan tỏa tình yêu tiếng Việt đến các em nhỏ ở mọi nơi. Tôi luôn tâm niệm cần đánh thức tình yêu tiếng quê hương, vốn luôn có sẵn trong các em. Muốn các em yêu thì cần phải làm sao biến nó thành “Tiếng Việt của em”, như tựa đề bộ giáo trình mà tôi cùng hai đồng nghiệp ở Viện Ngôn ngữ học biên soạn. Khi tiếng Việt đã là của các em thì các em sẽ yêu thương, trân quý nó một cách tự nhiên nhất.

Các lớp học tại Yêu tiếng Việt tập trung vào các tình huống giao tiếp thông dụng, gần gũi với đời sống hàng ngày, cùng các trò chơi tương tác hấp dẫn, giúp các em vừa cảm thấy thoải mái, vui vẻ lại vừa ghi nhớ kiến thức một cách dễ dàng.

Tại Yêu tiếng Việt, chúng tôi không chỉ dạy tiếng Việt mà còn truyền thụ cho các em về văn hóa, lịch sử, phong tục, truyền thống của người Việt. Đây chính là chất keo quan trọng để gắn kết các em với cội nguồn. Các em được học về những nhân vật lịch sử, những câu chuyện cổ tích, về biển đảo quê hương. Những bài học về Hoàng Sa, Trường Sa, hay các nhà giàn trên Biển Đông luôn gây cho các em những xúc động rất lớn…

Các hoạt động mà tôi đã, đang và sẽ làm đều hướng đến một mục tiêu và động lực duy nhất: đem tình yêu tiếng Việt đến khắp mọi nơi để các thế hệ trẻ em gốc Việt sinh ra và lớn lên tại nước ngoài thêm hiểu và tự hào là người Việt Nam, gắn bó với gia đình và cội nguồn hơn; đồng thời nâng cao vị thế của tiếng nói, con người và đất nước Việt Nam tại các quốc gia khác.

Việc gìn giữ tiếng Việt và văn hoá truyền thống cho thế hệ trẻ kiều bào vẫn còn nhiều thách thức. Bản thân anh gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

Đối với tôi, việc dạy tiếng Việt có rất nhiều thuận lợi. Bởi Australia có một cộng đồng người Việt khá lớn và tiếng Việt hiện tại đã vươn lên xếp thứ ba trong các ngôn ngữ được nói tại gia đình, không kể tiếng Anh.

Sự quan tâm đến việc gìn giữ tiếng Việt của cộng đồng và phụ huynh gia tăng vì họ ngày càng hiểu rõ tầm quan trọng và những lợi ích của việc duy trì tiếng Việt trong một cộng đồng đa văn hóa, đa ngôn ngữ.

Không thể không nhắc đến sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan hữu quan ở Việt Nam, mà minh chứng rõ nhất là Ngày tôn vinh tiếng Việt (8/9) cùng hàng loạt chương trình, kế hoạch, đề án nhằm phát huy giá trị tiếng Việt trong các cộng đồng NVNONN.

Bên cạnh đó, việc dạy trực tuyến phá vỡ các rào cản địa lý, giúp chúng tôi kết nối với học viên ở khắp nơi trên đất nước Australia, thậm chí cả những vùng xa xôi hẻo lánh. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ giáo dục và trí tuệ nhân tạo, chúng tôi có những lớp học với học sinh đến từ ba châu lục cùng học chung rất hiệu quả.

Tất nhiên, cũng có những khó khăn nhất định. Chẳng hạn như các em khác nhau về lứa tuổi, tính cách, năng lực tiếng Việt, hoàn cảnh xã hội, gia đình… Để lớp học được hiệu quả và chất lượng thì khâu quan trọng bậc nhất chính là phân loại học sinh dựa trên nhiều tiêu chí độ tuổi, năng lực tiếng Việt và cả múi giờ. Việc thiết kế chương trình giảng dạy trực tuyến và nguồn lực giáo viên cũng là một khó khăn với chúng tôi…

Hiện tại, Yêu tiếng Việt tiếp tục lên kế hoạch đào tạo giáo viên một cách chặt chẽ, bài bản để có thêm nguồn lực giáo viên giúp lan tỏa tiếng Việt. Với tâm huyết và tình yêu, tôi tin là mình sẽ đủ khả năng vượt qua những khó khăn này.

Từ thực tế ấy, theo anh, cần có những giải pháp gì để phong trào dạy và học, tôn vinh tiếng Việt được lan tỏa hơn nữa?

Sự ra đời của Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN, việc trao tặng các danh hiệu Sứ giả tiếng Việt, cùng hàng loạt sự kiện, hội thảo, cuộc thi về tiếng Việt tạo nên không khí sôi nổi, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Cho nên, để phong trào dạy và học, tôn vinh tiếng Việt được lan toả hơn nữa thì cần tiếp tục phát huy những hoạt động này.

Tôi cũng cho rằng cần khuyến khích mạnh mẽ việc sử dụng tiếng Việt trong gia đình và cộng đồng, tạo môi trường giao tiếp tự nhiên cho các bạn nhỏ có thể thực hành tiếng Việt. Đối với tôi, gia đình chính là thành trì quan trọng nhất để giữ tiếng Việt, và cha mẹ chính là giáo viên tốt nhất. Ngoài ra, cần tổ chức thêm nhiều các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên tiếng Việt, đặc biệt là về phương pháp giảng dạy trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong dạy học.

Chúng ta cũng cần thành lập thêm các trung tâm, lớp học tiếng Việt cộng đồng, đặc biệt, ở những nơi có đông người Việt sinh sống. Đồng thời, cần có những giải pháp hỗ trợ, khen thưởng, động viên cho các trường, trung tâm tiếng Việt và tăng cường hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân, cơ quan liên quan đến việc giảng dạy và phát triển tiếng Việt trong và ngoài nước.

Ở tầm cao hơn, chúng ta cần có những vận động, trao đổi để đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ngoại ngữ hoặc song ngữ tại vùng có đông người Việt sinh sống ở các quốc gia.

Anh ý thức thế nào về danh hiệu Sứ giả tiếng Việt năm 2024 của mình?

Được vinh danh là Sứ giả tiếng Việt năm 2024 là niềm vinh dự lớn lao và vô cùng xúc động đối với tôi. Đặc biệt, lễ vinh danh vừa qua diễn ra ngay tại Nhà hát Lớn của Thủ đô Hà Nội - nơi tôi sinh ra và trước sự chứng kiến của bố mẹ và nhiều người thân trong gia đình tôi.

Tôi nghĩ, có rất nhiều Sứ giả tiếng Việt, những người đang ngày đêm đem tình yêu tiếng Việt lan tỏa khắp nơi. Danh hiệu sẽ là nguồn động viên to lớn để tôi tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu ở nước ngoài, để tiếng Việt tiếp tục vang xa trên khắp các nẻo đường thế giới.

 

 

THỰC HƯ HÌNH ẢNH QUỐC NGHIỆP BIỂU DIỄN TẠI MỸ

Ngày 20/9, trên mạng xã hội bất ngờ chia sẻ hình ảnh được cho là mới nhất của Quốc Nghiệp tại Mỹ. Trong ảnh, ông xã Ngọc Mai diện trang phục trắng, đang biểu diễn tư thế xiếc chổng ngược người khác bằng 2 tay. Có thể thấy bối cảnh mà Quốc Nghiệp biểu diễn là khuôn viên nhỏ đang tổ chức lễ Tết Trung thu 2024. Hình ảnh được cho là mới nhất của Quốc Nghiệp đang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Ngày 27/5, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh vợ chồng ca sĩ O Sen Ngọc Mai và nghệ sĩ xiếc Quốc Nghiệp vui đùa cùng con tại một căn phòng. Đoạn video xuất hiện hình ảnh gây tranh cãi, sau đó gia đình nghệ sĩ đã gỡ khỏi mạng xã hội.

Sự việc khiến khán giả bức xúc, một số ý kiến kêu gọi tẩy chay, thậm chí "cấm sóng" 2 nghệ sĩ này. Trước ồn ào cùng với sự chỉ trích của khán giả, NSƯT Quốc Nghiệp đã lên tiếng phản hồi.

Theo đó, Quốc Nghiệp cho biết gia đình họ có kỳ nghỉ hè kết hợp biểu diễn cho một chương trình từ thiện tại Mỹ. Khi ở nhà người quen, họ không kiểm soát được hình ảnh xuất hiện trong video và "hứa sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc".

Tuy nhiên, phản hồi này càng làm cho dư luận thêm phần phẫn nộ. Trang Facebook cá nhân của Quốc Nghiệp hiện tại vẫn khóa phần bình luận. Tài khoản mạng xã hội của O Sen Ngọc Mai đã biến mất sau vụ ồn ào.

Chiều 6/6, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phản hồi đã liên lạc với Quốc Nghiệp và Ngọc Mai. Đại diện Sở cho biết: "Chúng tôi đã liên lạc với các nghệ sĩ liên quan. Sau ngày 26/6 khi Quốc Nghiệp và Ngọc Mai về Việt Nam, Sở Văn hóa sẽ mời 2 nghệ sĩ làm việc và có thông tin sau".

Ngày 15/8, tại cuộc họp thường kỳ, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM thông tin về vụ việc ồn ào liên quan đến nghệ sĩ Ngọc Mai và Quốc Nghiệp tại Mỹ. Đại diện Sở cho biết cơ quan chức năng vẫn đang xác minh việc Ngọc Mai, Quốc Nghiệp đã về Việt Nam hay chưa.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan về nội dung này và thông tin đến báo chí sau khi có kết quả cụ thể", lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết.

 

 

MỘT THANH NIÊN NGƯỜI VIỆT BỊ NGHI NGỜ GÂY RA HÀNG LOẠT VỤ TRỘM TRANG SỨC TẠI NHẬT

Tại Yamanashi, Nhật Bản, 1 nam thanh niên người Việt đã bị tình nghi liên quan đến hàng loạt vụ trộm nhẫn đính hôn và dây chuyền ngọc trai trị giá hơn 1 triệu yên.

Cảnh sát đang điều tra một loạt vụ trộm xảy ra tại thành phố Koshu, tỉnh Yamanashi, Nhật Bản. Các tài sản giá trị như nhẫn đính hôn và dây chuyền ngọc trai đã bị đánh cắp, với tổng giá trị hơn 1 triệu yên. Theo thông tin từ các nhà điều tra, nghi phạm chính trong vụ việc là một người đàn ông Việt Nam đã bị bắt giữ vì cư trú quá hạn tại Nhật.

Cụ thể, hơn 20 vụ trộm và phá hoại đã được ghi nhận tại Koshu, diễn ra chủ yếu trong các tháng 7 và 8 năm 2024. Vào ngày 16 tháng 8, 2 chiếc nhẫn đã bị đánh cắp từ một ngôi nhà bỏ trống. Ngày hôm sau, một ngôi nhà khác đã bị phá cửa sổ và 14 món trang sức, bao gồm nhẫn đính hôn và dây chuyền ngọc trai cũng đã bị lấy mất.

1 nam thanh niên người Việt Nam, 20 tuổi, sống tại Koshu, bị bắt giữ trong tháng này do cư trú bất hợp pháp, hiện đang bị điều tra về mối liên quan tới các vụ trộm nói trên. Cảnh sát hiện đang tiếp tục điều tra để làm rõ sự việc và xác định xem liệu người này có thực sự dính líu đến các vụ trộm hay không.

 

Nguồn: Hà Nội Online; Báo Quốc Tế; Soha; LocoBee

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang