- Thời sự
- Người Việt hải ngoại
Tối 17/9, Hội người Việt Nam tỉnh Udon Thani, Đông bắc Thái Lan đã tổ chức buổi liên hoan vui đón Tết Trung thu cho con em người Việt trong cộng đồng.
Chương trình đã diễn ra trong không khí vui tươi, ấm cúng với những tiết mục văn nghệ bằng tiếng Việt và tiếng Thái do chính các cháu thiếu nhi biểu diễn.
Đây cũng là dịp để các thế hệ trẻ người Việt tại Udon Thani hiểu thêm về lịch sử và ý nghĩa của ngày Tết Trung thu; đồng thời cũng là dịp để gắn kết tình cảm gia đình và để các cháu hiểu hơn về sự chia sẻ đùm bọc giữa các thế hệ để các cháu biết đến văn hóa cội nguồn dân tộc.
Tại buổi liên hoan, Hội người Việt Nam tỉnh Udon Thani và các phụ huynh cũng đã tặng quà Trung thu cho tất cả các cháu thiếu nhi.
TS Nguyễn Thụy Bá Linh được vinh danh tại giải thưởng TechWomen 100 với đóng góp trong nghiên cứu phát triển công nghệ vật liệu tiên tiến ứng dụng y sinh và tái tạo mô.
Vượt qua hàng nghìn đề cử, TS Nguyễn Thụy Bá Linh, 44 tuổi, Đại học College London (UCL) là người Việt Nam duy nhất góp mặt trong số 100 người chiến thắng tại TechWomen100 năm 2024. Giải thưởng tôn vinh các nhà lãnh đạo nữ tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ, có thành tựu xuất sắc và tầm ảnh hưởng cộng đồng tại Vương quốc Anh. Trong số các gương mặt được vào danh sách này qua các năm, TS Linh là nhà khoa học Việt đầu tiên.
TS Bá Linh tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM năm 2003. Nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Soonchunhyang, Hàn Quốc với các nghiên cứu tập trung vào y học tái tạo, Bá Linh gia nhập Viện Kỹ thuật Y sinh, Đại học Oxford với vai trò nghiên cứu viên sau tiến sĩ, theo đuổi hướng nghiên cứu quan trọng trong kỹ thuật y sinh và tái tạo mô.
Chị cùng cộng sự phát triển công nghệ liên quan đến hạt polycaprolactone quy mô lớn nhằm thu hoạch tế bào gốc. Nghiên cứu được cấp bằng sáng chế và cấp phép thành công thương mại ra thực tiễn. Nhờ công trình này, chị giành được giải thưởng Nghiên cứu viên sau tiến sĩ xuất sắc của Khoa tại trường Oxford năm 2017.
Từ năm 2019, TS Linh trở thành giảng viên ngành Vật liệu sinh học tại Viện Nha khoa Eastman, Đại học College London (UCL). Hướng nghiên cứu của chị gồm vật liệu sinh học cho tái tạo mô, hệ thống phân phối thuốc và polymer phản ứng nhiệt cho việc mở rộng và thu hoạch tế bào gốc. Chị thực hiện nhiều dự án quan trọng về công nghệ vật liệu tái tạo xương và da.
TS Linh công bố hơn 50 bài báo được bình duyệt, hai chương sách, và hai bằng sáng chế. Chị cũng là biên tập viên và phản biện cho nhiều tạp chí uy tín như Journal of Biomaterials Applications, đồng thời giảng dạy các khóa học về y học nano, ứng dụng kỹ thuật y sinh và khoa học lâm sàng. Năm 2021-2023, TS Linh đảm nhiệm vai trò cố vấn và lãnh đạo cộng đồng, chủ tịch Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam (Vietnam Young Academy), hướng dẫn các nhà khoa học trẻ thông qua Hội Trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland.
Bên cạnh nghiên cứu học thuật, chị còn là nhà sáng lập và CEO SmileScaff, công ty chuyên phát triển các công nghệ vật liệu tiên tiến nhằm tăng tốc quá trình chữa lành vết thương và tái tạo mô. SmileScaff kết hợp các vật liệu sinh học tiên tiến với các ứng dụng y tế thực tiễn, nhằm cách mạng hóa kỹ thuật mô.
Chia sẻ với VnExpress từ Anh, TS Bá Linh nói vô cùng tự hào, giải thưởng là tiếng nói ủng hộ cho phụ nữ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tôn vinh phụ nữ vượt qua những thách thức và rào cản, trở thành hình mẫu cho những phụ nữ khác, đặc biệt là những người từ các nước phát triển. "Tôi mong muốn trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ tài năng công nghệ Việt Nam và toàn cầu, cho thấy những giới hạn có thể bị phá vỡ, các thành tựu có thể đạt được thông qua đam mê và cống hiến".
TS Linh cho biết sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, dự án công nghệ sinh học và kỹ thuật mô, mang lại những giải pháp đổi mới sáng tạo vào thực tiễn. Chị mong muốn hợp tác với các nhà nghiên cứu hàng đầu, tổ chức, công ty khoa học công nghệ. Nữ tiến sĩ cũng kỳ vọng thế hệ các nhà khoa học được chuẩn bị tốt để tiếp tục phát triển lĩnh vực quan trọng này, nâng cao nhận thức về những thách thức và cơ hội cho phụ nữ trong các lĩnh vực STEM, truyền cảm hứng cho người trẻ theo đuổi sự nghiệp công nghệ và khoa học.
Được khởi xướng vào năm 2017, TechWomen100 là giải thưởng đầu tiên tôn vinh những phụ nữ làm việc trong ngành công nghệ tại Vương quốc Anh. Giải thưởng còn có hạng mục tôn vinh các nhà vô địch cấp cao, nhà vận động toàn cầu, công ty tiên phong và các mạng lưới hỗ trợ sự phát triển nghề nghiệp của phụ nữ trong công nghệ.
Năm thứ 3 tổ chức, TechWomen100 năm 2024 nhận hơn 1.150 hồ sơ, trải qua các vòng xét duyệt và bình chọn để vinh danh 100 phụ nữ xuất sắc. Lễ trao giải sẽ diễn ra ngày 21/11, tại Queen Elizabeth II Centre, London, Anh.
Phạm Trường Sơn là tiến sĩ hóa dược Việt Nam đầu tiên được Viện Hàn lâm Hungary công nhận. Sinh năm 1980, anh nổi tiếng với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học.
Mong muốn cháy bỏng của Phạm Trường Sơn là đưa kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. Anh và các đồng nghiệp đã chế tạo thành công sản phẩm thảo dược giúp tăng sinh tế bào gốc hỗ trợ điều trị ung thư.
Năm 18 tuổi, Phạm Trường Sơn nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ Hungary. Anh theo học ngành hóa dược của Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Budapest, rồi trở thành tiến sĩ hóa dược. Công trình nghiên cứu luận văn tiến sĩ tại Budapest (Hungary) của Phạm Trường Sơn đã đoạt giải nhất trong Hội nghị hóa hữu cơ quốc tế, tổ chức tại Romania tháng 12/2008.
Tiến sĩ Phạm Trường Sơn chia sẻ: "Năm 2007, Sơn là người nước ngoài duy nhất trong cuộc thi nghiên cứu khoa học toàn nước Hungary và năm đó Sơn đạt giải đặc biệt. Tại thời điểm đó, nhà tài trợ chính là Tập đoàn thuốc Edit cùng với ban tổ chức đã đồng thuận để trao một giải đặc biệt trên giải nhất và họ dành giải đó cho Sơn. Điều đầu tiên mình không nghĩ đến bản thân mà xúc động vì niềm tự hào của dân tộc. Và từ giải này mà Sơn mới được đề cử đi tham dự hội nghị hóa hữu cơ quốc tế tổ chức tại Romania năm 2008 và tại đây Sơn đạt giải nhất".
Năm 2010, Tiến sĩ Phạm Trường Sơn trở thành nghiên cứu viên người Việt đầu tiên được làm việc tại Viện hàn lâm Khoa học Hungary. Tại đây, anh phụ trách một nhóm nghiên cứu nhỏ hợp tác cùng các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước Hungary làm những đề tài nghiên cứu đặt hàng cho các công ty dược phẩm.
Tiến sĩ Phạm Trường Sơn từng được một công ty dược nổi tiếng ở châu Âu mời về làm với mức lương khá cao, nhưng anh từ chối. Anh cùng với các giáo sư, tiến sĩ giàu kinh nghiệm về chuyên môn của Hungary đã thành công khi tạo ra sản phẩm của riêng mình.
Mỗi khi có sản phẩm mới, Tiến sĩ Phạm Trường Sơn và các cộng sự lại có mặt tại nhà máy để giám sát sản phẩm. Anh cũng thường làm các video YouTube, TikTok, Facebook về các chủ đề khoa học và chăm sóc sức khoẻ đơn giản và dễ hiểu, anh mong muốn chia sẻ những thông tin hữu ích tới tất cả mọi người.
Chính những bệnh nhân người Hungary và Việt Nam sử dụng sản phẩm nghiên cứu của Tiến sĩ Phạm Trường Sơn, sau điều trị hiệu quả đã chia sẻ và lan tỏa tới cộng đồng. Với anh, đó là hạnh phúc của người làm công tác nghiên cứu.
Fekete Máté (36 tuổi) - Bệnh nhân ung thư não cho biết: "Cuối năm 2022, tôi cảm thấy ngày càng mệt mỏi, chỉ muốn ngủ và sau đó là các cơn đau đầu thường xuyên. Tôi bị u não. Hơn một năm nay tôi đã trải qua các đợt hoá trị và được Tiến sĩ Phạm Trường Sơn giúp đỡ, ba tháng trước, tôi đã không còn tế bào ung thư trong não".
Tháng 8/2024, Tiến sĩ Phạm Trường Sơn đã trở về nước tham gia Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài. Anh cũng tranh thủ tìm xưởng sản xuất mở nhà máy tại quê hương. Ấp ủ lớn nhất của anh là người Việt Nam có thể tiếp cận, sử dụng những nghiên cứu thành công của anh.
Việt Nam và Hungary, hai đất nước cách xa nhau về địa lý nhưng có truyền thống quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu đời. Năm 2025 sẽ đánh dấu cột mốc niệm 75 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tuần ba lần, Hoàng Mai Trang, 33 tuổi, nấu món Việt cho bữa cơm gia đình để gìn giữ văn hóa quê hương, dù nguyên liệu khó tìm và đắt đỏ.
Năm 2016, Mai Trang từ TP HCM sang Dubai làm nhân viên khách sạn. Cô sống trong ký túc xá công ty nên đồ ăn hàng ngày chỉ có các món Trung Đông, Ấn Độ, Philippines và Trung Quốc.
Sang tháng thứ hai ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cô cảm thấy không thể chịu đựng được nữa, nỗi nhớ món ăn Việt như phở, bún bò quay quắt. Khi số mì tôm mang sang đã cạn, Trang bắt đầu lùng sục các cửa hàng thực phẩm ở Dubai, tải thêm gần chục ứng dụng giao hàng để tìm nguyên liệu tự nấu cơm nhà.
"Món Việt giúp tôi đỡ nhớ quê và thỏa cảm giác thèm thuồng", Trang kể.
Công việc khá bận nên cô chỉ duy trì được một bữa mỗi tuần. Nhiều hôm tan làm muộn, cô đi bộ 20 phút băng qua sa mạc để mua bó rau muống về luộc, giã thêm tỏi ớt pha nước chấm. Món ăn đơn giản nhưng Trang cảm thấy "ngon vô cùng".
Ở Dubai, đa số người dân theo đạo Hồi nên thịt lợn (heo) là loại thực phẩm cấm kỵ, chỉ vài siêu thị có giấy phép được bán và phải đặt trong góc khuất nhất. Trong khi đó, món Việt mà Trang nấu có 70% cần thịt lợn.
Có lần, cô phải đón xe chục km để mua được miếng thịt. Mấy đồng nghiệp xuống bếp thấy Trang chuẩn bị nấu lập tức hét lớn, phản ứng dữ dội. Từ đó, Trang chỉ có thể nấu trên phòng riêng bằng nồi cơm điện với các món như thịt kho trứng, bún mọc và nui. Vài tháng sau, cô kết nối được với một số người Việt ở Dubai. Cả nhóm hẹn nhau cuối tuần cùng nấu nướng chung ở ngoài.
Nhưng khó khăn để làm được một món Việt ở Dubai chưa hết. Nguyên liệu ở đây rất đắt đỏ, một nắm rau muống nhỏ xíu (100 gram) có giá khoảng 42.000 đồng, tương tự với húng lủi, ngò gai, hành.
Ở Dubai, thịt gà, vịt đa số được bán đông lạnh, không có nội tạng. Cô thường đăng bài lên các nhóm người Việt để tìm lòng, mề nấu bún hoặc cháo. Những nguyên liệu đặc biệt mang từ Việt Nam sang thường có giá khá đắt như cá hú khoảng 600.000 đồng một con, dọc mùng (bạc hà) 60.000 đồng vài cọng. Một đĩa rau nhúng lẩu mắm (bắp chuối, rau quế, bông điên điển, bạc hà) có giá hơn 500.000 đồng.
"Nấu một mâm cơm Việt ở đây tốn vài triệu đồng là chuyện thường", Trang nói.
Để tiết kiệm, cô thường chia nhỏ nguyên liệu thành từng hộp trong tủ đông để kết hợp nấu các món khác nhau. Ví dụ như lòng heo nấu bún đậu mắm tôm và cháo lòng, cá hú nửa nấu canh chua, nửa còn lại kho cùng thịt ba chỉ. Rau thơm (húng lủi, diếp cá, ngò gai, ngò rí, rau răm) chỉ được thả vào một vài cọng nhỏ, tạo mùi vị.
Tìm được gia vị cho món Việt là thử thách tiếp theo. Không ít lần Trang đi bốn siêu thị mới mua được chai mắm cá xuất xứ Thái Lan gần giống với vị nước mắm Việt Nam.
"Nhưng không phải lúc nào tôi cũng may mắn. Cái gì không có hoặc không tìm được thì tức lắm, nên học cách tự làm", Trang kể. Cô lên mạng học cách xay cơm nguội, thêm muối, bột năng, dầu ăn, để làm thành sợi bánh canh. Cách chế biến không giống ai này vẫn cho ra sợi bánh dai mềm, thấm nước dùng giống 80% phiên bản ở Việt Nam.
Bạn bè người nước ngoài thường thể hiện sự thán phục sự chăm chỉ và cầu kỳ của Trang khi cặm cụi bào rau muống, nhặt từng lá rau răm suốt một tiếng. Mỗi lần làm sa tế, Trang mất nhiều giờ mới được 5 lọ nhỏ trữ trong tủ mát. "Các bạn nước ngoài cảm nhận ẩm thực Việt chi tiết và tỉ mỉ, thiếu một nguyên liệu món ăn không tròn đầy", cô kể.
Năm 2019, Trang kết hôn với bạn trai người Ai Cập và nhanh chóng biến chồng thành một tín đồ món Việt. Chồng cô nói ấn tượng nhất với món bánh cuốn vì nó đòi hỏi sự khéo léo mới làm được lớp tráng thật mỏng. Với bánh bột lọc, cô nghĩ ra cách đổ bột trên khuôn silicon (loại làm thạch rau câu) mang lại hương vị và hình thức gần giống với Việt Nam.
Cuối tuần, cô hay rủ bạn bè quốc tế đến nhà thử các món công phu hơn như lẩu mắm, cháo lòng. Bún bò là món được bạn bè người Ấn Độ, Dubai yêu cầu nhiều nhất. Mai Trang thường mất hai tuần gom nguyên liệu mới làm được các món này.
Ngày Tết, cô và chồng thường dành một tuần để lang thang các siêu thị Trung Quốc. Họ mua củ cải muối về bóp thêm chanh, đường, làm món ăn kèm với thịt kho trứng. Cô cũng mua thêm mẹt tre, lá chuối để trình bày món ăn tạo không khí như ở Việt Nam khiến bạn bè rất thích.
"Tôi xem nó như cách giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế", Trang nói.
Nguồn: VOV; Báo Hà Tĩnh; Hà Nội Online; Vnexpress
Người Việt hải ngoại: 'Nhường cơm sẻ áo' ở Singapore; Mang trung thu tới Abyei; Tết thiếu nhi tại Nhật; 1 người bị bắt tại Đài Loan
Người Việt hải ngoại: Hồng Nhung hạnh phúc với bạn trai ở trời Tây; Nghệ sĩ Hoài Thanh du lịch y tế ở Nhật; 2 người bị bắn chết ở Malaysia
Người Việt hải ngoại: Công dân ở Liban an toàn; 31 giờ mắc kẹt ở Thụy Sĩ; Mỹ nhân khuynh đảo phòng vé; Gian lận vé tàu, 2 người bị bắt
Người Việt hải ngoại: Góp sức cứu trợ lũ lụt ở Séc; Dẫn đầu về du học sinh trốn ở Nhật; Bán phở bò ở Thụy Sỹ
Người Việt hải ngoại: Giúp việc cho đại gia Trung Đông; Ăn phở đêm ở Cali; Nữ ca sĩ bị điều tra ở HQ; 4 người làm tại hộp đêm ở Chiba bị bắt
Người Việt hải ngoại: Tết trung thu tại Anh, Pháp; Nơi học tập của thiếu sinh quân tại Séc; Giải cứu 2 nhà leo núi ở Thụy Sĩ; CLB áo dài ở Séc
Người Việt hải ngoại: Nghe tiếng bom ở Liban; Ôm con tháo chạy ở Israel; 9 người bị bắt ở Thái Lan; Cô giáo gây sốt ở Phi
Người Việt hải ngoại: Ngày hội tiếng Việt ở Nga; Giữ tiếng mẹ đẻ ở mọi nơi; Quốc Nghiệp biểu diễn ở Mỹ; Trộm trang sức ở Nhật
Hỏa hoạn lớn bùng phát tại trung tâm mua sắm Marywilska tại thủ đô Warsaw vào rạng sáng 12.05.2024 thiêu rụi hàng trăm gian hàng. Bao người Việt kinh doanh ở đây bất lực nhìn tài sản bỗng chốc tan thành mây khói.
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá