Người Việt hải ngoại: Ngày hội thể thao ở Đức; Mỹ nhân thành tâm điểm; Cuộc sống không tiền mặt ở TQ; Trộm cắp ở Nhật

Gần 150 VĐV dự Ngày hội Thể thao của Cộng đồng người Việt tại châu Âu

(Ảnh minh họa).

“Giải Bóng bàn thân thiện Berlin” không chỉ thu hút những vận động viên đến thi đấu, tranh tài, mà còn là nơi truyền cảm hứng, tạo niềm yêu thích thể thao, gắn kết cộng đồng người Việt ở Đức.

Ngày 21/5, tại thủ đô của nước Đức, “Giải Bóng bàn thân thiện Berlin” dành cho cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu đã diễn ra với sự tham gia của gần 150 vận động viên đến từ 8 quốc gia trong khu vực.

Mặc dù là sự kiện thường niên, nhưng đây là lần đầu tiên giải đấu được nối lại sau 3 năm đại dịch COVID-19 bị gián đoạn.

“Giải Bóng bàn thân thiện Berlin” là hoạt động thể thao lớn thu hút những cây vợt người Việt và gốc Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại châu Âu. Hằng năm, giải được tổ chức luân phiên ở các quốc gia như Đức, Hungary, Cộng hòa Séc, Ba Lan...

Năm nay, giải thu hút số lượng vận động viên lớn nhất từ trước đến nay với 150 tay vợt ở các độ tuổi và 8 hạng khác nhau, cao nhất là 82 tuổi và thấp nhất là 9 tuổi.

Các hạng lứa tuổi được chia bảng đánh vòng tròn tính điểm để vào vòng trong. Để nâng cao chất lượng giải, ban tổ chức đã dành giải ngoại hạng cho các vận động viên có trình độ cao, thi đấu ở các giải chuyên nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có cả một số tay vợt đang thi đấu ở hạng 4 (Oberliga) trong hệ thống giải bóng bàn Liên bang Đức. Trọng tài, do câu lạc bộ của các nước tham dự cử đại diện cùng với ban tổ chức, điều hành các trận đấu.

Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh đã nhiệt liệt chào mừng “Giải Bóng Bàn thân thiện Berlin” do Câu lạc bộ bóng bàn Việt Nam-Berlin đăng cai, với gần 150 vận động viên đến từ 8 nước châu Âu cùng đông đảo các cổ động viên tham gia.

Đại sứ Vũ Quang Minh khẳng định ngày hội thể thao càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra vào đúng dịp Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn Thể thao Việt Nam vừa kết thúc kỳ SEA games 32 với thành tích cao nhất toàn đoàn.

Theo Đại sứ, “Giải Bóng bàn thân thiện Berlin” không chỉ thu hút những vận động viên đến thi đấu, tranh tài, mà còn là nơi truyền cảm hứng, tạo niềm yêu thích thể thao, gắn kết cộng đồng người Việt ở Đức nói riêng và toàn châu Âu nói chung.

Ngoài bóng bàn, các hoạt động thể thao của cộng đồng người Việt còn cho nước sở tại, bạn bè Đức và quốc tế thấy hình ảnh của một cộng đồng rất năng động, lành mạnh, có rất nhiều đóng góp vào việc xây dựng một nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.

Chủ tịch Câu lạc bộ Bóng bàn Việt Nam-Berlin, ông Nguyễn Hữu Thọ phấn khởi nói: “Giải Bóng bàn thân thiện” nối lại sau 3 năm đại dịch, đã thu hút lượng vận động viên lớn nhất từ trước đến nay. Với tinh thần thể thao trung thực, công bằng, cao thượng và hết mình, các vận động viên chiến đấu rất quyết liệt, sôi nổi.

Đúng như tên gọi, “Giải Bóng bàn thân thiện” đã góp phần tăng cường sức khỏe, tinh thần thể thao, hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau, tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu trên mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Từ đó sẽ tăng tình đoàn kết, lòng yêu thương cộng đồng, cùng nhau hội nhập và phát triển.

Ông Tuấn Hoàng, Chủ tịch Câu lạc bộ bóng bàn Cộng hòa Séc, cũng hồ hởi chia sẻ: “Là một trong những thành viên sáng lập và đặt tên cho “Giải Bóng bàn thân thiện” cả những người cầm quân lẫn vận động viên đều hy vọng rằng giải đấu sẽ mang đến cho cộng đồng người Việt Nam chơi bóng bàn tại châu Âu một sân chơi bổ ích, luôn đoàn kết, vui vẻ, thân thiện như tiêu chí đặt ra.

Sau 3 năm gián đoạn, giải năm nay được chuẩn bị rất chu đáo, trình độ các vận động viên cũng như quy mô giải cao hơn nhiều so với những lần tổ chức trước từ khâu hậu cần cho đến sắp xếp các vận động viên. Với 18 vận động viên và 20 cổ động viên, Câu lạc bộ Bóng bàn Cộng hòa Séc là đoàn đông thứ hai sau Đức tham dự sự kiện.

Trưởng ban tổ chức “Giải Bóng bàn thân thiện” Nguyễn Hùng Văn đánh giá cao sự kiện thể thao năm nay, cho rằng không chỉ tiềm năng, tố chất của các vận động viên, mà sự cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên và chất lượng ngày càng được nâng lên đã khiến cho giải đấu trở nên sôi nổi, hấp dẫn và kịch tính hơn./.

(Nguồn: VietnamPlus)

Mỹ nhân gốc Việt thành tâm điểm với váy xuyên thấu

Chiếc váy xuyên thấu “mặc như không” của mỹ nhân gốc Việt Karrueche Tran trong tiệc sinh nhật lần thứ 35 trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông quốc tế vì quá táo bạo.

Ngày 20/5, Karrueche Tran đón sinh nhật tuổi 35 trong bữa tiệc nhỏ cùng bạn bè ở Beverly Hills, Los Angeles, California, Mỹ. Người đẹp chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ trong bữa tiệc cùng hội bạn thân thiết, bao gồm Christina Milian, Coco Jones và J Ryan La Cour, trên Instagram Story.

Vào dịp đặc biệt, mỹ nhân gốc Việt rạng ngời trong chiếc váy đen hai dây ôm sát người. Lớp vải trong suốt không có tác dụng che chắn để lộ gần như trọn vẹn cơ thể ngôi sao The Claws trước ống kính cánh săn ảnh. Cô làm tóc và trang điểm theo phong cách làm đẹp thập niên 1920.

Sự táo bạo của Karrueche Tran thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế và dư luận. Daily Mail phải làm mờ một số phần trong bức ảnh chụp nữ diễn viên 8X vì không phù hợp với số đông khán giả.

Cư dân mạng cũng có ý kiến trái chiều về bộ cánh xuyên thấu mà Karrueche Tran. Nhiều người ủng hộ cô vì sự phóng khoáng, dám thể hiện bản thân bất chấp những ánh nhìn phán xét. Tuy nhiên, số khác cho rằng chiếc váy hở hang quá đà, phản cảm.

Đầu tháng 5, Karrueche trở thành tâm điểm chú ý với set váy hai mảnh màu bạc lấp lánh trong đêm cuối cùng tại Carbone Beach - câu lạc bộ đêm được tạo ra trong 4 đêm để chào mừng tuần lễ đua xe của Miami, Mỹ. Đây là điểm đến của nhiều ngôi sao và nhân vật nổi tiếng hàng đầu Hollywood, bao gồm tỷ phú Jeff Bezos và bạn gái Lauren Sanchez.

Vào tháng 3, Karrueche nhận được sự quan tâm khi quyết định cắt đi mái tóc dài gắn bó từ lâu.

Giải thích về quyết định trên Instagram, người chiến thắng Daytime Emmy viết: “Cuộc sống là thực sự sống ở hiện tại và đã đến lúc tôi phải trút bỏ năng lượng cũ. Tôi luôn muốn cắt tóc ngắn nhưng chưa bao giờ có can đảm để làm điều đó. Tôi cảm thấy như một nguồn năng lượng mới được nạp vào. Tôi cảm thấy tự do và thực sự yêu thích nó”.

Sau đó, nữ diễn viên kiêm nhà sản xuất gốc Việt tiết lộ đã thả những lọn tóc dài xuống biển cùng tro cốt của người cha quá cố. Cô mô tả đó là khoảnh khắc kỳ diệu và trọn vẹn vì bố cô là nhà tạo mẫu tóc.

(Nguồn: Kenh14)

Nữ sinh Việt kể cuộc sống không tiền mặt ở Trung Quốc

(Ảnh minh họa).

Lần đầu tiên sang Trung Quốc hồi đầu năm, Hương Giang khiến nhân viên siêu thị gần trường bất ngờ và lúng túng khi cô thanh toán bằng tiền mặt.

Trương Thị Hương Giang, 21 tuổi, hồi tháng 2 sang Trung Quốc để theo học năm nhất khoa Giáo dục Hán ngữ Quốc tế, Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh theo chương trình học bổng toàn phần. Một trong những ấn tượng đầu tiên của cô khi tới Bắc Kinh là cuộc sống gần như không dùng đến tiền mặt ở đây.

Ở Trung Quốc, mọi hoạt động như đi xe buýt, tàu điện, mua hàng ở siêu thị đều sử dụng mã QR thanh toán qua Alipay. Do mới đến, chưa kịp làm thẻ ngân hàng hay đăng ký app Alipay, Giang vẫn sử dụng tiền mặt khi đi siêu thị.

"Khi thấy tôi thanh toán bằng tiền mặt, nhân viên thu ngân tại siêu thị lộ vẻ bất ngờ, loay hoay hồi lâu mới tìm được tiền lẻ để trả lại", nữ sinh quê Hải Dương kể với VnExpress.

Theo báo cáo năm 2021 của Hiệp hội Thanh toán Trung Quốc, quét mã QR là phương thức thanh toán được sử dụng thường xuyên nhất ở nước này, với 95,7% người sử dụng thanh toán qua điện thoại di động. Báo cáo cho hay gần 53% hành khách sử dụng mã QR để trả tiền vé xe buýt hoặc tàu điện ngầm, trong khi tỷ lệ dùng thẻ giao thông trả trước hoặc tiền mặt giảm dần.

Người dân Trung Quốc thanh toán bằng quét mã QR trung bình ba lần một ngày. Những người thuộc thế hệ sinh sau năm 1995 sử dụng thanh toán di động với tần suất cao nhất, đặc biệt là đàn ông, với trung bình 4 lần/ngày.

Wang Yu, giám đốc cấp cao của bộ phận kiểm soát rủi ro của UnionPay, tập đoàn dịch vụ tài chính nhà nước Trung Quốc, cho hay tính tiện lợi là nguyên nhân hàng đầu thúc đẩy người dân lựa chọn thanh toán di động, tiếp theo là thói quen và các hình thức khuyến mại.

Hương Giang cho biết các siêu thị ở Trung Quốc vẫn chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt, nhưng hiện rất ít người sử dụng. Đa số khách đi siêu thị tự quét mã các món mà mình chọn tại quầy thanh toán tự động, sau đó thao tác trên màn hình để chuyển khoản, nhận hóa đơn điện tử mà không cần đến nhân viên thu ngân. Quầy thu ngân tại siêu thị chủ yếu để hỗ trợ người cao tuổi, người nước ngoài không biết cách thanh toán bằng mã QR.

Bởi vậy, Hương Giang cho hay điện thoại thông minh trở thành "vật bất ly thân" ở Trung Quốc, bởi gần như hoạt động nào cũng cần điện thoại để quét mã QR.

"Ở trường dùng điện thoại để quét mã đăng ký, báo danh, mua nước, mua đồ ở quầy bán hàng tự động. Ra ngoài dùng điện thoại để quét mã thuê xe đạp, trả tiền vé xe buýt, tàu điện ngầm", cô kể.

Để sử dụng tàu điện ngầm, hành khách phải quét mã QR khi qua cửa an ninh. Khi đến nơi, họ lại quét mã ở cửa ra, để ứng dụng tính toán quãng đường đã đi và trừ tiền. Hương Giang cho biết ban đầu cô khá bỡ ngỡ, nhưng khi đã trải nghiệm quen thì cảm thấy cách thanh toán này "cực kỳ tiện lợi".

Lê Khánh Linh, 24 tuổi, sinh viên năm thứ ba chuyên ngành Hán ngữ trường đại học Sư phạm Hoa Trung, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, cho hay cô không còn xa lạ với hệ thống thanh toán phi tiền mặt khi đi siêu thị hay sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Khánh Linh cho biết giá vé tàu điện ngầm ở Trung Quốc được tính theo số km, với chi phí rẻ hơn nhiều so với các phương tiện giao thông khác. Trong một chuyến đi bằng tàu điện ngầm từ trường đại học Sư phạm Hoa Trung tới thắng cảnh Hoàng Hạc Lâu, cô đi qua 10 trạm dừng, với tổng mức phí khoảng 4 nhân dân tệ (13.500 đồng).

Hành khách có nhiều cách thanh toán như mua thẻ tháng, mua vé ở từng trạm, hoặc thanh toán bằng cách quét mã QR qua app Alipay, WeChat. Khánh Linh lựa chọn hình thức quét mã QR vì mức độ thuận tiện và an toàn của nó.

"Hy vọng các phương tiện giao thông công cộng ở Việt Nam cũng sẽ phát triển nhanh chóng, giúp người dân có nhiều lựa chọn hơn và không cần sử dụng tiền mặt khi thanh toán", cô nói.

(Nguồn: Vnexpress)

Cảnh sát Nhật bắt 3 người Việt vì nghi ngờ lưu trú bất hợp pháp và trộm cắp

3 thanh niên quốc tịch Việt Nam không địa chỉ lưu trú cố định, không có việc làm đã bị bắt tại Niigata vì nghi ngờ ở lại Nhật bất hợp pháp và có hành vi trộm cắp. Cảnh sát Nhật đã hành động sau nhận được thông tin rằng “có những người nam giới người nước ngoài khả nghi đang đi quanh các cửa hàng trong tỉnh”.

Cụ thẻ, 3 nam giới người Việt Nam độ tuổi từ 25 đến 35 này đã bị bắt vì nghi ngờ ở lại Nhật Bản bất hợp pháp, tức là vi phạm Đạo luật Kiểm soát Nhập cư và Công nhận Người tị nạn và hành vi ăn cắp trong cửa hàng.

Khi cảnh sát xác nhận danh tính của những nam giới người Việt này, họ phát hiện ra rằng thời hạn lưu trú đã hết, không mang theo hộ chiếu, và họ đã bị bắt vì tình nghi ở lại quá hạn bất hợp pháp. Trong một cuộc điều tra sau đó, người ta phát hiện ra rằng vào buổi chiều cùng ngày, tổng cộng 32 mặt hàng, bao gồm cả kem chống nắng, đã bị trộm tại một trung tâm mua sắm ở thành phố Nagaoka, tương đương với khoảng 45.000 yên (khoảng hơn 7.6 triệu đồng).

Những người đàn ông đã ở bất hợp pháp từ vài tháng đến hơn một năm và người ta tin rằng họ đã nhiều lần ăn cắp ở nhiều nơi khác nhau trong thời gian đó. Cảnh sát đang tiếp tục điều tra xem liệu có bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào khác hoặc những người khác có liên quan hay không.

(Nguồn: Locobee)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang