Người Việt hải ngoại: Ngày 8/3 ở Osaka; Thi viết thơ về phụ nữ xa xứ; Lao động ở HQ có thể hưởng lương hưu; Dạy hướng nghiệp ở Luxembourg

KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 TẠI OSAKA, NHẬT BẢN

Hôm nay, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka phối hợp với Hiệp hội người Việt Nam vùng Kansai đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 với sự tham gia của gần 100 người. Đây là hoạt động lần thứ hai được tổ chức tại vùng Kansai.

Sự kiện được tổ chức nhằm thể hiện sự tôn vinh và yêu thương đến “một nửa thế giới”, đồng thời là dịp để cán bộ, phu nhân thành viên cơ quan đại diện ngoại giao gặp gỡ, giao lưu với hội phụ nữ cộng đồng người Việt tại khu vực. Qua đó giúp tăng cường hơn nữa hiểu biết, gắn kết, tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các hội đoàn với Tổng lãnh sự quán.

Phát biểu tại buổi lễ kỉ niệm, Ông Đào Ngọc Trung - Trưởng Bộ phận khoa học kỹ thuật Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka bày tỏ mong muốn và tin tưởng phụ nữ Việt Nam tại Nhật Bản nói chung và Osaka nói riêng luôn đoàn kết, tích cực học tập, lao động, qua đó góp phần xây dựng - bảo vệ Tổ quốc và thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển.

Theo bà Lê Thương, Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam vùng Kansai: Lịch sử dân tộc ta đã khắc ghi những trang sử hào hùng về vai trò của người phụ nữ. Từ thuở dựng nước, giữ nước, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam luôn gắn liền với sự kiên trung, bất khuất, hết lòng vì gia đình, vì cộng đồng. Tám chữ vàng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" là minh chứng cho những phẩm chất cao quý ấy, là di sản tinh thần vô giá mà phụ nữ Việt Nam cần gìn giữ và phát huy.

Trong thời đại ngày nay, phụ nữ Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên mọi lĩnh vực. Họ là những nhà lãnh đạo tài ba, những nhà khoa học xuất sắc, những doanh nhân thành đạt, những nghệ sĩ tài hoa... Họ đã ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ thế giới, sánh vai cùng phụ nữ các nước tiên tiến, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ.

 

 

CUỘC THI VIẾT TẢN VĂN, THƠ VỀ PHỤ NỮ VIỆT NƠI XA XỨ

Cuộc thi viết tản văn, thơ về người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ do Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức đã tuyển chọn được danh sách các tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất cho tuyển tập do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành.

Chính thức phát động từ ngày 8/3/2024 đến ngày 31/12/2024, cuộc thi viết tản văn, thơ về người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ đã nhận được 182 bài dự thi ( 98 tản văn và 84 bài thơ) của 144 tác giả từ 20 quốc gia: Anh, Bỉ, Ba Lan, Bulgaria, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Mỹ, Hungary, Ireland, Italy, Malaysia, Morocco, Nhật Bản, Pháp, Romania, Cộng hòa Czech, Slovakia, Tây Ban Nha, Thụy Điển.

Ban giám khảo bao gồm: Chủ tịch Hội Nhà văn, nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều; Phó Chủ tịch Hội Nhà văn, nhà thơ Trần Đăng Khoa; Nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến.

Khác với các cuộc thi mang tính chất phong trào, đây là một cuộc thi rất đặc biệt, hướng đến phụ nữ người Việt ở nước ngoài với những yêu cầu nhất định về nội dung cũng như đối tượng.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, đây là lần đầu tiên chủ đề về người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ được một cuộc thi viết đề cập.

Đây cũng là đề tài hoàn toàn mới, không đơn giản nhưng rất ý nghĩa và sâu sắc, gợi mở cho người đọc những góc nhìn cụ thể hơn về cuộc sống của chị em người Việt ở nước ngoài.

Với mong muốn khuyến khích chị em cầm bút nên đối tượng dự thi cũng rất khắt khe và hạn chế: Chỉ dành cho những chị em phụ nữ Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.

Những tiêu chí đặc biệt của cuộc thi cũng góp phần sàng lọc, đánh giá thực chất các tác phẩm dự thi, đặc biệt trong thời đại trí tuệ nhân tạo và công nghệ đang phát triển rất mạnh.

Mặc dù tiêu chí và đối tượng của cuộc thi đòi hỏi những tiêu chuẩn nhất định nhưng Ban tổ chức vui mừng khi số lượng tác giả và tác phẩm gửi về dự thi cao hơn mức mong đợi.

Các tác giả nữ dự thi đã gửi những tác phẩm chất lượng, xúc động,tâm huyết, được viết từ chính bản thân mình, được hội đồng Ban giám khảo đánh giá cao.

Sau hơn hai tháng nỗ lực làm việc, Ban giám khảo đã đưa ra được danh sách 48 tác giả có tác phẩm xuất sắc được chọn in vào Tuyển tập.

Chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tuyển tập của cuộc thi sẽ được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành bao gồm 50 tác phẩm : 1 tác phẩm của đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, 1 tác phẩm của đại diện Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu và 48 tác phẩm xuất sắc nhất cuộc thi.

Kết quả các giải thưởng của cuộc thi sẽ được Ban giám khảo công bố vào 30/4/2025 và Lễ trao giải sẽ diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu lần thứ hai ngày 15/6/2025 tại Budapest, Hungary.

 

 

LAO ĐỘNG VIỆT CÓ CƠ HỘI HƯỞNG LƯƠNG HƯU TẠI HÀN QUỐC

Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ được cộng dồn thời gian đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/7.

Theo quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7, lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc sẽ có cơ hội tích lũy thời gian đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu khi về nước. Quy định này, kết hợp với Hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc, giúp đảm bảo quyền lợi của khoảng 300.000 người Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc.

Theo đó, thời gian đóng bảo hiểm xã hội tại cả hai quốc gia sẽ được cộng dồn để xét điều kiện hưởng lương hưu tại Việt Nam. Anh Lường Văn Thắng, một lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, chia sẻ rằng chính sách này giúp người lao động tận dụng tối đa thời gian đóng bảo hiểm, tránh lãng phí và đảm bảo quyền lợi an sinh sau này.

Không chỉ mang lại lợi ích cho lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, chính sách mới này còn có tác động tích cực đến khoảng 200.000 người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Ông Hong Sun, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết cộng đồng người Hàn tại Việt Nam rất đánh giá cao nỗ lực của chính phủ hai nước trong việc đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Tuy nhiên, để có thể hưởng trọn quyền lợi từ bảo hiểm xã hội, người lao động cần thực hiện một số thủ tục quan trọng. TS. Đoàn Xuân Trường, Giảng viên Đại học Luật, lưu ý rằng lao động cần xuất trình giấy chứng nhận về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội khi di chuyển giữa hai nước. Ông nhấn mạnh rằng hiệp định song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc là một dấu mốc quan trọng, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Chính sách mới này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam mà còn tạo tiền đề để mở rộng mô hình hợp tác sang các quốc gia khác có đông lao động Việt Nam đang làm việc.

 

 

NGƯỜI PHỤ NỮ DẠY HƯỚNG NGHIỆP Ở LUXEMBOURG

Đoàn Nhật Minh định cư ở phía Đông Bắc Công quốc Luxembourg đã gần 20 năm. Cô thường lái xe gần 45 phút để lên thủ đô nhằm giới thiệu thực đơn đến thực khách, thuyết phục khách chọn món mặc dù cô không mở nhà hàng cũng không làm trong nhà hàng. Cô là giáo viên chuyên ngành nhà hàng thuộc Khoa Dạy nghề, Trường Trung học Bouneweger Lycée Luxembourg.

Học sinh của Minh đều từ 16 tuổi trở lên. Lịch đến trường của các em cũng khác: học ít, làm nhiều. Minh kể: “Học sinh cứ đi học 3 tuần lại tạm nghỉ để đi làm 3 tháng. Các em vừa học vừa làm công ăn lương như người trưởng thành vậy. Trung bình mỗi năm học sinh của Khoa Dạy nghề chỉ học 10 tuần, còn lại dành cho đi làm. Dạy nghề ngay bậc phổ thông ở Luxembourg chia hai cấp độ: cấp CCP học 2 năm sẽ nhận chứng chỉ; cấp DAP có lộ trình 3 năm được nhận bằng tốt nghiệp”.

Khi còn ở Việt Nam, Nhật Minh từng là giảng viên Trường Du lịch Vũng Tàu. Nhận học bổng một năm du học Luxembourg, cô được giữ lại học thêm 2 năm nữa. Xong 3 năm học thì đến lượt một người đàn ông bản xứ quyết “giữ” cô lại, hỏi cưới làm vợ. Cuộc sống bắt đầu thay đổi nhưng để không phải đổi nghề, Nhật Minh phải trải qua rất nhiều khóa đào tạo và thực tập trước khi được chính thức đứng trên bục giảng.

Minh nhớ lại: “Chỉ thi tuyển vị trí giáo viên dạy hướng nghiệp trong trường trung học thôi nhưng họ yêu cầu phải có 5 năm kinh nghiệm đi làm, phải thi 3 thứ tiếng Luxembourg, Pháp và Đức, vượt qua kỳ thi tuyển giáo viên cộng thêm 2 năm thực tập sinh, tức là vừa học nghề sư phạm vừa kết hợp dạy 10 tiết/tuần. Rồi tôi cũng gia nhập ngành sư phạm của Luxembourg cũng được 10 năm rồi”.

Với đặc thù của quốc gia đa ngôn ngữ, một trong những chú trọng về giáo dục ở Luxembourg mà Nhật Minh tiếp nhận cũng như luôn rèn kỹ cho học sinh là sự thiết thực trong đào tạo nghề và kỹ năng giao tiếp. Cô dạy về mảng nhà hàng và quán bar nên muốn hướng học sinh vào kỹ năng quan trọng nhất là giao tiếp với khách, bởi “khách quay lại nhà hàng không phải chỉ vì món ăn ngon mà còn vì ở đó được phục vụ tốt, được tận hưởng những khoảnh khắc thú vị thông qua thái độ của nhân viên, cách trò chuyện, kỹ năng giới thiệu món ăn cũng như khả năng thuyết phục khách chọn món”.

Ở Khoa Dạy nghề Trường Trung học Bouneweger Lycée Luxembourg, học sinh còn được bổ sung kiến thức cơ bản về kế toán để có thể tính giá món ăn, tính lương, tìm hiểu về dinh dưỡng, lịch sử ngành ẩm thực, xu hướng ẩm thực, học sử dụng đa ngôn ngữ...

Đấy là chuyện hướng nghiệp cho học trò ở Luxembourg. Còn trong cộng đồng người Việt ở đây, từ 3 năm nay Nhật Minh cũng dành tâm sức và thời gian hướng tới một sứ mệnh đặc biệt: đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Trợ giúp cho Việt Nam (Aide au Vietnam) do cả người bản xứ và người Việt tại Luxembourg thành lập từ hơn 20 năm nay. Trước khi được tín nhiệm giao trọng trách này, Nhật Minh đã tích cực tham gia nhiều hoạt động bán hàng gây quỹ từ thiện, kêu gọi đóng góp hỗ trợ trẻ em nghèo, tàn tật, mồ côi, giúp người dân vùng bị thiên tai cũng như các trung tâm bảo trợ xã hội... ở Việt Nam.

Ngày 22-3 tới đây, Aide au Vietnam sẽ tổ chức bữa tiệc từ thiện đánh dấu 25 năm cam kết đóng góp cho các hoạt động ý nghĩa ở quê hương. Nhật Minh cùng những người đồng chí hướng đang tích cực chuẩn bị cho sự kiện với các nội dung: giới thiệu các điệu múa Việt Nam, triển lãm văn hóa Việt, ẩm thực Việt truyền thống...

Thời điểm Nhật Minh mới sang Luxembourg, người Việt ở đây chỉ ngót nghét 200 người, nay cộng đồng tạm thống kê đã lên tới 600 người. Nhật Minh tin rằng đây cũng là động lực để cô cùng các thành viên nòng cốt lên kế hoạch thành lập Hội đồng hương người Việt tại Luxembourg mang tên VietLux Network.

“Để phù hợp tình hình mới, tôi nghĩ sử dụng từ network không chỉ bao hàm sự quy tụ mà còn mở ra hướng kết nối công việc, tức là cùng nhau phát triển thế mạnh của người Việt ở nước ngoài cũng như tìm cách đóng góp công sức, trí tuệ cho cả sự phát triển ở quê nhà”, Nhật Minh chia sẻ.

 

Nguồn: VTV4; Báo Quốc Tế; VTV; Sài Gòn Giải Phóng

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang