.jpg)
LAN TỎA VĂN HOÁ TẠI ST-PETERSBURG
Festival tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam là cơ hội để người dân và các em học sinh Nga tìm hiểu thêm về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam thông qua các tiết mục biểu diễn truyền thống.
Ngày 21/5 (giờ Moskva), trong khuôn khổ Tuần lễ Việt Nam tại thành phố St-Peterburg, Nga (19/05/2025-23/05/2025), chính quyền thành phố này đã phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, Quỹ Truyền thống và Hữu nghị tổ chức Festival tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam.
Sự kiện diễn ra tại trường Trung học phổ thông số 488 thuộc quận Vyborg tại "thủ đô phương Bắc của nước Nga."
Tham dự chương trình có Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác Quốc hội Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi, Giám đốc Quỹ Truyền thống và Hữu nghị Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại thành phố St-Peterburg Vyacheslav Kalganov, Quận trưởng Quận Vyborg Viktor Polunin, Hiệu trường trường Trung học phổ thông 488 Natalia Osennova, cùng hàng trăm học sinh của nhà trường.
Các em học sinh trường Trung học phổ thông 488 chào đón Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan và đoàn đại biểu Việt Nam bằng màn nhảy flashmob “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” và “Việt Nam ơi.”
Phát biểu tại buổi lễ, Hiệu trường trường Trung học phổ thông 488 Natalia Osennova khẳng định, nhà trường luôn nỗ lực thực hiện tốt chỉ đạo của thống đốc thành phố St-Peterburg Aleksandr Beglov về tầm quan trọng đặc biệt của việc tăng cường quan hệ hữu nghị với Việt Nam.
Bà Natalia Osennova vui mừng chào đón các vị đại biểu Việt Nam và chính quyền thành phố St-Peterburg đã đến thăm nhà trường, để cùng đắm mình vào thế giới tươi sáng, thuần khiết và tuyệt vời của Việt Nam - một đất nước có lịch sử phong phú, truyền thống lâu đời và di sản văn hoá độc đáo.
Festival tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam là cơ hội để người dân và các em học sinh Nga tìm hiểu thêm về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam thông qua các tiết mục biểu diễn truyền thống, triển lãm, trò chơi dân gian, ẩm thực dân tộc phong phú của Việt Nam.
Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông 488 gửi lời cám ơn Ban Tổ chức sự kiện và các vị khách quý đã tham dự và chia sẻ niềm vui ngày hôm nay với nhà trường.
Về phần mình, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan bày tỏ xúc động và cám ơn chính quyền thành phố St-Peterburg, nhà trường Trung học phổ thông 488 về buổi đón tiếp nồng nhiệt, ấm áp, nổi bật là bằng những bài hát thân thuộc với tất cả những người con Việt Nam, đặc biệt là khi ở xa Tổ quốc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan khẳng định, các em học sinh trường Trung học phổ thông 488 chính là tương lai của thành phố St-Peterburg, của nước Nga, sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì, củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và Nga ngày nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội gửi lời cám ơn tới trường Trung học phổ thông 488 đã giữ gìn không gian văn hoá Việt Nam tại nhà trường, nhờ đó mỗi đoàn công tác Việt Nam đến với St-Peterburg sẽ hiểu được tình cảm của nhân dân Nga đối với đất nước, văn hoá, con người Việt Nam.
Trong khi đó, Giám đốc Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị” Nguyễn Quốc Hùng cho biết sự kiện là hoạt động hưởng ứng “Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.”
Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị” đã tổ chức nhiều sự kiện liên quan đến tiếng Việt, nhưng festival tiếng Việt và văn hoá Việt Nam hôm nay có nhiều điểm mới và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong hành trình lan tỏa tiếng Việt, văn hoá Việt Nam cho giới trẻ hai nước Việt-Nga, cũng như thúc đẩy giao thoa văn hoá và ngôn ngữ Việt-Nga.
Tại festival, các em học sinh của trường 488 đặc biệt hứng thú khi được tham gia buổi học về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải nghiệm các trò chơi dân gian và thưởng thức hương vị của ẩm thực dân tộc Việt Nam.
Kết thúc sự kiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan và đoàn công tác Quốc hội, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi, đại diện chính quyền thành phố St-Peterburg cùng cô trò trường Trung học phổ thông 488 đã dâng hoa tại tượng đài Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người.
Trường Trung học phổ thông số 488 nằm cách không xa Quảng trường Hồ Chí Minh, nơi đặt tượng đài Bác Hồ ở quận Vyborg thuộc thành phố St-Peterburg.
Tượng đài Hồ Chí Minh được khánh thành vào năm 2023, tại khuôn viên nơi giao nhau giữa con phố mang tên “Hồ Chí Minh” và đại lộ “Khai sáng” ở thủ đô phương Bắc của xứ sở Bạch Dương.
Đến tháng 3/2025, Thống đốc thành phố St-Petersburg Aleksandr Beglov đã ký sắc lệnh đặt tên “Hồ Chí Minh” cho quảng trường ngay cạnh Tượng đài Hồ Chí Minh, thể hiện tình hữu nghị truyền thống giữa hai đất nước, hai thành phố kết nghĩa Hồ Chí Minh-St-Peterburg.
TÌNH NGƯỜI GIỮA XỨ CHÙA THÁP: ĐOÀN VĂN NGHỆ TÌNH CA BẮC SƠN VÀ HÀNH TRÌNH KẾT NỐI YÊU THƯƠNG
Kết nối công tác thiện nguyện với tinh thần yêu âm nhạc mang âm hưởng dân ca trên xứ người, ca sĩ Bích Thủy đã làm nên chuyện
Ca sĩ Bích Thủy cho biết 3 ngày ngắn ngủi nhưng đong đầy cảm xúc, chuyến lưu diễn của Đoàn văn nghệ "Tình ca Bắc Sơn" do chị dẫn đầu tại Phnom Penh, Campuchia không chỉ là hành trình mang âm nhạc đến với cộng đồng người Việt xa quê, mà còn là một cuộc trở về với cội nguồn dân tộc, với nghĩa tình đồng bào.
"Qua sự kết nối đầy trân quý của nghệ sĩ Phượng Nga, đoàn đã có dịp phục vụ bà con kiều bào qua hai suất diễn đặc biệt nhân dịp mùa Phật Đản – dù đến muộn nhưng đậm nghĩa tình và lòng thành. Dù mùa Phật Đản nơi đây đến muộn nhưng lòng thành vẫn trọn vẹn" - ca sĩ Bích Thủy xúc động chia sẻ.
Ca sĩ Bích Phượng kể: "Những giai điệu mang tinh thần từ bi và trí tuệ trong nhạc Phật giáo, hòa cùng những ca khúc quê hương sâu lắng của cố nhạc sĩ Bắc Sơn, đã được cất lên trên đất khách - như một lời tri ân, một sự kết nối thiêng liêng giữa văn hóa, tâm linh và cộng đồng kiều bào xa xứ".
Các nghệ sĩ kể lại trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt vang lên giữa sân chùa đơn sơ, trong ánh mắt rưng rưng của những người con Việt xa xứ, từng câu hát, từng lời thoại của vở kịch "Trước thềm nhà cũ" như chạm đến trái tim, gợi lại hình ảnh quê nhà, cha mẹ, những bữa cơm nghèo nhưng đậm nghĩa tình.
Không cần giới thiệu tên bài hát, "Còn thương rau đắng mọc sau hè" vang lên khiến khán giả nghẹn ngào hát theo, như ca sĩ Hạ Châu kể lại – một khoảnh khắc tưởng như bình dị nhưng lại thiêng liêng khôn cùng.
Các nghệ sĩ cho biết cuộc sống của bà con kiều bào trên xứ người còn nhiều vất vả, ngày đêm lao động mưu sinh nơi đất khách. Nhưng khi nghe tin có đoàn nghệ sĩ Việt Nam sang biểu diễn, ai cũng nôn nao chờ đợi, mang theo cả những đóa hoa tươi thắm, nụ cười và nước mắt, để trao tặng lại các nghệ sĩ như một lời cảm ơn chân tình.
Không chỉ dừng lại ở âm nhạc, tấm lòng của đoàn còn lan tỏa bằng những nghĩa cử đẹp. Toàn bộ số tiền được bà con và quý Thầy trụ trì gửi tặng, ca sĩ Bích Thủy đã thay mặt đoàn trao lại cho chùa – nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ kiều bào khó khăn.
Đó không chỉ là sự cho đi, mà là một vòng tròn yêu thương được nối dài qua từng chuyến đi, từng câu hát, từng bàn tay nắm lấy nhau. Đoàn cũng đã tổ chức trao quà từ thiện cho bà con lao động là kiều bào đang sinh sống tại Campuchia.
Ngoài thời gian biểu diễn, đoàn cũng có dịp tham quan Hoàng cung Campuchia – một biểu tượng văn hóa, nơi gìn giữ vẻ đẹp và nghi lễ của vương triều Khmer; Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng là một bảo tàng tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ trong thời gian cầm quyền từ 1975 đến 1979, Chùa Bạc….
Trong chuyến đi, các nghệ sĩ thêm một lần cảm nhận rõ ràng hơn về sự giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc và thấy mình như một phần nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa trong nhịp cầu kết nối ấy.
Khép lại chuyến lưu diễn, những bước chân của Đoàn "Tình ca Bắc Sơn" rời Phnom Penh nhưng dư âm vẫn còn đọng mãi – trong những ánh mắt bịn rịn, những cái ôm chặt của khán giả, trong ký ức của mỗi thành viên đoàn – nơi tình người vượt qua khoảng cách địa lý, nơi âm nhạc trở thành tiếng nói chung của trái tim.
Nghệ sĩ Khánh Tuấn chia sẻ: "Chuyến đi không chỉ là một sự kiện nghệ thuật, mà là một hành trình chan chứa yêu thương, gửi gắm niềm tin, niềm tự hào dân tộc nơi đất khách quê người. Và ai cũng thầm mong, sẽ lại có dịp được hát, được kể, được đồng hành cùng những người Việt nơi xứ Chùa Tháp – để những ca khúc "Tình ca Bắc Sơn" lại ngân vang, nâng bước những tâm hồn luôn hướng về Tổ quốc.
NỮ NGHỆ SĨ VIỆT SỐNG Ở BIỆT THỰ THUỘC KHU GIÀU NHẤT NAM CALIFORNIA, 60 TUỔI VẪN TRẺ ĐẸP NHƯ 30
.jpg)
Ở tuổi 60, không chỉ sống trong biệt thự xa hoa, thuộc khu giàu nhất Nam Cailifornia, nữ nghệ sĩ còn giữ được nhan sắc trẻ trung và tình yêu hạnh phúc với bạn trai.
Kỳ Duyên xuất thân gia đình trâm anh. Từ nhỏ chị đã được học hành đầy đủ, đặc biệt là piano và thanh nhạc. Khi sang Mỹ, chị tiếp tục theo học và tốt nghiệp trường Đại học Luật Western State với bằng danh dự. Trình độ học vấn giúp Kỳ Duyên khẳng định ưu thế trước các MC, người đẹp khác trong cùng lĩnh vực.
Kỳ Duyên được biết đến với khả năng dẫn chương trình vô cùng duyên dáng, hoạt ngôn, thông minh và sắc sảo, đặc biệt thường nói đạo lý nhưng không gây phản cảm. Cùng vẻ ngoài trẻ trung, cuốn hút, Kỳ Duyên trở thành cái tên nổi bật trong lĩnh vực MC.
Không chỉ được công nhận là một MC nổi tiếng trong cộng đồng người Việt hải ngoại, nữ MC cũng từng nhiều lần về nước, tham gia các sự kiện, chương trình truyền hình và được nhiều người yêu mến. Nổi bật ở vai trò người dẫn chương trình nhưng không phải ai cũng biết, Nguyễn Cao Kỳ Duyên còn từng là ca sĩ, người mẫu được săn đón.
Nguyễn Cao Kỳ Duyên luôn là phiên bản đẹp nhất của chính mình: Thời trẻ chưng diện, thời thượng; khi có tuổi giữ gìn làn da, vóc dáng. Chị chưa từng xuề xòa, kém sắc ở sân khấu hay ngoài công việc.
Dù đã ở tuổi 60 nhưng MC Kỳ Duyên vẫn giữ được vóc dáng đẹp và thần thái quyến rũ khiến nhiều người mơ ước. Chị được xem là hình mẫu đáng mơ ước của phụ nữ trung niên.
Hiếm có ai ở độ tuổi của Kỳ Duyên vẫn được mời quảng cáo mỹ phẩm, liên tục diện bikini khoe thân hình săn chắc, thon gọn với 3 vòng cân đối đẹp như phụ nữ 30. Thần thái luôn tự tin, thu hút của nữ nghệ sĩ là điều mà không phải ai muốn có cũng được.
Nổi tiếng, đa tài và xinh đẹp nhưng đời sống hôn nhân của MC Kỳ Duyên khá lận đận. Chị từng trải qua 2 cuộc hôn nhân và có 2 cô con gái tên Maili Nguyễn và Yenli Nguyễn. Trên trang cá nhân, nữ MC nhiều lần công khai Maili Nguyễn, hiện đang sinh sống tại Hàn Quốc. Trong khi đó, cô con gái Yenli lại khá kín tiếng.
Sau 2 cuộc hôn nhân, nữ MC sinh năm 1965 từng công khai mối tình với bạn trai Duy Hân kém 8 tuổi. Cả hai gắn bó với nhau từ năm 2009 đến năm 2019 thì xác nhận chia tay.
Kể từ đó tới nay, nữ MC cực kỳ kín tiếng về đời tư. Năm 2021, Kỳ Duyên đăng ảnh tình tứ bên một người đàn ông nhưng giấu mặt.
Chị viết trên trang cá nhân: “Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời và se tơ kết tóc giam em vào lòng thôi. Ngày đó có say Duyên vượt biển ngoài, trùng dương ơi giữ kín cho lâu đài tình tôi”.
Trong chương trình The Khang Show mới đây, Kỳ Duyên cũng tiết lộ chị đang hạnh phúc bên bạn trai. Nữ nghệ sĩ khẳng định: "Nói thật, tôi chưa bao giờ độc thân, chỉ là thiên hạ có biết hay không thôi. Tôi là người rất đam mê trong tình yêu, nên không có chuyện độc thân quá lâu đâu".
Sau nhiều năm hoạt động trong làng giải trí, MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên sở hữu cho mình một căn biệt thự cao cấp tại miền Nam California. Căn biệt thự nằm giữa một không gian nhiều cây cảnh, hoa lá, sang trọng chẳng kém khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Căn biệt thự của Kỳ Duyên nằm ở vùng Newport Beach, đây là vùng hội tụ nhiều người giàu nhất miền nam California. "Tôi ở khu giàu có nhất California nhưng vẫn để con học trường bình thường", nữ MC nói trên tờ Dân Việt.
Khuôn viên biệt thự của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên ngập tràn hoa và cây xanh. Không gian này không thua kém vườn sinh thái của các khách sạn, resort cao cấp. Nếu như bên ngoài căn nhà lãng mạn yên bình thì bên trong căn biệt thự lại mê hoặc người nhìn bởi không gian ấm cúng, tinh tế.
Không chỉ ở biệt thự sang trọng, nữ MC cũng từng gây chú ý với chiếc nhẫn kim cương cỡ lớn có giá 1,8 triệu đô la (khoảng 41 tỷ đồng). Nhiều chị em không khỏi xuýt xoa trước độ giàu có của MC sinh năm 1965.
MỘT CÔNG DÂN VIỆT NAM BỊ MỸ TRỤC XUẤT SANG NAM SUDAN
Một thẩm phán liên bang Mỹ nói rằng việc trục xuất 8 người đàn ông đến Nam Sudan, trong đó có một công dân Việt Nam, đã vi phạm lệnh của tòa đưa ra trước đó rằng những người nhập cư phải được phép kháng cáo lệnh trục xuất đến các nước thứ ba, theo hồ sơ tòa án mà BBC News Tiếng Việt tiếp cận được.
Phán quyết này được đưa ra vào ngày 21/5 giờ địa phương.
Tại phiên điều trần diễn ra cùng ngày, Thẩm phán Brian Murphy tại Tòa án sơ thẩm liên bang cho biết các nhà chức trách đã vi phạm lệnh của toà án trong vụ kiện này do không cung cấp cho sáu trong tám người người nhập cư một "cơ hội có ý nghĩa" để đưa ra các yêu cầu được bảo vệ trước khi họ bị bắt đầu trục xuất sang một nước thứ ba.
"Tôi không hiểu làm thế nào bất kỳ ai có thể nói rằng những cá nhân này đã có cơ hội phản đối có ý nghĩa," CBS, đối tác tin tức của BBC, dẫn lại lời của Thẩm phán Murphy tại phiên điều trần.
Các luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng các lệnh của ông Murphy không rõ ràng và đã dẫn đến "hiểu lầm".
Theo hãng tin Reuters, tại phiên điều trần, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) cho biết tám người đàn ông đến từ Cuba, Lào, Mexico, Myanmar, Việt Nam và Nam Sudan đã bị trục xuất.
Những người này bị kết án về tội giết người, cướp có vũ khí và các tội nghiêm trọng khác, cũng theo DHS.
Sáu trong số họ nằm trong diện lệnh của Thẩm phán Murphy.
Người phát ngôn DHS, bà Tricia McLaughlin, nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo trước phiên điều trần: "Đây là những con quái vật mà thẩm phán quận đang cố gắng bảo vệ."
Thẩm phán nói gì trong hồ sơ tòa án?
Trong hồ sơ tòa án mà BBC tiếp cận được, ông Murphy cho biết dù có ghi nhận mọi lời giải thích của các quan chức, bao gồm DHS, những người nhập cư này đã nhận được thông báo chưa đầy 24 giờ trước khi bị đưa lên máy bay để đến một quốc gia mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cảnh báo khuyên công dân Mỹ "không nên đến" vì "tội phạm, bắt cóc và xung đột vũ trang."
Một ngày trước khi có thông tin họ bị trục xuất, thẩm phán Murphy đã ra lệnh cho các quan chức giữ những người đàn ông này lại, vì lo ngại giới chức Hoa Kỳ đã vi phạm lệnh cấm của ông về việc đưa người nhập cư đến các quốc gia không phải quê hương của họ mà không cho phép họ nêu lên những lo ngại.
Luật sư của những người nhập cư nói gì?
Theo một văn bản các luật sư của nhóm người nhập cư này gửi đến tòa hôm 20/5 mà BBC News Tiếng Việt tiếp cận được, một người mang quốc tịch Myanmar và một người khác mang quốc tịch Việt Nam lần lượt được nhắc đến là N.M và T.T.P, đã không được các nhà chức trách cho cơ hội xin bảo hộ theo Công ước Chống Tra tấn của Liên Hợp Quốc (CAT) đối với Nam Sudan.
N.M., với khả năng tiếng Anh hạn chế, đã từ chối ký thông báo trục xuất đến Nam Sudan, vốn chỉ được cung cấp cho ông bằng tiếng Anh.
Ông T.T.P. cũng từ chối ký. Thông báo của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ gửi đến ông không bao gồm bất kỳ thông tin nào về việc liệu hoặc làm thế nào ông có thể được luật pháp bảo vệ vì những lo sợ bị ngược đãi khi bị trục xuất đến Nam Sudan.
Sáng 20/5 giờ Mỹ, một nhân viên trại giam nói với các luật sư qua email rằng N.M. đã bị trục xuất sáng cùng ngày đến Nam Sudan.
Cùng thời điểm, nhóm luật sư cũng đã nhận được thông báo rằng T.T.P dường như đã chịu chung số phận giống N.M., cũng như thông tin rằng có khả năng có ít nhất 10 thành viên khác trên chuyến bay đến Nam Sudan.
Các luật sư cho rằng hai ông N.M. và T.T.P. "đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng" là bị tước đoạt các quyền đã được luật định và bị trục xuất đến một quốc gia nơi họ có khả năng phải đối mặt với án tù, tra tấn hoặc thậm chí là cái chết.
Vì T.T.P và các thành viên khác trong nhóm sẽ bị hoặc đã bị trục xuất đến Nam Sudan, các luật sư hôm 20/5 yêu cầu tòa án ra phán quyết ngay lập tức để đưa những người này trở lại Mỹ và chặn tất cả các chuyến bay đưa thân chủ của họ đến Nam Sudan hay bất kỳ đất nước thứ ba nào cho đến khi các nhà chức trách đưa ra bằng chứng chứng minh họ đã làm theo yêu cầu đề ra trong lệnh của tòa.
Theo Reuters, trước khi bị trục xuất, T.T.P đã bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ Port Isabel ở bang Texas. Người này bị kết tội giết người, Elianis Perez, luật sư của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nói trong phiên điều trần hôm thứ Ba 20/5.
BBC News Tiếng Việt đang liên hệ với các luật sư để xác định tình hình của ông T.T.P.
Tính đến chiều ngày 22/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc công dân của mình bị Mỹ trục xuất sang Nam Sudan.
Trước đó, vào tháng 2/2025, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Mỹ về nhận trở lại công dân trên tinh thần các thỏa thuận đã ký.
Thẩm phán yêu cầu chính quyền làm gì?
Trong khi đó, theo phán quyết của tòa hôm 21/5 mà BBC News Tiếng Việt tiếp cận được, thẩm phán Murphy đã yêu cầu các quan chức cho những người đàn ông này phỏng vấn sau khi có thông báo đến họ ít nhất 72 giờ để đánh giá xem họ có bất kỳ nỗi lo sợ chính đáng nào khi đến Nam Sudan hay không.
Mọi trường hợp trục xuất sang nước thứ ba phải được thông báo bằng văn bản cho cả người nhập cư và luật sư của họ bằng ngôn ngữ mà họ hiểu.
Sau khi nhận được thông báo, họ phải có cơ hội hợp lý, ít nhất là 10 ngày, để đưa ra yêu cầu bảo vệ theo Công ước Chống Tra tấn trước khi bị trục xuất.
Nếu người nhập cư chứng minh được lo sợ của họ về trục xuất sang nước thứ ba là hợp lý, chính quyền phải tiến hành mở lại hồ sơ nhập cư của họ.
Nếu họ không chứng minh được lo sợ của họ là hợp lý thì chính quyền phải tạo cơ hội hợp lý, ít nhất là 15 ngày, để những người này có thể yêu cầu mở lại hồ sơ nhập cư của mình.
Theo Reuters, Thẩm phán Murphy nói với các luật sư rằng mặc dù ông có quyền đưa những người đàn ông này trở lại Mỹ, nhưng Bộ An ninh Nội địa có quyền tự quyết để giữ họ ở nước ngoài.
''Mặc dù tòa án không ra lệnh [cho họ] quay lại, nhưng tòa án đã yêu cầu chính phủ tạo cơ hội cho các thành viên trong nhóm nguyên đơn của chúng tôi bày tỏ nỗi lo sợ bị tra tấn ở Nam Sudan - một quốc gia mà những cá nhân này không có bất kỳ mối liên hệ nào, đang trong tình trạng hỗn loạn và trên bờ vực nội chiến," bà Trina Realmuto, luật sư đã bảo vệ cho các kiến nghị của những người nhập cư trong vụ việc này, nói trong một tuyên bố.
Trước đó, vợ của ông T.T.P. đã gửi email cho luật sư của ông và cho biết một nhóm khoảng 11 người, trong đó có ông T.T.P., được cho là đã bị trục xuất. Nhóm này bao gồm công dân Lào, Thái Lan, Pakistan và Mexico.
"Xin hãy giúp đỡ!" người vợ viết trong email. "Họ không thể được phép làm điều này."
Thẩm phán Murphy cho biết ông sẽ quyết định vào một ngày khác liệu ông có buộc các quan chức Bộ An ninh Nội địa tội coi thường tòa án hay không.
Phán quyết của ông là một trong những lời phản bác mạnh mẽ nhất từ trước đến nay đối với chính quyền Trump kể từ khi tổng thống bước vào nhiệm sở hồi đầu năm nay.
Khi tranh cử vào Nhà Trắng lần hai, ông Trump đã cam kết trấn áp tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, nhiều nỗ lực đẩy mạnh trục xuất của ông đã bị các tòa án ngăn cản.
Nam Sudan, quốc gia non trẻ nhất thế giới, đã trải qua một cuộc nội chiến đẫm máu ngay sau khi giành độc lập vào năm 2011.
Trước đó, chính quyền Trump đã yêu cầu một số quốc gia chấp nhận việc trục xuất người nhập cư đến Mỹ.
Đầu tháng 5/2025, Rwanda xác nhận họ đang tiến hành các cuộc đàm phán như vậy với Mỹ, trong khi các nước Benin, Angola, Equatorial Guinea, Eswatini và Moldova cũng đều đã được truyền thông nhắc đến.
Đây không phải lần đầu tiên công dân Việt Nam nằm trong nhóm người bị trục xuất sang một nước thứ ba tại châu Phi khi đang cố nhập cư vào điểm đến phương Tây.
Năm 2024, người Việt Nam cũng nằm trong nhóm công dân nước ngoài có thể bị Anh trục xuất sang Rwanda ở Châu Phi, theo Dự luật Rwanda.
Theo đó, bất kỳ ai "vào Vương quốc Anh bất hợp pháp" sau ngày 1/1/2022 đều có thể bị đưa đến Rwanda, không giới hạn số lượng.
Nguồn: VTV4; Việt Báo; Soha; BBC
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá