Mỹ: Thế giới cảm lạnh; Đeo khẩu trang là yêu nước; Phát súng hạ bệ Biden; Trump sẽ bị cưỡng chế; Ông Obama giàu gấp 30 lần; Ngoại trưởng bị tố cáo

Thế giới ‘cảm lạnh’ khi Mỹ chịu tác động mạnh vì COVID-19?

Vào lúc tăng trưởng tốt năm 2018, tức sau một thập kỷ tăng trưởng kinh tế, chính Hoa Kỳ đã giúp kéo thế giới cùng tiến lên.

Nhưng nếu chính sách của Hoa Kỳ đã giúp đưa kinh tế thế giới lên cao hơn, thì chính nó cũng là nguy cơ kéo cả thế giới đi xuống khi nước này gặp khó khăn trong việc đối phó với đại dịch COVID-19, Reuters nhận định, dẫn câu: “Khi Mỹ hắt hơi, thế giới bị cảm lạnh”.

“Trên phương diện toàn cầu, sẽ có những tháng và những năm sắp tới khó khăn và điều đặc biệt đáng lo ngại là số lượng các ca nhiễm COVID-19 vẫn tăng lên,” theo một đánh giá kinh tế Hoa Kỳ của Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF). Báo cáo nói rằng “tình trạng bất ổn xã hội” do sự nghèo đói gia tăng là một trong những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế.

“Rủi ro trước mắt là một phần lớn dân số Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với sự suy giảm quan trọng về mức sống và khó khăn kinh tế đáng kể trong vài năm. Điều này có thể làm suy yếu thêm nhu cầu tiêu dùng và làm suy yếu động lực tăng trưởng,” báo cáo của IMF viết.

Tại Hoa Kỳ có hơn 3,6 triệu người bị nhiễm bệnh và 140.000 người thiệt mạng vì COVID-19.

Nền kinh tế Hoa Kỳ chiếm khoảng ¼ GDP thế giới.

Nhập khẩu hàng năm của Hoa Kỳ cho đến tháng 5/2020 giảm hơn 13%, tương đương khoảng 176 tỷ đôla.

Ở Đức, nơi những biện pháp ngăn chặn đại dịch được coi là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong tháng 5/2020 giảm 36% so với năm ngoái.

Tại Nhật, ông Hideo Kumano, cựu viên chức của Ngân hàng Bank of Japan, hiện là nhà kinh tế trưởng thuộc Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, nói: “Sự phục hồi của Nhật sẽ thực sự bị trì hoãn nếu sự lây lan của COVID-19 tại Hoa Kỳ không dừng lại và sản lượng xuất khẩu từ nhiều quốc gia châu Á sang Hoa Kỳ không tăng.”

Cuối cùng Tổng thống Trump nói đeo khẩu trang là yêu nước

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Dòng trạng thái và bức ảnh đeo khẩu trang được Tổng thống Trump đăng hôm 20-7. Ảnh: CNN).

Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter ngày 20-7: "Chúng ta cùng chung sức trong nỗ lực đánh bại virus Trung Quốc vô hình. Nhiều người nói rằng đeo khẩu trang khi không thể thực hiện giãn cách xã hội là yêu nước. Không ai yêu nước hơn tôi, Tổng thống được các bạn yêu quý".

Dòng trạng thái được đăng kèm ảnh đen trắng cho thấy ông chủ Nhà Trắng đeo khẩu trang khi thăm Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed ở bang Maryland hồi đầu tháng. Đây là lần đầu ông Trump đeo khẩu trang ở nơi công cộng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Dư luận ở Mỹ vẫn tranh cãi việc có đóng cửa trường học hay có bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng hay không. Bất chấp cảnh báo từ giới chuyên gia y tế, Tổng thống Trump ra sức ủng hộ việc mở cửa trường học, khuyến khích các bang mở cửa trở lại và từng cho rằng đeo khẩu trang là không cần thiết.

Do đó, động thái mới nhất của ông Trump là thay đổi đáng kể so với những phát biểu trước đây, khi ông nhiều lần từ chối đeo khẩu trang vì cho rằng nó sẽ tạo hình ảnh không đẹp trong mắt các lãnh đạo nước ngoài. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ vẫn không ủng hộ phương án bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng trên toàn quốc.

Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hồi tháng 4 khuyến cáo người dân che mặt để ngăn lây nhiễm dịch Covid-19, sau khi có những bằng chứng cho thấy bệnh nhân không có triệu chứng vẫn có thể truyền virus. Tổng thống Mỹ cuối tuần trước mới lần đầu đeo khẩu trang trước công chúng, trong khi ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã đeo khẩu trang ở nơi công cộng từ nhiều tháng qua.

Theo số liệu của trang thống kê Worldometers, trong 1 ngày qua, Mỹ là một trong những nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới, với 58.474 ca. Đồng thời Mỹ cũng là nước ghi nhận số ca tử vong cao thứ 3 trên thế giới (434 ca), sau Ấn Độ (596 ca) và Brazil (587 ca).

Hiện Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 3,9 triệu ca nhiễm và gần 144.000 người chết. Mô hình nghiên cứu mới của CDC dự đoán ca tử vong do Covid-19 ở nước này có thể tăng lên 150.000 vào tháng 8.

Nhiều tuần qua, các bệnh viện khắp nước Mỹ đã chạm ngưỡng quá tải. Ít nhất 27 bang quyết định dừng hoặc rút kế hoạch tái mở cửa nhằm làm chậm tốc độ lây lan của Covid-19. CDC ước tính ít nhất 40% số người nhiễm dịch tại Mỹ không có triệu chứng, có nghĩa là hàng ngàn người dân có thể đang lây nhiễm cho những người khác mà không biết.

Trump tung 'phát súng chí mạng' hạ bệ Biden

Tân quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump bắt đầu vị trí với tuyên bố về kế hoạch tác chiến mới. "Chúng tôi sẽ khắc họa Biden như công cụ của phe cực tả và nêu bật sự tương phản giữa các thất bại của Biden với thành công không thể phủ nhận của Tổng thống Trump", Bill Stepien nói trong bài phát biểu đầu tiên sau khi được bổ nhiệm tuần trước.

"Nếu chúng tôi có thể giành lợi thế trong nhiều ngày hơn Biden, Tổng thống Trump sẽ tái đắc cử", Stepien khẳng định.

Đội ngũ tranh cử của Trump dự kiến sẽ tận dụng hơn 100 ngày trước bầu cử để xây dựng Biden, cựu phó tổng thống Mỹ, như "công cụ của phe cực tả". Đây là chiến lược quen thuộc của phe Cộng hòa khi tìm cách "hạ bệ" đối thủ, bằng cách gán phe Dân chủ với thuế cao và chính phủ theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Khi gặp khó khăn với các "đòn tấn công" khác, chiến dịch tranh cử của Trump cho rằng đây là "phát súng chí mạng" đối với Biden.

Chiến lược mới của Trump được đưa ra giữa lúc Biden xây dựng liên minh lớn, gồm các tướng lĩnh quân đội, nhà hoạt động của phong trào "Mạng người da màu cũng quan trọng", những người Cộng hòa bất mãn và các nhà hoạt động xã hội dân chủ. Đây được đánh giá là liên minh tiến bộ nhất của ứng viên tổng thống từ trước đến nay, trong một năm mà Mỹ bị Covid-19 và các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tàn phá.

Nếu Dân chủ nắm quyền kiểm soát Nhà Trắng và cả hai viện của quốc hội, Mỹ sẽ chứng kiến thay đổi lớn về cái được gọi là cánh tả, cánh hữu và trung lập.

"Nước Mỹ và xã hội chủ nghĩa" đã trở thành chủ đề tranh luận chính tại Hội nghị hành động chính trị bảo thủ (CPAC) được tổ chức ở National Harbor, gần thủ đô Washington, hồi tháng 2. Tại hội nghị này, Trump đã mô tả phe Dân chủ như những người "xã hội chủ nghĩa cực tả".

Sau đó, nhiều cuộc khủng hoảng đã xảy đến với Mỹ và Trump gặp khó khăn với chiến lược tranh cử. Hồi cuối tháng 4, Trump tuyên bố đình chỉ tất cả hoạt động nhập cư vào Mỹ để ứng phó với Covid-19 và bảo vệ việc làm cho lao động nước này. Sang tháng 5, Trump quyết tâm theo đuổi kế hoạch mở cửa đất nước và phục hồi nền kinh tế, bất chấp nhiều lời cảnh báo có thể làm trầm trọng thêm tình hình Covid-19. Đồng thời, ông thúc đẩy cáo buộc về vai trò của Biden trong cuộc điều tra của Nga. Tháng 6, Trump tuyên bố sẽ dùng "pháp luật và trật tự" để dẹp phong trào biểu tình "Mạng người da màu cũng quan trọng". Tháng này, Tổng thống Mỹ theo đuổi cuộc chiến tranh văn hóa bảo vệ các biểu tượng của Liên minh miền Nam.

Tuy nhiên, kết quả nhiều cuộc khảo sát cho thấy các chiến lược của Trump trên các mặt trận này không hiệu quả. Ngày 15/7, Trump quyết định thay người quản lý chiến dịch tranh cử Brad Parscale, chưa đầy 4 tháng trước cuộc đua vào Nhà Trắng vào 3/11.

Người kế nhiệm Stepien được đánh giá là nhà hoạt động Cộng hòa truyền thống hơn và dự kiến sẽ có kế hoạch tranh cử mang đậm phong cách của phe Cộng hòa. Năm 2008, chiến dịch tranh cử của phe Cộng hòa từng chế giễu Barack Obama khi đề xuất "chia sẻ sự giàu có cho người khác", và giờ kế hoạch tương tự cũng đang được xây dựng để đối phó với Biden.

"Đây là chiến lược tốt nhất họ có thể sử dụng bởi thực tế phe cực tả là một phần của liên minh tiến bộ và có tiếng nói về nhiều đề xuất chính sách, những điều mà tôi nghĩ hầu hết người Mỹ sẽ thấy khó chịu", Lanhee Chen, cựu giám đốc chính sách cho chiến dịch tranh cử của Mitt Romney năm 2012, cho hay.

Chen, thành viên viện nghiên cứu Hoover Institution, thuộc Đại học Stanford ở Palo Alto, California, cho biết "ý tưởng cố gắng khắc họa Joe Biden như một con rối của cánh tả hoặc móc nối với phe cực tả rất dễ hiểu với tôi. Chúng tôi sẽ phải đợi xem đòn tấn công này hiệu quả ra sao, nhưng tôi nghĩ đây là kế sách tốt nhất".

Kế sách này đang được thực hiện. Trong cuộc họp báo dài 63 phút tại Vườn Hồng Nhà Trắng hôm 14/7, Trump đã nhắc tới Biden gần 30 lần, cho rằng toàn bộ sự nghiệp của Biden là "món quà' dành cho Trung Quốc, Biden đã theo hướng cực tả, hay liên minh Biden - Bernie Sanders là "nền tảng cực đoan nhất" trong số các ứng viên của lịch sử Mỹ.

Nỗ lực "hạ bệ" Biden được đội ngũ tranh cử của Trump thực hiện trên nhiều nền tảng khác nhau, từ mạng xã hội như Twitter tới quảng cáo truyền hình. Các nỗ lực này chỉ trích Biden sẽ có chính sách nhập cư mềm mỏng, hy sinh hàng trăm nghìn công việc của người Mỹ, tăng thuế với gia đình trung lưu và cắt giảm ngân sách cảnh sát. Chiến dịch tranh cử của Biden phủ nhận các cáo buộc này.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Cựu phó tổng thống Joe Biden trình bày kế hoạch tái thiết tại thành phố Wilmington, Delaware, hôm 14/7. Ảnh: NYTimes).

Ngày 9/7, Biden công bố kế hoạch trị giá 700 tỷ USD để vực dậy nền công nghiệp và giải quyết tình trạng bất bình đẳng, một phần trong tham vọng tái cơ cấu nền kinh tế được so sánh với Chính sách kinh tế mới (New Deal) của cựu tổng thống Franklin Roosevelt những năm 1930. Tuần trước, Biden tiếp tục công bố đề xuất mới trị giá 2.000 tỷ USD hướng tới các giải pháp về môi trường và xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch.

"Xét về cách ông ấy thu hút sự ủng hộ từ các cộng đồng tiến bộ, tôi có thể nói ông ấy đang làm rất tốt. Với kế hoạch về khí hậu, Biden không chỉ nhận được nhiều lời khen ngợi từ các cộng đồng dân cư, mà còn nhận được sự ủng hộ của các tầng lớp lãnh đạo, như Jay Inslee, Bernie Sanders và Elizabeth Warren", Maria Urbina, giám đốc chính sách quốc gia của nhóm cư dân cấp tiến Indivisible, cho hay.

Urbina cho rằng Trump khó có thể "hạ bệ" Biden. "Nếu bạn nhìn vào những nơi Trump đánh mất ủng hộ và nơi mà Biden đang giành được điều đó, cựu phó tổng thống Mỹ đang tạo ra sự ủng hộ liên tục và sâu rộng", Urbina nói.

Al From, sáng lập Hội đồng Lãnh đạo Dân chủ, nhận định nỗ lực của Trump nhằm biến Biden thành "con rối" của phe cực tả sẽ thất bại. "Joe Biden có nhiều năm hoạt động chính trị. Ông ấy rõ ràng không phải Bernie Sanders. Mọi người biết ông ấy là người thế nào. Ông ấy là người đàn ông tốt, đàng hoàng, trung thực và biết cảm thông. Đó là điều mọi người đang tìm kiếm", Al From nói.

"Cuộc bầu cử này chính là cuộc trưng cầu dân ý về Trump. Ông ấy đang chạy đua với chính mình và tự giẫm chân mình", From nói thêm.

Pelosi: Trump sẽ bị cưỡng chế nếu thua, không chịu rời Nhà Trắng

"Có một quá trình. Chẳng liên quan gì đến việc một người nào đó trong Nhà Trắng không muốn rời đi nhưng sẽ bị xua đuổi cho đến khi ra khỏi đó bởi quy định là quy định", Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nói trong cuộc phỏng vấn hôm 20/7.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối nói liệu ông có chấp nhận kết quả đối thủ Joe Biden đắc cử tổng thống. "Tôi phải xem đã. Không, tôi sẽ không chỉ nói có hoặc không (chấp nhận kết quả bầu cử), và lần gần đây nhất tôi cũng nói vậy", Trump cho hay.

"Dù ông ấy biết hay không, ông ấy sẽ phải rời đi", bà Pelosi nói. "Ông ấy có thể không muốn rời khỏi Nhà Trắng không có nghĩa chúng tôi sẽ không tổ chức lễ nhậm chức cho một tổng thống Mỹ được bầu chọn hợp pháp".

Theo kết quả thăm dò công bố ngày 19/7, 55% số cử tri đã đăng ký ủng hộ cựu phó tổng thống Joe Biden trong khi tỷ lệ này dành cho Trump là 40%. Biden từng dẫn trước Trump 10 điểm phần trăm trong cuộc thăm dò hồi tháng 5 và hai điểm hồi tháng ba. Trong số những cử tri khẳng định họ chắc chắn sẽ đi bỏ phiếu, tỷ lệ ủng hộ Biden cao hơn Trump 11 điểm.

Fox News cũng công bố kết quả khảo sát hôm 19/7, cho thấy Biden dẫn trước trong các cuộc thăm dò về đại dịch, quan hệ chủng tộc, kinh tế và 8 điểm trên toàn quốc.

Andrew Bates, phát ngôn viên của Biden hôm 20/7 nói rằng "người dân Mỹ sẽ quyết định cuộc bầu cử này". "Và chính phủ Mỹ hoàn toàn có khả năng hộ tống những kẻ cố thủ khỏi Nhà Trắng", Bates nói.

Một loạt cuộc thăm dò gần đây đều mang tới tín hiệu tích cực cho đảng Dân chủ. Tuy nhiên, điều khiến phe Dân chủ lo sợ nhất chính là thái độ tự mãn về kết quả thăm dò có thể khiến họ phải trả giá bằng thất bại như 4 năm trước. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ứng viên Hillary Clinton liên tục dẫn trước Trump trong các cuộc thăm dò, nhưng người giành chiến thắng cuối cùng là tỷ phú New York.

Trong khi đó, Trump hiện vẫn duy trì được nhóm cử tri ủng hộ vững chắc. Báo cáo về tỷ lệ thất nghiệp cải thiện gần đây cho thấy tín hiệu tích cực về triển vọng khôi phục nền kinh tế, khía cạnh mà Trump luôn nhận được ủng hộ nhiều hơn Biden.

Ông Obama hiện giàu gấp 30 lần so với khi còn làm tổng thống Mỹ

Cựu Tổng thống Barack Obama và cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama là một cặp vợ chồng bận rộn. Từ công việc diễn thuyết tại các sự kiện trên khắp thế giới đến viết hồi ký và ký hợp đồng sản xuất lớn với Netflix, cuộc sống của gia đình Obama sau khi rời Nhà Trắng thực sự rất sung túc và đem lại cho họ nhiều lợi ích.

Cuốn hồi ký “Becoming” của bà Michelle Obama được xuất bản vào tháng 11/2018 đã trở thành cuốn sách bán chạy số 1 của năm. Vào hôm thứ 5 vừa qua, cựu đệ nhất phu nhân Nhà Trắng đã tuyên bố sẽ tổ chức một podcast độc quyền với Spotify.

Tất cả những nỗ lực này - cùng với mức lương hưu 6 con số mà tất cả các cựu tổng thống nhận được - đã đóng góp đáng kể vào giá trị tài sản của Obama, ít nhất là 40 triệu USD, theo ước tính của GoBankingRates năm 2018.

Tờ New York Post gần đây cũng đã định giá tài sản của gia đình Obama ở mức cao hơn nhiều, khoảng 135 triệu USD.

Với khối tài sản này, ông Obama luôn đóng góp ủng hộ vào những quỹ từ thiện, chi tiêu cho các kỷ nghỉ hạnh phúc bên gia đình và đầu tư dài hạn vào việc giáo dục của con gái.

Dưới đây là cách mà gia đình cựu tổng thống Obama đã tích lũy tài sản của họ.

Từ năm 2005 (khi Barack Obama gia nhập Thượng viện Mỹ) đến năm 2016, gia đình Obama đã kiếm được tổng cộng 20,5 triệu USD từ tiền lương của chính phủ, tiền bản quyền, thu nhập đầu tư và thu nhập của bà Michelle Obama.

Ông Obama kiếm được 400.000 USD mỗi năm trong 8 năm làm tổng thống và ông kiếm được khoản trợ cấp hàng năm khoảng 200.000 USD khi còn là cựu tổng thống.

Theo Forbes, từ năm 2005 đến 2016, ông Obama kiếm được 15,6 triệu USD tiền tạm ứng và tiền bản quyền từ các cuốn sách "The Audacity of Hope" và "Of Thee I Sing: A Letter to My Daughters" và tiền bản quyền cho cuốn "Dreams From My Father".

Nhưng nguồn thu "béo bở" của Barack Obama với tư cách là một tác giả vẫn chưa kết thúc. Năm 2017, ông và vợ đã ký hợp đồng xuất bản sách trị giá ít nhất 60 triệu USD.

Cuốn hồi ký của bà Michelle mang tên “Becoming” tính đến tháng 3/2019 đã bán được gần 10 triệu bản.

Bà cũng đã bán khoảng 25 mặt hàng khác nhau liên quan đến cuốn sách, bao gồm các cốc với giá 20 USD và nến với giá 35 USD.

Tuy nhiên, sách không phải là bước đột phá duy nhất của gia đình Obama với giới truyền thông. Vào năm 2018 họ đã ký hợp đồng sản xuất với Netflix, ước tính trị giá 50 USD, theo The New York Post.

Trong hợp đồng đã ký với Netfix, có một bộ phim tài liệu dựa trên theo hồi ký “Becoming” của Michelle được phát hành vào ngày 6/5/2020.

Kể từ khi rời văn phòng Nhà Trắng, ông Obama cũng đã được trả tới 400.000 USD cho các sự kiện diễn thuyết trước công chúng.

Theo báo cáo, ông đã kiếm được 800.000 USD với hai bài phát biểu cho Công ty ủy thác miền Bắc và Tập đoàn Carlyle và tối thiểu 1,2 triệu USD cho ba cuộc đàm phán với các công ty Phố Wall trong năm 2017.

Còn bà Michelle kiếm được 225.000 USD cho mỗi lần xuất hiện và diễn thuyết trước công chúng.

Gần đây, Michelle đã công bố kế hoạch dẫn chương trình một podcast độc quyền với Spotify.

Tất cả mọi thứ trên đã đem lại cho gia đình Obama tới 242,5 triệu USD trong cuộc sống sau nhiệm kỳ tổng thống của họ. Và tiếp theo sẽ là cách họ đã tiêu số tiền của mình cho đến nay ...

Vào năm 2007, Obama đã mua các kế hoạch tăng trưởng theo độ tuổi của Bright Direction, mỗi kế hoạch trị giá 50.000 - 100.000 USD để trả cho giáo dục đại học của hai người con Malia và Sasha. Malia bắt đầu tại Harvard vào mùa thu 2017, trong khi Sasha bắt đầu tại Đại học Michigan vào mùa thu 2019.

Gia đình Obama cũng đã đầu tư vào bất động sản. Họ cần một nơi ở mới sau khi rời Nhà Trắng, vì vậy họ đã mua một biệt thự rộng lớn ở Washington, DC, với giá 8,1 triệu USD sau khi thuê nó trước đó.

Tại thời điểm mua, nó được cho là ngôi nhà đắt thứ hai trong khu phố, căn biệt thự nằm ngay sau bảo tàng dệt may cũ của tỷ phú thế giới Jeff Bezos.

Ngoài nơi cư trú ở Washington, DC, ông Obamas vẫn sở hữu một ngôi nhà ở khu phố Hyde Park của Chicago mà họ đã mua với giá 1,65 triệu USD vào năm 2005. Họ đã thế chấp ngôi nhà với mức 1,3 triệu USD. Hiện nó có giá trị khoảng 2,5 triệu USD.

Vào cuối năm 2019, ông Obamas đã mua một ngôi nhà rộng 640 m2 trên Vườn nho Martha với giá 11,75 triệu USD. Theo báo cáo từ tờ The Vineyard Gazette, nó nằm trên gần 30 mẫu Anh nhìn ra Ao lớn Edgartown.

Gia đình Obama cũng đã tận hưởng một vài kỳ nghỉ kể từ khi rời Nhà Trắng. Đầu tiên, họ đến miền Nam California và cuối cùng họ đến đảo Necker, nơi ông Obama được cánh nhà báo phát hiện đã lướt ván diều với tỷ phú Richard Branson.

Ông Obama cũng đã đến thăm bang Hawaii và đảo Tetiaroa ở Polynesia thuộc Pháp. Tại đây, ông đã đăng ký vào một khu nghỉ mát sang trọng có tên The Brando có giá từ 3.034 USD đến 4.318 USD cho mỗi phòng ngủ.

Ông Obama cũng dành một khoản tiền đáng kể cho các hoạt động từ thiện. Từ năm 2009 đến 2015, họ đã trao 1,1 triệu USD cho các tổ chức và chương trình từ thiện.

Trong khoảng thời gian đó, họ quyên góp cho các tổ chức từ thiện chuyên thực hiện các công việc giải quyết vấn đề cho những người Mỹ gốc Phi, cựu chiến binh, cứu trợ thảm họa, những người vô gia cư và chăm sóc sức khỏe. Hơn một nửa số tiền quyên góp của họ đã được gửi đến các tổ chức cho dành cho trẻ em.

Ông Obama đã quyên tặng tất cả lợi nhuận sau thuế từ cuốn sách "Of Thee I Sing", để cung cấp học bổng dành cho những đứa trẻ là con của những người thương binh. Các khoản quyên góp tổng cộng khoảng 392.000 USD từ năm 2009 đến năm 2015.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng

(Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images).

Theo tờ Time đưa tin, vào năm 2015, năm áp chót của ông Obama tại Nhà Trắng, gia đình Obama đã quyên góp hơn 64.000 USD, tương đương khoảng 15% thu nhập của họ cho 34 tổ chức từ thiện.

Nhưng một khoản quyên góp lớn nhất và đặc biệt nhất của ông Obama cho đến nay chính là giải thưởng Nobel Hòa bình trị giá 1,4 triệu USD trong năm 2009.

Ngoại trưởng Mỹ bị cấp dưới tố cáo "hành vi đáng ngờ"

Theo CNN, đơn khiếu nại của một nhân viên "trực tiếp chứng kiến và/hoặc nghe thấy nhiều bằng chứng" đã được trình lên Văn phòng Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao (OIG). Tuy nhiên, chưa rõ động thái này diễn ra khi nào.

Các nguồn thạo tin tiết lộ, người tố cáo đã đề cập đến những hành vi của lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington, bang New York, bang Florida và nước ngoài.

Trước đây, Tổng thanh tra Steve Linick, người đã bị cách chức theo đề xuất của Ngoại trưởng Pompeo hồi giữa tháng 5, từng báo cáo với các nhà lập pháp Mỹ rằng, OIG đang xem xét 5 lĩnh vực có thể xảy ra sai phạm trong Bộ Ngoại giao.

Trong số các vấn đề văn phòng của ông Linick điều tra vào thời điểm đó có cả nghi vấn ông Pompeo sử dụng sai mục đích các nguồn tiền đóng thuế của dân, cũng như quyết định thúc đẩy việc bán số vũ khí trị giá 8 tỷ USD cho Ảrập Xêút.

Ông Pompeo phủ nhận hay biết về các cuộc điều tra nhắm vào mình và khẳng định việc ông đề xuất sa thải ông Linick không phải nhằm trả thù cá nhân, mà vì quan chức này đã "hủy hoại sứ mệnh của Bộ Ngoại giao Mỹ và không tuân theo chỉ đạo".

Tuy nhiên, ông Linick quả quyết không tin có lí do xác đáng nào để biện hộ cho việc cách chức ông.

Trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về tương lai chính trị của ông Pompeo, các cuộc gặp gỡ giữa ông với các nhà tài trợ chính trị hoặc các khu vực bầu cử quan trọng trong nước đã bị loại khỏi bảng kê sự kiện gửi tới những phóng viên chuyên trách về hoạt động của ngoại trưởng.

(Nguồn: VOA, Soha, Vnexpress, Vietnamnet)

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Học tập - Lao động

Cảnh báo ngành cắt tóc làm móng: Vấn nạn lao động chui phổ biến hơn bao giờ hết

19/04/2024

Thế giới ‘cảm lạnh’ khi Mỹ chịu tác động mạnh vì COVID-19? Vào lúc tăng trưởng tốt năm 2018, tức sau một thập kỷ tăng trưởng kinh tế, chính Hoa Kỳ đã giúp kéo thế giới cùn

Hành khách cần biết: Nghiệp đoàn Verdi Lufthansa lại đình công thứ 5 - 7; Đường sắt đình công thứ 5 - 7, vận tải hàng thứ 4 - 6

05/03/2024

Thế giới ‘cảm lạnh’ khi Mỹ chịu tác động mạnh vì COVID-19? Vào lúc tăng trưởng tốt năm 2018, tức sau một thập kỷ tăng trưởng kinh tế, chính Hoa Kỳ đã giúp kéo thế giới cùn

Cảnh báo hành khách Đức: Nghiệp đoàn Ver.di đình công - Giao thông công cộng địa phương ùn tắc

01/03/2024

Thế giới ‘cảm lạnh’ khi Mỹ chịu tác động mạnh vì COVID-19? Vào lúc tăng trưởng tốt năm 2018, tức sau một thập kỷ tăng trưởng kinh tế, chính Hoa Kỳ đã giúp kéo thế giới cùn

Kinh doanh

Lufthansa, Ryanair và Co sắp tăng vé, có kế hoạch cần đặt vé sớm; Xếp hạng sân bay thế giới 2024 cần biết, cơ hội lựa chọn cho hành khách

21/04/2024

Thế giới ‘cảm lạnh’ khi Mỹ chịu tác động mạnh vì COVID-19? Vào lúc tăng trưởng tốt năm 2018, tức sau một thập kỷ tăng trưởng kinh tế, chính Hoa Kỳ đã giúp kéo thế giới cùn

Thương hiệu xe Đức cạnh tranh bất chấp cả xe xăng lẫn xe điện Trung Quốc; Mô hình bán mỳ Ramen độc đáo của đầu bếp Christopher Selig

21/04/2024

Thế giới ‘cảm lạnh’ khi Mỹ chịu tác động mạnh vì COVID-19? Vào lúc tăng trưởng tốt năm 2018, tức sau một thập kỷ tăng trưởng kinh tế, chính Hoa Kỳ đã giúp kéo thế giới cùn

Kiểm tra lao động chui nhiều cơ sở kinh doanh có cả vũ khí ở Nordrhein-Westfalen; Khám xét tiệm mát xa người Trung Quốc ở NRW

24/03/2024

Thế giới ‘cảm lạnh’ khi Mỹ chịu tác động mạnh vì COVID-19? Vào lúc tăng trưởng tốt năm 2018, tức sau một thập kỷ tăng trưởng kinh tế, chính Hoa Kỳ đã giúp kéo thế giới cùn

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang