Khai mạc kỳ họp 41 UBTVQH; Khu tái định cư không có người ở; TP.HCM chạy đua phát triển 11 triệu m2 nhà ở; Đại án đăng kiểm

KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 41 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Sáng 6/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 41 - phiên họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2025.

Niềm phấn khởi đầu năm mới, niềm tin cho năm 2025

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên thường kỳ thứ 41 (tháng 1/2025), phiên họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2025.

Phiên họp diễn ra trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân với nhiều hoạt động Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025) và chuẩn bị đón Tết cổ truyền Ất Tỵ năm 2025.

Đồng thời, Quốc hội và HĐND các cấp cũng có nhiều hoạt động Kỷ niệm 79 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2025).

"Trong không khí cả nước vui mừng với những thành tích, kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của năm 2024 và chúng ta bước vào năm 2025 với một khí thế mới, niềm vui mừng chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Đặc biệt Quốc hội vừa tổ chức thành công giải Diên Hồng lần thứ ba thành công rất tốt đẹp; Đội bóng đá của Việt Nam đã vô địch ASEAN Cup 2024 tại Thái Lan. Đây niềm vui, niềm phấn khởi đầu năm mới, niềm tin cho năm 2025", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Tập trung tổ chức Kỳ họp bất thường vào cuối tháng 2/2025

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, với thời gian 1,5 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét các nội dung, cụ thể:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 04 dự án luật: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Đây là nhóm luật đầu tiên (trong tổng số 10 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua) đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý rất khẩn trương để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngay tại phiên họp này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc thực hiện dân chủ trong nội bộ các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Hội đồng nhân dân các cấp.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2024; cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành"; cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp tục lưu ý, Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần của Kỳ họp thứ 8 vừa qua; bám sát tinh thần đổi mới tư duy lập pháp, chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa những vấn đề thực tiễn đang biến động mà giao Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương quy định để bảo đảm tính ổn định của luật và linh hoạt, kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; thực hiện nghiêm Quy định số 178 ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Nhấn mạnh khối lượng công việc trong năm 2025 là rất lớn.

Trước mắt, ngay trong quý I/2025 tập trung tổ chức Kỳ họp bất thường vào cuối tháng 2/2025 để Quốc hội xem xét sửa đổi, ban hành các luật, nghị quyết thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và quyết định một số nội dung quan trọng, cấp bách khác theo thẩm quyền, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết những nội dung này liên quan tới việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và gần 300 luật liên quan đến chuyên ngành, liên quan đến tổ chức.

Bộ Tư pháp cũng đã tổng kết có khoảng 4.922 văn bản nghị định, thông tư liên quan tới việc điều chỉnh, sắp xếp bộ máy hành chính.

"Đây là một khối lượng công việc hết sức lớn, Thường vụ Quốc hội không chỉ họp một phiên 41 mà có thể có nhiều phiên họp nữa để chuẩn bị cho kỳ họp bất thường", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động chuẩn bị để trình Quốc hội sửa đổi.

Ngoài ra, theo Chương trình công tác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ triển khai những hoạt động mới, lần đầu tiên tổ chức theo tinh thần "đúng vai, thuộc bài" như Diễn đàn Quốc hội về hoạt động giám sát tối cao, diễn đàn pháp luật.

Đồng thời, có thể tổ chức thêm hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao và xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Từ bài học kinh nghiệm từ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã làm việc hết sức tích cực, khẩn trương để thông qua 18 luật trong một kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần rút kinh nghiệm nghiêm túc về bảo đảm thời gian trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cũng như trình Quốc hội để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu, thảo luận.

Ngày 22/12/2024, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo phân công của Bộ Chính trị, ngày 13/1 tới sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 57 tại Hội trường Diên Hồng; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có một chuyên đề báo cáo tại Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung để báo cáo chuyên đề bảo đảm chất lượng.

Với thời gian chưa đầy 2 ngày với nhiều nội dung cần xem xét, cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan tập trung cao độ, dự họp đầy đủ tham gia đóng góp ý kiến, góp phần để phiên họp thứ 41 diễn ra thành công.

KỲ LẠ KHU TÁI ĐỊNH CƯ KHÔNG CÓ NGƯỜI ĐỊNH CƯ

Khu tái định cư chống ngập lụt xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh được đầu tư hơn 41 tỷ đồng với kỳ vọng sẽ tạo chỗ ở an toàn cho 165 hộ dân thường xuyên ngập trong nước lũ. Tuy nhiên, hơn 2 năm kể từ khi hạ tầng khu tái định cư hoàn thiện đến nay chưa có hộ dân nào đến an cư.

Khu tái định cư chống ngập lụt xã Điền Mỹ chỉ cách nơi ở cũ chưa đầy 2km. Khu vực sản xuất của người dân ở giữa nơi ở cũ và khu tái định cư. Vùng tái định cư có địa hình đẹp, quy hoạch bài bản nhưng người dân không mặn mà đến ở. Sự việc khiến chính quyền địa phương không khỏi băn khoăn.

Ghi nhận của phóng viên, tại khu vực tái định cư xã Điền Mỹ mới có 2 hộ dân xây nhà nhưng chưa đến ở, lác đác một số hộ dân khác đã tập kết vật liệu nhưng chưa khởi công xây dựng. Hệ thống đường, mương thoát nước, nhà hội quán ở khu tái định cư đã xây dựng khá hoàn thiện, tuy nhiên nước sạch không có, điện chưa bắt về tận hộ gia đình.

Ông Nguyễn Văn Giáo ở vùng rốn lũ thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ là hộ tiên phong đến nhận đất, xây nhà, nhưng gia đình ông chưa thể đến ở ổn định. "Chưa có điện thắp sáng và nước sinh hoạt nên gia đình chỉ đến ở tạm thời. Nguyện vọng mong các cấp có thẩm quyền sớm đóng điện và đầu tư xây dựng công trình nước sạch để gia đình ổn định cuộc sống, sinh hoạt lâu dài" - ông Giáo chia sẻ.

Một hộ dân thuộc diện di dời lên tái định cư ở xã Điền Mỹ bày tỏ: Chúng tôi giờ đã làm nhà kiên cố ở vị trí đất cũ. Nếu di chuyển lên khu tái định cư thì không có tiền làm nhà. Trong khi đó quy định điều kiện lên khu tái định cư phải chuyển đổi đất ở vị trí cũ thành đất trồng cây lâu năm, nhà phải phá bỏ. Thế nên không ai mặn mà để rời chốn cũ.

Dự án công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư nông thôn phục vụ phòng, chống ngập lũ cho người dân xã Phương Mỹ (nay là xã Điền Mỹ) do UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư. Dự án được đầu tư với nguồn vốn 41 tỷ đồng, do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Hoàng Ngọc và Công ty CP Xây dựng Sông Ba (đóng tại thị trấn Hương Khê) thi công. Theo kế hoạch, dự án được triển khai từ năm 2017-2019, mục tiêu đề ra sẽ tái định cư cho 165 hộ dân thường xuyên chịu ảnh hưởng mưa lũ của 2 thôn Trung Thượng và Ấp Tiến (xã Điền Mỹ).

Cụ thể, mỗi hộ dân nằm trong diện di dời sẽ được cấp 1 suất đất ở miễn phí để xây dựng nhà và các công trình phụ trợ với diện tích từ 360 - 390m2. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng, thiếu vốn nên tháng 11/2020 dự án mới triển khai xây dựng. Đến tháng 1/2023, dự án hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng.

Theo tìm hiểu, việc người dân không mặn mà với dự án khu tái định cư là do nhiều hộ không còn đảm bảo các điều kiện dự án đặt ra; số khác họ không muốn rời bỏ nơi ở cũ để đến vị trí mới vì khó khăn về kinh tế. Ngoài ra, người dân còn cho rằng khu quy hoạch chưa đáp ứng điều kiện như thiếu nước sạch và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở.

Ông Hoàng Xuân Tần - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Điền Mỹ cho biết: Hiện nay khu tái định cư đã có 34 hộ nhận đất, trong đó 3 hộ đã tập kết vật liệu để xây dựng nhà ở và có 2 hộ đã xây nhà nhưng chưa đến ở. Việc vận động người dân nhận đất tái định cư của địa phương gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Tần có nhiều nguyên nhân khiến ít người nhận đất tái định cư. Thứ nhất, do quá trình xây dựng hạ tầng khu tái định cư kéo dài từ năm 2017 đến năm 2022 mới hoàn thành nên nhiều hộ đã xây dựng nhà tránh lũ nơi cũ nên không không có nhu cầu di dời lên tái định cư nữa. Thứ hai, khu tái định cư chưa có điện, nước nên người dân đã xây nhà nhưng không thể đến ở. Mặt khác, để xây dựng nhà ở mới tại khu tái định cư cần ít nhất 300 - 400 triệu đồng, trong khi điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế.

"Huyện đã chỉ đạo, đến 10/1/2025 phải hoàn thành thủ tục lắp đặt điện, khoan giếng nước cho người dân ở khu tái định cư. Sau khi có đầy đủ điện, nước, có thể người dân sẽ đăng ký nhận đất tái định cư nhiều hơn" - ông Tần cho biết thêm.

Giải thích việc số hộ dân lên nhận đất, làm nhà ở tại khu tái định cư chống ngập lụt xã Điền Mỹ thấp, đại diện huyện Hương Khê cho rằng quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư đến khi thực hiện dự án kéo dài nhiều năm, ban đầu số hộ dân đăng ký tái định cư lớn nhưng sau đó họ chủ động nâng cấp nhà cửa nên không còn nhu cầu nữa. Hơn nữa, theo quy định khi lên tái định cư, nơi ở cũ của người dân phải chuyển đổi mục đích đất ở thành đất canh tác nên người dân không muốn đánh đổi.

TP.HCM PHẤN ĐẤU PHÁT TRIỂN 11 TRIỆU M2 NHÀ Ở

UBND TP.HCM đặt nhiệm vụ phát triển nhà ở, phấn đấu đạt ít nhất 40 triệu m2 sàn nhà ở trở lên trong năm 2025. Như vậy, thành phố phải gấp rút tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc các dự án để cải thiện nguồn cung nhà ở.

TP.HCM tìm giải pháp phát triển nhà ở

Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM 2021-2030, giai đoạn năm 2021-2025, thành phố cần tăng 50 triệu m2 diện tích sàn nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người phải đạt là 23,5 m2.

Điều đáng nói, từ đầu nhiệm kỳ 2021 đến tháng 12/2024, TP.HCM chỉ mới phát triển được gần 28,87 triệu m2 sàn, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 22,6 m2 một người.

Được biết, tháng 8/2024, UBND TP.HCM đặt nhiệm vụ phát triển nhà ở, phấn đấu đạt ít nhất 40 triệu m2 sàn nhà ở trở lên trong năm 2025. Như vậy, trong năm nay, thành phố phải tìm giải pháp để phát triển hơn 11 triệu m2 sàn nhà ở.

Ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho hay thành phố đã đặt mục tiêu đạt ít nhất 40 triệu m2 sàn nhà ở trở lên từ tháng 4/2024 đến hết nhiệm kỳ năm 2025. Như vậy, TP.HCM phải phát triển thêm 11,13 triệu m2 sàn. Vấn đề này là yêu cầu và thách thức không nhỏ trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi thành phố cần phải đề ra các giải pháp để quyết liệt hơn để hoàn thành mục tiêu.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)cho rằng để thực hiện mục tiêu trên thì việc gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản trên địa bàn đóng vai trò quan trọng.

Theo đó, nhiều dự án tại TP.HCM đang ách tắc trong công tác chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư. Ngoài ra, các vướng mắc pháp lý về quỹ đất, đấu thầu, tiền sử dụng đất… khiến loạt dự án bị "bất động".

Cụ thể, HoREA cho hay hiện nay giai đoạn 2015-2023 thành phố chỉ có 138 dự án nhà ở thương mại được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư. Thực tế, thành phố chỉ có 52 dự án đang triển khai thực hiện có quy mô sử dụng đất là 3.425.817,5m2 (342,58ha) với 41.637 căn nhà gồm 35.556 căn hộ và 6.081 nhà thấp tầng.

Đáng chú ý, TP.HCM có tới 86 dự án nhà ở thương mại đã ngưng thi công hoặc chưa thi công (dự án tồn kho) bao gồm 30 dự án đã ngưng thi công có quy mô sử dụng đất lên đến 2.103.082,4m2 (210,30ha) với 21.676 căn nhà gồm 18.826 căn hộ và 2.850 nhà thấp tầng.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng 86 dự án này tồn kho do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do vướng mắc pháp lý, với hệ thống các luật, văn bản dưới luật vừa ban hành sẽ cơ bản được giải quyết trong thời gian tới. Điều đáng nói, 86 dự án tồn kho dẫn đến hệ quả là có đến 86 chủ đầu tư rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, bị mất cơ hội kinh doanh, bị chôn vốn mà nguồn lực của doanh nghiệp cũng là nguồn lực của nền kinh tế, của xã hội.

Quyết liệt gỡ vướng các dự án nhà ở đang tồn đọng

Liên quan đến vấn đề nhiều dự án đang bị tồn đọng, báo cáo tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với TP.HCM vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, từ năm 2021 tới nay, thành phố đã chủ động thành lập nhiều Tổ Công tác để thực hiện việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công trình, dự án tồn đọng.

Bước đầu, nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc hoặc tồn đọng đã được tháo gỡ, hoàn thành đưa vào sử dụng, thi công trở lại hoặc đã giải quyết các tồn tại cũ để sẵn sàng lựa chọn nhà đầu tư mới thực hiện dự án.

Song song đó, UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành, quận, huyện và cơ quan, đơn vị trên địa bàn rà soát tổng thể các công trình, dự án tồn đọng thuộc 5 nhóm để tìm cách xử lý.

Tính đến ngày 25/12/2024, thành phố có 12 công trình, dự án tồn đọng cần kiến nghị Phó thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giải quyết. Đối với 9 dự án đầu tư, mỗi dự án có khó khăn, vướng mắc khác nhau nhưng đều là các vướng mắc vượt thẩm quyền đã được thành phố kiến nghị các cơ quan Trung ương giải quyết, hiện đang trong quá trình chờ kết quả giải quyết của các cơ quan Trung ương.

Đối với 3 tài sản công, đây là các tài sản công do các cơ quan trung ương quản lý, thuộc diện sắp xếp, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quá trình xử lý bắt buộc phải có ý kiến của các Bộ để giải quyết theo quy định.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cho biết đối với 6 dự án tồn đọng mà TP.HCM quan tâm kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, giải quyết; trên cơ sở các ý kiến của các Bộ ngành, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để ban hành trước ngày 15/1. Từ đó, cùng với Nghị quyết 40 của Chính phủ, Nghị quyết 198 của Quốc hội, TP.HCM xử lý các khó khăn, vướng mắc cho các dự án.

Ngoài ra, liên quan đến 200 dự án mà TP.HCM đã thống kê, Thủ tướng yêu cầu thành phố tập trung phân loại và đề xuất phương án xử lý theo các quy định pháp luật mới ban hành và theo thẩm quyền. Đối với những dự án còn vướng vượt thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo, Chính phủ xem xét.

Đối với 32 dự án bất động sản, phân loại theo hướng những vấn đề có tiền lệ thì xử lý theo tiền lệ; những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó xử lý; những vướng mắc liên quan pháp luật thì tổng hợp, trình Quốc hội xem xét; những vấn đề chưa có quy định thì đề xuất ban hành quy định.

ĐẠI ÁN ĐĂNG KIỂM: VIỆN KSND TPHCM KHÁNG NGHỊ TĂNG HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI 18 BỊ CÁO

Phiên tòa phúc thẩm được mở do có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 139 bị cáo và kháng nghị của VKSND TPHCM đề nghị tăng mức hình phạt đối với 18 bị cáo.

Ngày 6/01, TAND Cấp cao tại TP.HCM dự kiến sẽ mở phiên toà xét xử phúc thẩm bị đối với 139 bị cáo trong vụ án xảy ra Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng. Phiên toà được xét xử trực tiếp tại trụ sở TAND Cấp cao tại TP.HCM, kết hợp với trực tuyến điểm cầu tại Trại tạm giam T30 Công an TP.HCM (huyện Củ Chi). Phiên tòa phúc thẩm được mở do có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 139 bị cáo và kháng nghị của VKSND TP.HCM đề nghị tăng mức hình phạt đối với 18 bị cáo.

Kháng nghị tăng án 18 bị cáo

Theo kháng nghị của VKSND TP.HCM, mức án sơ thẩm mà HĐXX tuyên xử đối với 18 bị cáo quá nhẹ, không phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và không công bằng đối với các bị cáo có hành vi tương tự. Cụ thể, đối với nhóm bị cáo thuộc Phòng Đăng kiểm xe cơ giới (Phòng VAR, trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam), bị cáo Đặng Trần Khanh (phó phòng VAR) phải chịu trách nhiệm số tiền trên 60 tỉ đồng mà phòng VAR nhận hối lộ, hưởng lợi số tiền lớn. VKS đề nghị bị cáo Khanh mức án 14-15 năm tù về tội nhận hối lộ nhưng tòa tuyên mức án 11 năm tù. Tương tự, bị cáo Mai Đức Truyền (đăng kiểm viên phòng VAR) phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền hơn 5 tỉ đồng, hưởng lợi hơn 2,5 tỉ nhưng chỉ nộp lại 650 triệu, không có tình tiết giảm nhẹ tại tòa. VKS đề nghị mức án 12 - 13 năm tù về tội nhận hối lộ, nhưng tòa tuyên 9 năm tù…

Trước đó, bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tuyên cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình 19 năm tù về tội Nhận hối lộ; 6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tổng hợp hình phạt 25 năm tù. Người kế nhiệm bị cáo Hình là cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà bị tuyên 19 năm tù về tội nhận hối lộ. Cựu Cục phó Nguyễn Vũ Hải nhận 4 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Trần Anh Quân, cựu Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới (VAR) bị phạt 14 năm tù về tội Nhận hối lộ. Trần Lập Nghĩa (chủ 3 trung tâm đăng kiểm) bị phạt 13 năm tù về tội Nhận hối lộ; 12 năm tù về tội Giả mạo trong công tác; 5 năm tù về tội Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, tổng hợp hình phạt, bị cáo Nghĩa phải chấp hành 30 năm tù… Ngoài ra, gần 250 bị cáo còn lại, tòa tuyên phạt từ một năm tù treo đến 30 năm tù, trong đó 68 người được hưởng án treo.

Nội dung vụ án thể hiện, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, tổ công tác của Phòng CSGT Công an TPHCM phát hiện hai xe ô tô có dấu hiệu cơi nới thành thùng so với quy chuẩn nên tiến hành dừng phương tiện kiểm tra.

Từ dấu hiệu tội phạm này, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiến hành điều tra, xác định hành vi phạm tội có tổ chức xuyên suốt từ Cục đăng kiểm VN đến các Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới; Chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại TP.HCM và các địa phương trên cả nước.

Trong thời gian giữ chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà và Nguyễn Vũ Hải đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, đưa ra chủ trương làm trái quy định của pháp luật để nhận hối lộ và đã nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn, để xảy ra sai phạm, tiêu cực có hệ thống, trong thời gian dài tại các phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Trung tâm Đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm trên cả nước.

Bản án nêu Trần Kỳ Hình nhận tiền của lãnh đạo các phòng về việc các đăng kiểm sai phạm trong quá trình kiểm định phương tiện, nhận tiền hồi lộ trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế với tổng số tiền hơn 7,1 tỉ đồng. Ngoài ra, Trần Kỳ Hình lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí công tác, làm trái quy định, đã duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện. Khi Trần Kỳ Hình nghỉ hưu, Đặng Việt Hà được bổ nhiệm làm Cục trưởng tiếp tục chỉ đạo cấp dưới là các lãnh đạo phòng, trung tâm đăng kiểm phải nâng mức hưởng lợi của cá nhân Hà đối với số tiền tiêu cực, hối lộ mà cán bộ Phòng kiểm định xe cơ giới, các Trung tâm Đăng kiểm nhận được cho Hà phải là cao nhất.

Từ ngày 1/4/2022 đến tháng 11/2022, Đặng Việt Hà nhận hối lộ của 4 Trung tâm Đăng kiểm khối V tại TPHCM hơn 7,6 tỉ đồng, nhận hối lộ của 5 Trung tâm Đăng kiểm khối V tại TP Hà Nội là 780 triệu đồng và nhận 680 triệu đồng của các Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm khối D. Do đó, Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Nhận hối lộ” với tổng số tiền là 40,2 tỉ đồng. Trong đó, cá nhân Đặng Việt Hà hưởng lợi số tiền hơn 8,5 tỉ đồng.

Cựu phó Cục trưởng Nguyễn Vũ Hải phụ trách hoạt động của Phòng tàu sông đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí công tác, làm trái quy định, đã duyệt cấp chứng nhận đủ năng lực cho 15 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện.

Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong quá trình thực hiện chức năng thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo của các công ty, các đối tượng là lãnh đạo, Đăng kiểm viên gồm: Trần Anh Quân (quyền Trưởng phòng) và 3 phó phòng là Nguyễn Đức Toàn, Đặng Trần Khanh, Trịnh Bình Dương cùng 10 đăng kiểm viên.

Trong quá trình thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế, cải tạo xe cơ giới, cả phòng VAR từ 'sếp đến lính' đều thống nhất và đồng lòng lợi dụng vị trí công tác, nhận hối lộ của các công ty để bỏ qua các sai phạm kỹ thuật theo quy định với mức nhận từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng và chia nhau.

Trong đó, chủ trương đưa ra, Trưởng phòng được hưởng 700 ngàn/mỗi hồ sơ, phó phòng 100 ngàn/mỗi hồ sơ, chuyên viên và nhân viên văn phòng mỗi người 50 ngàn, số tiền còn lại Đăng kiểm viên được hưởng. Số tiền Trưởng phòng nhận, được Cục Trưởng khoán hẳn số tiền phải chung là 60 triệu đồng/tháng, Cục phó nhận 20 triệu đồng.

Sau khi Trần Kỳ Hình nghỉ hưu, Đặng Việt Hà được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng. Trong cuộc họp với lãnh đạo Phòng VAR, Đặng Việt Hà đã yêu cầu Phòng VAR hàng tháng phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ đã thẩm định thiết kế với mục đích phải đảm bảo lợi ích của Hà là cao nhất.

Sau cuộc họp này, Quân đã triệu tập tất cả nhân viên VAR, tổ chức họp nội bộ phòng để triển khai lại chủ trương của Hà và thống nhất cắt 400 ngàn/mỗi bộ hồ sơ để 'chung' cho Cục trưởng Hà. Cuối mỗi tháng, Trưởng phòng VAR sẽ để tiền vào phong bì, ghi rõ số lượng hồ sơ thẩm định đem trực tiếp đến phòng làm việc của Hà.

Trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo phương tiện xe cơ giới, Phòng VAR đã thẩm định và cấp 29.676 giấy chứng nhận với số tiền nhận hối lộ hơn 60,5 tỷ để bỏ qua các lỗi, sai sót trên hồ sơ thiết kế và chia nhau hưởng lợi.

Ngoài ra, trong quá trình cấp phép đủ điều kiện hoạt động, kiểm tra đánh giá định kỳ các Trung tâm Đăng kiểm ở địa phương, Trần Anh Quân, Đặng Trần Khanh, Phạm Đức Ngọc đã nhận tiền hối lộ của Trần Bửu Tùng (Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-19D) 220 triệu để bỏ qua các thiếu sót trên hồ sơ cấp phép, các sai phạm tại dây chuyền kiểm định.

Tháng 12/2022, khi Cơ quan CSĐT Công an TPHCM khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam nhiều bị can liên quan đến các Trung tâm đăng kiểm, lo sợ hành vi sai phạm của mình bại lộ, Đặng Việt Hà đã đưa lại cho Trưởng Phòng VAR 5 tỷ đồng và cho người dò la tin tức nội bộ vụ án.

Sau khi được Lại Thái Phong là Phó Chánh Văn phòng Cục đăng kiểm rỉ tai rằng có quen biết với Nguyễn Văn Chung (là người có nhiều mối quan hệ với các cơ quan Công an) nên Hà nói với Phong nhờ Chung đứng ra lo liệu việc ‘‘giải vây’’, Phong đồng ý.

Đặng Việt Hà đã trao đổi với Trưởng phòng VAR Trần Anh Quân dùng 5 tỷ đồng mà Hà đã đưa lại trước đó để lo việc này. Trước mắt Quân phải đổi thành 100 ngàn USD đưa đến phòng làm việc cho Hà để Phong mang đưa cho Chung.

Tuy nhiên, Chung không có khả năng lo liệu việc ‘‘giải vây’’ cho Hà như thỏa thuận mà chiếm đoạt toàn bộ số tiền này. Ngày 29/8/2023, Hà có đơn tố cáo Nguyễn Văn Chung lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Biết thông tin, Chung đã trả lại số tiền 99.000 USD đã nhận cho Phong; đồng thời đến Cơ quan điều tra nộp đơn tự thú và trình bày toàn bộ nội dung vụ việc, thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Lập công ty 'sân sau' bao trọn gói đăng kiểm

Theo đó, Lại Thái Phong, Phó Chánh Văn phòng Cục đăng kiểm đã cùng Nguyễn Minh Tuấn và Lê Đức Thiện tham gia thành lập, quản lý và điều hành hoạt động của Công ty TNHH dịch vụ thiết kế kỹ thuật ô tô Đức Thịnh và Công ty TNHH ô tô Nam Phát (cùng địa chỉ tại số 1 ngõ 63 Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Khi khách hàng có nhu cầu cơi nới, chỉnh sửa xe, hai nơi này sẽ thực hiện thiết kế cải tạo, thi công cũng như bao hồ sơ đăng kiểm đạt. Phong, Tuấn, Thiện thỏa thuận ăn chia lợi nhuận theo tỷ lệ: Phong và Tuấn mỗi người hưởng 30%, Thiện hưởng 40% từ hai công ty này.

Tuấn tham gia vào việc điều hành hoạt động từ cuối tháng 05/2019, để được thẩm định đạt tổng cộng 5.409 hồ sơ đăng kiểm cho hai công ty. Từ 01/6/2019 đến 30/9/2022, Phong, Thiện, Tuấn đã thống nhất để Thiện trực tiếp liên hệ đưa tiền hối lộ cho các Đăng kiểm viên Phòng VAR tổng cộng hơn 12,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các đăng kiểm viên Phòng VAR cũng không kém cạnh đã tạo lập công ty sân sau để bao dịch vụ. Trong đó, các Đăng kiểm viên Hoàng Xuân Thảo; Trịnh Bình Dương, Vũ Hồng Quang góp vốn thành lập Công ty dịch vụ ô tô An Bình và Công ty VCAR tại Hà Nội.

Sau khi thành lập, 3 đăng kiểm này thuê Lã Thu Chiền làm Giám đốc. Từ 01/03/2019 đến 30/9/2022, Công ty An Bình thẩm định đạt 4.242 hồ sơ và đưa hối lộ tổng số tiền hơn 10,6 tỷ đồng. Công ty VCAR thẩm định đạt 277 hồ sơ và đưa hối lộ 554 triệu cho các đăng kiểm viên…

Ngoài ra, người quen, có mối quan hệ trong lĩnh vực này cũng mở công ty thực hiện dịch vụ. Trong số 15 công ty trong vụ án này, nhiều công ty có hồ sơ đăng kiểm đạt rất lớn như Công ty Tiên Phong 5.580 hồ sơ, số tiền đưa hối lộ hơn 11,3 tỷ đồng…

Trong vụ án này, Cơ quan CSĐT đã tách hành vi và chuyển hồ sơ đến Công an các tỉnh, thành xử lý 10 công ty thiết kế cải tạo xe cơ giới theo thẩm quyền. Số lượng hồ sơ 10 công ty này đăng kiểm đạt và số tiền đưa hối lộ cũng rất lớn.

Nguồn: Người Đưa Tin; CafeF; Dân Việt; Công An

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang