- Thời sự
- Việt Nam
Ngày 25/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp để xem xét, quyết định một số vấn đề. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, xem xét chủ trương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; việc tái khởi động chương trình điện hạt nhân Việt Nam và tiếp tục nghiên cứu dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ theo thẩm quyền.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, từ sau Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII đến nay, trên tinh thần rất khẩn trương quyết liệt và đổi mới, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt triển khai hai nhiệm vụ lớn mà Hội nghị đã xác định là: Tăng tốc bứt phá, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu năm 2024, năm 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII, tạo nền tảng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Chuẩn bị thật tốt các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khơi thông các điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; từng bước cụ thể hoá quan điểm phân cấp, phân quyền cho địa phương theo hướng địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; đổi mới mạnh mẽ tư duy trong xây dựng pháp luật; tăng cường công tác xây dựng Đảng; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; xử lý tốt những vấn đề phát sinh.
Gợi mở một số vấn đề để Trung ương nghiên cứu trong quá trình thảo luận, quyết định những nội dung quan trọng, Tổng Bí thư nhấn mạnh 2 nội dung cần báo cáo và xin ý kiến Trung ương để sớm triển khai thực hiện là: Chủ trương tổng kết sớm và toàn diện Nghị quyết số 18- NQ/TW, một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhất là cấp Trung ương. Chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân và tiếp tục nghiên cứu triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tổng Bí thư cho biết, tại phiên họp ngày 8/11/2024, Bộ Chính trị đã thống nhất quyết tâm chính trị mạnh mẽ để tổng kết sớm, toàn diện Nghị quyết số 18-NQ/TW làm cơ sở báo cáo Trung ương có những quyết sách mạnh mẽ tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trước hết là các cơ quan Trung ương; đồng thời xác định đây là công việc phải làm nhanh, hoàn thành trước Đại hội XIV của Đảng.
Cán bộ, đảng viên, nhân dân đều đồng thuận, ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn chủ trương này sớm được thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, bài bản, tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 và ban hành Quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm, kế hoạch thực hiện, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết theo đề cương và có định hướng cụ thể.
Đây là vấn đề đặc biệt hệ trọng, tác động đến sự phát triển của đất nước, tâm tư, tình cảm, quyền lợi của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
Do vậy, Bộ Chính trị báo cáo Trung ương về chủ trương triển khai tổng kết để thống nhất những vấn đề về định hướng cách làm và bước đi lộ trình cụ thể, trên cơ sở kết quả tổng kết, đề xuất cụ thể về tinh gọn, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và quyết tâm thực hiện theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Về phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, Tổng Bí thư khẳng định, đây là vấn đề quan trọng cần phải đi trước một bước để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, năm 2045. Hiện, chúng ta nhìn thấy trước hết là thiếu hụt năng lượng, vì vậy việc tái khởi động nghiên cứu sử dụng điện hạt nhân là rất cần thiết để chuẩn bị cho tương lai.
Vấn đề này trước đây đã có chủ trương và triển khai bước đầu nhưng do một số khó khăn nhất định, Trung ương đã quyết định dừng. Nay đã chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết, Bộ Chính trị báo cáo Trung ương cho phép tiếp tục triển khai thực hiện để đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia trong giai đoạn tới.
Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Trung ương, các đại biểu dự hội nghị phát huy tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, tập trung trí tuệ, tham gia vào các nội dung để hội nghị đạt được mục tiêu yêu cầu đề ra.
Những đột phá về chính sách cộng với bước tiến trong quy hoạch và việc rút ngắn thủ tục được kỳ vọng sẽ tạo nên bức tranh tươi tắn cho các dự án nhà ở xã hội.
Năm 2022, hàng loạt dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân tại TP HCM được động thổ, khởi công nhưng đến nay, số dự án có tiến triển rất ít. Bên cạnh đó, một số dự án thuộc diện thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội trong các dự án thương mại hầu như không có động tĩnh.
Mòn mỏi vì thủ tục
Sự ì ạch về nhà ở xã hội kéo dài hết năm 2023, sang năm 2024 vẫn không khá hơn. Đến cuối tháng 8-2024, dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (huyện Bình Chánh) với quy mô 1.445 căn cung cấp cho thị trường được động thổ và là dự án duy nhất trong năm tính tới thời điểm đó.
Báo cáo mới đây gửi UBND TP HCM về tình hình đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, Sở Xây dựng cho biết từ năm 2021 đến nay, 6 dự án (5 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân) được đưa vào sử dụng với quy mô 2.745 căn hộ. Bốn dự án với gần 3.000 căn hộ khác đang xây dựng.
Đối chiếu với chương trình phát triển nhà ở tại TP HCM giai đoạn 2021-2030 và đề án của Chính phủ về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (bao gồm giai đoạn 2021-2030), TP HCM dự kiến phát triển 69.700 - 93.000 căn, riêng các năm 2021-2025 là 26.200 - 35.000 căn... thì kết quả trên không tương xứng.
Nhiều chủ đầu tư cho hay rất mệt mỏi vì thủ tục. Dù dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng quy trình thẩm định và phê duyệt thủ tục thường quá lâu, có khi 4-5 năm chưa hoàn thành. Theo họ, điều này gây cản trở lớn cho doanh nghiệp, làm tăng chi phí và giảm sức hút của các dự án nhà ở xã hội.
Theo tìm hiểu, bên cạnh những bất cập nêu trên thì kết quả khiêm tốn cũng có nguyên nhân từ doanh nghiệp chậm thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại.
Cần bộ thủ tục riêng
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách pháp luật - LĐLĐ TP HCM, cho rằng lợi nhuận ít, thời gian chờ đợi lâu sẽ khó thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội. Để thúc đẩy, TP HCM cần có bộ thủ tục riêng về nhà ở xã hội.
Nếu doanh nghiệp tính toán được thời gian làm thủ tục, điều kiện thực hiện giúp giảm bớt lãng phí thì sẽ đầu tư mạnh hơn, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở và mục tiêu mà thành phố đề ra.
Ông Huỳnh Trịnh Phong, Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch và pháp chế Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, kiến nghị rà soát lại quỹ đất mà doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ (dành 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại để thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội) và tìm vị trí thay thế phù hợp. Bên cạnh đó, đưa các khu đất công vào làm quỹ đất thực hiện nhà ở xã hội và giới thiệu cho nhà đầu tư.
Một bước chuyển quan trọng về quỹ đất, theo ông Huỳnh Trịnh Phong, là về công tác quy hoạch. TP HCM đang tập trung hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để trình Thủ tướng. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa quy hoạch phân khu, xác định rõ vị trí dành cho dự án nhà ở xã hội.
Việc này được kỳ vọng tháo gỡ khó khăn về quỹ đất cho các doanh nghiệp còn nợ nghĩa vụ nhà ở xã hội tại những dự án thương mại. Đây còn là bước tiến mới vì xác định rõ vị trí và chỉ tiêu cụ thể, giúp loại bỏ quy trình phức tạp như điều chỉnh quy hoạch cục bộ hay hệ số sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư lựa chọn vị trí phù hợp với dự án của họ.
Giải pháp đột phá
Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng TP HCM, thừa nhận thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp. Đơn cử, quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư mất 1-2 năm do phải lấy ý kiến từ 10 đơn vị liên quan, dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thành dự án.
Vì vậy, trên cơ sở tổng hợp ý kiến các đơn vị, Sở Xây dựng đề xuất giải pháp đột phá về thủ tục hành chính. Thay vì thực hiện trình tự các bước về chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, giao đất thì tích hợp 3 bước này (3 sở, ngành làm cùng lúc) để rút ngắn thủ tục đầu tư trước khi cấp phép xây dựng.
Ông Hoan mong muốn Bộ Xây dựng nghiên cứu, rà soát quy định pháp luật về việc này để có giải pháp hướng dẫn thực hiện.
Liên quan chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, Sở Xây dựng vừa trình UBND TP HCM dự thảo tờ trình về việc xin chủ trương xây dựng Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội. Việc ban hành nghị quyết xuất phát từ các quy định mới trong Luật Nhà ở năm 2023 và nhu cầu cấp bách về nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.
Dự thảo này đề xuất UBND TP HCM hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án, nhằm bảo đảm sự kết nối đồng bộ với hạ tầng khu vực. Chủ đầu tư được miễn các loại phí, lệ phí liên quan, bao gồm phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP HCM trình Thường trực HĐND thành phố thống nhất chủ trương xây dựng nghị quyết theo trình tự rút gọn. Dự kiến, nội dung này sẽ được xem xét tại kỳ họp chuyên đề sau kỳ họp của HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM, hậu quả của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong lịch sử tố tụng chưa từng có, số tiền tham ô lớn chưa từng có và không biết khi nào mới khắc phục được, ảnh hưởng nhiều mặt của xã hội, thị trường tài chính, kinh tế… Từ đó, Viện kiểm sát giữ nguyên mức đề nghị tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan.
Ngày 25.11.2024, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo khác trong giai đoạn 1 của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã đối đáp và giữ nguyên mức đề nghị đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Theo đó, bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án từ 16 -18 năm tù về tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và 20 năm tù về tội "đưa hối lộ", tử hình về tội "tham ô tài sản". Tổng hợp mức án chung là tử hình.
Về yêu cầu của luật sư cho rằng bị cáo thực hiện một hành vi xuyên suốt nhưng tách ra thành hai tội danh là bất lợi cho bị cáo, Viện Kiểm sát cho rằng, căn cứ vào kết quả điều tra, thẩm vấn tại hai phiên tòa, cho thấy bị cáo Trương Mỹ Lan với vai trò cổ đông lớn chiếm 91,5% cổ phần và có quyền hạn cao nhất tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Bị cáo Lan đã chỉ đạo, bố trí các bị cáo khác như Đinh Văn Thành, Võ Tấn Hoàng Văn, Trần Thị Mỹ Dung điều hành hoạt động SCB và rút tiền SCB sử dụng mục đích cá nhân, gây thiệt hại cho ngân hàng này.
Trong hơn 1.280 khoản vay của nhóm bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng nợ gốc SCB, theo nợ nhóm 5 không có khả năng thu hồi. Bị cáo Trương Mỹ Lan đã thành lập các pháp nhân và nhờ người đứng tên hộ để vay vốn. Các phương án vay vốn lập khống, tài sản đảm bảo được nâng lên để vay vốn và tiền giải ngân được bị cáo Lan sử dụng.
Hành vi vi phạm của bị cáo Lan và đồng phạm xảy ra trong thời gian dài mà chính sách pháp luật có nhiều thay đổi. Trong đó, thời điểm trước ngày 1.1.2018 không quy định về tội "tham ô tài sản" trong doanh nghiệp tư nhân, mà đủ dấu hiệu cấu thành tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Đối với hành vi xảy ra sau ngày 1.1.2018, bị cáo Lan được xác định có quyền hạn trong vụ án khi đã chỉ đạo một số bị cáo khác vận chuyển một phần số tiền giải ngân về chỗ ở, chỗ làm việc của bị cáo để sử dụng. Do bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2018) có sự thay đổi về đường lối xử lý, có đủ căn cứ xác định hành vi bị cáo Lan đã phạm tội "tham ô tài sản".
Từ những phân tích vừa nêu, theo Viện Kiểm sát, nếu nhập 2 giai đoạn thành 1 thì số tiền chiếm đoạt sẽ tăng lên, gây bất lợi cho bị cáo.
Tiếp đến, luật sư cho rằng bị cáo Trương Mỹ Lan dùng tiền đảo nợ ngân hàng và tiền không ra khỏi ngân hàng.
Về vấn đề này, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, đối với số tiền của hơn 1.280 khoản vay, thì ngoài việc giải ngân để đảo nợ, bị cáo Lan đã sử dụng một số tiền vào các mục đích cá nhân khác.
Hành vi gọi là đảo nợ thực chất đã hoàn tất rút tiền ra khỏi SCB, sau đó chuyển qua nhiều công đoạn thành tiền mới và quay lại SCB và đã cấu thành từ lúc tiền ra khỏi SCB.
Theo kết quả điều tra, trong số hơn 1.100 tài sản liên quan bị cáo Lan đã kê biên, bị cáo Trương Mỹ Lan thừa nhận của bị cáo hoặc nhờ đứng tên để giao cho bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm theo dõi, chỉ có 60 tài sản mua trước năm 2012. Do đó, các tài sản mua sau 2012 chiếm tới 84%, thời điểm hình thành các tài sản này trùng với thời điểm bị cáo thực hiện phạm tội.
Tại một số bút lục, bị cáo Lan đã khai sau khi rút tiền trả nợ gốc, lãi khoản vay trước, phí hoạt động SCB, trả nợ cho bạn bè, tiền mua lại các dự án… Như vậy, không phải bị cáo chỉ sử dụng tiền vay để đảo nợ SCB, mà số tiền vay đã ra khỏi sự kiểm soát của ngân hàng và được bị cáo Lan sử dụng nhiều mục đích khác nhau.
Đối với việc luật sư cho rằng bị cáo Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đủ cơ sở được xem xét giảm nhẹ tội tham ô tài sản. Viện Kiểm sát căn cứ điểm c Khoản 3 Điều 40 bộ luật Hình sự quy định "người bị kết án tử hình về tội tham ô chủ động nộp lại 3 /4 tài sản, chủ động hợp tác, hoặc lập công lớn sẽ không bị tử hình".
Bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỉ đồng, nếu tính theo tỉ lệ 3 /4 thì bị cáo phải giao nộp 280.000 tỉ đồng thì mới có cơ sở đề nghị giảm mức án tử hình.
Viện Kiểm sát nêu: Việc xem xét sẽ phụ thuộc trong giai đoạn thi hành án như hợp tác tích cực SCB, cơ quan thi hành án và các cơ quan tiến hành tố tụng liên quan để làm sao bán được tài sản nhanh nhất để khắc phục hậu quả… từ đó để có căn cứ xem xét. Tuy nhiên đây là nhận định của Viện kiểm sát, còn lại sẽ do Hội đồng xét xử quyết định.
Cạnh đó, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận việc bị cáo Trương Mỹ Lan mang các dự án vào khắc phục hậu quả. Thành khẩn khai báo, chuyển biến tích cực khi không kêu oan; tận tụy, tìm mọi cách để huy động người nhà, đối tác khắc phục hậu quả và có đơn chủ động thi hành án.
Đại diện Viện Kiểm sát đánh giá hậu quả của vụ án, trong lịch sử tố tụng chưa từng có với số tiền tham ô lớn chưa từng có và không biết khi nào mới khắc phục được. Hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm ảnh hưởng nhiều mặt của xã hội, thị trường tài chính, kinh tế… Mặt khác, tiền chiếm đoạt là tiền của nhà nước chứ không phải trên trời rơi xuống, tiền thuế của người dân, tiền vay nước ngoài… Từ đó, Viện Kiểm sát giữ nguyên mức đề nghị tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan.
Với những vi phạm đã được Bộ Chính trị kết luận gây hậu quả rất nghiêm trọng, 3 nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, bị kỷ luật khai trừ Đảng.
Theo thông cáo Văn phòng Trung ương vừa phát hành, tại Hội nghị Trung ương sáng 25/11, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, kỷ luật đảng viên vi phạm.
Những cá nhân vi phạm gồm các ông: Phạm Văn Vọng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc; Ngô Đức Vượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ; Nguyễn Doãn Khánh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ.
Ban Chấp hành Trung ương nhận định, trong thời gian giữ cương vị lãnh đạo tại các Đảng bộ tỉnh, những cá nhân trên đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Ba nguyên Ủy viên Trung ương trên cũng được xác định đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.
Những vi phạm đó đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng vì thế quyết định thi hành kỷ luật các ông Phạm Văn Vọng, Ngô Đức Vượng, Nguyễn Doãn Khánh bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Nguồn: Người Đưa Tin; CafeF; Thanh Niên; Dân Trí
Thanh Lam gây tranh cãi; Khi tai tiếng đè bẹp nổi tiếng; Phát hiện thêm 250 bộ tiểu sành ở Tây Sơn; Gia đình 3 người tử vong dưới mương
Nở rộ lừa đảo vé máy bay; Cuộc đua robot của các ‘ông lớn’; Phố café đường tàu lại đông đúc; ‘Khóc ròng’ vì ôm đất nền suốt 4 năm
Nhập lậu hàng nghìn tấn khí cười; Trộm tiền đám cưới, bị lột đồ kiểm tra; Trộm xe mang sang Campuchia bán; Lừa đảo bệnh nhân suy thận
Lai lịch 150 bộ hài cốt được phát hiện; Tông chết người rồi về nhà nhậu; Xe chở rác rơi xuống sông; Bé gái bị chó becgie cắn tử vong
Vừa massage vừa kích dục cho khách; Đưa bạn gái nhí vào nhà nghỉ; Nghịch tử đánh bố đẻ tử vong; 2 vợ chồng tử vong bất thường
Y án tử hình Trương Mỹ Lan; Bác kháng cáo của Đỗ Thị Nhàn; Chuyện lót tay ở dự án Đại Ninh; Liên tiếp dừng các vụ đấu giá đất
Các cán bộ bị kỷ luật tuần qua; ‘Choáng’ khối tài sản của Lê Đức Thọ; Tin quy hoạch nổi bật; Miếng bánh đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Cái giá của các ngôi sao ‘phông bạt’; Thảm họa mới của nhạc Việt; Cá chết hàng loạt, nghi bị đầu độc
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá