Gian nan trục xuất ở Đức: Berlin mất 8 năm mới trục xuất nổi kẻ khủng bố IS người I Rắc được quyền tị nạn tại Đức lúc 15 tuổi

(Cảnh một nhóm khủng bố IS ở I Rắc).

Đương sự tên là Abbas R. bị cáo buộc đã tham gia vào một vụ hành quyết của tổ chức khủng bố IS ở Iraq. Sau khi nhập cư lậu vào Đức, đương sự được công nhận tị nạn. Nhưng bản chất khủng bố khiến đương sự gây nhiều hành vi tội phạm hình sự thu hút chú ý của truyền thông lẫn các cơ quan chức năng. Cơ quan an ninh Đức đã tập hợp được tới gần 30 vụ cáo buộc hình sự trong vòng 8 năm qua

Bản án 5 năm 10 tháng tù gần tròn 2 năm vẫn chưa có hiệu lực

Abbas R. người Iraq đến Đức cùng gia đình vào tháng 07.2015 đệ đơn xin tị nạn. Đơn được cơ quan Liên bang về Di cư và Người tị nạn (BAMF) chấp thuận. Nhưng một thời gian sau, những người I Rắc tị nạn đã tố cáo với cảnh sát Đức hai cha con Abbas R. từng tham gia một vụ hành quyết của IS tại thành phố Mosul, I Rắc. Abbas R. lúc đó mới 15 tuổi. Vụ hành quyết được ghi lại trên một video trực tuyến.

Công tố viên Liên bang đã giám định trên cơ sở video cáo buộc đương sự hỗ trợ và tiếp tay cho tội ác chiến tranh, hỗ trợ và tiếp tay cho tội giết người và là thành viên của một tổ chức khủng bố. Vào tháng 6.2021, Tòa án Tối cao Berlin đã tuyên phạt Abbas R. 5 năm 10 tháng tù giam. Abbas R. đã kháng cáo, nên bản án tới thời điểm nay 2023 vẫn chưa có hiệu lực.

Cuộc chiến pháp lý về trục xuất kéo dài 1 năm

Các cuộc điều tra của Viện Kiểm sát được tiến hành trong một cuộc chiến pháp lý kéo dài một năm về việc trục xuất đương sự. BAMF đã thu hồi quyền tị nạn của đương sự được công nhận trước đây. Sở Ngoại kiều Berlin đã ra lệnh trục xuất. Nhưng Abbas R. đã đệ đơn kiện chống lại. BAMF lại ra chỉ thị "cấm trục xuất" vì Abbas R. bị đe dọa tra tấn hoặc thậm chí là tử hình nếu trở lại Iraq. Đương sự vì vậy được cấp giấy tạm dung, tức ngừng trục xuất, chờ quyết định tiếp theo.

Trong nỗ lực trục xuất đương sự, Bộ Ngoại giao Liên bang cuối cùng đã giành được sự đảm bảo từ nhà nước Iraq rằng Abbas R. sẽ không bị tra tấn hoặc kết án tử hình sau khi hồi hương. Phía Iraq cam kết bằng văn bản rằng đương sự sẽ nhận được "sự đối xử nhân đạo”. Vì vậy, BAMF sau đó đã rút lại lệnh cấm trục xuất.

Tuy nhiên, sau khi Abbas R. đệ đơn kiện chống lệnh trục xuất, tòa án Landgericht Berlin đã ra án quyết, phán sự đảm bảo phía I Rắc là không đủ với các điều kiện ở Iraq hiện nay. Lệnh cấm trục xuất của BAMF một lần nữa lại có hiệu lực.

Quyền ở lại Đức của Abbas R. đã gây phẫn nộ trong giới chức an ninh. Bởi cảnh sát nhiều lần nhận thấy hành vi bạo lực của đương sự liên tục lặp lại. Trong một giám định rủi ro, cơ quan an ninh Berlin đã liệt kê gần 30 tội danh và xác nhận Abbas R. là một mối nguy hiểm về nguy cơ tội phạm, có tư tưởng khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, và tranh giành quyền lực. Phần tổng kết giám định, kết luận Abbas R. có thể phạm “tội ác nghiêm trọng và rất nghiêm trọng” thậm chí “tấn công khủng bố” nếu được trả tự do.

Sáng kiến của Bộ Nội vụ Berlin

Việc trục xuất đến Iraq cuối cùng đã được thực hiện nhờ một sáng kiến ​​​​của Bộ Nội vụ Berlin. Bộ Nội vụ đã áp dụng một điều khoản trong Luật nhập cư Đức. Theo đó, người nước ngoài có mối đe dọa đặc biệt đối với an ninh Đức hoặc đe dọa khủng bố có thể bị trục xuất mà không cần các thủ tục pháp lí thông thường.

Lệnh trục xuất dựa trên quy định pháp luật trên được chính quyền Berlin ban hành vào ngày 15.03 năm nay. Abbas R. cũng khiếu nại quyết định này lên tận cấp phúc phẩm tiểu bang rồi Liên bang. Cuối cùng Tòa án Hành chính Liên bang Bundesverwaltungsgericht đã tuyên phán, lệnh trục xuất là hợp pháp với thủ tục xét xử khẩn cấp (tức không cần mở phiên tòa công khai). Án quyết phán, ngay cả khi Abbas R. bị kết án một lần nữa tại quốc gia gốc của bị cáo vì tham gia vào vụ hành quyết, bản án đó cũng không phải là lí do để cấm trục xuất khỏi Đức.

Tính ra, kể từ khi BAMF thu hồi quyền tị nạn của Abbas R., phải mất 5 năm Đức mới trục xuất được kẻ có hành vi khủng bố. Việc trục xuất cuối cùng đã hoàn tất vào thứ Năm tuần trước. Abbas R. đã được đưa từ trại giam ở quận LichtenradeBerlin đến Sân bay BER và từ đó đến thủ đô Baghdad của Iraq, kết thúc một cuộc chiến chỉ riêng về mặt pháp lý kéo dài một năm.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Lên đầu trang