Đường dây buôn bán Kumanthong; Động thái mới của tỷ phú; Đại gia tính gom tỷ USD; Đại gia 8X; 'Đường lưỡi bò' núp hàng hiệu; Rộ dự án xây chui; Mắc kẹt trong chung cư

ĐIỀU TRA: Thâm nhập đường dây buôn bán búp bê Kumanthong

Sau nhiều cuộc hẹn, chúng tôi mới được chị Cúc (ngụ TP.HCM, người từng nuôi búp bê Kumanthong) đồng ý gặp tại một quán cà phê ở quận 8, TP.HCM. Trên khuôn mặt chị vẫn còn hằn vết thương do tự gây ra vì nghe theo lời nguyền của… Kumanthong. Lúc trò chuyện, chị Cúc nhiều lần nhắc những câu chuyện về Kumanthong mà mình được người bán búp bê này kể lại.

Giá cả trăm triệu đồng

Chúng tôi nhờ tìm giúp người bán Kumanthong, suy nghĩ một lúc, chị Cúc đồng ý rồi liên hệ với người đứng đầu các nhóm mua bán búp bê này. Người này dặn dò, yêu cầu chị Cúc cam kết không được tiết lộ tên tuổi, địa chỉ người bán… Địa điểm mà nhóm này hẹn chị Cúc là ở TP. Cần Thơ, còn thời gian sẽ thông báo sau.

Hai tuần sau, người phụ nữ tên Kim (tầm 34 tuổi) liên hệ chị Cúc để hướng dẫn đường đi. Khi chúng tôi đến TP. Cần Thơ, Kim bảo một cô gái đến trường Tiểu học Lê Bình 2 (đường Trưng Nữ Vương, phường Lê Bình, quận Cái Răng) đón. Lòng vòng qua nhiều tuyến đường, chúng tôi đến được căn nhà cấp 4 nằm sâu trong con hẻm nhỏ. Vừa bước vào nhà, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy hàng ngàn búp bê Kumanthong được trưng bày, có một bàn lớn chất đầy nước ngọt và trái cây để thờ cúng búp bê này.

Trong vai đôi vợ chồng lấy nhau lâu năm nhưng chưa có con, chúng tôi nhờ Kim giúp đỡ để "thỉnh" Kumanthong về nuôi. Kim giới thiệu có nhiều loại Kumanthong như Amulet (bùa lá) và Lukthep (loại búp bê trai hoặc gái được "thầy phép" yểm bùa, vẽ chú và thanh tài lộc) rồi không ngớt quảng cáo: "Anh chị tìm đến em là đúng rồi. Các bé (búp bê Kumanthong - PV) chỗ em rất thiêng, xin gì được nấy. Bé đã giúp rất nhiều vợ chồng hiếm muộn sinh con. Anh chị nên "thỉnh" một bé về nuôi để được như ý. Nuôi bé đơn giản lắm, 1 tuần chỉ tắm một lần, cho ăn trái cây, uống sữa rồi thay quần áo. Nhưng nhớ là phải luôn yêu thương, chiều chuộng bé như con ruột, đừng làm bé buồn. Nếu bé vui, anh chị xin gì cũng được hết. Bé mà phù hộ thì nhớ tặng quà cho bé. Bé thích nhất là vòng vàng đeo trước ngực. À, nếu bé bảo anh chị tặng gì cho em thì phải thực hiện, không là bé sẽ giận đó".

Kim cho biết những búp bê ở đây đều đã được các "thầy phép", "thầy sư"… vẽ chú, nhập hồn thai nhi trước khi chuyển từ Thái Lan về TP. Cần Thơ. Vén áo một búp bê Kumanthong, Kim chỉ những hình vẽ chằng chịt nói là bùa ngải đem tài lộc và may mắn cho chủ nhân. Mỗi búp bê loại 20 inch có giá thấp nhất 7 - 8 triệu đồng. Nếu cần bé "năng lực" lớn hơn, được yểm tro cốt hoặc hài cốt thai nhi trong bụng thì giá từ 20 - 100 triệu đồng. Loại búp bê này hiếm nên phải mất thời gian dài mới có hàng.

Lấy một hũ bằng đất trên kệ xuống, Kim huyên thuyên khoe bên trong chứa tro cốt thai nhi mới được "thầy phép" bên Thái Lan tặng. "Nhiều người tìm đến chỗ em mua Kumanthong về nuôi để xin số đề, đánh bạc… Giới trẻ còn mua Kumanthong về nhà nuôi để níu giữ tình yêu, thi đậu đại học, trả thù đời… Những người ‘thỉnh’ các bé về nuôi hầu hết đều được phù hộ như ý muốn" - Kim không tiếc lời quảng cáo.

Muốn gì được nấy (?!)

Để chứng minh có "thầy phép" gọi hồn thai nhi nhập búp bê Kumanthong, Kim lấy điện thoại gọi cho ai đó nói bằng tiếng Thái Lan, giọng "thầy phép" qua điện thoại nghe rất huyền bí, có tiếng gõ mõ, tụng kinh. Nói được mấy giây, Kim tắt điện thoại, đưa chúng tôi xem nhiều đoạn video ghi lại cảnh "thầy phép" đang gọi hồn thai nhi nhập xác búp bê Kumanthong mà cô ta cho rằng ở trong chùa tại Thái Lan. "Hết dịch Covid-19 sẽ mời thầy về TP. Cần Thơ rao giảng và gặp gỡ các ‘tín đồ’. Nếu anh chị đặt mua Kumanthong, em sẽ mời đến dự và nhờ thầy chúc phúc" - Kim lại huyên thuyên.

Đến tối, chúng tôi được giới thiệu gặp cô gái tên Huệ trong một đường dây mua bán Kumanthong khác ở TP. Cần Thơ. Huệ và một cô tên Anh dẫn chúng tôi đến quán cà phê nằm sâu trong hẻm trên đường Lý Thái Tổ, quận Cái Răng để bàn về việc mua bán búp bê Kumanthong. Cả hai còn kể cho chúng tôi những chuyện ly kỳ về búp bê Kumanthong đã "đỡ kiếp nạn" và "ban phát số đề"… cho chủ nhân của mình. Khi nghe chúng tôi kể đang thầu lô đề ở TP.HCM, Huệ quả quyết: "Một chủ thầu lô đề ở TP.HCM mới được Kumanthong của em giúp trúng hàng tỉ đồng. Một người khác gặp nạn cũng được Kumanthong đỡ giùm không hề hấn gì. Các bé chỗ em thương chủ nhân lắm, anh chị mua 2 bé đi".

Huệ cho biết nếu mua Kumanthong gắn thêm các loại bùa yểm thì giá có thể lên đến 20 - 30 triệu đồng/búp bê. Nếu muốn đặt loại búp bê Kumanthong đặc biệt thì phải đặt cọc 50% và chờ hơn 1 tháng mới có. Muốn sở hữu loại búp bê "siêu nhiên" này, chủ nhân phải cung cấp họ tên, địa chỉ nhà và máu của chính mình để gửi sang Thái Lan cho thầy nhập phép. "Anh chị sở hữu loại búp bê Kumanthong này thì muốn gì được nấy. Thậm chí, muốn trả thù hay hại người ta, Kumanthong cũng ra tay giúp sức" - Huệ vừa nói vừa thúc giục chúng tôi đặt cọc tiền.

Sau đó, Huệ và Anh dẫn chúng tôi đến một chung cư trên đường Lý Thái Tổ, quận Cái Răng. Trong một căn hộ ở tầng 3 có 2 phụ nữ đang ngồi trên sofa ôm khư khư búp bê Kumanthong. Những người này cho biết mua bán búp bê Kumanthong được mấy năm nay và thuê căn hộ để nuôi và bán búp bê Kumanthong cho khách. Mỗi búp bê Kumanthong có giá từ 7 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng.

Kumanthong là gì?

Kumanthong là một loại thần giám hộ huyền bí theo tín ngưỡng dân gian Thái Lan. Trong tiếng Thái, "Kuman" có nghĩa là "cậu bé thanh tịnh" (hay "Kumara" là "cô bé thanh tịnh"), "thong" nghĩa là "vàng"; "Kumanthong" nghĩa là "cậu bé vàng" hay còn được gọi là "quỷ linh nhi". Búp bê Kumanthong được tạo ra với mục đích giúp đỡ những linh hồn hài nhi bị chết oan hoặc không có nơi nương tựa được siêu thoát. Khi về Việt Nam, loại búp bê này lại được các đối tượng thổi phồng, khoác lên vẻ huyền bí để lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin.

Hiện trên mạng xã hội có hàng chục hội, nhóm kín được lập ra chuyên trao đổi, mua bán và chăm sóc "búp bê Kumanthong" như "nhóm nuôi và chăm sóc linh nhi - bùa kinh doanh", "nhóm nuôi Kumanthong", "nhóm mua bán bùa", "hội nuôi và chăm sóc Kumanthong đúng cách"...

Động thái mới của tỷ phú Quang khi nắm trọn 'chiếc vương miện 7 tỷ đô': Kết hợp Techcombank tiếp cận 50 tỷ USD nhàn rỗi trong dân

Sự kết hợp giữa Masan và Techcombank để tạo ra mô hình cửa hàng tiện lợi phục vụ cả đời sống tài chính của người dân, qua đó có thể tiếp cận 50% ngân sách tiêu dùng.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Masan Group tại thị trấn Sapa, Lào Cai có sự xuất hiện của một nhân vật đặc biệt, ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank, người bạn tâm giao của ông Nguyễn Đăng Quang.

Masan Group đang sở hữu 20% cổ phần Techcombank (công ty liên kết), hai bên trước nay hỗ trợ nhau nhiều trong công việc làm ăn.

Nhưng tỷ phú Quang và tỷ phú Hùng Anh đang có một kế hoạch cùng nhau biến các cửa hàng bán lẻ hiện đại của VinCommerce thành một nơi vượt ra ngoài phạm vi của các cửa hàng nhu yếu phẩm thông thường.

Bắt đầu từ năm nay, VinMart (tương lai là WinMart) sẽ triển khai các dịch vụ tài chính do Techcombank cung cấp, ít nhất trên 50% số cửa hàng.

Ý tưởng này xuất phát từ câu chuyện mà ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông. Dịch vụ tài chính Masan, theo ông Quang là financial life, đáp ứng đời sống tài chính của mỗi người dân.

"Khoảng 60 – 70% người Việt Nam đang sống tại nông thôn, không có thẻ tín dụng, thẻ thanh toán, không có ngân hàng bên cạnh để phục vụ họ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có đời sống tài chính. Chỉ là đời sống tài chính của họ đang dựa trên tiền mặt, trên các tài sản họ tích lũy từ tiền tiết kiệm hàng năm", ông mở đầu.

Không có ngân hàng không phải là nông thôn không có tín dụng, chơi hụi cũng là một hình thức tín dụng, ông Quang ví von.

Chủ tịch Masan Group cho rằng nông thôn cũng có đời sống tài chính đầy đủ, nhưng khác với đời sống tài chính gắn với ngân hàng mà nhiều người vẫn nghĩ.

"50 tỷ USD là giá trị tiền mặt đang giữ trong túi của 100 triệu người Việt Nam mà không để ở ngân hàng. Nếu nói về lượng vàng còn nhiều hơn, một số đáng kể nằm ở ngoại tệ mạnh".

"Việt Nam là nước số hiếm trên thế giới mà khi ngân hàng huy động vốn (fixed deposit) phải trả lãi suất cao như vậy. Nhật Bản nhiều năm lãi suất âm, châu Âu lãi suất âm, Mỹ lãi suất gần bằng 0. Có nghĩa một người ở châu Âu, gửi tiền ở ngân hàng, sẽ phải trả thêm tiền để ngân hàng giữ tiền cho".

"Vậy sao ở Việt Nam ngân hàng phải trả 5%, 6%, 7%...? Ngân hàng đang mua tiền mặt nằm trong túi của 100 triệu người dân, đó là động lực để người dân đưa tiền đến ngân hàng. Nhưng đấy là cái giá cao mà ngân hàng đang phải trả để mua được lượng tiền tệ trong dân, NHNN hàng năm phải in ra lượng tiền giấy khổng lồ để đáp ứng nhu cầu luân chuyển tiền mặt".

"Chúng ta có thể sống tiếp với điều đó hoặc chúng ta sẽ tìm cách", ông Quang nói.

"Những người dân sẽ chỉ làm điều đó khi thanh toán phi tiền mặt thuận tiện như tiền mặt. Thứ hai là nó phải có lợi hơn dùng tiền mặt".

"Nhiều ngân hàng nói rằng dùng tiền mặt nguy hiểm lắm. Đâu có gì nguy hiểm. Các bà cụ già hay để tiền trong một cái gọi là "ruột tượng" dắt bụng. Bà nói: Con ơi, con không biết đâu, đồng tiền phải liền khúc ruột", ông Quang tiếp tục ví von.

"Chúng ta phải thay đổi nhận thức, tập quán, phải mang lại những giá trị lớn hơn. Chúng tôi ở đây nhìn rất đơn giản, mỗi người chúng ta đều có đời sống vật lý, tinh thần, và đời sống tài chính. Hãy nhìn, hiểu họ, và tìm cách để phục vụ họ tốt hơn".

"Ở đây đơn giản là đặt người tiêu dùng ở giữa, hãy tìm cách hiểu họ", Chủ tịch Masan nói.

Việc kết hợp cung cấp nhu yếu phẩm và dịch vụ tài chính có thể giúp Masan Group tiếp cận 50% ngân sách cho tiêu dùng, đây là luận điểm mà ban điều hành tập đoàn đưa ra khi mở rộng sang các dịch vụ mới.

Techcombank với 300 chi nhánh tại khu vực thành thị, sẽ kết hợp với khoảng 1.500 điểm bán VinMart+ (trong năm nay) để trở thành các điểm phục vụ đời sống tài chính cho người dân. Ưu tiên trước mắt của Masan là thúc đẩy thói quen người tiêu dùng và tạo độ phủ rộng khắp từ offline đến online.

Tầm nhìn cái bắt tay giữa The CrownX và Techcombank giúp cả hai có thể tiếp cận tập 30 – 50 triệu khách hàng đến năm 2025. Phía Techcombank, thông qua các điểm cung cấp dịch vụ tài chính sẽ không cần mở thêm chi nhánh, Masan gọi đây là mô hình thị trường mass chi phí thấp.

The CrownX và Techcombank hướng đến hơn 2 tỷ USD CASA (tiền gửi không kỳ hạn) từ 50 triệu khách hàng; 6 tỷ USD giao dịch thông qua các trung gian thanh toán; 1 -2 tỷ USD cho vay tiêu dùng; hơn 200 triệu USD cho vay bán lẻ GT; và 1 – 2 tỷ USD sản phẩm đầu tư. Đây là những chỉ tiêu cho tầm nhìn của Masan - Techcombank.

Khi được cổ đông hỏi về mức định giá nào cho cổ phiếu Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang trả lời hóm hỉnh: "Câu trả lời sẽ nằm ở cuối con đường, hãy đi cùng chúng tôi đến cuối con đường, các bạn sẽ thấy được thành quả".

Còn Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group, ông nói rằng:

"Nếu chỉ nhìn vào những con số sẽ không công bằng. Chúng tôi vừa tái định hình nền tảng, gần như bấm nút reset khi sáp nhập VinCommerce.

Chúng ta cần nhìn vào lộ trình và thấy được tiềm năng hơn là những con số hiện tại. Cái chúng tôi làm ở đây không phải để kiếm lợi nhiều hơn từ việc tăng biên lợi nhuận và tính tiền cho người tiêu dùng. Cái chúng tôi muốn làm là tạo ra giá trị, chuyển đổi và thay đổi bình diện chung của hoạt động tiêu dùng bán lẻ ở Việt Nam".

Được dịp 'hot' chưa từng có, đại gia Việt tính gom về tỷ USD

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (TCB) của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 với một kế hoạch lợi nhuận đầy tham vọng: thu về khoảng 20.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm nay, tăng 25% so với năm trước.

Nếu thành công, Techcombank của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh là ngân hàng tiếp theo và là ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đầu tiên có thể chạm ngưỡng lợi nhuận tỷ USD trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

Trước đó, Vietcombank đã trở thành ngân hàng đầu tiên đạt mốc này. Còn Techcombank sẽ là ngân hàng cổ phần tư nhân đầu tiên đạt được mốc này.

Techcombank đặt ra kế hoạch lợi nhuận cao nhất trong lịch sử dựa trên mục tiêu nợ tín dụng tăng 12% và kế hoạch huy động vốn tăng 14,7%.

Mặc dù lợi nhuận đạt mức cao trong năm 2020, Techcombank dự kiến tiếp tục trình cổ đông kế hoạch không chia cổ tức cho dù tính tới cuối 2020 lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đã lên tới hơn 26,7 nghìn tỷ đồng.

Lãnh đạo Techcombank trình cổ đông kế hoạch duy trì nguồn tiền dưới hình thức lợi nhuận không chia để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, ngân hàng tính phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động (ESOP). Ngân hàng này dự kiến phát hành 6 triệu cổ phiếu ESOP, giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu và bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Tháng 11/2020 trước đó, TCB cũng đã phát hành hơn 4,76 triệu cổ phiếu cũng theo chương trình ESOP cho nhân viên.

Trong khi đó, thông tin từ Vietcombank, cho biết ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận 30 nghìn tỷ đổng 2021.

Trong năm 2020, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 22,53 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận hợp nhất đạt 23,07 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD) cho dù các ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam vừa trải qua một năm khó khăn chưa từng có, với đại dịch Covid-19 hoành hành và ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đầu tháng 1/2020, Vietcombank đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên trên sàn chứng khoán ghi nhận lợi nhuận tỷ USD trong một năm. Cụ thể, trong 2019, VCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 23.185 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).

Trong năm 2020, CTCP Vinhomes (VHM) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng báo lãi kỷ lục 11,5 nghìn tỷ đồng trong quý IV, gấp đôi so với cùng kỳ nhờ bàn giao Vinhomes Ocean Park, Grand Park và Smart City Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế trong năm 2020 đạt hơn 37 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với 2019. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trong năm 2020 đạt 8.463 đồng, tăng 30%.

Trong năm 2021, Vietcombank được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 10,5%. VietinBank, BIDV và Agribank trong khi đó được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 6-7,5%; còn những ngân hàng cổ phần được giao chỉ tiêu 11-12% do quy mô thấp nên với 10,5% của Vietcombank được đánh giá là quy mô cao nhất của thị trường.

Theo SSI Research, lợi nhuận Vietcombank, BIDV có thể tăng 75-85% trong quý Isau khi đã tăng trích lập dự phòng để giải quyết các tài sản có vấn đề. Các ngân hàng thương mại tư nhân dự kiến tăng lợi nhuận trước thuế 45-55% trong quý đầu năm 2021.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index tiếp tục tăng mạnh lên ngưỡng 1.230 điểm.

Cuối cùng thì sau bốn tuần thử thách ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm (từ đầu năm 2021 đến nay), VN-Index đã vượt qua được ngưỡng cản tâm lý quan trọng này và thậm chí còn vượt luôn cả mức đỉnh mọi thời đại trước đó là 1.211 điểm (tháng 4/2018).

Diễn biến này đã giúp cho tâm lý nhà đầu tư trở nên tích cực hơn và dòng tiền mua lên xuất hiện đã giúp VN-Index thiết lập các mức cao mới. Khối ngoại quay trở lại mua ròng trong tuần qua cũng là một diễn biến tích cực khác. Trên góc độ kỹ thuật, thị trường vẫn đang trong sóng tăng 5 với target quanh 1.250 điểm dự kiến đạt được vào nửa đầu tháng 4/2021 nên dư địa trong khoảng 2 tuần nữa là vẫn còn. Trong tuần giao dịch tiếp theo, thị trường có thể tiếp tục tăng điểm để hoàn thành nốt sóng tăng 5.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/4, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng lên đỉnh cao mới: 1.224,45 điểm.

Đại gia 8X Tuấn “Gelex” và những thương vụ M&A nghìn tỷ đình đám

Ghi đậm dấu ấn tại Gelex

Trong giới đầu tư, cái tên Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex), đã là một thương hiệu nổi danh. Ông Tuấn sinh năm 1984, quê gốc Hà Nam.

Nói về tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam – Gelex (HoSE: GEX), cuối năm 2015, một kỷ lục đã được thiết lập trên thị trường chứng khoán trong thời điểm cuối cùng của giai đoạn cổ phần hóa 2011-2015.

Khi đó, bộ Công Thương gây bão sàn chứng khoán với cú bán hơn 122 triệu cổ phiếu GEX của Gelex (tương đương hơn 78,7% vốn điều lệ, thu về hơn 2.100 tỷ đồng) thông qua khớp lệnh trên sàn UPCoM chỉ trong vòng 30 phút sau mở cửa phiên giao dịch.

Vào thời điểm đó, đây là một kỷ lục chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam và cũng là một sự kiện thoái vốn hi hữu của Nhà nước. Giới đầu tư cũng không biết ai là ông chủ thực sự của Gelex sau thương vụ thoái vốn của bộ Công Thương.

Sau đó, thông tin công bố cho biết, công ty TNHH MTV Đầu tư GEX là cổ đông lớn nhất với gần 62 triệu cổ phiếu (hơn 23,1%); tiếp đó là công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư MB (5,04%); công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (4,36%); công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (3,09%).

Đến ngày 6/9/2016, ông Nguyễn Văn Tuấn bất ngờ được bầu là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Gelex. Tháng 1/2018, ông được bầu kiêm nhiệm thêm chức danh Chủ tịch HĐQT Gelex. Quá trình tái cấu trúc Gelex được ông Tuấn thúc đẩy với 4 lĩnh vực chính, bao gồm: Sản xuất kinh doanh thiết bị điện, kinh doanh bất động sản, năng lượng và logistics.

Gelex trở thành nhà sản xuất và kinh doanh vật liệu, thiết bị điện lớn nhất Việt Nam thông qua việc sở hữu chi phối các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu về dây và cáp điện là công ty Dây và Cáp điện Việt Nam (Cadivi), công ty Thiết bị điện Việt Nam (Thibidi), công ty Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), tổng công ty thiết bị điện Đông Anh (TBD).

Cùng với việc thành lập Công ty TNHH MTV Thiết bị điện Gelex (Gelex Electric) và cơ cấu đưa các công ty sản xuất ngày thiết bị, dây cáp điện vào Gelex Electric, Gelex tạo sự quản lý thống nhất và sức mạnh tổng hợp.

Trong lĩnh vực bất động sản, Gelex thành lập công ty TNHH MTV Gelex Land để làm đầu mối, tối ưu hóa quỹ đất của tổng công ty và các đơn vị thành viên. Công ty này có các dự án trọng điểm có địa điểm tại các vị trí vàng tại các thành phố lớn như: Tổ hợp khách sạn 5 sao Melia Hà Nội và tòa nhà văn phòng HCO; tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại số 10 Trần Nguyên Hãn và 27 - 29 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm; tòa nhà văn phòng cao cấp Gelex Tower 52 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng.

Ngoài ra, Gelex còn đẩy mạnh việc đầu tư vào các khu công nghiệp như Khu công nghiệp Cát Hải - Hải Phòng, Tiền Phong - Quảng Ninh.

Gelex trở thành tập đoàn đa ngành với loạt thương vụ M&A đình đám tại công ty Cổ Phần kho vận miền Nam (Sotrans), tổng công ty Cổ phần Đường Sông miền Nam (Sowatco), công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco)…

Thời điểm các doanh nghiệp phải tuân thủ Nghị định 71/2017, trong đó quy định “Từ ngày 1/8/2020, Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng Giám đốc) của cùng một công ty đại chúng”, Gelex bị sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM nhắc nhở vì quá hạn nhưng vẫn chưa tách bạch 2 vị trí Chủ tịch và Tổng Giám đốc. Lý do được Gelex đưa ra là do chưa tìm được nhân sự phù hợp.

Đến ngày 20/8, Gelex đưa ra công bố quyết định bổ nhiệm mới. Theo đó, ông Nguyễn Hoa Cương được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch HĐQT thay cho ông Tuấn. Dù không còn nắm giữ vị trí cao nhất trong HĐQT, song Gelex, về bản chất vẫn là "cuộc chơi" của vị đại gia trẻ 8x.

Thương vụ “bom tấn” mua cổ phần Viglacera

Thông qua Gelex, ông Tuấn hiện đang nắm vị trí Chủ tịch HĐQT của tổng công ty Viglacera – CTCP (HoSE: VGC).

Trước đó, hồi tháng 4/2019, thị trường mua bán sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam chứng kiến một thương vụ “bom tấn” khác khi Gelex chính thức mua lại cổ phần tổng công ty Viglacera.

Thời điểm đó, Gelex mua vào 27 triệu cổ phiếu VGC của Viglacera, qua đó nâng tổng số lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp lên 57,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 12,74%.

Đến tháng 10/2019, công ty TNHH Thiết bị điện Gelex - công ty con do Gelex sở hữu 100% vốn, mua thêm 30 triệu cổ phiếu VGC của Viglacera. Sau giao dịch, thông qua công ty con, Gelex đã tăng số cổ phần nắm giữ từ 57,1 triệu cổ phiếu lên 87,1 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu tăng từ 12,74% lên 19,43%.

Tiếp đó, công ty TNHH Thiết bị điện Gelex tiếp tục mua 27 triệu cổ phiếu VGC từ bộ Xây dựng, nâng tổng tỷ lệ sở hữu của Gelex tại Viglacera lên đến 24,96%.

Tháng 10/2020, Gelex thông báo đã mua vào thành công hơn 94,6 triệu cổ phiếu VGC, nâng tỷ lệ sở hữu từ 24,96% lên 46,07% vốn điều lệ tại Viglacera.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020, Gelex tiếp tục khẳng định định hướng đưa Viglacera trở thành công ty con để hợp nhất vào kết quả kinh doanh. Và theo nguồn tin riêng của Nguoiduatin, việc hợp nhất đã hoàn tất, sắp sửa được công bố.

Xét về mặt tài chính, Gelex và Viglacera có quy mô khá tương đồng. Năm 2020, tổng tài sản của 2 công ty này lần lượt là 27.152 tỷ đồng và 21.323 tỷ đồng.

Nếu hợp nhất được Viglacera, Gelex sẽ trở thành một tập đoàn với quy mô tài sản hơn 2 tỷ USD. Cùng với đó, Gelex sẽ “bành trướng” được thế lực, không chỉ trở thành “ông lớn” trong ngành bất động sản khu công nghiệp và ngành vật liệu xây dựng, mà còn giúp hoàn thiện hệ sinh thái mà công ty này đang hướng tới là tập trung phát triển mảng bất động sản, vật liệu xây dựng – một trong những mảng đang là thế mạnh của Viglacera.

'Đường lưỡi bò' Trung Quốc 'núp' hàng hiệu vào Việt Nam đều có... kết thảm

Dư luận Việt Nam tiếp tục phản ứng dữ dội xung quanh nhiều thương hiệu thời trang có tiếng trên thế giới có chi nhánh, cửa hàng tại Trung Quốc chấp nhận sử dụng phần mềm bản đồ có "đường lưỡi bò - đường 9 đoạn" phi pháp của Trung Quốc trên các trang website phiên bản tiếng Trung.

Cụ thể, các sản phẩm gồm Chanel, Louis Vuitton, YSL, Gucci, Burberry, Saint Laurent... đều có in hình "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền vùng biển lãnh hải của Việt Nam và một số nước ASEAN, vi phạm trắng trợn chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Trước đó, thương hiệu H&M cũng dính đến nghi vấn bị Trung Quốc ép sửa chữa đưa bản đồ "đường lưỡi bò" vào website của hãng này tại Trung Quốc. Cộng đồng mạng tại Việt Nam lập tức phản đối, yêu cầu H&M tôn trọng các quy định pháp luật đã được quốc tế công nhận và đồng thời yêu cầu nhãn hàng này loại bỏ "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc.

Rất nhiều người trẻ tại Việt Nam đã lên tiếng sẵn sàng tẩy chay thương hiệu H&M tại Việt Nam nếu như hãng này đăng tải bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc ở Việt Nam, quốc gia thứ 3 hoặc trên trang website quốc tế của hãng này.

Thực tế, các thương hiệu trên bị tố đăng tải bản đồ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc là do họ sử dụng các bản đồ Baidu, hoặc hệ điều hành riêng của Trung Quốc và bị chính quyền nước này cài cắm. Các hãng, thương hiệu bắt buộc sử dụng phần mềm này mới được bán hàng trên các sàn thương mại điện tử dùng hệ điều hành riêng của Trung Quốc.

Không chỉ các thương hiệu H&M, LV hay Chanel mà trước đây, một số sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc cũng có sử dụng phần mềm có bản đồ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc và sau đó bị tịch thu, tiêu hủy tại Việt Nam.

Cụ thể, tháng 11/2019, Dân trí đưa tin các loại xe Volkswagen Touareg, Zotye, Hanteng nhập vào Việt Nam với mục đích "tạm nhập tái xuất", nhập giới thiệu sản phẩm, trưng bày, bán thử nghiệm tại Việt Nam có sử dụng hệ điều hành nội địa Trung Quốc và được cài sẵn bản đồ "đường 9 đoạn" phi pháp của Trung Quốc.

Ngay lập tức cơ quan Hải quan đã tịch thu các mẫu xe trên, xung công quỹ đồng thời tiêu hủy phần mềm độc hại. Đến nay, việc nhập khẩu các loại ô tô mang thương hiệu nói trên vào Việt Nam đã bị kiểm soát rất gắt gao, đồng thời đối diện với sự tẩy chay của người tiêu dùng và không dễ gì thành công được.

Ngoài xe hơi, thiết bị điện tử, một số loại sách, truyện, tranh ảnh của Trung Quốc được phát hiện tại Việt Nam có in hình lưỡi bò cũng bị Việt Nam thu giữ, tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc sản phẩm bị cài cắm chủ quyền, vấn đề tôn giáo, sắc tộc hoặc phân biệt chủng tộc là vi phạm quy định của luật pháp quốc tế, vi phạm WTO. Các sản phẩm này sẽ bị thu giữ, tiêu hủy, cấm bán tại một hay nhiều quốc gia.

Việc Trung Quốc đưa ra bản đồ định vị điện tử, bắt buộc các hãng, thương hiệu nước ngoài sử dụng mới được quyền tham gia vào gian hàng trên các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc là hành vi nguy hiểm và cần bị cộng đồng quốc tế lên án.

Các sản phẩm có chứa thông điệp phi pháp này nếu có nhập vào Việt Nam cũng sẽ bị cấm, xử lý, tịch thu, thậm chí đối diện với sự quay lưng, tẩy chay ngay của cộng đồng, người tiêu dùng.

Rộ các dự án xây 'chui', bán 'lúa non' ở Hòa Bình

Nhiều dự án nhà ở, khu du lịch nghỉ dưỡng tại Hòa Bình tiến hành xây dựng khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép, trong khi đó chủ đầu tư rầm rộ huy động vốn, bán "lúa non" các sản phẩm biệt thự, liền kề khi chưa đủ điều kiện.

Từ xây “chui” khu nghỉ dưỡng hơn 4000 tỷ đồng…

Thời gian qua, báo Tiền Phong nhận được phản ánh về nhiều dự án nhà ở, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng ở Hòa Bình tiến hành xây dựng khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép, cũng như việc chủ đầu tư rầm rộ rao bán các sản phẩm biệt thự, liền kề khi chưa đủ điều kiện.

Theo tài liệu của PV, ngày 3/12/2020, UBND TP Hòa Bình có văn bản số 3780 gửi Sở Xây dựng Hòa Bình về việc tăng cường công tác quản lí trật tự đô thị trên địa bàn TP.

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Học tập - Lao động

Cảnh báo ngành cắt tóc làm móng: Vấn nạn lao động chui phổ biến hơn bao giờ hết

19/04/2024

ĐIỀU TRA: Thâm nhập đường dây buôn bán búp bê Kumanthong Sau nhiều cuộc hẹn, chúng tôi mới được chị Cúc (ngụ TP.HCM, người từng nuôi búp bê Kumanthong) đồng ý gặp tại m

Hành khách cần biết: Nghiệp đoàn Verdi Lufthansa lại đình công thứ 5 - 7; Đường sắt đình công thứ 5 - 7, vận tải hàng thứ 4 - 6

05/03/2024

ĐIỀU TRA: Thâm nhập đường dây buôn bán búp bê Kumanthong Sau nhiều cuộc hẹn, chúng tôi mới được chị Cúc (ngụ TP.HCM, người từng nuôi búp bê Kumanthong) đồng ý gặp tại m

Cảnh báo hành khách Đức: Nghiệp đoàn Ver.di đình công - Giao thông công cộng địa phương ùn tắc

01/03/2024

ĐIỀU TRA: Thâm nhập đường dây buôn bán búp bê Kumanthong Sau nhiều cuộc hẹn, chúng tôi mới được chị Cúc (ngụ TP.HCM, người từng nuôi búp bê Kumanthong) đồng ý gặp tại m

Kinh doanh

Lufthansa, Ryanair và Co sắp tăng vé, có kế hoạch cần đặt vé sớm; Xếp hạng sân bay thế giới 2024 cần biết, cơ hội lựa chọn cho hành khách

21/04/2024

ĐIỀU TRA: Thâm nhập đường dây buôn bán búp bê Kumanthong Sau nhiều cuộc hẹn, chúng tôi mới được chị Cúc (ngụ TP.HCM, người từng nuôi búp bê Kumanthong) đồng ý gặp tại m

Thương hiệu xe Đức cạnh tranh bất chấp cả xe xăng lẫn xe điện Trung Quốc; Mô hình bán mỳ Ramen độc đáo của đầu bếp Christopher Selig

21/04/2024

ĐIỀU TRA: Thâm nhập đường dây buôn bán búp bê Kumanthong Sau nhiều cuộc hẹn, chúng tôi mới được chị Cúc (ngụ TP.HCM, người từng nuôi búp bê Kumanthong) đồng ý gặp tại m

Kiểm tra lao động chui nhiều cơ sở kinh doanh có cả vũ khí ở Nordrhein-Westfalen; Khám xét tiệm mát xa người Trung Quốc ở NRW

24/03/2024

ĐIỀU TRA: Thâm nhập đường dây buôn bán búp bê Kumanthong Sau nhiều cuộc hẹn, chúng tôi mới được chị Cúc (ngụ TP.HCM, người từng nuôi búp bê Kumanthong) đồng ý gặp tại m

Lên đầu trang