Covid-19 thế giới: Cập nhật; Duy trì cảnh báo; TQ chật vật phục hồi, xét nghiệm khách HQ; Nhật kiểm dịch khách TQ

NHẬT BẢN ĐỨNG ĐẦU THẾ GIỚI VỀ SỐ CA NHIỄM COVID-19 MỚI

Tính đến sáng 31/1, thế giới ghi nhận 674.964.200 ca nhiễm COVID-19 và 6.760.222 ca tử vong do dịch bệnh này. Trong 24 giờ qua, Nhật Bản đứng đầu thế giới về số ca nhiễm mới 21.426 với trường hợp.

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 74.544 ca nhiễm và 579 ca tử vong do COVID-19.

Ngoài ra, hiện toàn thế giới có 647.210.698 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Trong số 20.993.280 ca bệnh đang điều trị, có 20.951.116 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,8%) và 42.164 ca (chiếm 0,2%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 229 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 244.711.549 ca, trong đó có 2.005.094 ca tử vong và 240.3678.476 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu Âu ghi nhận thêm 12.493 ca nhiễm mới và là khu vực có số ca mắc COVID-19 mới cao đứng thứ hai thế giới.

Trong khi đó, châu Á ghi nhận tổng số ca nhiễm COVID-19 là 212.603.934 ca. 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 53.249 ca nhiễm (đứng đầu thế giới) và 297 ca tử vong do dịch bệnh này.

Trong 24 giờ qua, các số liệu thống kê cho thấy, Nhật Bản tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca nhiễm mới, với 21.426 trường hợp.

Hiện, Bắc Mỹ có 123.306.720 ca mắc bệnh, trong đó có 1.596.189 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực với tổng số 104.172.351 ca nhiễm và 1.132.604 ca tử vong vì COVID-19.

Tính đến sáng 31/1, Nam Mỹ có 67.680.897 ca nhiễm COVID-19, với 1.346.970 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 36.809.608 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Tính đến sáng 31/1, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 12.772.168 trường hợp, trong đó có 258.487 ca tử vong và 12.057.505 ca bình phục. Hiện, Nam Phi đang đứng đầu khu vực về tổng số ca nhiễm COVID-19 với 4.055.720 ca.

Hiện, châu Đại Dương có 13.888.211 ca nhiễm COVID-19, với 25.232 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực với 11.295.446 ca, tiếp theo sau là New Zealand với 2.182.355 ca.

(Nguồn: Báo Dân Tộc)

WHO DUY TRÌ CẢNH BÁO CAO NHẤT VỀ COVID, HY VỌNG CHẤM DỨT TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP TRONG NĂM NAY

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/1 nói COVID-19 tiếp tục là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Đây là hình thức cảnh báo cao nhất của tổ chức này.

WHO cho biết thêm trong một tuyên bố rằng đại dịch có thể đang ở một “điểm chuyển tiếp” cần được quản lý cẩn thận để “giảm thiểu những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra”.

Đã ba năm kể từ lần đầu tiên WHO tuyên bố COVID là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Hơn 6,8 triệu người đã chết trong các đợt bùng phát dịch bệnh ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên trái đất, tàn phá các cộng đồng và nền kinh tế.

Tuy nhiên, sự ra đời của vaccine và các phương pháp điều trị đã thay đổi đáng kể tình hình đại dịch kể từ năm 2020. Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói ông hy vọng có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp trong năm nay, đặc biệt nếu khả năng tiếp cận các biện pháp đối phó có thể được cải thiện trên toàn cầu.

“Chúng tôi vẫn hy vọng rằng trong năm tới, thế giới sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, trong đó, chúng ta giảm số ca nhập viện và tử vong (COVID) xuống mức thấp nhất có thể”, ông Tedros nói trong một cuộc họp riêng của WHO vào thứ Hai.

Các cố vấn của ủy ban chuyên gia WHO về tình trạng đại dịch nói với Reuters vào tháng 12 rằng có khả năng đây không phải là thời điểm để chấm dứt tình trạng khẩn cấp do tình trạng không chắc chắn về làn sóng lây nhiễm ở Trung Quốc sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế COVID nghiêm ngặt vào cuối năm 2022.

(Nguồn: VOA)

TRUNG QUỐC CHẬT VẬT PHỤC HỒI HẬU ZERO COVID

Những "vết thương" từ chính sách zero COVID của Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để có thể lành lại.

Theo SCMP, trong quá trình thực hiện chiến lược cứng rắn zero COVID , nhiều tỉnh, thành địa phương tại Trung Quốc đã chi những khoản tiền khổng lồ để xây dựng các cơ sở cách ly và bệnh viện dã chiến để ứng phó với COVID-19, cũng như triển khai xét nghiệm hàng loạt.

Chỉ riêng tỉnh Quảng Đông đã chi 71,1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 10,5 tỷ USD) cho công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch vào năm ngoái, tăng 57% vào năm 2021. Tỉnh Phúc Kiến ở phía Đông Nam Trung Quốc cũng đã đầu tư 13,04 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái để đối phó với dịch COVID-19, tăng 56% so với năm 2021. Trong ba năm qua, tỉnh này đã chi tổng cộng 30,5 tỷ nhân dân tệ, theo báo cáo tài chính được công bố chính thức.

Báo cáo của Minsheng Securities công bố vào tháng 5/2022 cho thấy, Trung Quốc có thể đã chi 25,4 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái để xây dựng các bệnh viện dã chiến, cùng với khoảng 739,3 tỷ nhân dân tệ cho các địa điểm xét nghiệm COVID-19, cao hơn tổng sản phẩm quốc nội năm 2022 của Luxembourg.

Nhưng sau khi Bắc Kinh đột ngột thay đổi chính sách nghiêm ngặt zero COVID vào tháng 12/2022, sự gia tăng các ca nhiễm bệnh đã tạo áp lực lên hệ thống y tế của quốc gia này, trong khi nhiều hiệu thuốc cũng hết thuốc hạ sốt và thuốc giảm đau. SCMP ghi nhận tình trạng thiếu nguồn lực y tế ở Trung Quốc không giống bất cứ điều gì từng thấy trong suốt những năm vừa qua khi số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 đã tăng nhanh chóng.

Tiến sĩ Hui-Ling Yen, Phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Y tế Công cộng nhận định với SCMP rằng, các bệnh viện dã chiến đóng vai trò tương đối hiệu quả khi bắt đầu đại dịch, vì các bệnh viện này có thể cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh để ngăn chặn sự lây lan của virus. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc chưa thiết lập được một hệ thống y tế nào có thể chống lại COVID-19 một cách hiệu quả trong 3 năm qua. Vai trò của bệnh viện dã chiến rất hạn chế vì thứ mà bệnh nhân cần thực sự là mặt nạ dưỡng khí và máy thở.

“Nếu Trung Quốc đã chi hơn 730 tỷ nhân dân tệ cho nghiên cứu và phát triển y học, mở rộng số giường ICU, tuyển dụng và đào tạo nhân viên y tế, thì hệ thống y tế hiện tại sẽ không bị phá vỡ như vậy", ông George Magnus, cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford, cho biết.

Trong khi đó, trong ba năm qua, zero COVID đã ám ảnh các doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài và công dân ở Trung Quốc. Ngành du lịch và dịch vụ bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa và cấm tụ tập nơi công cộng. Nông dân buộc phải phá bỏ ruộng đồng vì họ không thể mang sản phẩm thu hoạch ra thị trường.

Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động do chính sách zero-Covid. Tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát chính thức đối với thanh niên trong độ tuổi 16-24 là trên 15% trong cả năm ngoái, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 14,9% do Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính.

Mặc dù những lý do đằng sau việc Bắc Kinh đột ngột từ bỏ chính sách này vào cuối năm ngoái vẫn chưa rõ ràng, nhưng các nhà phân tích cho rằng, việc đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo mới của đất nước cần thay đổi cách thức quản lý trong nhiệm kỳ này.

Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng tăng trưởng kinh tế trên 5% trong năm nay là rất quan trọng để Trung Quốc duy trì ổn định xã hội và nâng cao niềm tin của thị trường. Năm ngoái là lần đầu tiên kể từ năm 1994, Trung Quốc không đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm.

Ngân hàng Thế giới ước tính tốc độ tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc chậm lại ở mức 2,7% do các biện pháp phong tỏa vì COVID-19 nhưng sẽ phục hồi lên mức 4,3% trong năm nay do quốc gia này bỏ chính sách zero Covid.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ cần nhiều thời gian để thực hiện một sự thay đổi mạnh mẽ và phải có một mô hình phát triển kinh tế bền vững hơn để quay trở lại mức tăng trưởng kinh tế trước đại dịch.

(Nguồn: Soha)

TRUNG QUỐC YÊU CẦU BẮT BUỘC XÉT NGHIỆM COVID-19 VỚI KHÁCH TỪ HÀN QUỐC

Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc yêu cầu từ ngày 1/2, hành khách trên các chuyến bay trực tiếp từ Hàn Quốc đến Trung Quốc sẽ phải xét nghiệm COVID-19 khi nhập cảnh.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu bắt buộc xét nghiệm COVID-19 tại các sân bay ở Trung Quốc đối với những người nhập cảnh đến từ Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 1/2.

Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc đã gửi thông báo tới các hãng hàng không Hàn Quốc và Trung Quốc khai thác các tuyến bay giữa hai nước, yêu cầu từ ngày 1/2, hành khách trên các chuyến bay trực tiếp từ Hàn Quốc đến Trung Quốc sẽ phải xét nghiệm COVID-19 khi nhập cảnh.

Hiện Trung Quốc không thông báo rõ yêu cầu xét nghiệm PCR hay xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc yêu cầu người nhập cảnh thực hiện cách ly tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế.

Thông báo của Trung Quốc về chính sách kiểm dịch sau nhập cảnh đối với những người nhập cảnh từ Hàn Quốc được hiểu là một biện pháp tương ứng để đáp lại việc Hàn Quốc bắt buộc xét nghiệm PCR sau khi nhập cảnh đối với tất cả những người nhập cảnh từ Trung Quốc kể từ ngày 2/1 năm nay.

Trước đó, do sự lây lan dịch COVID-19 tại Trung Quốc, Chính phủ Hàn Quốc đã tiếp tục kéo dài biện pháp tạm ngừng cấp thị thực (visa) ngắn hạn cho công dân Trung Quốc đến cuối tháng 2, ngoại trừ các vấn đề ngoại giao và chính thức, hoạt động kinh doanh thiết yếu và lý do nhân đạo.

Đáp lại, Chính phủ Trung Quốc đã đình chỉ cấp thị thực ngắn hạn cho người Hàn Quốc.

Trong diễn biến liên quan, ngày 31/1, Thủ tướng Hàn Quốc Han Deok-soo cho biết Hàn Quốc sẽ xem xét dỡ bỏ các biện pháp hạn chế về cấp thị thực (visa) ngắn hạn đối với công dân Trung Quốc trước cuối tháng 2 nếu số ca mắc mới COVID-19 ở nước này giảm.

Phát biểu của Thủ tướng Han Deok-soo được đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh trong buổi họp báo thường kỳ ngày 30/1 bày tỏ lấy làm tiếc về việc Hàn Quốc gần đây quyết định gia hạn việc hạn chế cấp visa ngắn hạn với công dân Trung Quốc.

Bà Mao Ninh nhấn mạnh quyết định này của Hàn Quốc sẽ không giúp ích gì cho quan hệ giao lưu giữa người dân hai nước và hợp tác song phương.

Trung Quốc hy vọng Triều Tiên nhanh chóng rút lại biện pháp này.

Về phần mình, Trung Quốc cũng muốn có biện pháp tương ứng giúp tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân lực của hai quốc gia.

(Nguồn: VietnamPlus)

NHẬT BẢN DUY TRÌ CÁC BIỆN PHÁP KIỂM DỊCH ĐỐI VỚI DU KHÁCH ĐẾN TỪ TRUNG QUỐC

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 30/1, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết nước này sẽ duy trì các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt đối với du khách từ Trung Quốc.

Thông báo trên được đưa ra một ngày sau khi Chính phủ Trung Quốc nối lại việc cấp thị thực phổ thông cho các du khách Nhật Bản.

Các phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin phát biểu với các phóng viên, ông Matsuno từ chối bình luận về lý do Trung Quốc nối lại việc cấp thị thực cho công dân Nhật Bản, mà chỉ cho biết động thái này liên quan các giao thiệp ngoại giao. Về phía Nhật Bản, ông Matsuno nhấn mạnh trong tương lai, chính phủ “sẽ ứng phó một cách linh hoạt trong lúc vẫn theo dõi tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc”.

Trước đó, ngày 10/1, Trung Quốc đã tạm dừng việc cấp thị thực phổ thông cho công dân Nhật Bản sau khi Tokyo siết chặt kiểm soát biên giới đối với các du khách đến từ Trung Quốc đại lục trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan nhanh ở nước láng giềng. Theo thông báo ngày 4/1 của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, kể từ ngày 8/1, các du khách đến từ Trung Quốc đại lục sẽ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi tới Nhật Bản và phải làm xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) có độ chính xác cao hơn khi đặt chân tới nước này. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng yêu cầu các hãng hàng không không tăng số lượng chuyến bay trực tiếp giữa Nhật Bản và Trung Quốc đại lục.

Liên quan tình hình dịch COVID-19, có nhiều dấu hiệu cho thấy đợt bùng phát thứ 8 ở Nhật Bản đang có xu hướng lắng dịu. Ngày 30/1, nước này ghi nhận 20.830 ca nhiễm mới, giảm khoảng 10.800 ca so với một tuần trước đó, và 255 ca tử vong.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

(Xem thêm:

=> Covid-19 thế giới: Cập nhật; TQ thêm 6.364 ca tử vong; Pháp dừng các hạn chế; HQ bỏ đeo khẩu trang; Úc tiêm mũi 5 ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang