Covid-19 thế giới: Cập nhật; TQ thêm 6.364 ca tử vong; Pháp dừng các hạn chế; HQ bỏ đeo khẩu trang; Úc tiêm mũi 5

THẾ GIỚI CÓ GẦN 675 TRIỆU CA NHIỄM COVID-19

(Ảnh minh hoạ).

Tính đến sáng 30/1, thế giới lần lượt ghi nhận tổng số 674.814.341 ca nhiễm và 6.759.130 trường hợp tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 111.348 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó châu Á chiếm phần lớn với 95.688 trường hợp.

Số liệu thống kê trên worldometers.info vào sáng 30/1 cho thấy, hiện toàn thế giới có 646.945.989 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 99% tổng số ca mắc). Trong số 21.109.222 ca bệnh đang điều trị, có 21.066.979 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,8%) và 42.243 ca (chiếm 0,2%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.

Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 244.696.292 trường hợp, trong đó có 2.004.882 ca tử vong và 240.300.578 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu Âu đứng thứ hai thế giới về số ca mắc COVID-19 mới, với 11.815 ca.

Tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 30/1 là 123.238.967 trường hợp, trong đó có 1.595.736 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, khu vực Bắc Mỹ đứng thứ ba thế giới về số ca nhiễm mới, với 2.058 ca. Hiện Mỹ vẫn là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 104.113.797 ca nhiễm và 1.132.256 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại.

Còn tại Nam Mỹ, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 1.638 ca nhiễm COVID-19. Tính cho đến nay, khu vực này có tổng số 67.678.975 ca nhiễm và 1.346.895 ca tử vong vì COVID-19.

Cũng theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 212.549.941 trường hợp, với 1.527.910 ca tử vong và 197.009.684 ca điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu Á đứng đầu thế giới về số ca nhiễm mới, với 95.688 trường hợp.

Tính đến sáng 30/1, tổng số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại châu Phi lần lượt là 12.771.801 và 258.487 trường hợp. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 4.055.416 ca nhiễm COVID-19 và 102.595 ca tử vong vì dịch bệnh.

Hiện khu vực châu Đại Dương có tổng số 13.877.644 trường hợp ca mắc COVID-19, với 25.205 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 11.295.446 ca, tiếp theo sau là New Zealand với 2.171.788 ca.

(Nguồn: Đảng Cộng Sản)

TRUNG QUỐC ĐẠI LỤC BÁO CÁO THÊM 6.364 CA TỬ VONG DO COVID-19

Theo số liệu mới nhất do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) công bố ngày 28/1, Trung Quốc đại lục tiếp tục ghi nhận hơn 6.300 ca tử vong do Covid-19 tại các bệnh viện trong một tuần tính từ ngày 20/1.

Thông tin được đăng trên trang web chính thức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC Trung Quốc). Trong số 6.364 ca tử vong do Covid-19 tại bệnh viện từ ngày 20/1 đến 26/1, 289 trường hợp là suy hô hấp và 6.075 trường hợp khác là do các bệnh nền gây ra.

Như vậy, so với một tuần trước đó (13-19/1), số người chết do Covid-19 ở nước này đã giảm gần một nửa. Tính đến nay, Trung Quốc đại lục đã báo cáo hơn 80.000 ca tử vong kể từ khi Covid-19 bùng phát khoảng ba năm qua.

Cũng theo dữ liệu của CDC Trung Quốc, hiện cả nước này vẫn còn 215.958 người nhập viện vì Covid-19, trong đó có 26.156 ca bệnh nặng. Trong khi đó, gần 3,5 tỷ liều vaccine đã được sử dụng với tổng số người được tiêm phòng là hơn 1,3 tỷ. Trong số đó, 1,27 tỷ người đã được tiêm phòng đầy đủ. Hơn 678 triệu liều vaccine đã được tiêm cho gần 242 triệu người già từ 60 tuổi trở lên.

Được biết, theo số liệu điều tra dân số mới nhất (2020), tổng dân số của Trung Quốc đại lục là khoảng 1,412 tỷ người và tổng số người trên 60 tuổi là 264,02 triệu, chiếm 18,7% dân số. Trước đó, cũng theo báo cáo của CDC Trung Quốc, số ca Covid-19 của nước này đã qua mức đỉnh. Vào khoảng ngày 22/12/2022, số ca mắc trên cả nước Trung Quốc đã đạt đỉnh với hơn 7 triệu trường hợp và số lượt khám tại các phòng khám sốt cũng lên tới 2,87 triệu lượt/ngày, trong khi số ca tử vong đạt mức cao nhất là 4.273 ca vào ngày 4/1.

(Nguồn: CafeF)

PHÁP CHẤM DỨT GẦN HẾT CÁC QUY ĐỊNH PHÒNG NGỪA COVID-19

(Ảnh minh hoạ).

Bộ Y tế Pháp ngày 29/1 thông báo chấm dứt chiến lược về phòng chống Covid-19 bao gồm các bước “xét nghiệm, truy vết và cách ly” trong bối cảnh số ca lây nhiễm tiếp tục giảm mạnh.

Theo các quy định mới được công bố, Bộ Y tế Pháp cho biết sẽ bãi bỏ việc cách ly đối với các ca dương tính với virus SARS-Cov-2 cũng như dừng yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với các ca tiếp xúc. Cơ quan Y tế Pháp cũng cho biết sẽ huỷ dữ liệu về ca dương tính và các tiếp xúc lưu trữ tại cơ quan bảo hiểm để đảm bảo quyền công dân.

Cuối tuần trước, Pháp cũng đã vô hiệu hoá ứng dụng “TousAntiCovid” được cài đặt trên điện thoại thông minh để phát hiện các ca tiếp xúc, ghi nhận số lần tiêm vaccine và lưu trữ giấy thông hành y tế của mỗi cá nhân.

Mặc dù các quy định cách ly, truy vết và xét nghiệm không còn mang tính bắt buộc nhưng những người thuộc các diện trên vẫn được khuyến cáo tự thực hiện các biện pháp phòng vệ và tránh các nguy cơ cho cộng đồng.

Bộ Y tế Pháp giải thích việc dỡ bỏ các quy định phòng chống Covid-19 bắt buộc gần như là cuối cùng trên được đưa ra khi diễn biến tình hình ngày càng khả quan và nhằm đưa cuộc sống trở lại hoàn toàn như trước khi dịch bệnh xảy ra.

Theo các số liệu mới nhất của trang thống kê Covid Tracker, số ca mắc mới Covid-19 tại Pháp trong một tháng qua đã giảm từ hơn 20.000 xuống còn khoảng 5.000 trường hợp mỗi ngày. Tỷ lệ dương tính cũng đã xuống dưỡi ngưỡng báo động với 54 ca trên 100.000 dân.

Theo giáo sư dịch tễ học Yves Buisson thuộc Viện hàn lâm y học Pháp, mặc dù virus sẽ chưa thể biến mất hoàn toàn nhưng chiến lược “xét nghiệm, truy vết và cách ly” để đối phó với Covid-19 đã không còn phù hợp bối tình hình hiện nay, nhất là khi đã đạt được miễn dịch cộng đồng.

“Mục tiêu giờ đây không còn là ngăn chặn đà lây lan của virus bởi virus vẫn sẽ tồn tại. Chúng ta nên để cho nó tự lây lan trong bối cảnh đã đạt được mức miễn dịch cộng đồng cao. Những gì ta cần làm hiện nay, đó là đẩy mạnh việc tiêm phòng vaccine cho những người có nguy cơ cao và những người dễ bị tổn thương”, ông Buisson nói.

Kể từ tháng 12/2022, Pháp đã mở rộng chiến dịch tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường thứ hai cho tất cả công dân từ 12 tuổi trở lên và đánh giá là biện pháp hiệu quả nhất để kiềm chế dịch bệnh.

(Nguồn: VOV)

HÀN QUỐC BỎ QUY ĐỊNH ĐEO KHẨU TRANG TRONG KHÔNG GIAN KÍN

Bắt đầu từ ngày hôm nay, Hàn Quốc chính thức bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong hầu hết các không gian công cộng trong phòng kín.

Tuy nhiên, người dân vẫn buộc phải đeo khẩu trang khi ở trên các phương tiện giao thông công cộng và trong các cơ sở y tế.

Quy định đeo khẩu trang được đổi thành "khuyến nghị" tại nhiều cơ sở trong nhà như trung tâm mua sắm, nhà hàng, quán cà phê, bến xe bus và ga tàu điện ngầm. Việc bắt buộc đeo khẩu trang được duy trì ở những nơi dễ lây nhiễm như trên xe bus, trong bệnh viện và viện dưỡng lão.

Như vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã chấm dứt quy định đeo khẩu trang đã được áp dụng suốt 27 tháng qua nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Người dân Hàn Quốc đã hoan nghênh quyết định trên, cho rằng đây là động thái cần thiết để khôi phục cuộc sống bình thường.

Anh Kim Jae-jin - Người dân Hàn Quốc: "Tôi nghĩ rằng hơi thở rất quan trọng trong tập luyện, hôm nay tôi sẽ tập luyện lần đầu tiên mà không đeo khẩu trang. Tôi có thể thở và tập thể dục tốt hơn khi không đeo khẩu trang".

Dù quy định đeo khẩu trang đã được dỡ bỏ, nhưng một số người dân Hàn Quốc vẫn lựa chọn đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe.

Chị Jeong Hye-won - Người dân Hàn Quốc: "Tôi sẽ tiếp tục đeo khẩu trang vì dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Khẩu trang bảo vệ tôi khỏi bị cảm lạnh và các bệnh khác, vì vậy tôi nghĩ tôi vẫn sẽ đeo chúng trong thời gian này".

Hiện tại, vẫn còn tâm lý cảnh giác trước nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát. Cho đến thời điểm này, Hàn Quốc vẫn duy trì biện pháp cách ly 7 ngày đối với các ca dương tính với SARS-CoV-2. Thống kê cho biết, số ca mắc mới theo ngày đã giảm đáng kể, xuống dưới 20.000 ca vào ngày 28/1.

(Nguồn: VTV)

AUSTRALIA CHUẨN BỊ TRIỂN KHAI TIÊM MŨI THỨ 5 VACCINE PHÒNG COVID-19

(Ảnh minh hoạ).

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Chính phủ Australia chuẩn bị đề xuất tiêm mũi tăng cường thứ 5 vaccine phòng COVID-19 trong bối cảnh nước này vẫn ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày nhưng người dân ngày càng ít quan tâm tới việc tiêm các mũi nhắc lại.

Một cuộc khảo sát do công ty Resolve Strategy thực hiện đã chỉ ra rằng cứ 5 người trưởng thành tại Australia thì có ít nhất 1 người đã tiêm đủ các mũi cơ bản bắt buộc nhưng không muốn tiêm các mũi vaccine nhắc lại.

Theo kết quả khảo sát, người dân Australia kỳ vọng tình hình đại dịch COVID-19 sẽ ổn định như hiện nay hoặc cải thiện, trong đó 53% người được khảo sát cho rằng số ca mắc bệnh COVID-19 sẽ giữ nguyên, 9% cho rằng sẽ giảm và 12% cho rằng sẽ giảm đáng kể trước khi các con số quay trở mức trung bình hoặc cao một lần nữa. Chỉ 12% lo ngại số ca nhiễm sẽ tăng lên theo thời gian với các điều kiện ngày càng xấu đi trong khi 18% còn lại tin rằng đợt bùng phát ca nhiễm sẽ diễn ra vào khoảng tháng 12.

Về thống kê số lượng tiêm nhắc lại, vào tháng 8/2022, có 44% số người được hỏi cho biết họ đã tiêm đủ 3 mũi vaccine ngừa COVID-19 và đang xem xét tiêm mũi thứ 4. Tuy nhiên, đến tháng 10/2022, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 16% và vào tháng 1/2023 là 6%. Điều này phản ánh thực tế là một số người trong nhóm khảo sát đã thực hiện xong các mũi tiêm nhắc thứ 4 trong quãng thời gian đó nhưng Giám đốc Jim Reed của Resolve Strategy nhận định nhiều người nghĩ rằng giai đoạn nghiêm trọng nhất của đại dịch đã qua. Theo ông Reed, kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ người muốn được tiêm mũi vaccine tăng cường tiếp theo đã giảm đi rõ rệt trong 6 tháng qua (từ tháng 8/2022 - 1/2023), đặc biệt là ở những người quyết định dừng lại ở 1 - 2 mũi vaccine.

Giáo sư Brendan Crabb, Giám đốc Viện nghiên cứu Burnet, nhận định người dân Australia ngày càng trở nên ít quan tâm hơn đến dịch bệnh COVID-19. Họ cho rằng đã hoàn thành nghĩa vụ tiêm 2 mũi vaccine bắt buộc và không cần thiết phải tiêm các mũi vaccine tăng cường. Theo Giáo sư Brendan Crabb, đại dịch COVID-19 vẫn đang khiến số người nhập viện tại Australia cao gấp 50 lần so với bệnh cúm mùa. Thực tế cho thấy bệnh COVID-19 gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn từ 50 - 100 lần so với bệnh cúm thông thường. Điều đó có nghĩa là 5% số người mắc bệnh COVID-19 sẽ đối diện với nguy cơ tử vong. Ngay cả khi đã được tiêm phòng, người bệnh vẫn có thể mắc bệnh COVID-19 kéo dài.

Nhóm tư vấn kỹ thuật về tiêm chủng Australia (ATAGI) đang cập nhật các hướng dẫn về điều kiện để tiêm nhắc liều vaccine tăng cường mới, mở đường triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 5. Số liệu mới nhất của chính phủ Australia cho thấy 33,6% dân số đủ điều kiện đã tiêm 4 mũi vaccine phòng COVID-19 và 35,9% đã tiêm 3 mũi. Có khoảng 20% dân số chỉ tiêm 2 mũi vaccine và số còn lại chỉ tiêm 1 mũi hoặc không tiêm. Phó Giáo sư James Trauer của Đại học Monash kêu gọi chính phủ cần nỗ lực hơn nữa để đưa ra thông điệp về sức khỏe cộng đồng tới những nhóm người lớn tuổi và dễ bị tổn thương hơn.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

(Xem thêm:

=> Covid-19 thế giới: Cập nhật; Thái Lan phát triển 'miễn dịch lai'; Indonesia tiêm vắcxin cho trẻ; Úc dư thừa kit xét nghiệm ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang