Covid-19 thế giới: Cập nhật; Đỉnh dịch chưa kết thúc; HQ tăng hạn chế nhập cảnh khách TQ; Châu Phi hạ nhiệt

CHÂU Á TIẾP TỤC DẪN ĐẦU THẾ GIỚI VỀ SỐ CA NHIỄM COVID-19 MỚI

(Ảnh minh hoạ).

Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 167.633 ca nhiễm mới, trong đó châu Á đứng đầu với 114.504 ca.

Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info, tính đến sáng ngày 28/1, thế giới lần lượt ghi nhận tổng số 674.499.750 ca nhiễm và 6.756.648 trường hợp tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 167.633 ca nhiễm mới, trong đó châu Á đứng đầu với 114.504 ca.

Theo worldometers.info, hiện toàn thế giới có 646.581.200 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Trong số 21.161.902 ca bệnh đang điều trị thì có 21.119.473 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,8%) và 42.429 ca (chiếm 0,2%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.

Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 244.61.065 trường hợp, trong đó có 2.003.391 ca tử vong và 240.248.114 ca được điều trị khỏi.

Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận 18.117 ca mắc COVID-19 mới, trong đó Nga ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất châu lục với 7.164 ca, tiếp đến là Pháp với 4.681 ca; Áo ghi nhận 2.972 ca; Tây Ban Nha ghi nhận thêm 1.259 ca;…

Tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 28/1 là 123.225.544 trường hợp, trong đó Mỹ có số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 nhiều nhất khu vực, với 104.105.932 ca nhiễm và 1.132.232 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 13.167 ca nhiễm mới COVID-19.

Tính đến sáng 28/1, Nam Mỹ có tổng cộng 67.670.442 ca nhiễm COVID-19, với 1.346.783 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 14.892 ca nhiễm COVID-19 mới. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 36.805.967 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Argentina với 10.032.709 ca; Colombia ghi nhận 6.356.309 ca…

Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 212.341.148 trường hợp, với 1.527.120 ca tử vong và 196.771.613 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận 114.504 ca nhiễm mới, trong đó Nhật Bản đứng đầu với 53.911 ca, tiếp đến là Hàn Quốc với 31.711 ca, Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận 24.350 ca …

Tính đến sáng 28/1, tổng số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại châu Phi lần lượt là 12.771.252 ca và 258.487 trường hợp. Nam Phi hiện dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khi ghi nhận 4.055.284 ca nhiễm và 102.595 ca tử vong vì dịch bệnh. Morocco là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 lớn thứ 2 trong khu vực khi ghi nhận 1.272.217 ca lây nhiễm và 16.296 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, Reunion ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 nhiều nhất với 1.082 ca; Nam Phi ghi nhận 230 ca, Zambia ghi nhận thêm 223 ca…

Hiện khu vực châu Đại Dương có tổng số 13.877.578 trường hợp mắc COVID-19, với 25.205 ca tử vong. Trong đó, Australia hiện đang dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng khi ghi nhận 11.295.446 ca; tiếp đến là New Zealand với 2.171.788 ca; New Caledonia ghi nhận 79.820 ca…

(Nguồn: VTV)

WHO: GIAI ĐOẠN KHẨN CẤP CỦA DỊCH COVID-19 CHƯA KẾT THÚC

Ngày 27/1, Ủy ban khẩn cấp về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhóm họp để thảo luận về việc liệu tình hình dịch COVID-19 hiện nay còn tương ứng với mức báo động toàn cầu cao nhất hay không.

Phát biểu khi bắt đầu cuộc họp của ủy ban, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch vẫn chưa kết thúc vì số ca tử vong vẫn gia tăng, đồng thời cảnh báo rằng ứng phó toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng "vẫn còn hạn chế".

Ông Tedros nói: "Khi chúng ta bước vào năm thứ 4 của đại dịch, chắc chắn chúng ta đang ở vị thế tốt hơn nhiều so với một năm trước, khi làn sóng dịch bệnh (do biến thể Omicron gây ra) lên đến đỉnh điểm và WHO đã ghi nhận hơn 70.000 ca tử vong mỗi tuần".

Theo Tổng giám đốc WHO, tỷ lệ tử vong hằng tuần đã giảm xuống dưới 10.000 ca vào tháng 10/2022 nhưng đã tăng trở lại kể từ đầu tháng 12/2022.

Tổng giám đốc WHO cho biết các vaccine phòng bệnh, xét nghiệm và phương pháp điều trị đóng vai trò quan trọng trong việc cứu mạng sống của các bệnh nhân, ngăn ngừa bệnh trở nặng và giảm bớt áp lực cho các hệ thống y tế và nhân viên y tế. Tuy nhiên, ông cho rằng ứng phó toàn cầu với dịch bệnh vẫn còn lúng túng vì ở nhiều quốc gia, các công cụ mạnh mẽ, cứu mạng này vẫn chưa đến được với những người dân cần nhất - đặc biệt là người già và nhân viên y tế. Ngoài ra, niềm tin của công chúng vào các công cụ phòng chống COVID-19 này đang bị xói mòn bởi "một loạt" thông tin sai lệch và xuyên tạc, trong khi các hệ thống y tế vẫn đang phải vật lộn để đối phó với gánh nặng của COVID-19.

Ủy ban độc lập trên họp 3 tháng một lần để thảo luận về đại dịch và báo cáo với Tổng giám đốc WHO, người sau đó sẽ quyết định liệu COVID-19 có còn là một tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không.

Trên toàn thế giới, gần 665 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 6,7 triệu ca tử vong đã được báo cáo lên WHO. Tuy nhiên, cơ quan y tế này của Liên hợp quốc luôn nhấn mạnh rằng con số thực sẽ còn cao hơn nhiều. Trong khi đó, hơn 13,1 tỷ liều vaccine phòng ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên toàn thế giới.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

NAM HÀN GIA HẠN BIỆN PHÁP HẠN CHẾ NHẬP CẢNH ĐỐI VỚI DU KHÁCH TRUNG QUỐC

(Ảnh minh hoạ).

Nam Hàn đã quyết định gia hạn các hạn chế nhập cảnh đối với các du khách đến từ Trung Quốc, bao gồm hạn chế cấp thị thực ngắn hạn, cho đến hết tháng Hai trong bối cảnh có những lo ngại rằng các ca nhiễm COVID-19 ở đại lục có thể gia tăng sau dịp Tết Nguyên Đán.

Theo dự kiến ban đầu, các hạn chế về thị thực đối với người Trung Quốc đi du lịch ngắn ngày sẽ được dỡ bỏ vào cuối tháng này, nhưng chính phủ Nam Hàn đã quyết định dời ngày này đến cuối tháng Hai.

Hôm thứ Sáu (27/01), các quan chức y tế đã đưa ra quyết định này trong một cuộc họp ứng phó với COVID-19, viện dẫn những lo ngại về một đợt bùng phát trở lại của dịch bệnh này ở Nam Hàn nếu các hạn chế đối với du khách Trung Quốc được dỡ bỏ, dựa trên thực trạng tụ họp đông người diễn ra trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc.

Nam Hàn cũng sẽ tiếp tục yêu cầu du khách Trung Quốc cung cấp kết quả xét nghiệm PCR âm tính trước khi khởi hành và sau khi đến nơi cho đến hết tháng Hai.

Tuy nhiên, theo hãng thông tấn AP đưa tin, Bộ Y tế và Phúc lợi Nam Hàn cho biết cơ quan này sẽ xem xét nới lỏng các hạn chế nhập cảnh sớm hơn nếu tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc được cải thiện.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Nam Hàn báo cáo khoảng 10% trong số 6,900 khách du lịch ngắn hạn từ Trung Quốc đến Nam Hàn trong khoảng thời gian từ ngày 02/01 đến ngày 26/01 đã cho kết quả dương tính với virus.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được dự đoán là sẽ trả đũa hành động này, trước đó đã cấm cấp các loại thị thực ngắn hạn cho công dân Nam Hàn và Nhật Bản sau khi hai quốc gia này áp đặt các hạn chế nhập cảnh liên quan đến COVID đối với các du khách Trung Quốc.

Úc, Canada, Cyprus, Pháp, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Malaysia, Nam Hàn, Qatar, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ tất cả đều đang thực hiện các yêu cầu xét nghiệm đối với du khách đến từ Trung Quốc, và EU đã tìm cách phối hợp [đưa ra các hạn chế để] ứng phó với vấn đề này.

Giới lãnh đạo ĐCSTQ đã đe dọa thực hiện “các biện pháp đáp trả” đối với bất kỳ quốc gia nào tiến hành các biện pháp hạn chế đối với khách du lịch [đến từ Trung Quốc] giống với biện pháp mà Trung Quốc đang thực hiện với du khách của họ.

Vẫn chưa rõ liệu chính quyền này có mở rộng việc đình chỉ thị thực sang các quốc gia khác vốn đã áp đặt xét nghiệm virus nghiêm ngặt hơn đối với hành khách đến từ Trung Quốc hay không.

Dịch bệnh bùng phát

Trung Quốc đã chứng kiến một sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 trên cả nước. Theo các quan chức và các nghiên cứu, hầu hết dân số đã bị nhiễm bệnh, và các lò hỏa táng cũng như các bệnh viện đã quá tải. Tuy nhiên, việc chính quyền tiếp tục che đậy số người tử vong khiến việc xác định quy mô thực sự của đợt bùng phát này trở nên khó khăn.

Hôm 21/01, ông Ngô Tôn Hữu (Wu Zunyou), trưởng nhóm dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, tuyên bố 80% dân số đã bị nhiễm bệnh trong đợt bùng phát mới nhất. Nhận xét của ông phù hợp với những tuyên bố của các quan chức Trung Quốc khác trong những tuần gần đây và một nghiên cứu cho thấy 900 triệu người Trung Quốc đã bị nhiễm bệnh.

Các quốc gia khác lo ngại về sự thiếu minh bạch của ĐCSTQ trong việc chia sẻ dữ liệu COVID-19 của quốc gia này.

Hồi tháng trước, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) của Trung Quốc đã ngừng công bố các ca nhiễm và tử vong do COVID hàng ngày. Thông tin liên quan về COVID sẽ được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, một bộ phận trực thuộc NHC, công bố “để tham khảo và nghiên cứu”.

Trung Quốc mới chỉ ghi nhận 11 trường hợp tử vong do COVID kể từ hôm 07/12, khi chính quyền này đột ngột đảo ngược hướng đi và nới lỏng chính sách zero COVID nghiêm ngặt của mình. Các quan chức y tế giải thích rằng họ chỉ tính những người tử vong vì suy hô hấp do COVID-19 gây ra, và không bao gồm những trường hợp tử vong do các bệnh tình khác ngay cả khi người qua đời đã xét nghiệm dương tính với virus.

“Tôi tin rằng định nghĩa [về tử vong do COVID] ở Trung Quốc là khá hẹp,” ông Mike Ryan, giám đốc các trường hợp khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết tại cuộc họp báo hôm 21/12. Ông cho biết thêm, những tiêu chí như vậy “sẽ đánh giá rất thấp về số ca tử vong thực sự liên quan đến COVID.”

Airfinity, một công ty phân tích dữ liệu y tế có trụ sở tại Anh, ước tính có tới 9,000 người ở Trung Quốc có thể qua đời mỗi ngày vì COVID. Hôm 29/12, các nhà nghiên cứu cho biết, số ca tử vong tích lũy ở Trung Quốc kể từ hôm 01/12 có thể lên tới 100,000 với tổng số ca nhiễm là 18.6 triệu.

(Nguồn: Epoch Times)

SỐ CA MẮC MỚI COVID-19 Ở CHÂU PHI GIẢM 97% TRONG 3 TUẦN ĐẦU NĂM

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết khu vực châu Phi có 20.552 ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận trong 3 tuần đầu tháng 1/2023, giảm 97% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 26/1 cho biết sau mùa du lịch đi lại nhiều nhân dịp đầu Năm mới 2023, số ca mắc COVID-19 đã không tăng mạnh tại châu Phi.

Tổng cộng 20.552 ca mắc mới được ghi nhận trong 3 tuần đầu tháng 1/2023, giảm 97% so với cùng kỳ năm 2022.

Thực tế mới trên một phần là do tỷ lệ xét nghiệm thấp, nhưng điều quan trọng là số ca nhập viện vì mắc bệnh nặng và số ca tử vong cũng đã giảm đáng kể. Tính đến ngày 22/1/2023, có 88 ca tử vong tại châu lục này do mắc COVID-19, giảm mạnh so với mức 9.096 ca cùng kỳ năm 2022.

Đại diện của WHO tại châu Phi, bà Matshidiso Moeti cho biết: “Đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta, tháng Một đầu năm không chứng kiến số ca mắc gia tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các biến thể tiếp tục lây lan, các nước cần cảnh giác và có biện pháp để phát hiện và xử lý kịp thời bất kỳ đợt bùng phát lây nhiễm mới."

Năm 2022, châu Phi đã không chứng kiến những đỉnh dịch lớn. Các đợt bùng phát kéo dài trung bình 3 tuần trước khi giảm. Ngược lại, năm 2021, châu lục này đã trải qua 2 làn sóng lây nhiễm các biến thể có khả năng lây lan nhanh và gây số ca tử vong lớn.

Dự báo trong những tháng tới, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan dù với mức thấp hơn và có thể tạo ra một số đợt bùng phát. WHO kêu gọi các nước duy trì khả năng phát hiện và ứng phó hiệu quả với những đợt bùng phát bất ngờ.

Trong năm 2022, trong khi các nước châu Phi nỗ lực tiêm phòng đại trà, chỉ 29% người dân châu lục này hoàn tất số mũi tiêm cơ bản tính đến ngày 22/1/2023, tăng 7% so với tháng 1/2022. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng ở người từ 18 tuổi trở lên tăng từ 13% tháng 1/2022 lên 47%. Có 4 quốc gia đã tiêm phòng cho hơn 70% dân số, 27 nước đã tiêm cho từ 10-39%, trong khi 11 nước đã đạt đến mức 40-70% dân số được tiêm phòng đầy đủ. Tiêm phòng cho các nhóm có nguy cơ cao đã đạt tiến bộ, với 41% nhân viên y tế được tiêm đầy đủ tại 28 quốc gia, và 38% người cao tuổi tại 23 quốc gia.

Bà Moeti nhấn mạnh khoảng cách miễn dịch lớn có thể tạo cơ hội tái bùng phát ca nhiễm mà lẽ ra vaccine có thể ngăn chặn. Bà cảnh báo dù số ca nhiễm đang giảm, nhưng đại dịch có thể đảo chiều bất ngờ và tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn là biện pháp quan trọng để ngăn mắc bệnh nặng và tử vong vì virus vẫn đang lây lan và tiếp tục biến đổi./.

(Nguồn: VietnamPlus)

(Xem thêm:=> Covid-19 thế giới: Cập nhật; Ấn Độ ra mắt vaccine nhỏ mũi; Nhật hạ cấp dịch; TQ đã qua đỉnh ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang