Covid-19 thế giới: Cập nhật; Ấn Độ ra mắt vaccine nhỏ mũi; Nhật hạ cấp dịch; TQ đã qua đỉnh

SỐ CA NHIỄM MỚI COVID-19 TRÊN THẾ GIỚI GIẢM HƠN 12 NGHÌN CA

(Ảnh minh hoạ).

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng 27/1/2023, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới là 674.156.358 ca, trong đó bao gồm 144.059 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Như vậy so với một ngày trước đó, số ca nhiễm mới COVID-19 giảm hơn 12 nghìn ca.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 690 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 lên 6.752.986 ca.

Châu Á chiếm phần lớn số ca nhiễm mới COVID-19 của thế giới trong 24 giờ qua với 118.861 ca, trong đó riêng tại Nhật Bản là 59.885 ca, Hàn Quốc là 35.096 ca, Đài Loan (Trung Quốc) là 19.144 ca;… Châu Á cũng ghi nhận 511 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong trong khu vực vì COVID-19 lên 1.526.673 ca. Trong tổng số 212.226.352 ca mắc COVID-19 của khu vực châu Á, có 196.695.197 ca đã được chữa khỏi.

Tại Indonesia, ngày 26/1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố rằng quốc gia Đông Nam Á này đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp từ đại dịch COVID-19 sang bệnh đặc hữu. Phát biểu tại cuộc họp quốc gia về chuyển tiếp xử lý COVID-19 và phục hồi kinh tế, ông Joko Widodo nhấn mạnh: “Hiện là giai đoạn chuyển tiếp và chúng ta phải tiếp tục tỉnh táo và cẩn trọng trong việc hoạch định chính sách”. Những tháng gần đây, Chính phủ Indonesia đã nỗ lực tăng cường miễn dịch cộng đồng và giảm thiểu rủi ro cho những người bị phơi nhiễm thông qua việc đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Tại Thái Lan, Cục Kiểm soát dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Thái Lan ngày 25/1 cho biết số ca nhập viện và tử vong do COVID-19 tại Thái Lan đã giảm trong tuần thứ ba của tháng 1/2023. Trong tuần lễ từ ngày 15-21/1, tổng cộng có 627 người phải nhập viện vì các triệu chứng COVID-19 nặng, trung bình là 90 ca/ngày. Con số này thấp hơn so với 969 ca nhập viện trong tuần lễ từ ngày 8-14/1, tức trung bình 138 ca/ngày. Kể từ đầu năm đến nay, tại Thái Lan có 2.593 người phải nhập viện vì các triệu chứng COVID-19 và 167 người tử vong. Bên cạnh đó, Cục Kiểm soát dịch bệnh cho biết hiện có 277 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị nhiễm trùng phổi và 187 người phải sử dụng máy thở.

Tại khu vực châu Âu, số ca mắc mới ghi nhận trong 24 giờ qua là 14.801 ca, nâng tổng số ca trong khu vực lên 244.528.414 ca. Tình hình số ca mắc mới tại các nước trong 24 giờ qua như sau: Nga có thêm 7.077 ca; Pháp có thêm 5.287 ca; Serbia có thêm 700 ca… Khu vực này ghi nhận 102 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 lên 2.001.706 ca.

Tình hình số ca mắc mới COVID-19 tại các khu vực khác như sau: Bắc Mỹ ghi nhận 7.093 ca nhiễm mới (con số này bao gồm 7.080 ca ở Mỹ, 13 ca ở Cuba); Nam Mỹ có thêm 2.998 ca (con số này bao gồm 2.216 ca ở Chile; 782 ca ở Bolivia); châu Phi có thêm 306 ca.

(Nguồn: Đảng Cộng Sản)

ẤN ĐỘ RA MẮT VACCINE COVID-19 DẠNG NHỎ MŨI ĐẦU TIÊN TRÊN THẾ GIỚI

Vaccine ngừa Covid-19 dạng nhỏ mũi đầu tiên trên thế giới mang tên iNCOVACC, do hãng dược phẩm Biotech của Ấn Độ sản xuất, đã chính thức được ra mắt hôm 26/1, đúng vào dịp quốc gia này kỷ niệm 74 năm Ngày Cộng hòa.

Phát biểu tại buổi ra mắt sản phẩm, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya nhấn mạnh khả năng đổi mới và sản xuất vaccine của Ấn Độ, điều đã được đánh giá cao trên toàn thế giới.

Ông Mandaviya cho biết, iNCOVACC là vaccine ngừa Covid-19 dạng nhỏ mũi đầu tiên trên thế giới, đây là một sự tôn vinh đối với chiến lược "Ấn Độ tự cường" (Atmanirbhar Bharat). Theo hãng Bharat Biotech, vaccine này dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Vaccine tái tổ hợp iNCOVACC đã được Tổng cục Quản lý Dược phẩm Ấn Độ (DCGI) phê duyệt vào tháng 11/2022, để sử dụng cho nhóm tuổi từ 18 trở lên. Thông qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 và 3 với hơn 3.000 tình nguyện viên, vaccine iNCOVACC cho kết quả khả quan.

Vaccine được phân phối cho các trung tâm tiêm chủng tư nhân với giá 800 rupee (khoảng hơn 9 USD) và 325 rupee (khoảng 4 USD) cho chính quyền trung ương và các tiểu bang.

Dạng vaccine nhỏ mũi giúp loại bỏ việc sử dụng ống tiêm, kim tiêm và các vật dụng y tế khác, nhằm tiết kiệm kinh phí, phân phối, bảo quản và xử lý chất thải y tế.

Vaccine iNCOVACC có thể bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2-8°C nên thuận lợi cho quá trình phân phối trên toàn quốc.

Vaccine dạng nhỏ mũi từ lâu đã được các nhà khoa học và chuyên gia y tế đánh giá là biện pháp quan trọng để chấm dứt đại dịch Covid-19. Dạng thuốc này nhằm mục đích bảo vệ đường mũi, nơi tiếp xúc đầu tiên với vi-rút SARS-CoV-2. Vaccine bao phủ một lớp kháng thể trong màng nhầy ở mũi nhằm tạo khả năng miễn dịch.

(Nguồn: VOV)

NHẬT BẢN: HẠ CẤP DỊCH COVID-19 XUỐNG MỨC CÚM MÙA

(Ảnh minh hoạ).

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 27/1, Hội đồng chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã nhất trí hạ cấp dịch COVID-19 xuống ngang với dịch cúm mùa.

Theo dự kiến, Nội các Nhật Bản sẽ chính thức phê chuẩn việc hạ cấp dịch COVID-19 tại cuộc họp của Ban chỉ đạo ứng phó với dịch COVID-19 vào chiều 27/1. Quyết định này có thể sẽ có hiệu lực từ ngày 8/5, tức là ngay sau kỳ nghỉ “Tuần lễ Vàng” ở nước này.

Trước đó, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội ngày 23/1, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để khống chế đợt bùng phát hiện nay, đồng thời bày tỏ ý định sẽ hạ cấp dịch COVID-19 xuống ngang với dịch cúm mùa vào mùa xuân năm nay.

Tại Nhật Bản, các bệnh truyền nhiễm được phân thành 5 nhóm, trong đó các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất như dịch hạch và Ebola được xếp vào nhóm 1. Các nhóm sau đó có mức độ nguy hiểm giảm dần, chẳng hạn nhóm 2 có bệnh lao, nhóm 3 có dịch tả, nhóm 4 có sốt vàng da và nhóm 5 có bệnh cúm mùa. Riêng dịch COVID-19 thuộc danh mục “cúm mới và các bệnh khác” nằm ngoài 5 nhóm trên. Đây là danh mục các dịch bệnh có mức độ nguy hiểm tương đương với các bệnh truyền nhiễm ở nhóm 2, nhưng lại áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tương đương với các bệnh truyền nhiễm trong nhóm 1.

Nếu dịch COVID-19 được đưa vào nhóm 5, tương đương với cúm mùa, đây sẽ là một thay đổi mang tính bước ngoặt hướng tới việc bình thường hóa các hoạt động kinh tế - xã hội ở Nhật Bản. Quyết định này sẽ giúp giảm kinh phí dành cho y tế của Chính phủ Nhật Bản vì khi đó, nhà nước sẽ không phải chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho các bệnh nhân COVID-19. Bên cạnh đó, những người nhiễm bệnh hoặc có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh sẽ không cần phải cách ly.

Mặc dù vậy, hiện nay, đa số người dân Nhật Bản vẫn lo ngại về dịch COVID-19. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất do đài truyền hình NHK thực hiện từ ngày 1/11 - 6/12/2022, với sự tham gia của 2.266 người ở độ tuổi từ 18 trở lên, cho thấy có 84% số người tham gia thăm dò bày tỏ lo ngại về dịch COVID-19 trong khi chỉ có 16% có câu trả lời ngược lại.

Trong số những người tham gia thăm dò, 98% số người cho biết vẫn đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên để phòng, chống dịch COVID-19; 67% tránh các địa điểm đông người hoặc không gian kín và 61% vẫn duy trì giãn cách xã hội.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

TRUNG QUỐC NÓI DỊCH ĐÃ QUA ĐỈNH, SỐ CA TỬ VONG VÀ NHIỄM COVID-19 NẶNG GIẢM HƠN 70%

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc hôm 25.1 cho biết các trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng do Covid-19 ở nước này đã giảm 72% so với mức cao nhất vào đầu tháng 1, trong khi số ca tử vong hàng ngày tại các bệnh viện cũng đã giảm 79% so với mức đỉnh.

Next

Các số liệu được CDC Trung Quốc đưa ra sau khi một nhà khoa học nổi tiếng của chính phủ hồi cuối tuần qua cho biết 80% trong số 1,4 tỉ dân của Trung Quốc đã mắc Covid-19, vì vậy khó có khả năng dịch sẽ bùng phát trở lại trong 2 hoặc 3 tháng tới.

Trung Quốc vào đầu tháng 12.2022 đột ngột chấm dứt chính sách “Không Covid” đã áp dụng suốt 3 năm, dẫn đến việc bùng nổ số ca lây nhiễm trên khắp quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trong khi các quan chức cho biết các ca nhiễm đã đạt đỉnh, một số chuyên gia thế giới lại cảnh báo về khả năng gia tăng ca bệnh ở các vùng nông thôn thiếu trang thiết bị y tế để đối phó bệnh Covid-19, khi hàng triệu người về quê đoàn tụ gia đình trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

CDC cho biết số bệnh nhân nguy kịch ở Trung Quốc đạt đỉnh vào ngày 4.1 với 128.000 ca và giảm xuống 36.000 ca vào ngày 23.1. Trong khi đó, số ca tử vong tại các bệnh viện đạt mức cao nhất hàng ngày là 4.273 vào ngày 4.1 và giảm xuống còn 896 ca vào ngày 23.1.

Số lượt bệnh nhân đến các phòng khám điều trị sốt đã giảm 96,2%, từ mức cao nhất là 2,8 triệu người vào ngày 22.12.2022 xuống còn 110.000 ca vào tháng 23.1.

Vào ngày 12.1, nhà chức trách thông báo rằng gần 60.000 người mắc Covid-19 đã tử vong trong bệnh viện kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách “Không Covid”.

(Nguồn: Thanh Niên)

(Xem thêm:

=> Covid-19 thế giới: Cập nhật; Vaccine mới giúp giảm nguy cơ mắc bệnh; TQ 7 triệu ca/ngày; Thái Lan hạ nhiệt ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang