Chính sách nhập cư Đức cần biết: Hạn chế nhập cư bất thường - Tổ chức, phân cấp điều hành ở tất cả các cấp

Lại một lần nữa, nhiều người nhập cư vào Đức không có căn cứ để được cấp giấp phép cư trú. Một quốc gia đã cam kết nhân đạo, phải có trách nhiệm tiếp nhận bảo vệ cho những người nước ngoài có thể chứng minh rằng họ đang chạy trốn chiến tranh hoặc bị đàn áp chính trị. Đồng thời, để đảm bảo không bị thiếu nguồn lực cho việc tiếp nhận và hòa nhập của họ, phải làm rõ những người không thể viện dẫn những lý do nhân đạo như trên, buộc phải trở về nước họ.

Vào cuối tháng 09.2023, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố: Số lượng người tị nạn tìm cách vào Đức quá cao vào lúc này. Đó là lý do tại sao Chính phủ Liên bang cần kiểm soát và điều chỉnh dòng người nhập cư bất thường với các biện pháp khác nhau.

Quan hệ đối tác với các nước thứ ba của người nhập cư

Mục đích của Chính phủ Liên bang là hồi hương những người không thể khẳng định họ có lý do tị nạn, theo cách ít quan liêu nhất. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ dự định ký kết các thỏa thuận mang tính thực tế và dựa trên quan hệ đối tác với các quốc gia có người sang Đức xin tị nạn đông, qua đó cả hai bên đều có lợi. Do đó, vào tháng 02.2023, Chính phủ Đức đã bổ nhiệm ông Joachim Stamp làm Đặc trách các Hiệp định di cư. Các thỏa thuận di cư là nền tảng quan trọng, một mặt phục vụ cho hợp tác kinh tế giữa 2 nước về thị trường lao động và mặt khác thuận lợi cho việc trả lại những người nhập cư về nước xuất xứ khi họ không đủ điều kiện tị nạn.

Nước xuất xứ an toàn

Để hạn chế nhập cư bất hợp pháp, Cộng hòa Moldova và Gruzia cũng đã được bổ sung vào danh sách các nước xuất xứ an toàn. Cả hai nước đều muốn trở thành thành viên của Liên minh châu Âu. Ở cả hai quốc gia, người dân thường không bị đe dọa đàn áp chính trị. Hơn một phần mười đơn xin tị nạn bị từ chối đến từ hai quốc gia này. Mục đích là để giảm di cư bất hợp pháp một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Gói chính sách hồi hương của Chính phủ Liên bang

Một bước thiết yếu để hạn chế di cư bất hợp pháp là hồi hương nhanh hơn, tức trả lại hoặc trục xuất những người không có quyền ở lại Đức. Một dự luật tương ứng đã được Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Nancy Faeser đưa ra ngày 11.10 .2023 và được thông qua tại Quốc hội Đức vào ngày 18.01.2024. Đó là Gói Chính sách hồi hương cung cấp các biện pháp để cải thiện thủ tục và thực thi trách nhiệm rời khỏi nước Đức một cách nhất quán hơn. Điều này cũng liên quan đến việc trục xuất nhanh chóng những người phạm tội và những người gây ra mối đe dọa cho Đức.

Hỗ trợ cho các cơ quan nhập cư và phúc lợi

Ngày 01.11.2023, Chính phủ Liên bang đã đưa ra dự thảo luật về điều chỉnh các quy định trao đổi dữ liệu trong luật nhập cư và an sinh xã hội. Mục đích là cải thiện việc trao đổi dữ liệu thông qua Trung tâm Đăng ký người nước ngoài das Ausländerzentralregister (AZR). Trong tương lai. AZR sẽ ghi lại thông tin về việc những người nhập cư có nhận được trợ cấp, sinh hoạt phí hay không (theo Đạo luật Phúc lợi Người xin tị nạn, quyển thứ hai, thứ tám hoặc thứ mười hai của Bộ luật Xã hội và Đạo luật Cấp sinh hoạt phí Asylbewerberleistungsgesetz, Zweiten, Achten oder Zwölften Buch Sozialgesetzbuch sowie Unterhaltsvorschussgesetz), cơ quan nào chịu trách nhiệm cấp, trong khoảng thời gian nào. Các cơ quan phúc lợi và sở ngoại kiều sẽ được giải tỏa bớt công việc, không còn phải xử lí thủ công như trước đây.

Hình phạt cứng rắn hơn đối với những kẻ buôn người

Ngày 01.11.2023, Chính phủ Đức đã đề xuất tăng đáng kể hình phạt đối với những kẻ buôn người. Trong trường hợp kinh doanh buôn người chuyên nghiệp hoặc băng đảng, hoặc trong các trường hợp liên quan đến vũ khí, gây nguy hiểm cho sức khỏe, trẻ vị thành niên không có người đi kèm hoặc vượt qua trạm kiểm soát của cảnh sát, mức án tối thiểu là một năm tù. Do đó, các hành vi tội phạm này sẽ được phân loại là tội phạm hình sự. Trong tương lai, cảnh sát và văn phòng công tố có quyền nghe lén liên quan đến các hành vi kinh doanh buôn người, băng đảng.

Kiểm soát biên giới nội bộ

Để chống buôn người mạnh mẽ hơn nữa và hạn chế di cư bất hợp pháp, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Faeser ngày 16.10.2023 đã thông báo cho Ủy ban châu Âu về việc kiểm soát biên giới nội bộ tạm thời tại biên giới với Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sĩ. Đồng thời, các biện pháp kiểm soát biên giới nội bộ tạm thời tại biên giới với Áo một lần nữa được nhấn mạnh.

Trong vài tuần qua, đã có các biện pháp kiểm soát linh hoạt được tăng cường đáng kể trên khắp khu vực biên giới, và các cuộc tuần tra chung với cảnh sát biên giới Ba Lan và Cộng hòa Séc đã được thực hiện trên lãnh thổ của họ. Đã có một kế hoạch hành động chung với Thụy Sĩ. Các biện pháp này sẽ được tiếp tục với sự phối hợp chặt chẽ cùng các nước láng giềng.

Giải pháp châu Âu

Ngày 20.12.2023, các nước thành viên EU, Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu đã nhất trí về một Thỏa hiệp cải cách hệ thống tị nạn và di cư châu Âu. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hoan nghênh cải cách. Ông viết trên X: "Một quyết định rất quan trọng. Sau các cuộc thảo luận dài, châu Âu cuối cùng đã đồng ý về một hệ thống tị nạn chung châu Âu. Bằng cách này, chúng ta đang hạn chế di cư bất hợp pháp và giảm bớt gánh nặng cho các quốc gia bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, bao gồm cả Đức.

Cải cách tị nạn của EU (EU-Asylreform) bao gồm bảo vệ hiệu quả ở biên giới bên ngoài châu Âu với các tiêu chuẩn thống nhất về đăng ký và trách nhiệm, cũng như cơ chế phối hợp bắt buộc. Điều này có nghĩa là các quốc gia thành viên nhận được ít đơn xin tị nạn hơn có thể tiếp nhận những người tị nạn từ các nước EU khác, hoặc đóng góp tài chính hoặc gửi nhân viên để xây dựng năng lực.

Thỏa thuận hiện còn chờ Nghị viện châu Âu và các quốc gia EU chính thức xác nhận. Mục tiêu rõ ràng là vào cuối giai đoạn lập pháp này, sẽ thông qua tất cả các hồ sơ của gói chính sách tị nạn.

Phân chia quốc tế công bằng hơn

Vào tháng 12.2018, đại đa số cộng đồng quốc tế lần đầu tiên nhất trí về một khuôn khổ toàn diện để hợp tác tốt hơn về các vấn đề người tị nạn. Với Hiệp ước Toàn cầu về Người tị nạn (GCR), tất cả các quốc gia tham gia đều cam kết cải thiện hợp tác quốc tế về các vấn đề tị nạn và đạt được sự chia sẻ gánh nặng công bằng hơn.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang