1000 Bài thơ châm ngôn - Phần XVIII (601 - 625): Thời trang với phụ nữ / Còn hơn cả quan tòa

601

Ít nhiều ai cũng có

Cái gọi là lương tâm.

Khác nhau: cắn đau nhói,

Hay chỉ cắn âm thầm.

 

602

Mỗi lần gặp tai họa,

Bạn bè không giúp đâu,

Hoặc giả nếu có giúp,

Cũng rất chậm và lâu.

 

Có thể nhờ bố mẹ

Nếu thực sự thấy cần.

Nhưng xưa nay tốt nhất

Là dựa vào bản thân.

 

603

Người biết yêu cuộc sống,

Biết vui đùa, là người

Sớm muộn sẽ thành đạt

Và hạnh phúc ở đời.

 

Ai chỉ biết than vãn

Và nhăn nhó suốt ngày,

Thì trời cũng bất lực.

Tội nghiệp cái anh này.

 

604

Về bản chất, tiền bạc

Chỉ khêu gợi lòng tham,

Chứ không mang hạnh phúc.

Mà tham thì lại thâm.

 

Càng có nhiều tiền bạc,

Người ta càng muốn thêm.

Như người thích của ngọt,

Không bao giờ đã thèm.

 

605

Đi nhà chùa cúng Phật

Có thể bằng tay không.

Các mâm cỗ đầy ắp

Chưa hẳn bằng tấm lòng.

 

606

Khi dính vào phụ nữ,

Dẫu thần thánh hay người,

Đều mất thiêng, điều ấy

Đúng mọi lúc, mọi nơi.

 

Đặc biệt khi ông chủ

Trót dính vào Ô-sin,

Thì chủ không là chủ,

Mà trở thành con tin.

 

607

Ai ôm máy điện thoại

Suốt ngày gọi và nghe,

Tôi cá mười ăn một,

Thần kinh có vấn đề.

 

Tôi, cả tuần không gọi

Nghe thì buộc phải nghe,

Ngày vài cuộc, có lẽ

Thần kinh cũng vấn đề.

 

608

Nhiều người hay lợi dụng

Tình bạn và tình thân,

Nói điều không tế nhị,

Đôi lúc không thực cần.

 

Ngược lại, đã thân thiết,

Càng phải nói nhẹ nhàng.

Họ là người trước hết

Đáng để ta dịu dàng.

 

609

Nô tỳ lấy ông chủ,

Thì dẫu trước nô tỳ,

Giờ vẫn là bà chủ,

Chẳng coi ai ra gì.

 

Ông chủ mà dại dột

Trót dính vào ô-sin,

Thì ô-sin là chủ,

Ông chủ là ô-sin.

 

610

Thời trang với phụ nữ

Còn hơn cả quan tòa.

Quan đòi hối lộ một.

Quần áo đòi gấp ba.

 

611

Ai đến ba mươi tuổi

Chưa khôn ngoan thành người,

Thì suốt đời người ấy

Khó khôn ngoan thành người.

 

612

Tôi quan sát, và thấy

Nhiều người hứa rất nhiều,

Nhưng chẳng làm được mấy

Cho người mình nói yêu.

 

Không ít người hào phóng

Hứa giúp đỡ, tuy nhiên,

Họ lặng lẽ biến mất

Khi liên quan đến tiền.

 

Đừng tin ai to tiếng

Thương xót bạn suốt ngày.

Người thực sự muốn giúp

Nói ít và giúp ngay.

 

613

Đừng tin ai tuyên bố,

Dẫu chân thật, hồn nhiên:

Họ muốn làm việc thiện,

Chỉ tiếc không có tiền.

 

Tạm gác chuyện người ấy

Có tiền thật hay không.

Có một điều chắc chắn:

Người ấy không có lòng.

 

614

Muốn biết ai bần tiện

Và keo kiệt thế nào,

Hãy xem họ sử dụng

Điện cơ quan ra sao.

 

Nếu họ bật máy lạnh,

Đóng cửa đi chơi lâu,

Ở nhà mình, chắc chắn,

Họ chỉ thắp đèn dầu.

 

615

Một khi anh giàu có,

Bạn kéo đến rất đông.

Họ có phải bạn không,

Chỉ khi nghèo mới biết.

 

616

Xưa, một cô bé nọ,

Mong ước suốt ngày đêm,

Có chiếc váy thật đẹp,

Như của nàng Lọ Lem.

 

Tất nhiên cô diện nó

Trong ngày cưới của mình.

Cô nghèo, người lại xấu,

Chắc nó làm cô xinh.

 

Thế là cô ki cóp

Từng đồng một âm thầm

Tiền quà, tiền ăn sáng,

Tiền mừng tuổi đầu năm.

 

Đến năm mười ba tuổi

Cô góp được khá nhiều,

Đủ mua nửa chiếc váy,

Loại có chỉ vàng thêu.

 

Cô sẽ nhịn ăn nữa,

Sẽ làm nũng, xin bà.

Còn lại nửa chiếc váy,

Mục tiêu không còn xa.

 

Tiếc rằng một ngày nọ,

Mẹ cô đi đâu về,

Thấy số tiền cô giấu,

Liền đem đi chơi đề.

 

617

Tôi có ông hàng xóm,

Được mời, không mất tiền,

Ông gọi món đắt nhất,

Gọi to và thản nhiên.

 

Ở nhà, ông ghê lắm.

Con cá trích chia ba

Cho ba đứa con nhỏ.

Ông và vợ ăn cà.

 

Một lần, ông nổi hứng,

Mời bạn chơi tất niên.

Uống bia xong, ông nói:

“Để đấy, tớ trả tiền.”

 

Ông bắt đầu móc túi.

Móc rất chậm, than ôi,

Đến khi tìm được ví,

Thì bạn đã trả rồi.

 

Ông này, buồn cười lắm.

Cái gì cũng tranh hơn.

Cái gì cũng sợ thiệt.

Không biết nói “Cảm ơn”.

 

618

Bọn trộm cướp, cặn bã,

Đĩ điếm và du côn,

Vì là người, nên chúng

Tất nhiên cũng có con.

 

Bố mẹ đã như thế,

Con cái sẽ ra sao?

Chúng, lũ trẻ tội nghiệp,

Được nuôi dạy thế nào?

 

Ba mươi năm về trước,

Sống ở Ngõ Mai Hương,

Tôi tận mắt chứng kiến

Câu chuyện này đáng thương.

 

Một câu chuyện có thật,

Như vừa mới hôm nay.

Bạn đọc rồi suy ngẫm.

Đại khái là thế này.

 

Thằng nghiện lên cơn thèm,

Cần tiền mà không có.

Nhà chỉ có bóng đêm,

Mùi hôi và ít gió.

 

Vợ hắn vào giờ này

Đang hành nghề ăn cắp.

Khốn nỗi mấy hôm nay

Toàn công an bắt gặp.

 

Còn hắn thì tay chân

Luôn run run vì đói

Đói chích và đói ăn,

Cả người đau nhức nhối.

 

Hắn nhìn quanh khắp nhà

Không thấy gì, tức giận

Đá thằng con lên ba

Bẩn và gầy như hắn.

 

Hắn chửi đất, chửi trời,

Chửi đứa con quấy nghịch.

Chửi vì sống ở đời

Không có tiền để chích.

 

Cuối cùng hắn nghĩ ra

Cách kiếm tiền hiếm có.

Hắn lôi con khỏi nhà

Rồi ngồi chờ trước ngõ.

 

Thì ra hắn sẵn sàng

Chỉ rình xô con ngã

Vào xe người đi ngang

Để bắt đền, ăn vạ.

 

Mọi người biết, bảo nhau

Phải lánh xa, cẩn thận.

Xe nhiều mà hồi lâu

Không ai chèn con hắn.

 

Còn thằng bé đáng thương

Luôn khóc kêu sợ sệt,

Vì bị xô ra đường,

Bị đánh vì không chết.

 

Thằng nghiện đang lên cơn,

Hắn gầm gừ tức giận,

Mong ai đó ban ơn

Chẹt hộ con cho hắn.

 

620

Hôm nọ, do click chệch,

Lạc vào một trang Phây

Của bác gái nào đó.

Bác post cái tin này:

 

“Mình mua chiếc áo mới

Giá bảy mươi nghìn đồng.

Màu cũng đẹp đấy nhỉ?

Mọi người thấy được không?”

 

Status chỉ thế.

Tôi thoáng đọc, giật mình.

Hơn một trăm còm sĩ

Cùng xúm lại rồi bình.

 

Có bác còm mấy bận,

Còm ngắn rồi còm dài.

Sôi nổi và nghiêm túc.

Số còm lên trăm hai.

 

Người còm ở Hà Nội,

Ở Mỹ, Nhật, Trung Đông…

Tán về một chiếc áo

Giá bảy mươi nghìn đồng.

 

Cái hoạt động còm ấy

Kéo dài hai giờ liền.

Có cả lời châm chọc,

Cả chửi thề, xỏ xiên.

 

Tôi ngồi im, thuỗn mặt.

Đứng dậy, ra ban - công.

Không thể không thất vọng,

Không thể không đau lòng.

 

Bao cái hay cần đọc,

Bao cái tốt của đời

Không thèm đọc, không biết,

Họ, friends của tôi.

 

PS

Thú thật, sau vụ ấy

Tôi bỏ Phây hai ngày,

Suýt nữa thì bỏ hẳn.

Tiên sư thằng Phây này.

 

621

Ngày xưa có cây táo,

Lá xum xuê và dày.

Một cậu bé rất thích

Chơi với nó hàng ngày.

 

Cậu thường leo lên nó,

Hái quả ăn ngon lành.

Trưa mệt, cậu nằm ngủ

Dưới tán lá cây xanh.

 

Cậu bé yêu cây táo

Chân thành và ngây thơ.

Cây táo cũng yêu cậu,

Ngày nào nó cũng chờ.

 

Thời gian trôi, cậu bé

Cứ lớn dần, lớn dần,

Cậu bận học, có vẻ

Đã quên người bạn thân.

 

Một hôm cậu xuất hiện,

Đôi mắt thoáng buồn rầu.

Cây táo hồ hởi nói:

“Nào, ta chơi với nhau!”

 

Cậu bé đáp: “Xin lỗi,

Tớ đã lớn, buồn sao,

Không thể chơi với cậu

Vui vẻ như ngày nào.

 

Tớ muốn đồ chơi đẹp,

Mà lại không có tiền.”

Cây táo nói: “Thật tiếc,

Tớ cũng không, tất nhiên,

 

Nhưng cậu có thể hái

Táo của tớ trên cây.

Cách ấy tớ có thể

Giúp được cậu lần này.”

 

Cậu bé nghe, sung sướng

Hái hết táo mang đi,

Rồi không thấy quay lại.

Cây buồn, không nói gì.

 

Bỗng một hôm, cậu bé,

Giờ là người đàn ông,

Quay lại gặp cây táo,

Nhiều phiền muộn trong lòng.

 

Lần nữa ông xin lỗi:

“Tớ đã có gia đình,

Mà nhà thì chưa có,

Một ngôi nhà của mình.”

 

Cây táo đáp: “Thật tiếc,

Tớ cũng không có nhà.

Nhưng cậu có thể chặt

Cành lá tớ xùm xòa.

 

Hy vọng cậu đủ gỗ

Để xây nhà cho mình.

Ngôi nhà quan trọng lắm

Khi cậu có gia đình.”

 

Người đàn ông sung sướng

Chặt hết cành mang đi,

Không một lần quay lại.

Cây buồn, không nói gì.

 

Rất cô đơn và lạnh

Khi gió bão, mưa sa,

Nhưng cây táo hạnh phúc

Biết bạn mình có nhà.

 

Người đàn ông lại đến,

Mái tóc bạc trên đầu.

Cây táo thấy, vui sướng:

“Nào, ta chơi với nhau!”

 

“Không, tớ già, muốn nghỉ.

Bao phiền muộn trong lòng.

Tớ cần chiếc thuyền nhỏ.

Cậu giúp tớ được không?”

 

“Thế thì chặt thân tớ,

Để đóng một con tàu.

Cậu tha hồ chơi biển,

Sẽ không thấy buồn rầu.”

 

Ông già chặt cây táo,

Thuê xe đến mang đi

Rồi không hề quay lại.

Cây buồn, không nói gì.

 

Cuối cùng ông cũng đến,

Một ông lão yếu gầy.

“Tớ không còn gì nữa

Để cho cậu lần này, -

 

Cây nói. - Không còn táo

Để cậu thích thì ăn.”

Ông lão đáp: “Răng rụng,

Không nhai được, không cần.”

 

“Thân tớ không còn nữa

Để leo như ngày nào.”

“Đã qua rồi thời đó.

Ừ, cái thời vui sao.”

 

“Vậy thì tớ quả thật

Không còn gì để cho,

Ngoài gốc cây và rễ

Đang mục dần thành tro.”

 

“Bây giờ, - ông lão nói.

Tớ quả không cần nhiều.

Chỉ một nơi để nghỉ

Và để sưởi nắng chiều.”

 

“Thế thì tốt, thật tốt.

Tớ giúp cậu lần này.

Để tựa và để nghỉ,

Gì tốt hơn gốc cây?”

 

Ông lão ngồi xuống nghỉ,

Tựa lưng ông bạn già.

Cây táo vui, muốn khóc,

Đôi mắt lệ ướt nhòa.

 

Các bạn trẻ thân mến,

Tôi viết câu chuyện này

Cho bạn - những cậu bé,

Còn bố mẹ là cây.

 

Thế đấy, ta, con cái,

Chỉ biết nghĩ về mình.

Không biết rằng bố mẹ

Phải suốt đời hy sinh.

 

Ta được sinh, khôn lớn,

Rồi đi xa, bay xa,

Cuối cùng lại cần đến

Vòng tay bố mẹ già.

 

Câu chuyện này triết lý

Hãy đọc cho con mình,

Để chúng không ích kỷ,

Dẫu tài giỏi, thông minh.

 

622

Theo người ta kể lại,

Xưa có người đàn ông

Sống với một cậu bé

Trong ngôi nhà ven sông.

 

Đó là hai ông cháu.

Người ông tóc bạc phơ.

Cậu bé mới mười tuổi.

Quang cảnh đẹp, nên thơ.

 

Hàng ngày ông đọc sách.

Vâng, đọc sách hàng ngày.

Có nhiều cuốn sách cổ

Gáy bọc da, rất dày.

 

Còn cậu bé đi học,

Cũng hàng ngày, buổi chiều,

Khi làm xong bài tập,

Cậu chơi bóng, thả diều.

 

Cũng có hôm chơi chán,

Cậu đọc sách cùng ông,

Nhưng đọc không hứng lắm,

Và lúc hiểu, lúc không.

 

“Ông ơi, sao thế nhỉ, -

Cháu đọc thấy không hay,

Lại buồn ngủ, không hiểu.

Mà ông đọc suốt ngày.”

 

Ông mỉm cười bảo cậu

Lấy chiếc giỏ than đen

Vừa đổ than vào bếp,

Xuống sông xách nước lên.

 

Cậu vâng lời, rất cố,

Nhưng khi lên đến nơi,

Nước đã chảy ra hết.

Ông cậu lại mỉm cười:

 

“Thì cháu hãy thử lại.

Lần này đi nhanh hơn.”

Cậu đi gần như chạy,

Mà nước vẫn không còn.

 

Cậu xách thêm lần nữa,

Mồ hôi chảy thành dòng:

“Không thể dùng chiếc giỏ

Để lấy nước, thưa ông.”

 

Ông cậu đáp: “Đúng vậy.

Thực ra ông hôm nay

Không muốn cháu lấy nước,

Mà muốn nói điều này:

 

Giỏ không đựng được nước.

Nhưng giỏ bám than đen,

Sau mấy lần “lấy nước”

Sẽ sạch, trắng dần lên.

 

Cũng vậy, cháu đọc sách,

Khó hiểu, thấy không cần.

Nhưng cháu kiên trì đọc,

Đầu óc sẽ sáng dần.”

 

Cậu bé nhìn chiếc giỏ,

Hình như lần đầu tiên,

Thấy nó được nước rửa

Không còn bám bụi đen.

 

Vâng, ông già nói thế,

Rằng đọc sách rất cần

Tâm hồn và ý nghĩ

Sẽ thanh lọc dần dần.

 

Còn tôi thì nhân tiện

Xin nói thêm một điều:

Tương tự, nhạc cổ điển

Cũng giúp ta rất nhiều.

 

Nghe nó, từng tí một,

Như đọc sách hàng ngày,

Ta trở thành người tốt

Tự lúc nào không hay.

 

Nó làm ta tinh tế,

Thấy cái đẹp của đời,

Nghe bài ca của gió,

Thấm cái đau của người.

 

623

Khi một cửa bị đóng,

Có thể cách không xa,

Một cửa khác đang mở,

Bạn có thể đi qua.

 

Thế mà bạn chỉ tiếc

Chiếc cửa đóng, buồn phiền.

Không tìm các lối khác

Để tiếp tục đi lên.

 

624

Tứ Thư của Khổng Tử

Có cuốn gọi Trung Dung,

Khuyên ta trong mọi cái

Đừng đẩy đến tận cùng.

 

Lão Tử, còn hơn thế,

Khuyên ta sống tự nhiên

Như mây trời, cây cỏ,

Sẽ thoát hết buồn phiền.

 

Cứ đều đều mà tiến.

Vội vã mà làm gì.

Cái gì đến sẽ đến.

Cái gì đi sẽ đi.

 

Trong cái may có rủi.

Trong rủi có cái may.

Để chứng minh điều ấy,

Tôi có câu chuyện này.

 

Một bác nông dân nọ

Có con ngựa cái non.

Thế mà nó chạy mất,

Khiến cả nhà rất buồn.

 

Hay tin, nhiều hàng xóm

Đến chia buồn với ông.

Ông nói: “Ừ, rủi thật.

Cũng có thể là không.”

 

Hôm sau, con ngựa cái

Tự nhiên chạy về nhà,

Kéo theo một con đực.

Ối chà chà, ối chà!

 

Hàng xóm lại kéo đến

Chia vui, uống say mèm.

Chủ nhà vẫn tỉnh táo:

“Ừ, còn để rồi xem.”

 

Được hai ngày, bất cẩn,

Thằng con cả của ông

Tập cưỡi con ngựa mới,

Ngã gãy chân, vẹo hông.

 

Hàng xóm đến an ủi:

Ôi tiếc sao, buồn sao.

Ông bố tư lự nói:

“Để còn xem thế nào.”

 

Bỗng xẩy ra chiến sự.

Lính vua đến đầy nhà

Để bắt lính, cậu cả

Chân què, nên được tha.

 

Hàng xóm lại kéo đến,

Lại mừng, uống suốt đêm.

Ông chủ nhà không uống,

Lẩm bẩm: “Để rồi xem.”

 

625

Câu chuyện này có thật,

Mà lại chuyện ngày nay,

Được nhiều người biết đến.

Đại khái chuyện thế này.

 

Có một nhà toán học

Trẻ tuổi và thông minh,

Tiếc rằng chàng nghèo quá

Nên đã bị người tình

 

Bỏ rơi, theo người khác,

Theo một chàng sĩ quan.

Cuộc đời vốn vẫn vậy,

Chẳng có gì đáng bàn.

 

Một lần, hai chàng ấy

Cãi cọ rất gắt gay,

Rồi thách nhau đấu súng,

Hẹn sau hai mươi ngày.

 

Nhưng đời thật trái khoáy:

Trong hai mươi ngày sau,

Nhiều phương trình toán học

Bỗng xuất hiện trong đầu.

 

Chàng cắm cúi làm việc,

Chạy đua với thời gian,

Hết tính toán lại viết,

Không rời khỏi chiếc bàn.

 

Rồi hai mươi ngày hết,

Công trình vẫn chưa xong.

Một công trình vĩ đại,

Chàng ấp ủ trong lòng.

 

Thôi thì đành chịu nhục.

Phải hoàn tất công trình,

Chàng xin hủy cuộc đấu,

Và đã được người tình

 

Thẳng thừng ném vào mặt

Một chữ “Hèn” sỗ sàng.

Chữ “Hèn” nhục nhã ấy

Suýt đã giết chết chàng.

 

Nhưng chàng cố gượng dậy

Bất chấp lời thị phi,

Lại làm việc, làm việc,

Ngoài ra không biết gì.

 

Cuối cùng, công trình ấy

Cũng được chàng viết xong,

Một công trình vĩ đại

Chàng thực sự hài lòng.

 

Chàng tắm rửa sạch sẽ,

Uống một cốc rượu vang,

Cầm khẩu súng thách đấu

Rồi bắn vào tim chàng. 

 

“Bàn về toán vũ trụ”,

Công trình toán “dở hơi”

Được in mấy trăm bản

Sau khi chàng qua đời.

 

Rồi thiên tài vật lý

Einstein, một ngày,

Trong cửa hàng sách cũ

Nhìn thấy công trình này.

 

Ông say mê đọc nó,

Quả có một không hai.

Chốc chốc ông ngả mũ

Như cúi chào thiên tài.

 

Đọc xong ông kinh ngạc,

Suýt nữa thì kêu lên,

Khi thấy chữ “Le Lâche

Tên tác giả - Thằng Hèn.

 

Lát sau ông chữa lại

Thành “Lâche le Grand”,

Tức “Thằng Hèn Vĩ Đại.”

Cũng là một dạng hèn.

 

Câu chuyện chỉ có thế.

Chẳng biết viết thêm gì.

Mà cũng chẳng cần viết.

Ai nghĩ gì thì tùy.

 

Có cái sai trong đúng,

Có cái đúng trong sai.

Có những người nhỏ bé,

Có những bậc thiên tài.

 

Có cái hèn hèn thật,

Có cái hèn tạm thời.

Ừ, thì hèn cũng được,

Miễn có ích cho đời.

 

Nguồn: FB Thái Bá Tân

 

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang