- Văn nghệ
- Thơ
176
Cây mọc được xanh tốt,
Lại còn cho quả ngọt
Là nhờ ở dưới cây
Xác chết tích lâu ngày.
177
Sao không buồn cho được,
Khi sự thật vẫn là:
Chưa kịp học cách sống,
Cái chết đã chờ ta.
178
Kinh nghiêm là cái lược
Mà thiên nhiên, buồn sao,
Ban cho ta khi tóc
Đã không còn sợi nào.
179
Thành La Mã được xây
Không phải trong một ngày,
Nhưng phá nó, có thể
Trời chỉ mất vài giây.
180
Người bác sĩ đích thực
Của tâm hồn chúng ta
Lại chính là triết học
Chứ không phải thơ ca.
181
Dựa vào tài người khác,
Ta có thể uyên bác.
Nhưng muốn thành thông minh,
Phải dựa vào chính mình.
182
Của cải có thể mua
Bằng lao động trí tuệ,
Nhưng tiền bạc không thể
Mua được trí tuệ nào.
183
Trí tuệ không dùng lâu,
Như trái cây khô thối.
Nhưng trí tuệ gặp nhau
Sẽ lóe lên sáng chói.
184
Thà ngu dốt còn hơn
Thông minh mà độc ác.
Đặc tính của người ngu:
Chỉ thấy lỗi người khác.
185
Ai không biết tưởng tượng,
Không có cánh để bay.
Có cánh mà không bay
Là phí óc tưởng tượng.
186
Con đường của vinh quang
Luôn tiến lên phía trước,
Vừa hẹp, lại khó đi,
Nên không thể lùi bước.
187
Cuộc đời xưa và nay
Luôn khách quan, và nó
Không tốt, không xấu hơn
Như bản thân vốn có.
188
Người chỉ sống bằng tình,
Kết thúc là bi kịch.
Còn hài kịch là người
Sống chỉ bằng thông minh.
189
Người thực sự uyên bác,
Nói giản dị, chân thành.
Người tỏ ra uyên bác
Nói rối rắm, vòng quanh.
190
Quân tử chính là người
Không bỏ nghĩa vì lợi.
Tiểu nhân thì suốt đời
Đâu có tiền là tới.
191
Với những kẻ muốn chết,
Giúp cũng chẳng ích gì.
Gặp kẻ đang khát bạc,
Thì đừng khuyên, quên đi.
192
Tiểu nhân luôn hiếu danh,
Việc làm thường giả dối.
Quân tử hiểu chính danh,
Làm nhiều mà ít nói.
193
Khổng Tử dạy: Họa trời
May ra còn cứu được,
Nhưng nếu là họa người,
Thì coi như hết nước.
194
Học, học nữa, học mãi,
Sớm muộn cũng thành danh.
Cứ kiên gan, bền chí,
Chuyện gì làm cũng thành.
195
Có học, không có đức
Là người ác, đáng chê.
Có đức, không có học,
Ấy là người chân quê.
196
Quân tử sống ở đời,
Như Khổng Tử đã nói
Trên - không dám oán trời,
Dưới - không nỡ trách người.
197
Nói nhiều thì nhiều lỗi,
Và sự thật vẫn là:
Người biết thường im lặng,
Kẻ dốt thích ba hoa.
198
Nếu đã làm việc nghĩa,
Thì không được suy bì.
Đã anh hùng, hảo hán,
Sao còn ngại gian nguy?
199
Người xưa dạy: Làm việc,
Phải làm trước mọi người.
Nếu quả tình phải nói,
Nên nói sau mọi người.
200
Bạn gặp nạn, đừng hỏi:
“Tớ có thể làm gì.”
Muốn giúp thì cứ việc
Lặng lẽ mà giúp đi.
Nguồn: FB Thái Bá Tân
Ngày Hội tụ Thơ Việt ở Đức lần thứ 5, ngày 12.08.2023 tại Rostock - Nỗi niềm mong đợi
Mùa Thu Do Thái
1000 Bài thơ châm ngôn - Phần XV (451 - 475): Tình yêu như trận đánh / Không chỉ biết tấn công
Đêm & Tâm tư – chỉ vì một người, thuở ấy
Nhớ mùa Thu
1000 Bài thơ châm ngôn - Phần VI (126-150)
Chúc cho người hạnh phúc
1000 Bài thơ châm ngôn - Phần IV (76-100)
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá