Viếng người mẹ Đức

Mẹ, tên gọi chung, với chúng con đã trở thành tên riêng của mẹ, mỗi khi chúng con nhắc đến mẹ, nói với nhau về mẹ. Trên mộ mẹ, nhiều tuần nhang vừa mới tắt, bao người như con đã qua đây, bao người nữa sẽ tới thăm viếng mẹ, người mẹ Ðức của bao thế hệ người Việt du học, nay không còn nữa.

Xoay hoặc vuốt ngang Mobil để xem đầy đủ nội dung bảng
người mẹ đức

người mẹ đức

Cảm ơn mẹ, người mẹ Đức kinh yêu, đã dành cho chúng con những bài học thực tế vô giá, thế giới này chẳng bao giờ đủ cả, cũng có nghĩa, đã là con người thì phải luôn phấn đấu, cố gắng. Ý nghĩa cuộc đời, hạnh phúc hay khổ đau, cũng từ sự cố gắng đó mà ra ! Một đất nước hay một xã hội, dù đã giàu có, phồn vinh hay đang nghèo nàn, lạc hậu, cũng vậyẨ !Ngày ấy, mẹ còn nhớ, vào thập niên 80, đoàn chúng con vài chục nghiên cứu sinh, tuổi trên dưới ba mươi, lần đầu tiên ra thế giới bên ngoài, cái gì cũng lạ lẫm, đi đâu, làm gì cũng phải thành đoàn, từ nhà ở, trải ga giường, đến mua vé ăn, lên tầu điện, sử dụng nhà vệ sinh, đều phải có hướng dẫn chẳng khác mấy vườn trẻ. Mẹ, cô giáo chủ nhiệm tiếng Ðức, đón lớp chúng con về nhà riêng thăm, trở thành cô bảo mẫu ngay từ phút gặp mặt đầu tiên, ra tận bến tầu điện, đếm từng người, nhắc nhở từng học trò, nhìn phải, nhìn trái, cẩn thận khi qua đường. Chúng con biết đến mẹ khi còn trong nước, được các anh chị từng du học ở Ðức trở về kể lại, đưá nào đưá nấy vui mừng, hạnh phúc, sẽ có được người mẹ nuôi, bao bọc nơi xứ lạ. Lúc đó, cả đoàn chúng con cố tìm kiếm một món qùa gì đó thật đặc sắc tặng mẹ vào dịp lần đầu gặp mặt. Theo lời anh chị đi trước khuyên, chúng con mang theo sang Ðức, một bộ Tam Ða, Phúc, Lộc, Thọ, cất công đặt một thợ điêu khắc nổi tiếng nơi làng nghề truyền thống, chế tác. Cầm bộ Tam Ða chúng con trao tặng, mẹ ngắm nghía từng tiểu tiết, nức nở khen tài khéo người Việt, rồi với cách nói của nhà khoa học, mẹ khái quát, nâng thành luận đề, ca ngợi văn hoá nghệ thuật Việt Nam đặc sắc tầm cỡ thế giới; cả đoàn phấn chấn, ai cũng mát mặt, sung sướng tự hào, lòng lâng lâng vô hạn, tâm đắc với tặng phẩm đoàn đã kỳ công tìm kiếm. Khóa học tiếng Ðức kết thúc, mỗi người, mỗi ngả; những người không đi xa trở thành người nhà của mẹ, thường xuyên đến thăm hỏi, giúp đỡ việc nhà, thu dọn, chăm sóc vườn tược, nấu nướng, ăn uống, vui chơi, nhưng tuyệt không thấy bộ Tam Ða chúng con tặng đâu cả.


Mẹ bảo, đồ hiếm Á Ðông ai cũng qúy, mẹ tặng hết. Ngày hôm đó, khi giải toả đồ vật trong 1 gian nhà vườn hoang hoá, để sửa chữa, con nhỡ tay làm đổ một thùng hàng quẳng trên gác, bẩn mốc lâu năm. Cả một đống, hàng mấy chục bộ Tam Ða, do bao thế hệ người Việt tiếp nhau trao tặng, nứt nẻ bởi khí hậu hanh khô, rơi ào xuống vung vãi. Thấy con thất thần, sợ hãi nhìn bao ông Phúc, ông Lộc, ông Thọ linh thiêng, lăn lóc khắp nền nhà, va đập sứt mẻ, mẹ ôn tồn xin lỗi "đã không dùng đến", bởi trưng bày chúng không hợp với phòng khách trang trí văn hoá thuần Ðức của mẹ.

Mẹ ca ngợi tặng phẩm, phần do phép lịch sự giao tiếp đòi hỏi, phần thực tình mẹ chỉ muốn qua đó, các con sẽ hài lòng với những gì các con đã làm ra. Nhờ điều tối quan trọng đó, mà mọi con người sinh ra dù gì đi nữa đều cảm thấy yêu đời và hạnh phúc. Nếu không thế, người nguyên thủy khó có thể tồn tại, bởi họ sẽ luôn chán đời với sản phẩm thô sơ của mình; thế giới hiện đại đang có quá nửa sống ở mức nghèo khó, sẽ không tìm thấy tiếng cười bên cạnh số ít người giàu". Rồi sự kiện kỷ niệm bốn mươi năm ngày thành lập nước Cộng hòa dân chủ Ðức đến. Thấy chúng con tròn mắt kinh ngạc khi nghe mẹ phê phán gay gắt những tồn tại yếu kém của nước CHDC Ðức suốt bốn chục năm qua so với thế giới, vốn đang là niềm tự hào và mong ước của những người Việt Nam chúng con, một đất nước đang trăn trở cơ cực với thiếu ăn thiếu mặc, thiếu đủ thứ, mẹ nhẹ nhàng bảo: "Nếu chỉ biết hài lòng với những gì mình đã có, thì xã hội nguyên thủy mãi mãi sẽ là xã hội nguyên thủy, không có thế giới hiện đại ngày nay. Con người cần biết không hài lòng với chính mình bởi những gì mình chưa có. Thế giới ngày nay khác xưa là sớm nhận biết được những điều chưa hài lòng đó của người dân, để không lặp lại lịch sử loài người đầy máu và nước mắt trong qúa khứ". Rồi nước Ðức bước vào thời điểm tái thống nhất. Những giọt nước mắt vui mừng khôn xiết một lần nữa lại lăn trào trên gò má mẹ như lần mẹ đến chia vui niềm hạnh phúc thống nhất Việt Nam với những du học sinh Việt do mẹ phụ trách lúc đó. Trước ngày Hiệp định thống nhất hai nước Ðức được ký kết, những người từng biểu tình đòi thống nhất đất nước, ngày ngày lại rầm rộ xuống đường, giương biểu ngữ: Chúng tôi cũng là nhân dân, nhằm đòi đổi tiền mác Ðông Ðức sang tiền Tây Ðức DM, phải theo tỷ lệ 1:1. Mẹ có mặt ở hàng đầu ngay ngày đầu. Thấy chúng con ngỡ ngàng, khó hiểu nhìn mẹ vừa mới mãn nguyện ngày hôm qua đây thôi, mẹ lý giải, "thế giới hiện đại ngày nay đòi hỏi con người không được phép hài lòng với chính mình, không chỉ bởi những gì chưa có, mà bởi cả những gì sẽ có, nhưng chưa đủ".

Nguyễn Sỹ Phương

(Bài đăng trên TBKTSG 15.3.07)

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá
Lên đầu trang