Vấn đề tên gọi trong sáp nhập tỉnh; Bước ngoặt lớn thị trường BĐS; Đồng Nai cầu cứu Chính phủ; Sai phạm quản lý đất đai ở Quảng Trị

VẤN ĐỀ TÊN GỌI TRONG SÁP NHẬP TỈNH: CÓ NÊN KHÔI PHỤC LẠI TÊN GỌI ĐÃ TỪNG TỒN TẠI?

Đề cập tên gọi các đơn vị hành chính cấp tỉnh sau khi sáp nhập, ông Phạm Văn Hòa cho rằng cần nghiên cứu kỹ, song việc khôi phục lại tên gọi đã từng tồn tại trong một giai đoạn phát triển của lịch sử cũng là phương án cần xem xét.

Tại Kết luận 127-KL/TW ban hành ngày 28/2 vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Đặc biệt, tại kết luận 127, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa ra tiến độ, thời gian để các cơ quan trình cấp có thẩm quyền xem xét, hoàn thiện đề án.

Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh là hết sức cần thiết

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, đến nay đã làm xong ở các cơ quan Đảng, cơ quan Chính phủ, cơ quan Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các sở ngành địa phương với kết quả rất tốt, hoạt động thông suốt, được đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đây là tiền đề quan trọng, là điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng lộ trình triển khai ở cấp tỉnh.

“Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh là hết sức cần thiết và phù hợp với tình hình phát triển của đất nước trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy các cấp hiện nay. Đây là một cuộc cách mạng mới, một cuộc cách mạng rất quyết liệt về công tác tổ chức cán bộ cũng như các mặt công tác khác làm sao đạt được hiệu quả theo yêu cầu, mong muốn”, ông Phạm Văn Hòa cho biết.

Nói đến tiêu chí trong việc sáp nhập tỉnh để mang lại hiệu quả cao nhất, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, cần căn cứ vào những tiêu chuẩn, điều kiện đã được quy định trong Nghị quyết 1210 năm 2016 về phân loại đô thị, Nghị quyết 1211 năm 2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Nghị quyết 35 năm 2023 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, theo ông Hòa, trong điều kiện hiện nay, ngoài yếu tố cơ bản đầu tiên phải là quy mô dân số, diện tích, cần phải xem xét một cách toàn diện các yếu tố khác như bản sắc vùng miền, điều kiện địa lý, yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán… để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Ông nêu ví dụ, các tỉnh có nhiều diện tích đất nông nghiệp có thể sáp nhập với nhau hay các tỉnh ven biển sáp nhập với tỉnh ven biển, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp hợp nhất với nhau, các tỉnh miền núi có số đông đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần cân nhắc để sáp nhập lại... Đặc biệt, các tỉnh này phải liền kề với nhau, có sự kết nối thuận lợi về giao thông. Hơn nữa, về điều kiện quy mô dân số cũng phải phù hợp với bình quân chung của cả nước.

Theo vị đại biểu Quốc hội, một tỉnh không chỉ là một đơn vị hành chính đơn thuần, mà còn là một cộng đồng với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa, vị trí địa lý, với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh riêng biệt. Khi nghiên cứu sáp nhập tỉnh mà không tính đến những yếu tố phù hợp với đặc điểm tình hình của mỗi tỉnh và các tỉnh liền kề thì sẽ dẫn đến những khó khăn trong việc quản lý, phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo sự đồng thuận trong cộng đồng.

“Cần quan tâm tới một yếu tố nữa là truyền thống, lịch sử văn hóa, lịch sử trong chiến đấu… thì sẽ tạo sự đồng thuận chung của người dân khi một số đơn vị hành chính cấp tỉnh sáp nhập lại”, ông Hòa nêu ý kiến.

Sáp nhập các tỉnh gắn với liên kết vùng

Theo Kết luận số 127, việc nghiên cứu sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, ngoài căn cứ về quy mô dân số, diện tích, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhấn mạnh cần nghiên cứu kỹ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển đối với từng địa phương và yêu cầu, định hướng phát triển của giai đoạn mới... làm cơ sở, căn cứ khoa học trong sắp xếp.

Nhấn mạnh gợi ý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là rất quan trọng, ông Phạm Văn Hòa cho biết, sáp nhập tỉnh là một việc hết sức quan trọng nên cần được tính toán một cách khoa học, kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều chiều để đảm bảo rằng, các tỉnh mới sau khi sáp nhập, hợp nhất có thể phát triển bền vững, đời sống nhân dân được nâng cao hơn.

“Hiện nay chúng ta đã có quy hoạch vùng, các vùng, các tỉnh đã có sự kết nối, liên kết với nhau trong quy hoạch rồi. Vì vậy, khi hợp nhất, sáp nhập các tỉnh lại thì sẽ thuận lợi”, ông Hòa nói.

Cũng theo ông Phạm Văn Hòa, hiện nay nước ta đang phân chia thành 6 vùng kinh tế - xã hội, gồm: Vùng trung du và miền núi phía Bắc, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đông Nam Bộ và Vùng ĐBSCL. Với lợi thế của 6 vùng kinh tế - xã hội, việc sáp nhập các tỉnh gắn với liên kết vùng được kỳ vọng sẽ phát huy lợi thế huy động các nguồn lực, tạo ra không gian phát triển mới.

"Những tỉnh nằm trong vùng kinh tế có nhiều mối liên kết, tương đồng với nhau về hoạt động sản xuất ngành nghề, về kinh tế, văn hóa, địa lý, truyền thống lịch sử, nếu sáp nhập lại với nhau thì về lâu dài sẽ ổn định và có bước phát triển cao, đặc biệt là trong kêu gọi đầu tư", ông Hòa nêu ý kiến.

Khôi phục lại tên gọi đã từng tồn tại trong một giai đoạn phát triển

Đề cập tên gọi của các đơn vị hành chính cấp tỉnh sau khi sáp nhập, ông Phạm Văn Hòa cho rằng cần nghiên cứu kỹ, song việc khôi phục lại tên gọi đã từng tồn tại trong một giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc thì cũng là phương án cần xem xét.

Ví dụ như tỉnh Cửu Long trước kia được sáp nhập bởi 2 tỉnh gồm Trà Vinh, Vĩnh Long; tỉnh Bình Trị Thiên gồm Quảng Bình và Quảng Trị với tỉnh Thừa Thiên; hay như Cao Bắc Lạng là cách gọi chung của ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn; tỉnh Nghệ Tĩnh trước kia là gồm 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh….

“Ngày xưa đã hình thành các tỉnh như vậy, sau đó chúng ta chia tách ra. Những địa danh ngày xưa mà bây giờ được khôi phục lại thì cũng tốt. Quan trọng là khi sáp nhập lại, với những địa danh có truyền thống lâu đời cũng cần phải giữ lại cho phù hợp”, ông Hòa đồng thời cho biết, tên gọi mới của các tỉnh sẽ được cấp có thẩm quyền và người dân địa phương bàn và lựa chọn. Song cần đảm bảo tên gọi dễ đi vào lòng người, người dân đồng thuận, chấp nhận.

 

 

BƯỚC NGOẶT LỚN THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN

Thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, thúc đẩy xây dựng nhà ở xã hội... được đánh giá là những động lực giúp thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sau thời gian dài ảm đạm.

VN đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH). Nhưng đến nay, chỉ 103 dự án được hoàn thành với quy mô hơn 66.755 căn, chưa bằng 7% mục tiêu đề ra.

Động lực thúc đẩy thị trường phát triển

Để đề án phát triển NƠXH là một động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng đầu tư, tiêu dùng, bảo đảm an sinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính, hoàn thành việc lập quỹ nhà ở quốc gia trong tháng 3 này.

Trước đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc tới việc VN cần lập quỹ nhà ở quốc gia để phát triển nhà giá rẻ tại đô thị lớn. Đây cũng là giải pháp để thúc đẩy đô thị trở thành động lực tăng trưởng quốc gia.

Không chỉ thành lập quỹ nhà ở quốc gia, tại hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển NƠXH, các doanh nghiệp (DN) đã đồng loạt đăng ký xây dựng hàng trăm nghìn căn. Trong đó Tập đoàn Vingroup đã đăng ký từ nay đến năm 2030 xây dựng 500.000 căn, Tập đoàn Kim Oanh đăng ký xây dựng 40.000 căn giai đoạn từ nay đến 2028, Tập đoàn HUD mục tiêu 17.500 căn, Viglacera cho biết hiện tổng công ty đang thực hiện 10 dự án NƠXH với 17.200 căn...

Theo PGS-TS Trần Quang Phú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, việc Vingroup và nhiều DN khác cam kết xây dựng hàng trăm nghìn căn NƠXH là một tín hiệu rất tốt từ các DN có trách nhiệm xã hội cao. Nếu phân khúc NƠXH bùng nổ thì đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy thị trường BĐS đang trầm lắng trong thời gian qua. Trong khi hiện nay, nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp đang rất lớn nhưng do không có nguồn cung phù hợp nên giao dịch về loại nhà ở này không nhiều. Nếu hình thành hàng trăm ngàn căn nhà phù hợp với đối tượng thu nhập thấp thì thị trường sẽ có sự cân bằng cung - cầu và khi đó sẽ xuất hiện giao dịch tạo dòng tiền lưu thông mạnh từ đó sẽ tạo hiệu ứng tốt lan tỏa trong hoạt động kinh tế.

Việc hình thành quỹ nhà ở giá rẻ cực lớn cũng sẽ cạnh tranh trực tiếp với đất nền nhỏ lẻ đang bị các DN bất động sản (BĐS) thao túng trên thị trường. Người dân phải mua đất tại các khu vực chưa rõ quy hoạch hoặc pháp lý chưa đầy đủ chủ yếu là do điều kiện tài chính không thể mua được nhà hoặc căn hộ trung bình. Khi có thêm nhiều lựa chọn nhà ở với mức giá hợp lý, việc mua các loại đất nền mà pháp lý chưa rõ ràng chắc chắn sẽ giảm. Đây là điều quan trọng để thị trường BĐS nhỏ lẻ ổn định, không bị đầu cơ và tạo sức nóng ảo, giúp thị trường phát triển cân bằng hơn.

Đồng quan điểm trên, TS Trần Việt Anh, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM), cho rằng việc Thủ tướng chỉ đạo thành lập Quỹ nhà ở quốc gia và sự tham gia mạnh mẽ của các DN như Vingroup đăng ký xây dựng số lượng lớn NƠXH chắc chắn là những tín hiệu tích cực cho thị trường BĐS. Những động thái này thể hiện cam kết mạnh mẽ của cả Chính phủ lẫn khu vực tư nhân trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân và kích thích phát triển kinh tế.

Khi thị trường BĐS gia tăng nguồn cung từ các dự án NƠXH sẽ giúp bình ổn giá nhà và làm giảm áp lực cho người có thu nhập thấp và trung bình. Đồng thời, sự tham gia của các tập đoàn lớn như Vingroup còn tạo nên niềm tin cho các nhà đầu tư khác tham gia thị trường, từ đó góp phần vào việc hồi phục và phát triển thị trường BĐS một cách bền vững.

Tuy nhiên, để thành công và mang lại luồng sinh khí thực sự, cần phải có sự giám sát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng công trình và sự minh bạch trong quản lý quỹ, đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho người mua nhà. Không những vậy, việc các dự án có thực sự được triển khai đúng tiến độ hay không cũng cần phải được xem xét.

Triển khai đúng cách sẽ là bước ngoặt cho thị trường

Tuy nhiên theo PGS-TS Trần Quang Phú, cái quan trọng để chương trình xây dựng NƠXH phát huy có hiệu quả, ngoài các chính sách của nhà nước, sự cam kết của DN và sự ủng hộ của hệ thống tài chính thì cần xem xét đến hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và vấn đề an sinh xã hội. Bởi nơi cư trú của người dân không phải chỉ là căn nhà mà còn là môi trường sống xung quanh với một hệ sinh thái phù hợp.

"Do vậy để tạo được luồng sinh khí thực sự cho thị trường BĐS, thì ngoài việc cam kết từ DN cũng cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể từ phía nhà nước, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và hệ thống tài chính. Nếu triển khai đúng cách, đây có thể là bước ngoặt giúp thị trường BĐS phát triển bền vững hơn, đáp ứng được nhu cầu của hàng triệu hộ gia đình đang khó khăn về nhà ở", PGS-TS Trần Quang Phú nêu quan điểm.

Là DN đăng ký tham gia xây dựng 40.000 căn NƠXH, bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Oanh, cho biết khi tham gia làm NƠXH bà đã nghiên cứu mô hình này ở nhiều quốc gia như: Nhật, Malaysia, Singapore và nhận thấy cách làm của họ rất hiệu quả và nhân văn. Ví dụ tại Singapore, quốc gia có 80% dân số sống trong các căn hộ NƠXH. Đơn cử, họ không giới hạn diện tích căn hộ tối đa chỉ 70 m2 như chúng ta mà cho xây dựng cả căn hộ 3 - 4 phòng ngủ đáp ứng nhu cầu cho các gia đình đông người, nhiều thế hệ cùng chung sống.

Singapore cho người dân đăng ký mua trước, khi đủ số lượng mới triển khai xây dựng. Đất nước này có chính sách NƠXH được phân luồng theo từng mức thu nhập rất hợp lý. Ví dụ mức thu nhập 10 triệu thì chính sách mua nhà như thế nào, lương 20 triệu, 30 triệu thì như thế nào. Với việc phân 3 luồng thu nhập sẽ có chuỗi nhà ở phù hợp với điều kiện của từng nhóm dân cư. Như vậy sẽ tránh được tình trạng người khá giả lại đi ở tranh suất với người lao động bình thường. Đây là kinh nghiệm mà VN có thể tham khảo.

Thậm chí, Singapore triển khai các dự án để người mua có thể lựa chọn phân khúc giá thấp hay cao hơn phù hợp với thu nhập, giúp người có nhu cầu mua đúng sản phẩm mình cần.

"Họ ưu tiên bán NƠXH cho những người chưa có nhà hoặc người độc thân 35 tuổi chưa có nhà. Khi người trẻ có được ngôi nhà, họ sẽ có thêm động lực và an tâm làm việc, cống hiến cho xã hội. Dù NƠXH nhưng được xây dựng rất chắc chắn và có nhiều tiện ích, có thể ở được 2 - 3 thế hệ, giá trị BĐS tăng dần theo thời gian. Trong khi đó, tại VN một số dự án NƠXH xuống cấp nhanh, chất lượng thấp khiến người nghèo càng khó khăn hơn. Do vậy chúng ta cần thay đổi tư duy, tập trung vào giá trị dài hạn thay vì chỉ làm NƠXH bằng mọi giá", bà Oanh nêu ý kiến.

 

 

THIẾT VẬT LIỆU, ĐỒNG NAI ‘CẦU CỨU’ CHÍNH PHỦ

Tỉnh Đồng Nai kiến nghị với Chính phủ bổ sung Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào danh mục dự án hưởng cơ chế đặc thù để các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh được nâng công suất khai thác 50% so với hiện tại.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai , hiện nay các công trình giao thông trọng điểm đang triển khai trên địa bàn tỉnh có nhu cầu 5,8 triệu m 3 vật liệu san lấp. Hiện khối lượng đã đưa về các công trường khoảng 1,4 triệu m 3 , có khoảng 1,2 triệu m 3 ở các vị trí đang được đề xuất nhưng chưa thỏa thuận được đất với chủ sử dụng, còn thiếu 3,2 triệu m 3 chưa tìm được nguồn.

Về đá xây dựng, tổng nhu cầu khoảng 10,2 triệu m 3 , năm 2025 có 18 mỏ cam kết cung cấp cho các dự án trọng điểm khoảng 9,6 triệu m 3 , nhưng khối lượng khai thác thực tế ước chỉ khoảng 6,5 triệu m 3 do nhiều mỏ đang vướng thủ tục pháp lý phải dừng hoặc khai thác cầm chừng.

Ông Nguyễn Ngọc Hà - Giám đốc Điều hành Ban Quản lý dự án 85, Bộ Xây dựng - cho hay, Dự án Thành phần 2, Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cần khoảng 3,2 triệu m 3 vật liệu san lấp. Hiện nay, nếu tính cả nguồn mua từ các mỏ lẫn nguồn mà chủ đầu tư đang đề xuất theo cơ chế đặc thù mới được khoảng 1,2 triệu m 3 , còn thiếu khoảng 2 triệu m 3 .

Ông Hà cho biết, hiện đơn vị thi công đã ký hợp đồng với một số mỏ đá để khai thác đất đi kèm nhằm làm vật liệu san lấp, nhưng các mỏ này lại đang vướng về đất đai dẫn đến chưa làm được thủ tục xin cấp, gia hạn giấy phép khai thác vật liệu đi kèm. Cấp bách nhất đối với dự án giai đoạn này là đất đắp.

Đại diện chủ đầu tư Dự án sân bay Long Thành cho rằng, trong tháng 2, công trường cần khoảng 390 ngàn m 3 đá, sang tháng 3 cần khoảng 639 ngàn m 3 . Nếu không có được khối lượng này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành sân bay vào cuối năm nay.

Theo báo cáo của tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành, tỉnh Đồng Nai đã thành lập 2 tổ công tác để điều phối nguồn vật liệu và tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu đăng ký nhu cầu khối lượng vật liệu, chất lượng, tiến độ để có giải pháp điều phối nhưng một số nhà thầu vẫn chưa báo cáo nội dung này.

Về khả năng cung ứng của tỉnh, đối với đá xây dựng có 32 mỏ, trữ lượng còn lại 265 triệu m 3 , công suất khai thác 22 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, hiện có 23 mỏ đá đủ điều kiện cung cấp vật liệu cho các dự án, công trình trọng điểm với khối lượng gần 20 triệu m 3 /năm. Trong 10 tháng còn lại của năm 2025, nếu được tháo gỡ các vướng mắc (về thuê đất, thông mỏ đối với các mỏ gần nhau), các mỏ này có thể khai thác thêm được 9,6 triệu m3.

Về đất đắp phục vụ 2 dự án là đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Vành đai 3, hiện 2 mỏ do tỉnh cấp phép còn khoảng 50% khối lượng chưa khai thác với khoảng 0,7 triệu m 3 . Ngoài ra, có 3 khu vực tỉnh đang xem xét và sẽ nhanh chóng cho phép khai thác với tổng khối lượng khoảng 2,8 triệu m3

Tỉnh Đồng Nai cũng đã kiến nghị với Chính phủ bổ sung Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào danh mục dự án hưởng cơ chế đặc thù để các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh được nâng công suất khai thác 50% so với hiện tại. Cho phép các mỏ chưa hoàn thành thủ tục thuê đất tiếp tục được khai thác đến ngày 31/12/2025. Trong thời gian khai thác, UBND tỉnh sẽ đôn đốc, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật. Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng tìm nguồn vật liệu đá xây dựng thêm từ các tỉnh khác đáp ứng nhu cầu của các dự án, công trình giao thông trọng điểm khác.

 

 

SAI PHẠM VỀ QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI Ở QUẢNG TRỊ: XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Thanh tra tỉnh chủ trì, đôn đốc, chỉ đạo UBND huyện Triệu Phong và các đơn vị, tổ chức liên quan chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện kết luận thanh tra để chấm dứt việc kiến nghị, phản ánh kéo dài.

Liên quan đến những sai phạm trong chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) mà Người Đưa Tin đã đăng tải trước đó, Thanh tra tỉnh Quảng Trị đã có những kiến nghị biện pháp xử lý.

Theo đó, đối với UBND huyện Triệu Phong, Chủ tịch, UBND huyện phụ trách lĩnh vực tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm do để xảy ra những tồn tại trong công tác quản lý đất đai. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc xử lý, giải quyết chưa kịp thời, chưa đúng quy định đối với các đơn thư của ông Hồ Văn Hoài thời kỳ 2020 đến nay. Có biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, có hình thức kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đã để xảy ra các sai phạm về đất đai thời kỳ từ năm 2006-2024 trên địa bàn xã Triệu Thượng.

Đối với UBND xã Triệu Thượng, yêu cầu Chủ tịch UBND xã chấm dứt việc giao đất trái thẩm quyền; chỉ đạo Hợp tác xã Nhan Biều 3 thoả thuận với các hộ dân hoàn trả lại số tiền 242.000.000 đồng đã thu trái quy định 20 triệu đồng/ha đất trồng cao su của các hộ dân và khu vực 3 Nhan Biều trả lại số tiền 195.000.000 đồng cho 8 cá nhân đã nộp khi giao đất tại vùng Mã Họ.

Khẩn trương thu hồi số tiền 29.000.000 đồng do khu vực 3 Nhan Biều thu từ ông Nguyễn Đức Vọng và nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định, cụ thể: ông Lê Tất Hào – Trưởng khu vực 3 Nhan Biều nhiệm kỳ từ năm 2017 đến nay đã thu của ông Vọng tổng số tiền 19.000.000 đồng; ông Lê Kim Chung- Trưởng khu vực 3 Nhan Biều nhiệm kỳ 2010-2017 đã thu của ông Vọng số tiền 10.000.000 đồng.

Nghiêm túc kiểm điểm, có hình thức kỷ luật đối với các tổ chức, các nhân đã để xảy các sai phạm về đất đai các thời kỳ từ năm 2006-2024.

Đồng thời, tổ chức rà soát lại toàn bộ diện tích đất rừng do các tổ chức đơn vị đã bàn giao cho UBND xã quản lý, tổ chức họp ban điều hành các thôn, họp dân của các thôn, họp dân của các thôn để lấy ý kiến người dân về phương án giao đất, xây dựng phương án sử dụng đối với diện tích đất đang quản lý nhằm đưa đất vào sử dụng có hiệu quả và đúng quy định.

Ở một diễn biến khác, UBND tỉnh Quảng Trị cũng giao Thanh tra tỉnh chủ trì, đôn đốc, chỉ đạo UBND huyện Triệu Phong và các đơn vị, tổ chức liên quan chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận thanh tra để chấm dứt việc kiến nghị, phản ánh kéo dài; mặt khác thông báo cho ông Hồ Văn Hoài kết quả xử lý, giải quyết sau thanh tra. Những việc này hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/3.

Như Người Đưa Tin đã đăng, trước đó trên cơ sở đơn thư của ông Hồ Văn Hoài, trú ở khu vực 3 Nhan Biều, xã Triệu Thượng, Thanh tra tỉnh Quảng Trị đã thành lập đoàn thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn xã Triệu Thượng.

Theo Kết luận số số 70/KL-TTr của thanh tra tỉnh Quảng Trị, nhiều nội dung phản ánh sai phạm về quản lý đất đai tại xã Triệu Thượng của ông Hồ Văn Hoài là đúng.

Đơn cử như việc, Trưởng khu vực 3 Nhan Biều qua các nhiệm kỳ từ năm 2006 đến nay cho ông Nguyễn Đức Vọng, ông Phan Văn Hào sử dụng đất tại vùng đồng Mai Thể là sai quy định tại Điều 59 Luật Đất đai 2013. Đồng thời, việc thu thi các khoản tiền từ ông Nguyễn Đức Vọng về việc cho thuê này là sai quy định, không rõ ràng. UBND huyện Triệu Phong khi phát hiện sự việc đã không thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý theo quy định.

Không chỉ vậy, năm 2015 và 2021, Chi bộ thôn và Ban cán sự thôn Nhàn Biều 3 còn giao nhiều diện tích đất cho 8 hộ dân trái thẩm quyền. Việc giao đất này còn thu tiền của 8 hộ dân với tổng số tiền 195.000.000 đồng là sai quy định.

Ngoài ra, liên quan đến diện tích đất do Cục Thống kê tỉnh Quảng Trị bàn giao lại cho địa phương quản lý, Hợp tác xã Nhan Biều 3 (xã Triệu Thượng) đã tự ý giao cho 12 hộ xã viên khoảng 14,6ha để trồng cao su và thu tiền trái quy định mỗi ha là 20 triệu đồng. Số tiền này do ông Lê Kim Sức, kế toán Hợp tác xã Nhan Biều 3 thu, nhưng chứng từ thu chi không đúng quy định.

Kết luận thanh tra cũng nêu rõ, sau khi nhận bàn giao diện tích đất từ Cục Thống kê tỉnh Quảng Trị nhưng UBND xã Triệu Thượng không xây dựng phương án sử dụng trình cấp có thẩm quyền mà giao trái thẩm quyền cho Hợp tác xã Nhan Biều 3 diện tích 14,6ha, Hợp tác xã Thượng Phước 5,28ha.

Ngoài ra, UBND xã Triệu Thượng còn bàn giao trái thẩm quyền nhiều diện tích đất sau khi được bàn giao từ Hội Nông dân huyện, Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn…

 

Nguồn: Soha; Thanh Niên; CafeF; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang