Tương lai ở lại Đức của gia đình Phạm Phi Sơn: Rào cản thứ nhất đã vượt qua, nhưng Sở Ngoại kiều vẫn từ chối, đẩy sang Ủy ban Cứu xét

(Vợ chồng ông Phạm Phi Sơn và con gái có mặt hàng đầu trong cuộc biểu tình ở Chemnitz ủng hộ quyền ở lại cho gia đình ông).

Sự kiện ông Phạm Phi Sơn 65 tuổi, sau 35 năm cư trú ở Đức bị đòi trục xuất cùng vợ và con nhỏ về Việt Nam, như một cơn địa chấn dậy sóng nước Đức thu hút dư luận quan tâm hàng ngày với bao câu hỏi đặt ra, điều gì tiếp theo đến với ông Phạm Phi Sơn và gia đình? Ông hiện chỉ được cấp giấy tạm dung, trước mắt cần hoàn thành những điều kiện cơ bản đặt ra đối với người nước ngoài muốn cư trú ở Đức. Đầu tiên, cần có việc làm để bảo đảm có thể tự trang trải được chi phí tối thiểu cho nhu cầu cuộc sống cơ bản của mình.

Tiếp theo là có chứng chỉ tiếng Đức chứng minh được thỏa mãn điều kiện hòa nhập vào xã hội Đức. Đây là một trong những điểm yếu của ông Phạm Phi Sơn, liên tục bị chính quyền chỉ trích khi nói đến xét cấp giấy phép cư trú cho ông Pham Phi Sơn cùng vợ.

Trao đổi với Báo Điện tử Đức Việt Online, ông Phạm Phi Sơn cho biết, rào cản tiếng Đức hiện cả hai vợ chồng đã vượt qua. Ông Phạm Phi Sơn thi đỗ kỳ thi Tiếng Đức chứng chỉ A2, vợ ông đỗ chứng chỉ A1 tức đạt điều kiện người nước ngoài sang Đức đoàn tụ.

Tuy nhiên, đó chỉ mới là những điều kiện cần, còn được cấp giấp phép cư trú hay không vẫn còn chờ quyết định của nhà chức trách.

Sau khi gia đình ông Phạm Phi Sơn đã thỏa mãn 2 điều kiện cần nói trên, nhưng mãi đến tháng 4 vừa qua, Sở Ngoại kiều Chemnitz mới ra quyết định từ chối cấp giấp phép lưu trú, buộc luật sư của gia đình phải đệ đơn chống lại. Kết quả hiện hồ sơ đã được chuyển lên cấp tiểu bang xem xét Landesdirektion.

Ít hy vọng trong trường hợp tiểu bang từ chối chuyển sang Ủy ban Cứu xét

Nếu tiểu bang từ chối, vụ việc sẽ được chuyển đến Ủy ban Cứu xét Härtefallkommission. Nếu xảy ra, đây sẽ là lần cứu xét thứ 3. Hai lần trước đều bị Ủy ban cứu xét bác bỏ làm bao người mong bảo vệ quyền cư trú cho gia đình ông Phạm Phi Sơn hoài nghi. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban, ông Geert Mackenroth, 73 tuổi, lần này vẫn còn hy vọng. Điều kiện đầu tiên là cần có một thành viên Ủy ban kiến nghị và tình hình thực tế và pháp lý đã thay đổi theo hướng có lợi cho gia đình. Lần này chỉ khác lần trước là vợ chồng ông Phạm Phi Sơn có công ăn việc làm và đủ chứng chỉ tiếng Đức.

Cho đến khi Ủy ban Cứu xét đưa ra quyết định, gia đình ông Phạm Phi Sơn vẫn tiếp tục được cư trú tại Đức dưới dạng tạm dung, nghĩa là không bị trục xuất trong thời gian chờ đợi này.

Đức Việt Online

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Luật Pháp

Nhập cư

Người Việt ở Đức

Chính trị - Xã hội

Đọc nhiều nhất

Lên đầu trang