Nhà đầu tư chưa mặn mà với ĐBSCL; Tin vui từ Thanh Hóa; TP.HCM 'cầu cứu' gỡ vướng dự án 10.000 tỷ; Vụ đại án Vạn Thịnh Phát

VÌ SAO NHÀ ĐẦU TƯ CHƯA MẶN MÀ VỚI ĐBSCL?

ĐBSCL là khu vực đóng góp quan trọng vào xuất khẩu nông sản với các thế mạnh lúa gạo, trái cây, thủy sản. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư cho khu vực này còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của vùng, tổng số vốn đầu tư cho cả vùng 10 năm qua mới đạt khoảng 202.000 tỷ đồng, đây là con số quá thấp đối với vùng kinh tế trọng điểm về nông nghiệp của cả nước.

Mới đây, tọa đàm “Thực trạng và giải pháp thu hút vốn phát triển cho ĐBSCL” do Viện Kinh tế, xã hội TP. Cần Thơ phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Đồng bằng Sông Cửu Long (VCCI ĐBSCL) tổ chức, qua báo cáo của VCCI ĐBSCL cho thấy, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015-2023 của ĐBSCL thấp nhất cả nước, trong khi các vùng vẫn giữ được xu hướng phục hồi. Trong đó, phân bổ vốn đầu tư khu vực nhà nước tại ĐBSCL gần như không thay đổi trong 10 năm qua khoảng 12,5%. Đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ĐBSCL dù có tăng nhưng vẫn chiếm tỷ trọng không đáng kể. So với các vùng khác, ĐBSCL có tỷ lệ vốn FDI gần như thấp nhất cả nước, chỉ trên Tây Nguyên.

Những số liệu của VCCI ĐBSCL cho thấy, trung bình giai đoạn 2018-2023 có 4 địa phương có mức tăng trưởng vốn đầu tư thấp nhất toàn vùng gồm Bến Tre; An Giang; Cần Thơ và Hậu Giang. Trong khi đó, Long An và Tiền Giang là 2 địa phương có tổng vốn và tăng trưởng tốt nhất toàn vùng.

Trong giai đoạn 2018-2023, nguồn vốn đầu tư khu vực FDI vào ĐBSCL cũng cho thấy dấu hiệu sụt giảm kể từ năm 2021 đến nay. Xu hướng này trái ngược với hầu hết các vùng kinh tế và ĐBSCL không phải là lựa chọn của các nhà đầu tư khi chỉ chiếm trung bình 6% lượng vốn FDI vào Việt Nam, dù có những năm tăng đột biến nhưng chủ yếu nhờ vào các dự án năng lượng (2019-2021). Nguồn vốn FDI gần như không đầu tư vào ngành nông, lâm, thủy sản tại ĐBSCL khi số lượng và giá trị không có sự thay đổi đáng kể trong 10 năm qua.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI ĐBSCL cho biết, nguồn vốn, nguồn lực từ Trung ương đổ về cho vùng ĐBSCL giai đoạn hiện nay rất lớn, là cơ hội để vùng chuyển mình. Tuy nhiên, nguồn vốn từ đầu tư nước ngoài và nguồn vốn khu vực tư nhân vào vùng ĐBSCL đang giảm nhiều. Vì vậy, cần phải có lộ trình, cách tiếp cận để giải ngân  phục vụ cho phát triển.

Theo ông Lam, trong giai đoạn ngắn hạn các địa phương vùng ĐBSCL cần ưu tiên giải ngân được vốn đầu tư công, đây là nguồn vốn quan trọng trong ngắn hạn. Về dài hạn cần phải khai thác và quan tâm đến nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và vốn đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, muốn thu hút được nguồn vốn này cần phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thể hiện được tính hiệu quả của các dự án đầu tư.

“Hiện nay, những phân tích thấy rằng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài hay các doanh nghiệp ở các vùng miền khác để đầu tư vào ĐBSCL trong lĩnh vực chế biến nông thủy sản hay là sản xuất thì họ cần nhưng vấn đề về logistics. Như vậy, chúng ta giải quyết những câu chuyện này tính hấp dẫn của ĐBSCL sẽ rõ nét, tôi cho rằng, ĐBSCL vẫn đang còn hạn chế trong việc  quảng bá hình ảnh và cách thức xúc tiến để làm sao tăng tính hấp dẫn của địa phương mình. So với các vùng miền khác, các địa phương khác thì tính mờ nhạt của thương hiệu ĐBSCL nói chung hay là từng địa phương nói riêng chưa rõ nét”, ông Nguyễn Phương Lam đánh giá.

Ông Trần Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cho biết, lợi thế về địa lý đã giúp cho Long An thu hút nhiều nhà đầu tư hơn các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Để thu hút các nhà đầu tư, Long An đã tập trung quy hoạch khu công nghiệp và hiện đang đứng thứ 3 cả nước sau Bình Dương, Đồng Nai. Trong giai đoạn từ nay đến 2050, Long An tập trung thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp với diện tích hơn 16.000 hecta và tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký đầu tư đã hơn 6.000 hecta.

Theo ông Trần Văn Tươi, hiện nay, hai tỉnh có diện tích lớn về khu công nghiệp là Bình Dương và Đồng Nai đã gần lấp đầy và xu thế quay trở lại các địa phương trong vùng là rất lớn, để thu hút các nhà đầu tư, Long An đang tập trung triển khai quỹ đất sạch, kết nối hạ tầng giao thông để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

“Điều quan trọng đầu tiên là đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội, giao thông, đó là điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ là chúng ta phải làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, chăm sóc các doanh nghiệp, đó là hai yếu tố cộng hưởng trở lại để cho nhà đầu tư họ đến đầu tư. Chính vì nâng chỉ số PCI, chỉ nhìn vào PCI thì các nhà đầu tư cho rằng đó là chúng ta làm rất tốt việc chăm sóc khách hàng gồm các các chỉ số tiếp cận đất đai, làm tốt quy hoạch, rồi các vấn đề khác, chẳng hạn như tính năng động của lãnh đạo, đối thoại doanh nghiệp, tính pháp lý, những cái đó đã góp phần cho họ an tâm đến đầu tư”, ông Trần Văn Tươi cho biết.

Theo số liệu thống kê vùng ĐBSCL cho thấy, giai đoạn 2014-2023, chỉ có tỉnh Long An là địa phương có cơ hội tốt để thu hút các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách và nguồn vốn FDI, tiếp đến là tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang; còn các địa phương còn lại gặp nhiều hạn chế, tỷ lệ bình quân thu hút các nguồn vốn dưới 10%. Từ phân tích trên cho thấy, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thu hút nguồn vốn đầu tư. Trong giai đoạn từ 2014 - 2023 thu hút đầu tư từ các nguồn vốn cho vùng ĐBSCL còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của vùng. Tổng số vốn bình quân đầu tư cho cả vùng trong vòng 10 năm đạt khoảng 202.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện kinh tế, xã hội TP. Cần Thơ cho biết, theo quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế; trong đó, chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000 km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Ông Nguyễn Khánh Tùng cũng cho biết, báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL qua các năm đã nhận diện ra rằng việc thiếu đầu tư và kém hiệu quả là một nguyên nhân then chốt làm cho ĐBSCL ngày chậm phát triển so các vùng khác. Ngoài ra, việc đầu tư về cơ sở hạ tầng cho ĐBSCL đã được quan tâm nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp, chưa đạt kế hoạch.

“Các lĩnh vực giúp cho ĐBSCL có động lực tăng trưởng mới, thứ nhất là hành lang pháp lý, các hỗ trợ về thủ tục hành chính cho việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực khu công nghiệp, linh vực logistics, lĩnh vực năng lượng sạch và lĩnh vực về kinh tế số, tôi nghĩ 4 lĩnh vực này sẽ mở ra triển vọng phát triển cho khu vực ĐBSCL”, ông Nguyễn Khánh Tùng nêu rõ.

Vùng ĐBSCL được xác định có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, nguồn vốn tư nhân và vốn đầu tư nhà nước vào các địa phương vùng ĐBSCL còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của vùng. Để tháo gỡ nút thắt và tạo động lực phát triển, các địa phương cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào các công trình, dự án liên kết vùng, xây dựng chiến lược trong thu hút đầu tư vào các thế mạnh vốn có của vùng.

TIN VUI TỪ THANH HÓA

9 tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có nhiều khởi sắc, hầu hết các lĩnh vực đều đạt, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhiều chỉ tiêu đạt Top đầu trong cả nước.

Sáng ngày 23/9, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Phiên họp UBND Tỉnh thường kỳ tháng 9/2024 dưới sự chủ trì của ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Hội nghị thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng đầu năm, ước thực hiện cả năm 2024 và định hướng phát triển kinh tế – xã hội năm 2025.

9 tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa có nhiều điểm sáng và chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá toàn diện; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 20,2%, đa số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14% so với cùng kỳ.

Giá trị xuất khẩu tăng 27,3%; tổng lượng khách du lịch vượt 4,7% kế hoạch và tăng 19,6%, tổng thu du lịch tăng 39,2%; doanh thu vận tải tăng 14,3%. Thu ngân sách nhà nước vượt 20% dự toán và tăng 44,7% so với cùng kỳ, nằm trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước.

Hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt kết quả tích cực; thu hút đầu tư gấp 1,8 lần về số dự án và 26% về số vốn đăng ký. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 22,5%; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 tăng 17 bậc so với năm 2022.

Giải ngân vốn đầu tư công luôn trong nhóm đầu cả nước; Giải phóng mặt bằng đạt 89,8% kế hoạch, tăng cao so với cùng kỳ (71,2%). Triển khai tích cực và bàn giao sớm mặt bằng, góp phần quan trọng hoàn thành dự án đường dây 500kV của Quốc gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng thấp so với kế hoạch và giảm so với cùng kỳ như: Bia các loại giảm 13,7%; ô tô tải các loại giảm 62,6%; dầu và mỡ bôi trơn giảm 8,4%...; chưa có thêm các sản phẩm công nghiệp mới.

Tiến độ của nhiều dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, như: Tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa; đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia; đường giao thông từ khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa...

Ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm 2024 tiếp tục có nhiều khởi sắc, hầu hết các lĩnh vực đều đạt, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhiều chỉ tiêu đạt Top đầu trong cả nước.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với những nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra; đồng thời lưu ý, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, yêu cầu các cấp, các ngành phải tập trung cao độ, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra.

Ông Đỗ Minh Tuấn lưu ý, trước mắt, cần chủ động, tập trung nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, bão lụt. Các cấp, các ngành, các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá, xác định rõ các nội dung, công việc còn lại của 3 tháng cuối năm 2024 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040; các chương trình, cơ chế, chính sách cụ thể hóa Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025; các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội; kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh.

Chủ động kiểm tra, nắm chắc tình hình biến động về giá nguyên, nhiên vật liệu, vật tư đầu vào và hoạt động của doanh nghiệp công nghiệp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, không để gián đoạn sản xuất. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát huy tối đa công suất, gia tăng sản lượng để bù đắp thiếu hụt cho các sản phẩm công nghiệp có sản lượng giảm.

Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, sớm đưa vào vận hành các dự án công nghiệp quy mô lớn trong những tháng cuối năm 2024, góp phần gia tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

TP.HCM LẠI 'CẦU CỨU' CHÍNH PHỦ THÁO GỠ VƯỚNG MẮC TẠI DỰ ÁN CHỐNG NGẬP

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng).

Theo UBND TP.HCM, dự án hiện đã triển khai thi công đạt hơn 90% khối lượng công việc. Nhà đầu tư đã có cam kết về việc hoàn thành xây dựng cống Bến Nghé - 1 trong những hạng mục quan trọng của công trình và đề nghị các cơ quan của thành phố tháo gỡ khó khăn để nhà đầu tư có đủ điều kiện triển khai. Tuy nhiên, đến nay, dự án còn tồn đọng 3 khó khăn, vướng mắc lớn.

Vướng mắc đầu tiên là chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Trong trường hợp này, dự án trong quá trình thực hiện có khả năng phát sinh dẫn đến tổng mức đầu tư vượt trên 10.000 tỉ đồng. Hiện nay, Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư không có quy định về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi.

Khó khăn thứ hai là không có nguồn vốn để hoàn thành công trình. Nguyên nhân xuất phát từ việc Ngân hàng BIDV không đủ cơ sở để ký phụ lục hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 để trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn. Hiện nay, chưa có cơ sở để huy động nguồn vốn ủy thác để nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án tiếp tục thi công, hoàn thành công trình.

Để khắc phục thiếu sót liên quan phương án thanh toán cho nhà đầu tư, UBND TP.HCM kiến nghị xem xét điều chỉnh phương án thanh toán Hợp đồng BT đã ký kết, theo hướng thanh toán bằng quỹ đất trước cho nhà đầu tư tương ứng với phần giá trị dự án BT hoàn thành theo tiến độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng; phần chênh lệch sẽ được thanh toán bằng tiền để đảm bảo phù hợp với quy định tại thời điểm ký kết hợp đồng.

Sau khi điều chỉnh phụ lục Hợp đồng BT với nội dung như nêu trên thì dự án cơ bản khắc phục các thiếu sót tại Điều 1 Nghị quyết 40/2021 của Chính phủ, có đủ cơ sở để thanh toán các khu đất đã xác định trong hợp đồng BT theo quy định hiện hành.

Theo đó, đối với các khu đất đã xác định trong hợp đồng BT, UBND TP HCM thực hiện trình tự thanh toán quỹ đất như các dự án BT thông thường theo quy định.

Một vướng mắc khác tại dự án là chưa có cơ sở thanh toán hợp đồng BT.

Theo UBND TP HCM, do tổng mức đầu tư dự án có sự thay đổi, thời gian thực hiện dự án đã hết, việc ký kết hợp đồng và thực hiện có một số thiếu sót, để đảm bảo cơ sở pháp lý thì cần triển khai thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án. Tuy nhiên, thực tế, thủ tục điều chỉnh tổng thể dự án rất phức tạp do quy định của pháp luật, mất nhiều thời gian và cần thương thảo thống nhất với BIDV và nhà đầu tư về cách tính lãi vay.

Do đó, TP HCM đề xuất thực hiện điều chỉnh điều khoản về thanh toán trong hợp đồng song song với việc điều chỉnh tổng thể dự án. Cụ thể, thực hiện đồng thời thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để làm cơ sở ký kết phụ lục hợp đồng BT thay đổi phương án thanh toán. Sau khi điều chỉnh thì dự án cơ bản khắc phục các thiếu sót tại Điều 1 Nghị quyết 40/2021.

Đây chính là cơ sở để TP HCM có thể bắt đầu thực hiện việc thanh toán bằng quỹ đất là các khu đất đã xác định trong hợp đồng BT theo quy định hiện hành, giải quyết được nguồn vốn cho nhà đầu tư thực hiện hoàn thành công trình, giảm bớt chi phí phát sinh lãi vay trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án.

Đây là lần thứ 3 TP.HCM phải "cầu cứu" Chính phủ về dự án chống ngập 10.000 tỉ. Sau khi dự án tiếp tục phải dừng thi công lần thứ 2 vì thiếu vốn vào năm 2020, theo đề xuất của UBND TP, ngày 1.4.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 40 về việc tiếp tục triển khai Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM, giai đoạn 1. Trên cơ sở đó, UBND TP cho gia hạn hoàn thành dự án đến năm 2023, đồng thời làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng BIDV để tháo gỡ việc tái cấp vốn và giải ngân cho dự án. Dù vậy, cũng phải kéo tới tháng 1.2023, phụ lục hợp đồng mới được ký kết và hai tháng sau, công trình mới được tái khởi động. Tuy nhiên, dự án lại tiếp tục vướng với thủ tục giải ngân theo yêu cầu từ ngân hàng.

TP.HCM loay hoay mãi không có lối ra, tháng 9.2023, Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm tổ phó, từ đó gỡ vướng cho dự án thông qua Nghị quyết số 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết số 40 của Chính phủ.

Thời gian qua, Phó thủ tướng nhiều lần thúc giục, UBND TP.HCM cũng liên tục có văn bản chỉ đạo, tổ chức họp với các sở, ban, ngành, song theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng thì dự án vẫn chưa thể về đích như đã hẹn và UBND TP đang chờ Chính phủ có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 40.

ĐẠI ÁN VẠN THỊNH PHÁT: TÀI XẾ, GIÚP VIỆC CỦA BÀ TRƯƠNG MỸ LAN GIÚP RỬA TIỀN THẾ NÀO?

Tài xế và giúp việc của Trương Mỹ Lan không có vai trò gì trong việc vay khống, giải ngân hay thực hiện các hành vi liên quan đến nghiệp vụ. Nhưng, họ lại là những người nhận, quản lý, vận chuyển số tiền đặc biệt lớn, sau khi tiền được giải ngân từ SCB.

9 bị cáo rửa tiền từ nguồn tiền tham ô của SCB và tiền lừa đảo trái phiếu

Sáng 25/9, phiên tòa xét xử vụ án Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm (giai đoạn 2) xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan, tiếp tục phần xét hỏi đối với nhóm bị cáo bị cáo buộc tội danh Rửa tiền.

Về hành vi rửa tiền, cáo trạng xác định, trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2018 đến ngày 07/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền gần 446.000 tỷ đồng có được từ hành vi phạm tội Tham ô tài sản của SCB và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 35.000 bị hại mua trái phiếu.

Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị can Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung (đều là cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh, Trịnh Quang Công (Giám đốc Công ty Acumen) lên phương án thực hiện việc rút, chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB.

Hành vi này nhằm che giấu nguồn gốc tiền do phạm tội mà có, hợp pháp hóa toàn bộ số tiền hơn 446.000 tỷ đồng để sử dụng cho các mục đích theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

Việc rút tiền mặt chủ yếu được thực hiện ở SCB - Chi nhánh Sài Gòn (SCB Sài Gòn) theo quy trình do Trương Mỹ Lan chỉ đạo.

Sau khi hoàn tất các thủ tục rút tiền, Thái Thị Thanh Thảo thông báo cho Trần Thị Thúy Ái, kiểm soát viên ngân quỹ của SCB Sài Gòn để xuất tiền mặt khỏi quỹ giao cho Bùi Văn Dũng (lái xe của Trương Mỹ Lan) tại hầm Bl, trụ sở SCB Sài Gòn để Dũng vận chuyển tiền về tòa nhà Sherwood tại số 127 Pateur, quận 3, Tp.HCM và giao cho Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký của Trương Mỹ Lan).

Bị cáo Uyên tiếp tục giao cho các cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Một phần tiền phạm tội khác được Bùi Văn Dũng vận chuyển tiền về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (tại địa chỉ số 193-203 Trần Hưng Đạo, quận 1, Tp.HCM) giao cho Trần Xuân Phượng (Trợ lý cho Ngô Thanh Nhã); một số trường hợp, Dũng trực tiếp chuyển tiền cho các cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

9 bị cáo bị xét xử về tội Rửa tiền đều thừa nhận hành vi phạm tội. Trong đó, bị cáo Nguyễn Phương Anh, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) được xem là "mắt xích" kết nối giữa Trương Mỹ Lan và các đồng phạm khác.

Tại tòa, Nguyễn Phương Anh thừa nhận đã phối hợp với lãnh đạo SCB lập các khoản vay khống để rút tiền mặt ra khỏi SCB sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.

Phương Anh cũng là người trực tiếp theo dõi việc thu chi nguồn tiền từ tham ô tài sản của SCB và từ nguồn tiền lừa đảo trái phiếu, vay ngân hàng khác.

Ngoài ra, theo sự chỉ đạo của bà Lan, từ 7/3/2018 đến 1/8/2019, Phương Anh đã sử dụng 3 công ty: Blue Pearl, Sài Gòn Penninsula và Easter View, chuyển hơn 256 triệu USD (tương đương hơn 5.900 tỷ đồng) ra nước ngoài.

Thực hiện các hành vi phạm tội trên, Nguyễn Phương Anh khai làm theo chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng và Trần Thị Mỹ Dung. Tuy nhiên, Trần Thị Mỹ Dung phủ nhận chỉ đạo Phương Anh.

Theo bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, Nguyễn Phương Anh là người của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nên Dung chỉ phối hợp chứ không thể chỉ đạo. Theo bị cáo Dung, khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc SCB, bị cáo làm theo những gì đã có từ các thế hệ lãnh đạo trước.

"Bị cáo nhận chỉ đạo từ chị Lan (bị cáo Trương Mỹ Lan – PV) trong việc phối hợp với Nguyễn Phương Anh lên phương án vay, giải ngân tiền từ SCB", bị cáo Trần Thị Mỹ Dung khai và cho biết thêm, bản thân bị cáo là người tạo nguồn tiền cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại SCB, còn sau đó dòng tiền đó đi đâu, chi tiêu thế nào thì bị cáo không nhớ".

Tương tự, bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) cũng thừa nhận sai phạm và khai biết việc sử dụng tiền sau giải ngân của nhóm các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là sai. Tuy nhiên, thời điểm Hoàng làm Phó tổng SCB thì SCB rất khó khăn, các khoản vay đến hạn liên tục.

"Bị cáo chỉ mong góp sức mình vào việc tái cơ cấu thành công SCB chứ không được hứa hẹn gì. Sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết hành vi của mình là sai và cảm thấy rất buồn vì quá trình tái cơ cấu SCB còn dang dở", Trương Khánh Hoàng nói.

Tài xế, giúp việc nhà bị cuốn vào "vòng xoáy" của Trương Mỹ Lan

Đáng chú ý, trong số 9 bị cáo bị truy tố về hành vi rửa tiền, có 2 bị cáo "đặc biệt". Đó là Bùi Văn Dũng (lái xe của Trương Mỹ Lan) và Trần Thị Thúy Uyên (trợ lý của Trương Mỹ Lan).

Cả hai bị cáo thật ra không có vai trò gì trong việc vay khống, giải ngân hay thực hiện các hành vi liên quan đến nghiệp vụ, nhưng lại là những người nhận, quản lý, vận chuyển số tiền đặc biệt lớn sau khi tiền được giải ngân từ SCB Sài Gòn.

Khai tại tòa, bị cáo Bùi Văn Dũng cho rằng, ngoài việc đưa, đón Trương Mỹ Lan đi làm, Dũng còn được chỉ đạo liên hệ với Trần Thị Thúy Ái (cựu Thủ quỹ SCB Sài Gòn) để nhận tiền đưa về cho Trần Thị Thúy Uyên, Trần Xuân Phượng (thư ký của bị cáo Ngô Thanh Nhã) hoặc giao tiền cho nhiều người khác theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

Tuy nhiên, theo bị cáo Dũng thì bị cáo không biết số tiền này bà Lan có được từ hành vi phạm tội tham ô tài sản tiền của SCB và bị cáo Dũng cũng không được hưởng lợi gì.

Còn bị cáo Trần Thị Thúy Uyên khai, hồ sơ vụ án nêu bị cáo là trợ lý của bà Trương Mỹ Lan, nhưng thực tế mình chỉ là giúp việc nhà cho gia đình bà Lan. "Để hợp thức hóa việc trả lương, bị cáo được bà Lan cho phong chức trợ lý", bị cáo Uyên nói.

Cũng theo Uyên, ngoài giúp việc nhà, bị cáo được bà Lan giao nhiệm vụ theo dõi các thẻ ngân hàng của vợ chồng bà Lan và 2 người con. Theo đó, mỗi khi ngân hàng gửi sao kê, bị cáo nhìn vào tên xem chi tiêu của từng người rồi báo cáo bà Lan và báo cho các chủ thẻ kiểm tra có đúng hay không.

Bên cạnh đó, bị cáo Uyên cũng thừa nhận đã nhận hơn 5.800 tỷ đồng từ bị cáo Bùi Văn Dũng và không biết nguồn tiền này từ đâu mà có. Số tiền này sau đó được giao cho nhiều người, khi có sự chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Nguồn: CafeF; Soha; Thanh Niên; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang