Người Việt hải ngoại: Tôn vinh tiếng Việt ở Nhật; Đưa món Việt lên đảo Corse; Bị ép ở lại Nga làm việc; 1 người mất liên lạc ở Quảng Châu

TÔN VINH TIẾNG VIỆT TẠI NHẬT BẢN: SỢI DÂY GIÚP GÌN GIỮ SỰ KẾT NỐI VỚI CỘI NGUỒN DÂN TỘC

Nằm ở trung tâm thành phố Fukuoka của Nhật Bản, có một ngôi trường mang tên Trường Học viện ngôn ngữ và văn hóa Đại Việt. Đây chính là nơi mà mỗi cuối tuần, những trẻ em Việt Nam đang sống tại thành phố Fukuoka được học tiếng Việt và trải nghiệm những nét đẹp văn hóa quê hương.

Nhóm phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đến trường vào những ngày đầu năm mới của Tết cổ truyền Việt Nam. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Duy Anh cùng các giáo viên và phụ huynh đã thiết kế một không gian Tết Việt với những phong tục truyền thống như trao lì xì và những lời chúc may mắn đầu năm.

Buổi học tiếng Việt được mở đầu bằng không khí Tết với những câu chuyện kể về ngày Tết ở Việt Nam. Các em vô cùng háo hức. Bằng vốn tiếng Việt của mình, các em cố gắng giải thích rằng mình rất thích Tết cổ truyển Việt Nam và thích những món ăn ngày Tết như bánh chưng, mứt Tết…

Một không gian thấm đẫm ngôn ngữ và văn hóa quê hương tại Fukuoka, đó chính là mong mỏi đã được anh Nguyễn Duy Anh biến thành hiện thực từ năm 2019. Với sự bảo trợ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, anh Nguyễn Duy Anh cùng với những người Việt tâm huyết đã lập nên ngôi trường Việt ngữ Đại Việt, đặt tại Học Viện Nhật ngữ GAG.

Những ngày đầu mới thành lập, trường Đại Việt chỉ có một lớp học với 8 học sinh và 3 giáo viên tình nguyện. Thế rồi đại dịch COVID-19 ập đến, do những quy định về cách ly trong giai đoạn này nên hoạt động của trường phải tạm dừng. Khi đại dịch đi qua, với quyết tâm xây dựng lại trường ngôn ngữ và văn hóa Việt cho trẻ em Việt Nam đang sống tại Fukuoka, anh Nguyễn Duy Anh đã cùng với bạn bè chung tay mở lại lớp “Tiếng Việt của em” vào năm 2023.

Hiệu trưởng Nguyễn Duy Anh cho biết sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, với sự ủng hộ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka và Hội người Việt Nam tại Fukuoka, lớp “Tiếng Việt của em” đã được vận hành trở lại và đi vào ổn định. Với 2 lớp học tại quận Hakata, gồm một lớp dành cho các bé từ 5 tuổi trở lên và một lớp dành cho bé 5 tuổi trở xuống, trường Việt ngữ Đại Việt là nơi để trẻ em Việt Nam tìm đến để học tiếng Việt và trải nghiệm văn hóa Việt.

Chia sẻ về những khó khăn, anh Nguyễn Duy Anh cho biết với nguồn kinh phí eo hẹp, hiện tại các giáo viên của trường đều dạy học với tinh thần tình nguyện. Chính vì vậy, trường Đại Việt mong muốn nhận được sự đồng hành, chung tay của phụ huynh học sinh, cộng đồng Việt Nam và chính quyền sở tại để không chỉ duy trì các lớp học lâu dài, mà còn hướng đến những hoạt động ngoại khóa giới thiệu và trải nghiệm văn hóa Việt Nam cho trẻ em Việt Nam tại Fukuoka.

Đối với các giáo viên của trường Đại Việt, khó khăn hiện tại là việc tìm được giáo trình phù hợp cho trẻ em Việt Nam tại Nhật Bản. Theo cô giáo Phương Anh, do đặc thù chữ tượng hình của ngôn ngữ Nhật, nên bảng chữ cái Tiếng Việt thuộc hệ chữ Latinh là điều cực kì mới mẻ và khó thích nghi với các em. Bên cạnh đó, chữ viết tiếng Việt khá nhiều nét uốn nên Hội phụ huynh đã thống nhất dạy các con chữ in thường, giúp trẻ dễ nhớ mặt chữ hơn. Cùng với đó, kiểu chữ viết thường được giới thiệu song song để các con biết mặt chữ và luyện tập sau này.

"Tủ sách tiếng Việt" đặt tại trường giúp các học sinh có thể tiếp cận với tiếng Việt ngay cả khi ở ngoài giờ học. Tủ sách được khai trương ngày 20/8/2023 và là tủ sách tiếng Việt đầu tiên dành cho người Việt Nam ở nước ngoài, cung cấp tài liệu cho các học sinh và giáo viên của lớp "Tiếng Việt của em" tại Fukuoka. Anh Nguyễn Duy Anh khẳng định tủ sách là nguồn tài liệu quý báu, thúc đẩy tình yêu và niềm tự hào về tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại Fukuoka.

Đối với phụ huynh, lịch học, hội thao và lịch học bù cuối tuần của các con ở các trường học phổ thông Nhật Bản khác nhau nên việc học bị gián đoạn nhiều. Chình vì vậy, giáo viên và phụ huynh đã lập Hội phụ huynh để các giáo viên và cha mẹ trao đổi về tình hình các con cũng như bài tập và các hoạt động bổ trợ.

Anh Nguyễn Thế Vinh, một phụ huynh có con theo học tại lớp “Tiếng Việt của em”, bộc bạch anh muốn con học tiếng Việt để giữ gìn ngôn ngữ quê hương và kết nối với các thành viên gia đình ở Việt Nam. Chị Trang, có 2 con đang theo học lớp “Tiếng Việt của em”, chia sẻ việc cho con học tiếng Việt là để các con giữ gìn được nguồn gốc, kết nối được với cội nguồn đất nước.

Bằng nhiều phương pháp linh hoạt và phù hợp, lớp “Tiếng Việt của em” đang vận hành một cách hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng tích cực của phụ huynh và học sinh. Học sinh đến trường Đại Việt, nơi vừa là môi trường để các em cùng nhau thực hành những điều đã học và cũng là "ngôi nhà chung" để các gia đình Việt Nam tại Fukuoka gắn bó cho một cộng đồng Việt Nam đoàn kết tại Nhật Bản.

Anh Nguyễn Duy Anh cho biết cùng với những người tâm huyết và sự hỗ trợ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, anh đang ấp ủ những kế hoạch thực hiện trong năm 2025, trong đó có việc xây dựng đội ngũ giáo viên và giáo án online để mở thêm lớp trực tuyến cho các gia đình ở xa trung tâm khó tiếp cận các lớp học trực tiếp nhưng vẫn mong muốn cho con tham gia học tiếng Việt.

Là một người nhiệt huyết với công tác cộng đồng, với nhiều cương vị như Ủy viên trung ương Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka, anh Nguyễn Duy Anh luôn mong muốn giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ trẻ em Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản, coi đó nền tảng cho việc duy trì một cộng đồng Việt Nam gắn bó, đoàn kết và luôn hướng về quê hương.

Anh dự định nhân rộng mô hình lớp học “Tiếng Việt của em” sang các quận khác trong tỉnh Fukuoka cũng như các tỉnh lân cận, nhằm đáp ứng được mong muốn của nhiều gia đình về gìn giữ sự kết nối liền mạch với quê hương, với nguồn cội.

 

 

NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT ĐƯA ẨM THỰC QUÊ HƯƠNG LÊN 'ĐẢO THIÊN ĐƯỜNG' CORSE, PHÁP

Sau hai năm đặt chân lên đảo Corse, Hoàng Kim đã khiến người dân và du khách ở đây mê mẩn những món ăn Việt và trở thành đầu bếp chính của một khách sạn 4 sao.

Đây là điều người phụ nữ quê Bắc Ninh không ngờ tới trước khi theo chồng sang Pháp.

Hoàng Kim, 35 tuổi, nói chưa từng học nấu ăn chuyên nghiệp. Đam mê ẩm thực của cô bắt nguồn từ những món mẹ nấu và quá trình tự học. Người truyền cảm hứng lớn nhất cho Kim là đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain, qua các chương trình ẩm thực, đặc biệt là những tập về Việt Nam.

"Cách ông ấy nói về Việt Nam với tình yêu, sự tôn trọng và đam mê khiến tôi càng yêu nấu ăn hơn", Kim nói.

Tháng 4/2023, Kim cùng chồng đặt chân đến đảo Corse - một trong những hòn đảo đẹp nhất thế giới được mệnh danh là "đảo thiên đường". Những ngày đầu trên đất khách, nỗi nhớ nhà thôi thúc Kim tìm lại hương vị quê hương bằng những món ăn thân thuộc. Khó tìm nguyên liệu thuần Việt trên đảo nhỏ, cô tận dụng thực phẩm địa phương để chế biến.

Những món ăn Việt giúp Kim vơi nỗi nhớ mà còn chinh phục gia đình chồng, khiến họ mê mẩn nem rán, thịt kho tàu, sườn xào chua ngọt và phở gà. Nhiều lần ăn món Kim nấu, anh họ chồng - một nhân viên trên tàu du lịch - gợi ý cô mở quán ăn. "Du khách, đặc biệt là người châu Á luôn tìm món quen khi tới đảo, nhưng ngoài sushi chẳng có lựa chọn nào khác", người anh gợi ý. "Món Việt Nam ngon thế, sao em không thử?".

Lời khích lệ khiến Kim nhận ra tiềm năng. Cô quyết định trở thành đầu bếp tại gia, mang hương vị Việt đến với người dân và du khách trên đảo.

Món đầu tiên Kim chọn làm là nem rán bởi nhỏ gọn, tiện lợi và giới thiệu cho chủ tàu du lịch nơi anh họ làm việc. Thấy ngon, người chủ quyết định đưa vào thực đơn khai vị.

Nem rán của Kim sau đó xuất hiện tại chợ đêm và các quán bar. Có quán đặt hơn 100 chiếc mỗi ngày và được thực khách yêu thích đến mức đặt tên riêng là "Nem Maison de Kim" (Nem nhà cô Kim) và chọn làm món nổi bật trong ngày. Thực đơn sau đó mở rộng với thịt kho tàu, bún bò Nam Bộ, bánh bao.

Nhưng khi nấu số lượng lớn, một số ngày Kim mắc lỗi và bị khách chê. Cô rút kinh nghiệm bằng cách ghi chép công thức, liều lượng vào sổ tay nhằm kiểm soát chi phí và đảm bảo hương vị đồng đều vì chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể làm món ăn thay đổi. Người con gái quê Bắc Ninh cũng nhận ra món ăn Việt chỉ hấp dẫn khi được chế biến bằng nguyên liệu tươi sống nên cô không trữ đông thực phẩm, chỉ mua khi có khách đặt hàng.

"Nhiều món, đặc biệt là nem rán nếu dùng đồ đông lạnh chất lượng sẽ giảm đi một nửa", cô chia sẻ. "Món tôi nấu luôn chuẩn vị nhà làm, tôi ăn thế nào thì khách cũng được thưởng thức như vậy".

Giữa tháng 2/2024, Kim đăng video nấu ăn đầu tiên lên TikTok, tự lên ý tưởng, quay, chỉnh sửa và nói bằng tiếng Pháp. Video thu hút 10.000 lượt thích ngay lần đầu ra mắt.

Hiện tại kênh của Kim có hơn 60 video hướng dẫn các món như nem gà, phở, bánh mì thịt nướng, bún bò Nam Bộ. Gần một năm xây dựng kênh, cô nhận được nhiều bình luận và tin nhắn từ người yêu thích ẩm thực, đặc biệt là kiều bào tại Pháp.

"Khi ai đó nói rằng công thức của tôi giúp họ cảm thấy như ở nhà, hay người Việt tự hào vì tôi tôn vinh văn hóa Việt - với tôi, điều đó quý giá hơn bất kỳ lượt xem hay lượt thích nào", cô chia sẻ.

Một tháng sau khi kênh TikTok ra mắt Kim được mời làm việc tại một khách sạn 4 sao chuyên món Pháp. "Ông chủ biết tôi nấu tốt món Việt nên có ý định đưa một số vào menu", Kim chia sẻ. Trước đây, người đàn ông này từng làm việc tại Việt Nam nên đặc biệt yêu thích văn hóa ẩm thực của mảnh đất hình chữ S.

Chưa từng học qua trường lớp nấu ăn và không thông thạo tiếng Pháp chuyên ngành, Kim bắt đầu từ vị trí phụ bếp. Vừa làm, cô vừa học thêm từ vựng về nguyên liệu, kỹ thuật chế biến để hỗ trợ bếp trưởng. Sau ba tháng, Kim được thăng lên bếp chính, phụ trách món khai vị, trong đó có món Việt.

Ngoài kỹ năng nấu nướng, Kim còn học cách quản lý, vì mỗi bếp chính phải chịu trách nhiệm toàn bộ quy trình. Nem rán, tôm chiên xù, bánh bao, bún bò Nam Bộ - tất cả đều do cô đề xuất đưa vào thực đơn và được bếp trưởng chấp thuận. Khi nhà hàng có thêm món Việt, khách đến đều gọi làm khai vị.

"Nhiều người từng tới Việt Nam du lịch nên khi được ăn thử, họ lập tức hỏi đây có phải do người Việt nấu?", Kim nói: "Mỗi lần nghe khách gọi món ăn quê nhà, tôi rất hạnh phúc".

Làm việc tại khách sạn cao cấp, thời điểm đầu Kim đối mặt với nhiều khó khăn. Bất đồng ngôn ngữ khiến cô từng hiểu sai chỉ đạo của bếp trưởng, khiến món khai vị chậm trễ, khách phàn nàn. Áp lực công việc và ngôn ngữ khiến nhiều lúc Kim kiệt sức, sụt cân và stress.

"Tôi từng xin nghỉ việc nhưng bếp trưởng động viên nên tiếp tục, nói rằng đây là cơ hội tốt để quảng bá món ăn Việt", cô kể.

Luôn mong muốn ẩm thực Việt Nam nhận được tình yêu và sự chú ý xứng đáng, Kim lại động viên bản thân "cần vượt qua khó khăn này để lần sau tốt hơn".

Song song công việc tại nhà hàng, Kim vẫn duy trì bán đồ ăn Việt cho người dân đảo với sự hỗ trợ của chồng - anh Quentin Farrari. Mỗi sáng cô chuẩn bị nguyên liệu và hướng dẫn chồng cách pha nước mắm, nấu cơm, rán nem hay tôm chiên xù... rồi giao cho khách hàng.

"Nhờ vợ mà tôi biết cách làm món Việt, việc trước đây chỉ biết ăn chứ chưa từng đụng tay", Quentin Farrari nói.

Mục tiêu của Kim trong năm nay là mở một quán ăn thuần Việt trên đảo Corse, kèm theo đồ uống đậm hương vị quê hương như cà phê sữa đá hay cà phê muối.

"Nhưng mục tiêu của tôi là mở rộng mô hình này, đưa món Việt ra toàn nước Pháp", Hoàng Kim nói.

 

 

NHIỀU NGƯỜI VIỆT BỊ CƯỠNG ÉP Ở LẠI NGA LÀM VIỆC

Đưa người lao động sang tới Nga, Phan Công Quốc thu giữ toàn bộ hộ chiếu, giấy tờ tùy thân rồi giam lỏng họ trong xưởng may không cho ra ngoài.

TAND Cấp cao tại TPHCM vừa bác đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Phan Công Quốc (ngụ huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng), giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Trước đó, Quốc bị TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt 10 năm tù về tội “Cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép”. Sau phiên sơ thẩm, Quốc cho rằng mình không cưỡng ép, chỉ muốn giúp người lao động đi làm có tiền nên đã làm đơn kháng cáo kêu oan.

Theo bản án phúc thẩm, năm 2007, Quốc xuất cảnh sang Liên bang Nga lao động tại các xưởng may của người Việt Nam làm chủ. Đến năm 2011, Quốc tự mở xưởng may nhưng thiếu người lao động nên nhờ cha mẹ và vợ đang ở Việt Nam tìm người đưa sang.

Sau khi gia đình tìm được người, Quốc điện thoại trực tiếp cho người lao động để thỏa thuận về điều kiện làm việc, ăn ở và tiền lương. Bị cáo hứa sẽ chi trả toàn bộ chi phí gồm vé máy bay, các giấy tờ liên quan. Nếu người lao động đồng ý thì phải đưa trước 40 triệu đồng. Ai không đủ tiền có thể đưa trước một phần, số còn lại sẽ trừ vào lương sau khi sang Nga làm việc.

Sau khi xong thủ tục giấy tờ, Quốc yêu cầu người lao động viết giấy cam kết sẽ ở lại làm 3 năm, nếu về trước thời hạn phải đền bù toàn bộ chi phí.

Khi người lao động sang tới Nga, Quốc thu giữ toàn bộ hộ chiếu và giấy tờ tùy thân, đồng thời giam lỏng họ trong xưởng may, không cho ra ngoài.

Làm việc một thời gian, do điều kiện ăn ở, làm việc khó khăn và thời tiết khắc nghiệt nên một số lao động đòi về, nhưng Quốc không đồng ý. Nhiều người làm căng, Quốc yêu cầu người thân của họ ở Việt Nam phải đưa cho cha mẹ và vợ anh ta từ 18-65 triệu đồng, tùy vào số tiền người lao động còn thiếu. Những trường hợp không trả lại tiền, Quốc không trả lại giấy tờ tùy thân.

Một thời gian sau, khi không còn khả năng lao động, 10 người đã liên lạc với gia đình, nhờ trả tiền cho Quốc để được trở về. Về tới Việt Nam, các nạn nhân tới cơ quan công an tố cáo hành vi của Quốc.

Ngày 15/3/2021, sau khi nhập cảnh trở lại Việt Nam, Quốc bị Công an tỉnh Bạc Liêu ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam.

Tại cơ quan điều tra, Quốc thừa nhận từ năm 2012-2016 đã đưa 70 người từ các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, TP Hà Nội sang Nga làm việc tại xưởng may. Trong đó, Quốc đã cưỡng ép 39 lao động làm việc cho mình.

Hành vi phạm tội thực hiện tại Nga nhưng nơi cư trú cuối cùng của bị cáo tại Việt Nam là huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Vì vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 269 Bộ luật Tố tụng hình sự, thẩm quyền xét xử là TAND tỉnh Sóc Trăng. Do đó, VKSND tỉnh Bạc Liêu đã chuyển vụ án cho VKSND tỉnh Sóc Trăng truy tố theo thẩm quyền.

Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Quốc không thừa nhận tội danh nhưng thừa nhận có đưa người sang Nga lao động.

Căn cứ vào các liệu chứng cứ và quá trình thẩm tra tại phiên tòa, HĐXX nhận thấy cấp sơ thẩm xét xử bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan sai nên bác đơn kháng cáo của Quốc.

 

 

MỘT NGƯỜI VIỆT NGHI BỊ MẤT LIÊN LẠC TẠI SÂN BAY QUẢNG CHÂU, TRUNG QUỐC

Anh Võ.V.C xuất cảnh đi Nga từ sân bay Nội Bài vào ngày 12/2 đã mất liên lạc với gia đình ở huyện Phú Lộc, Huế sau khi tới quá cảnh ở sân bay Quảng Châu, Trung Quốc.

Ngày 17/2/2025, Sở Ngoại vụ TP Huế nhận được đơn đề nghị hỗ trợ từ ông Võ V.P. (SN 1954), trú huyện Phú Lộc về việc con trai ông là anh Võ V.C. (SN 1991), mất liên lạc khi quá cảnh tại Trung Quốc khi đang trên đường sang Nga.

Theo đơn của ông P. trình báo, anh V.V.C. xuất cảnh sang Nga vào ngày 12/2/2025 từ sân bay Nội Bài, Hà Nội. Anh đi trên chuyến bay số CZ372 của China Southern Airlines đến Quảng Châu, Trung Quốc, khởi hành lúc 8h15 ngày 12/2/2025.

Tuy nhiên, khi quá cảnh tại sân bay Quảng Châu, anh C. đã không lên chuyến bay tiếp theo để sang Nga. Từ thời điểm đó, gia đình ông P. mất liên lạc với anh C. và nghi anh đã mất tích tại sân bay Trung Quốc.

Do điều kiện tài chính khó khăn, gia đình không thể tự tìm kiếm hoặc đưa thân nhân về nước, nên họ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng để sớm đưa anh C. trở về Việt Nam.

Ngay sau khi tiếp nhận đơn của ông P., Sở Ngoại vụ TP Huế đã đề nghị UBND huyện Phú Lộc làm việc với gia đình để xác minh thông tin chi tiết về vụ việc.

Đồng thời, UBND huyện phản hồi kết quả cho Sở Ngoại vụ để cơ quan này có cơ sở phối hợp với các bên liên quan nhằm tìm kiếm và hỗ trợ công dân Việt Nam mất liên lạc tại Trung Quốc.

 

Nguồn: Báo Tin Tức; Vnexpress; Vietnamnet; VOH

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang