Người Việt hải ngoại: Thổi sức trẻ vào cộng đồng; Sinh viên ở Pháp 20 năm đoàn kết; Hàn Thái Tú đón vợ con sang Mỹ; Vụ cứu thủy thủ ở Úc

NGƯỜI THỔI SỨC TRẺ VÀO CỘNG ĐỒNG TẠI CHÂU ÂU

Gắn bó với hoạt động cộng đồng nhiều năm qua, Chủ tịch Liên hiệp Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại châu Âu Nguyễn Thị Diệu Linh luôn trăn trở cách làm để gắn kết và phát huy nguồn lực người Việt trẻ trong hoạt động hội đoàn ở nước ngoài.

Với tinh thần đoàn kết, gắn bó và chia sẻ, chị Nguyễn Thị Diệu Linh đã cùng các bạn trẻ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tạo sợi dây liên kết ngày càng rộng khắp trong Liên hiệp Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại châu Âu (VYSEF).

Sau ba năm thành lập, các thành viên ở mỗi nước như một đầu cầu quan trọng để triển khai các hoạt động chung với mục tiêu làm cầu nối, tập hợp các thanh niên sinh viên người Việt và gốc Việt hỗ trợ lẫn nhau và có thêm nhiều hoạt động hướng về quê hương đất nước.

Một mô hình điểm

Có thể nói, sự ra đời của VYSEF chính là kết quả khởi nguồn từ sự hình thành của các câu lạc bộ thanh niên, hội thanh niên, sinh viên vào những năm 1990 (tại Pháp, Czech và Ba Lan), đầu những năm 2000 (ở Hungary, Ba Lan, Romania, Hà Lan, Bỉ) và tiếp đến 10 năm trở lại đây (ở Đức, Áo và Italy).

Sau rất nhiều sự kiện, chương trình và các hoạt động sôi nổi, phong trào của thanh niên, sinh viên các thế hệ tại châu Âu đã dần tạo thành một kênh kết nối riêng mạnh mẽ.

Với sự ủng hộ của Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt tại các nước sở tại..., VYSEF đã tổ chức thành công Diễn đàn Sáng kiến trẻ Việt Nam toàn châu Âu – InnoCity, các hoạt động giao lưu, hướng nghiệp và quảng bá văn hóa Việt Nam tới người bản xứ...

Đặc biệt, mới đây, Hội trại thanh niên, sinh viên Việt Nam tại châu Âu lần thứ 10 đã được tổ chức tại Đức với sự tham gia của 150 thanh niên, sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở chín nước châu Âu, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của cộng đồng VYSEF.

Với chủ đề “Đề cao sự đồng điệu”, Hội trại năm nay tiếp tục là cầu nối gắn kết thanh niên, sinh viên người Việt và gốc Việt ở nước ngoài, đồng thời mở ra không gian giao lưu văn hóa, thể thao và khoa học bổ ích giữa các bạn trẻ, cùng nhau hướng đến mục đích cuối cùng là giúp đoàn kết và khơi dậy tình yêu Tổ quốc.

Tiên phong, sáng tạo

Khẳng định thế hệ trẻ kiều bào đóng vai trò quan trọng trong công tác hội đoàn ở nước ngoài, Chủ tịch VYSEF Nguyễn Thị Diệu Linh cho rằng, các bạn trẻ không chỉ kế thừa mà còn thường xuyên đổi mới hoạt động, mang đến những ý tưởng và phương pháp làm việc hiện đại, phù hợp với xu hướng và nhu cầu của cộng đồng ở sở tại.

Theo chị Diệu Linh, với khả năng tiếp thu và kết hợp giữa văn hóa Việt Nam và quốc gia sở tại, các bạn trẻ đã xây dựng hình ảnh tích cực, thân thiện của người Việt Nam ở nước ngoài. Điều này không chỉ giúp duy trì bản sắc văn hóa truyền thống, các giá trị Việt mà còn thúc đẩy sự hòa nhập và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc.

Ngoài ra, thế hệ trẻ kiều bào cũng đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội đoàn thông qua ứng dụng công nghệ, truyền thông số và mạng xã hội. Họ là đối tượng có khả năng tiếp cận thông tin nhanh chóng, kết nối và mở rộng mạng lưới thanh niên, sinh viên trong khu vực, từ đó tạo ra sự tương tác tích cực, gắn kết và xây dựng cộng đồng người Việt ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Hơn nữa, nhiều cá nhân là những chuyên gia trí thức, đóng vai trò lãnh đạo, tiếp nối sự nghiệp của các thế hệ đi trước và thúc đẩy những thay đổi cần thiết để tham gia vào công tác xây dựng và phát triển hội đoàn ngày càng bền vững.

Việc tham gia và đóng góp của giới trẻ đã tạo nên một sân chơi rộng lớn hơn cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài với mục tiêu tăng cường đoàn kết, tiến bộ và có sức ảnh hưởng tích cực đến quốc gia sở tại.

Chủ tịch VYSEF chia sẻ: “Kiều bào trẻ đóng vai trò rất quan trọng trong giữ gìn và phát triển ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam cho các thế hệ sau, bảo đảm rằng những giá trị này không bị mai một trong môi trường sống mới”.

Chị cho biết, trên thực tế, thế hệ kiều bào thứ hai và thứ ba đã tham gia tích cực trong công tác giảng dạy tiếng Việt, tổ chức nhiều hoạt động giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống cho các thế hệ tiếp theo.

Vượt qua rào cản

Tuy nhiên, những người Việt trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài thường sống giữa hai nền văn hoá. Điều này có thể tạo ra khoảng cách trong giao tiếp và sự thấu hiểu giữa các thế hệ, đồng thời gây khó khăn trong duy trì và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.

Chị Diệu Linh cho biết, khả năng sử dụng tiếng Việt của thế hệ trẻ thường bị hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc tham gia công tác cộng đồng, đặc biệt là các hoạt động yêu cầu sử dụng tiếng Việt nhiều.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động hội đoàn. Điều này có thể dẫn đến khó khăn trong điều hành, quản lý và duy trì các hoạt động lâu dài.

Việc kết nối các cộng đồng người Việt ở nhiều quốc gia châu Âu cũng là thách thức lớn do sự phân tán địa lý và sự khác biệt về điều kiện sống, công việc và học tập của mỗi cộng đồng.

Chị Diệu Linh cho biết: “Các hội đoàn của thế hệ trẻ thường gặp khó khăn trong huy động nguồn lực tài chính và hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân hoặc chính quyền địa phương”.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ ở nước ngoài phải đối mặt với áp lực từ việc học tập, công việc, cũng như cuộc sống cá nhân, do đó họ gặp khó khăn trong việc dành thời gian và công sức cho công tác cộng đồng.

Việc cân bằng giữa việc hòa nhập với xã hội bản địa và duy trì bản sắc văn hóa Việt Nam, theo chị, là một thách thức lớn đối với thế hệ trẻ. Với sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, xu hướng tham gia các hoạt động cộng đồng có thể thay đổi, đòi hỏi các hội đoàn phải thích ứng với cách thức mới để thu hút sự tham gia của nhóm này.

Để khuyến khích người trẻ tham gia vào các hoạt động hỗ trợ cộng đồng tại nước ngoài, Chủ tịch VYSEF cho rằng các bộ, ban, ngành cần tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo giúp giới trẻ phát triển kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm và quản lý dự án phù hợp với môi trường cộng đồng ở nước ngoài. Việc này có thể kết hợp với các chuyến về Việt Nam thăm gia đình của các bạn trẻ, đưa thành một phần của chương trình Trại hè Việt Nam hàng năm.

Theo Chủ tịch VYSEF, Nhà nước nên xây dựng các chính sách khuyến khích như hỗ trợ các nguồn lực, công nhận thành tích, hoặc ưu tiên trong tuyển dụng cho những người trẻ tham gia hoạt động cộng đồng khi về Việt Nam công tác.

Cùng với việc phát triển các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động cộng đồng và tạo cơ hội kết nối giữa giới trẻ nước ngoài và các tổ chức, trường học, các cơ quan chức năng liên quan ở trong nước, cần có thêm chương trình hỗ trợ những sáng kiến cộng đồng từ giới trẻ, tạo điều kiện cho họ thử nghiệm và thực hiện các dự án của mình.

Theo chị Diệu Linh, trong thời đại cách mạng 4.0 hiện nay, người Việt trẻ phải luôn chủ động trong tiếp cận công nghệ và tri thức thế giới. Bên cạnh đó, cần phải đề cao việc giữ gìn bản sắc dân tộc khi sinh sống, học tập ở nước sở tại.

Đặc biệt, mỗi trí thức người Việt, người gốc Việt trẻ ở nước ngoài cần phải ý thức rõ được vai trò của mình giống như một “sứ giả” đóng góp cho quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển giữa Việt Nam và thế giới.

 

 

THẾ HỆ TRẺ VIỆT 20 NĂM TẠI PHÁP

Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) với phương châm 'Đoàn kết-Bản lĩnh-Trí tuệ-Cống hiến'

Tối 9/11, tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp ở Paris, UEVF tổ chức đêm gala kỷ niệm 20 năm thành lập Hội. Tới dự có Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và phu nhân; Đại sứ, Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Nguyễn Thị Vân Anh cùng đông đảo bà con kiều bào, thành viên và cựu thành viên của UEVF trong hai thập kỷ qua.

Từ nhóm nhỏ sinh hoạt tại thủ đô Paris và một số vùng lân cận với những công tác ban đầu còn đơn sơ, đến nay các thế hệ sinh viên xa quê theo học tại nhiều địa phương trên toàn nước Pháp đã trở thành một tập thể gắn kết.

Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, anh Nguyễn Phan Bảo Thụy, Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) cho biết: Chặng đường 20 năm với nhiều hoạt động ý nghĩa, dấu ấn quan trọng và kỷ niệm khó quên là một việc không hề dễ dàng. Bởi UEVF là một tổ chức phi lợi nhuận của thanh niên và sinh viên, không thu hội phí, hoạt động trên tinh thần tự nguyện và mọi nguồn lực đều phải tự cung, tự cấp. Mỗi hoạt động của hội đều được đóng góp từ từng thành viên đầy trách nhiệm, sống yêu thương và có lý tưởng cống hiến.

Gửi lời chúc mừng trực tuyến nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập UEVF, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Nhiều năm qua, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, trong đó có thanh niên, sinh viên, doanh nhân, trí thức trẻ đã và đang có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần bồi đắp mối quan hệ Việt Nam-Pháp ngày càng phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cũng khẳng định vị thế của UEVF là một trong những hội đoàn lớn mạnh hàng đầu của cộng đồng thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, có cơ cấu chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, tổ chức nhiều hoạt động đa dạng và chất lượng, kết nối mạnh mẽ các bạn trẻ Việt Nam tại Pháp và với các bạn trẻ Việt Nam trên toàn thế giới.

“Đặc biệt, đêm gala không chỉ mang ý nghĩa kỷ niệm mà còn là một sự kiện nổi bật trong bối cảnh Việt Nam và Pháp vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và đóng góp của Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Pháp trong việc củng cố tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, góp phần quảng bá và phát huy hình ảnh Việt Nam tại nước sở tại, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác bền chặt giữa hai quốc gia”, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng chia sẻ thêm.

Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhận định: Bối cảnh thế giới hiện này đang diễn ra với nhiều biến động nhanh chóng, đi kèm với những thời cơ và cả thách thức đối với Việt Nam.

Hoạt động dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 3-7/10 vừa qua, theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, khẳng định rõ Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới, với những chuyển mình vươn lên tầm cao mới.

Do đó, Đại sứ Đinh Toàn Thắng bày tỏ sự tin tưởng rằng sẽ có thêm những đóng góp, cống hiến của những người con Việt Nam yêu nước, trong đó có tầng lớp thanh niên, sinh viên, tri thức và doanh nhân trẻ tại nước ngoài.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh: Niềm tin sáng tạo, tầm nhìn chiến lược và nỗ lực hành động trong toàn thể cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước góp phần khẳng định một Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường. Thế hệ trẻ Việt Nam tại Pháp cần tiếp tục giữ vững tinh thần đoàn kết, tận dụng những cơ hội lớn do quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Pháp mang lại, nhằm phấn đấu hoàn thiện bản thân, phát triển sự nghiệp và đóng góp cho hai đất nước Việt Nam và Pháp.

Nhân dịp này, thế hệ trẻ được lắng nghe thêm những chia sẻ từ các bác, cô chú và anh chị lớn tuổi trong cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, vốn xưa kia cũng từng là những người thanh viên, sinh viên trẻ tuổi rời xa quê nhà để theo đuổi con đường học tập, nghiên cứu và làm việc tại Pháp.

Lời tâm tình của thế hệ đi trước về những năm tháng tuổi trẻ hết mình vì học tập, vì công việc, nhưng vẫn luôn đồng hành theo từng dấu mốc quan trọng trong lịch sử của dân tộc, như một lời khích lệ đối với thế hệ trẻ ngày nay hãy luôn sống trọn cùng lý tưởng “đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ và cống hiến”.

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu, bà con kiều bào, thanh niên, sinh viên được thưởng thức chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, với những ca khúc tràn đầy khí thế hào hùng và cảm xúc được biểu diễn bởi chính các bạn trẻ đầy nhiệt huyết và năng động.

 

 

CA SĨ HÀN THÁI TÚ ĐOÀN TỤ VỚI VỢ CON TẠI MỸ

Ca sĩ Hàn Thái Tú cho biết đã hoàn tất thủ tục bảo lãnh vợ và ba con sang Texas sum họp sau hơn 7 năm xa cách.

Hàn Thái Tú nói hai con gái lớn, Uyển Nhi và Bối Bối, đã qua Mỹ từ 1/11. "Bé út còn kẹt một chút, bà xã ở lại chăm sóc rồi hai mẹ con sẽ đi đợt sau", anh cho hay.

Hiện Hàn Thái Tú đã lo xong việc học cho con, các bé chỉ chờ ngày nhập trường. Không có ai hỗ trợ, anh phải sắp xếp công việc, vừa kinh doanh, vừa đưa đón hai bé.

"Tôi đang ở hoàn cảnh 'gà trống nuôi con', cực lắm nhưng rất vui", anh nói. Ca sĩ cho biết rất thích cảm giác trở về có các con chờ, cùng quây quần ăn cơm và trò chuyện. Trước đó, anh sống nhiều năm lủi thủi, chỉ biết đi làm rồi quanh quẩn ở nhà.

Hiện Hàn Thái Tú sống ở Dallas, thuộc tiểu bang Texas. Anh mưu sinh bằng ca hát, kinh doanh nhà hàng. Ca sĩ từng cho biết gặp nhiều khó khăn trong ngày đầu đi định cư vì cuộc sống xa xứ khắc nghiệt. Dù chăm chỉ làm việc, anh từng có giai đoạn khủng hoảng vì thua lỗ, mất trắng vì dịch bệnh.

Bên cạnh khó khăn tiền bạc, Hàn Thái Tú đối mặt cảm giác cô đơn khi không có nhiều bạn bè, người thân bên cạnh. Sau này, kinh tế tốt hơn, anh thường xuyên bay về Việt Nam thăm vợ con, hội ngộ đồng nghiệp và hát phục vụ khán giả.

Ở tuổi 44, Hàn Thái Tú nói chẳng còn mong đợi gì ngoài tình cảm gia đình. Anh đã nhiều lần vượt qua nguy hiểm như trận bão tuyết tại Texas hồi năm 2021, sự cố máy bay khi qua California chạy show hồi năm 2022 và gần nhất là tai nạn thoát chết trong gang tấc hôm 21/9, nên biết trân trọng thời gian ở bên những người thân yêu.

Hàn Thái Tú sinh năm 1986, từng học trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Thập niên 2000, anh là ca sĩ nổi tiếng dòng nhạc trẻ, ra mắt 8 album với các ca khúc: Nghèo mà có tình, Thà em đừng yêu tôi, Biết tìm đâu, Hai lần đau, Em với tôi, Anh lại nhớ em...

Năm 2017, anh qua Mỹ định cư, ca hát và kinh doanh nhà hàng. Giai đoạn này, anh vẫn giấu kín chuyện gia đình nhưng năm 2022 bất ngờ công khai đã lập gia đình, có ba con gái.

 

 

VỤ THỦY THỦ NGƯỜI VIỆT ĐƯỢC CỨU SỐNG SAU 19 GIỜ LÊNH ĐÊN TRÊN BIỂN Ở ÚC

Hai người Úc đi câu cá đã cứu được một thủy thủ người Việt lênh đênh trên biển gần 24 giờ sau khi rơi xuống biển từ một tàu chở hàng ngoài khơi bờ biển Úc.

Nhiều hãng truyền thông nước ngoài cho rằng điều kỳ diệu đã xảy ra, khi một thủy thủ người Việt được giải cứu ngoài khơi bờ biển Úc sau khi bị rơi xuống biển và lênh đênh suốt khoảng 19 giờ.

Thủy thủ chưa rõ danh tính này là thành viên thủy thủ đoàn trên tàu chở hàng Double Delight (thuộc một công ty có trụ sở tại Singapore) neo đậu ngoài khơi bờ biển Newcastle (bang New South Wales, Úc) và được báo cáo mất tích vào khoảng 23 giờ 30 ngày 7.11, theo Đài Sky News.

Nạn nhân được cứu sau đó khoảng 19 giờ, vào khoảng 18 giờ 20 ngày 8.11, khi được 2 người đàn ông đi câu cá gần bãi biển Blacksmiths phát hiện đang lênh đênh và vẫy tay cầu cứu tại khu vực cách nơi mất tích khoảng 8 km.

Trang 9News.com.au đưa tin một trong 2 người đi câu là bác sĩ Glen Valaire kể rằng người bạn của ông phát hiện và la lên rằng có ai đó dưới nước.

"Thật là điều kỳ diệu khi chúng tôi gặp anh chàng này. Anh ta đuối sức đến mức phải nằm ra sàn tàu. Anh ta lạnh cóng, mạch yếu, tái nhợt và chúng tôi rất lo lắng cho anh ấy", ông kể.

Hai người đưa nạn nhân lên bờ và nhân viên y tế gặp họ tại bờ biển Blacksmith vào khoảng 18 giờ 30 ngày 8.11 để cấp cứu.

Trước đó trong ngày 8.11, Cơ quan An ninh hàng hải Úc (AMSA) nhận được tin báo về việc một thủy thủ trên tàu Singapore bị rơi xuống nước. AMSA đã tiến hành tìm kiếm bằng máy bay và tàu.

Theo Daily Mail, Double Delight là tàu chở hàng dài 235m được đóng vào năm 2015. Tàu rời bờ biển phía tây Nhật Bản gần Hàn Quốc vào ngày 19.10.

 

Nguồn: Báo Quốc Tế; VTV4; Ngôi Sao; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang