Người Việt hải ngoại: Tặng quà ở Nam Sudan; Tạo dựng cộng đồng ở HQ; Những đứa trẻ có cha mẹ nhập cư lậu ở Hàn; Bộ phim tôn vinh áo dài

BÁC SĨ MŨ NỒI XANH Ở NAM SUDAN TRAO TẶNG QUÀ CHO BỆNH NHÂN

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2025), Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 6 (BVDC 2.6) đã tổ chức thành công hoạt động dân vận tại Bệnh viện Bentiu, Nam Sudan.

Với tinh thần trách nhiệm và sẻ chia, cán bộ, nhân viên Bệnh viện Dã chiến số 2 cấp 6 đã quyên góp nhiều phần quà ý nghĩa dành tặng bệnh viện và các bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Những món quà thiết thực như vitamin, nước sát khuẩn, khẩu trang, găng tay, áo PPE, cùng văn phòng phẩm gồm vở, bút bi, hộp màu vẽ… không chỉ hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe mà còn mang đến niềm vui cho các bệnh nhân.

Lãnh đạo Bệnh viện Bentiu đã bày tỏ xúc động, trân trọng trước những món quà và tình cảm mà đội ngũ bác sĩ quân y Việt Nam dành cho bệnh viện; nhấn mạnh rằng, đây không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất mà còn là sự động viên tinh thần to lớn, giúp đội ngũ y tế và bệnh nhân tại Bentiu thêm vững tin trong công tác điều trị và chăm sóc sức khỏe.

Hoạt động lần này tiếp tục khẳng định tinh thần nhân văn, trách nhiệm của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam trên hành trình gìn giữ hòa bình quốc tế.

 

 

TẠO DỰNG CỘNG ĐỒNG BẮC GIANG TẠI HÀN QUỐC: ĐOÀN KẾT & HỮU NGHỊ

Hội đồng hương Bắc Giang tại Hàn Quốc không chỉ là nơi kết nối những người con xa xứ, mà còn là mái nhà chung, nơi chúng ta cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc, cuộc sống.

Ngày 2/3, tại thành phố Incheon, với sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, Hội đồng hương Bắc Giang tại Hàn Quốc đã tổ chức họp mặt đầu Xuân 2025 với sự tham gia của đông đảo bà con đồng hương Bắc Giang, đại diện các cơ quan, tổ chức người Việt Nam và Hàn Quốc cùng các nhà tài trợ trong cộng đồng.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Hội trưởng Hội đồng hương Bắc Giang nhắc tới tấm lòng của mỗi người con Bắc Giang dù sống xa quê hương nhưng tình yêu quê hương đất nước chưa bao giờ vơi cạn.

Ông nhấn mạnh: “Hội đồng hương Bắc Giang tại Hàn Quốc không chỉ là nơi kết nối những người con xa xứ, mà còn là mái nhà chung, nơi chúng ta cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc, cuộc sống."

Dù mới ra đời từ ngày 31/3/2024, nhờ sự đoàn kết, gắn bó và tinh thần tương thân tương ái của bà con đồng hương Bắc Giang, Hội đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, từ hỗ trợ, giúp đỡ bà con ổn định cuộc sống nơi xa xứ, phối hợp tổ chức thành công giải bóng đá cộng đồng người Việt tại thành phố Bucheon lần thứ 7, xây dựng đội bóng Bắc Giang FC, đến giúp đỡ đồng hương không may gặp nạn và quyên góp kịp thời ủng hộ 13 hộ dân khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi (bão số 3) năm 2024.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng cho biết với khẩu hiệu “Vì một cộng đồng vững mạnh," năm 2025, Hội đồng hương Bắc Giang tiếp tục hướng tới các mục tiêu kết nối cộng đồng, thành lập nhóm tình nguyện, kết nối với tỉnh nhà trong các hoạt động phát huy thế mạnh kỹ thuật của Hàn Quốc và đóng góp vào hoạt động lan tỏa sức mạnh cộng đồng qua xây dựng nhà tình thương tại Bắc Giang.

Trong lời chúc mừng của mình, ông Lý Huân, Chủ tịch dòng họ Lý Hoa Sơn, người con của quê hương Bắc Ninh, đã cảm ơn sự quan tâm của Đại sứ quán Việt Nam và bà con đồng hương Bắc Giang. Ông Lý Huân khẳng định: “Bắc Giang, Bắc Ninh và bà con của các tỉnh thành khác của Việt Nam đều là anh em một nhà, cùng tạo dựng một cộng đồng kết nối và phát triển tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc."

Mỗi độ xuân về, dù ở nơi đâu, trong lòng mỗi người con Bắc Giang xa quê luôn dâng trào niềm thương nhớ về quê hương - mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Nhắc đến Bắc Giang là nhắc đến những dãy núi trùng điệp của Yên Tử, những vườn vải Lục Ngạn chín mọng, những làn điệu quan họ ngọt ngào bên bờ sông Cầu và biết bao câu chuyện nghĩa tình của con người quê hương.

Hội đồng hương Bắc Giang tại Hàn Quốc đã và đang là mái nhà chung gắn kết bao thế hệ con em xa quê hương. Sự kiện “Họp mặt đầu Xuân 2025” là cột mốc quan trọng của bà con đồng hương Bắc Giang tại Hàn Quốc. Chương trình họp mặt đã gắn kết tình đồng hương, giao lưu, chia sẻ những cơ hội hợp tác và cùng hướng đến một cộng đồng ngày càng phát triển.

 

 

CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG ĐỨA TRẺ CÓ CHA MẸ NHẬP CƯ BẤT HỢP PHÁP TẠI HÀN QUỐC

Do cha mẹ Việt Nam nhập cư bất hợp pháp, nhiều đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Hàn Quốc vẫn không thể nhập tịch, thậm chí không thể đi bệnh viện vì thiếu giấy tờ.

A. (23 tuổi) và hai em gái của anh có 2 cái tên, một tên tiếng Hàn và một tên tiếng Việt.

Tên tiếng Hàn của anh em A. được cha mẹ người Việt đặt khi cả hai mới chào đời, còn tên tiếng Việt được đặt sau đó với mục đích cư trú hợp pháp tại Hàn Quốc khi trưởng thành.

A. và em gái đều sinh ra và lớn lên ở Hàn Quốc, được hưởng nền giáo dục công lập ở nước này và sử dụng tiếng Hàn như tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, cả ba đều không được công nhận là người Hàn Quốc do cha mẹ đều là người nhập cư bất hợp pháp.

Khó đủ đường vì không có giấy tờ

A.sinh ra trong gia đình có cha mẹ là người Việt Nam, đến Hàn Quốc vào năm 2002 với tư cách là thực tập sinh nhưng sau đó bỏ trốn vì điều kiện ở nơi làm việc quá kém.

Vì thế, dù sinh ra ở Hàn Quốc, A. vẫn phải sống như một công dân "không có giấy tờ" cho đến khi trưởng thành.

Đối với những đứa trẻ như A., cảnh sát là nỗi ám ảnh, có thể làm đảo lộn cuộc sống. Anh cũng không thể đến bệnh viện dù mắc bệnh nặng.

Cuộc sống yên bình ở Hàn Quốc của A. bị phá vỡ khi anh lên lớp 3. Khi đó, bạn bè trong lớp bắt đầu đồn thổi những tin không hay về anh và hỏi rằng: "Mày là người nhập cư bất hợp pháp à".

"Lúc đó, tôi thậm chí còn không hiểu điều đó nghĩa là gì. Tôi hỏi cha mẹ nhưng họ chỉ dặn tôi đừng gây chú ý. Họ sợ rằng nếu tôi gây rắc rối, tôi sẽ bị đuổi khỏi Hàn Quốc", A. kể lại.

Chia sẻ về những lẫn bị "nhầm lẫn danh tính" vì là một đứa trẻ nhập cư không có giấy tờ, A. nói với Kukmin Ilbo rằng nhiều khi anh bị mọi người đối xử như người nước ngoài. Những lúc đó, anh lại thấy lạc lõng và bắt đầu tự đặt câu hỏi: "Mình là ai?"

Thông thường, người quen của A. gọi anh bằng tên tiếng Hàn và nghĩ anh là người Hàn Quốc. Dù vậy, anh vẫn phải dùng tên tiếng Việt trên thẻ đăng ký người nước ngoài mỗi khi thực hiện các thủ tục hành chính, làm giấy tờ...

Một lần, chàng trai 23 tuổi tổn thương khi bị một người bạn cùng lớp đại học trêu chọc bằng tiếng Hàn ngay trước mặt chỉ vì nghĩ cậu là người Việt, không nghe hiểu tiếng Hàn. Dù vậy, những người bạn cấp 3 vẫn ủng hộ A. và tin rằng cậu là người Hàn Quốc.

A. cũng phải từ bỏ rất nhiều thứ khi còn nhỏ, bởi vì anh là một đứa trẻ nhập cư không có giấy tờ. Hồi đó, anh từng giành giải thưởng lớn tại một cuộc thi hợp xướng ở địa phương và có cơ hội du học, nhưng do không có giấy tờ, hộ chiếu, A. đành phải từ bỏ.

Khi học THPT, A. theo học ngành Âm thanh sân khấu tại một trường trung học ở địa phương. Tài năng của anh được một giáo sư đại học ở Seoul công nhận. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp trung học, do không thể xin được visa, A. mất cơ hội du học để theo đuổi ngành học mơ ước.

Cuối cùng, A. đành phải chuyển ngành và học đại học tại Hàn Quốc. Dù tốt nghiệp với điểm số xuất sắc, A. vẫn gặp khó khăn khi tìm việc vì người nước ngoài bị hạn chế nhiều mặt khi ứng tuyển. Toàn bộ 50 công ty mà A. nộp đơn ứng tuyển đều không phản hồi.

A. nói thêm rằng anh cảm thấy bất công khi nghe tin những người bạn có thành tích kém hơn lại tìm được việc làm. Trong vòng 3 năm, nếu không tìm được việc làm, có thể A. sẽ bị trục xuất khỏi Hàn Quốc.

Tìm cách để có quốc tịch Hàn Quốc

Trước đây, khi không đủ điều kiện cư trú, những người nhập cư phải chứng minh số dư trong tài khoản ngân hàng để được ở lại Hàn Quốc. Tuy nhiên, gia đình A. không có nhiều tiền và không được làm việc hợp pháp để kiếm tiền.

Cuối cùng, anh phải khiếu nại lên Bộ Tư pháp để được giảm điều kiện chứng minh tài chính, đồng thời vay tiền từ người khác để có đủ số dư trong tài khoản ngân hàng. Anh cũng từng làm việc bất hợp pháp để kiếm tiền nhằm đảm bảo quyền cư trú.

Cuộc sống của A. ở Hàn Quốc gần như là cuộc chiến sinh tồn, nhưng anh vẫn tìm cách để được công nhận là người Hàn Quốc.

Để có được quốc tịch Hàn, A. phải sống ở đất nước này trong 4 năm theo thị thực lao động, từ đó lấy thị thực cư trú. Sau đó, anh phải sống thêm 5 năm theo diện visa cư trú để có được thường trú. Ngay khi có visa thường trú, A. vẫn phải đợi 5 năm mới có thể nộp đơn xin nhập tích.

"Có thể tôi sẽ mất ít nhất 14 năm nữa. Đã có lúc tôi nghĩ đến việc từ bỏ, nhưng không muốn 20 năm sống ở Hàn Quốc sụp đổ trong chớp mắt", A. tâm sự.

 

 

NỮ ĐẠO DIỄN TRẺ & BỘ PHIM TÀI LIỆU TÔN VINH ÁO DÀI VIỆT NAM TẠI ANH

Hân Lê, nhà làm phim trẻ đầy nhiệt huyết và tài năng tại Anh, dành nhiều kỳ vọng cho dự án The Long Dress - bộ phim tài liệu nổi bật với sứ mệnh tôn vinh áo dài và khám phá di sản văn hóa Việt Nam.

Khởi quay từ tháng 7/2024, bộ phim là sự giao thoa giữa thời trang, nghệ thuật, lịch sử và văn hóa; quy tụ ê-kíp làm phim đến từ Việt Nam và quốc tế, cùng chung mục tiêu tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của tà áo dài Việt Nam, thể hiện sức mạnh của sự kết nối qua những trang phục và câu chuyện đằng sau...

Tình yêu văn hóa Việt dẫn lối

The Long Dress xoay quanh nhân vật chính đến từ Mỹ, Anh và Việt Nam có chung tình yêu với tà áo dài: Thái Nguyễn - nhà thiết kế người Mỹ gốc Việt, người đầu tiên đưa áo dài Việt Nam lên thảm đỏ Oscar; Anna Hoàng - cô gái trẻ bắt đầu sáng tạo những mẫu áo dài độc đáo từ năm 10 tuổi tại Anh và một nhà thiết kế áo dài nổi tiếng trong nước, đại diện cho sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại.

Qua bộ phim, Hân Lê mong muốn giới thiệu đến thế giới vẻ đẹp và sự tinh tế của áo dài, đồng thời kể câu chuyện về cách những người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới gìn giữ và phát huy giá trị của trang phục truyền thống này. Áo dài không chỉ là biểu tượng văn hóa mà còn là sợi dây kết nối giữa các thế hệ và cộng đồng người Việt, dù họ sinh sống ở bất cứ đâu.

Với Hân Lê, áo dài không đơn thuần là trang phục truyền thống mà là biểu tượng của bản sắc, lịch sử và sự kiên cường của phụ nữ Việt Nam. Cô nhớ lại khoảnh khắc đặc biệt vào mùa Hè năm 2022 khi trở lại trường đại học của mình ở Cheltenham, Anh. Khi được yêu cầu mặc trang phục truyền thống đại diện cho văn hóa của mình, Hân Lê đã chọn áo dài.

Trong một sự kiện quan trọng tại trường, khi bước vào sảnh, cô nhận được những ánh mắt ấm áp và sự tò mò từ các bạn bè quốc tế, họ đều hỏi cô: “Đẹp lắm, Hân! Bạn đang mặc gì thế?". Đây là khoảnh khắc đầu tiên trong hành trình của cô, khi cảm nhận được sự kết nối mạnh mẽ và niềm tự hào thầm lặng trào dâng.

Tuy nhiên, hành trình thực hiện The Long Dress không hề đơn giản. Hân Lê đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong suốt quá trình làm phim, đặc biệt là về mặt sáng tạo và logistics. Việc ghi hình tại ba châu lục với múi giờ, điều kiện địa lý và bối cảnh khác nhau khiến quá trình sản xuất trở nên vô cùng phức tạp.

Cô nhớ lại: “Mọi thứ diễn ra cùng lúc ở khắp nơi. Hãy tưởng tượng tôi có cảnh quay vào sáng sớm ở London, tìm kiếm địa điểm ở Los Angeles vào giờ ăn trưa, rồi nửa đêm lại trò chuyện với nhà sử học ở TP. Hồ Chí Minh”.

Ngoài thách thức về thời gian và không gian, Hân Lê gặp khó khăn về cảm xúc, khi phải đối diện với những câu hỏi sâu sắc về việc cân bằng giữa bản sắc truyền thống và xu hướng toàn cầu.

“Có phải tôi đang tập trung quá nhiều vào truyền thống, hay tôi đang làm loãng đi bản sắc của áo dài khi cố gắng đưa nó ra thế giới?”. Đây là câu hỏi mà Hân Lê luôn tự vấn trong quá trình làm phim. Cô thừa nhận có những lúc cảm thấy giằng xé, nhưng chính những trăn trở ấy lại làm cho bộ phim chân thật và giàu cảm xúc.

Điều đặc biệt trong hành trình của Hân Lê chính là những khoảnh khắc vui vẻ và cảm động khi cô gặp gỡ những con người giàu sáng tạo và đam mê. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất là cuộc trò chuyện với Anna Hoàng, nhà thiết kế thời trang trẻ tuổi tại London.

Khi gặp Anna, cô bé mới chỉ 10 tuổi và đang phác họa một thiết kế áo dài kết hợp giữa văn hóa Anh và họa tiết Việt Nam. Hân Lê chia sẻ: “Với Anna, áo dài là hành trình khám phá bản sắc của một người Anh gốc Việt. Sự sáng tạo của cô bé nhắc tôi rằng văn hóa có thể không ngừng phát triển mà vẫn giữ được cốt lõi bản sắc riêng”.

Qua những cuộc gặp gỡ như vậy, Hân Lê nhận ra những câu chuyện nhỏ về áo dài lại có thể truyền tải những thông điệp lớn về sự kết nối văn hóa và tôn vinh di sản. Bộ phim của cô không chỉ phản ánh sự duyên dáng, thanh thoát của áo dài mà còn là câu chuyện về những người trẻ - những người đang tiếp nối truyền thống và làm cho văn hóa Việt Nam thêm phần sống động trong thế giới hiện đại.

Phát hiện lịch sử bất ngờ

Một trong những khoảnh khắc kỳ diệu nhất trong quá trình làm phim là khi Hân Lê phát hiện đoạn phim về Hoàng hậu Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam đến Vatican vào năm 1939. Bà diện chiếc áo dài thêu rồng, khăn quàng đỏ và vương miện vàng, kết hợp với chiếc quần bạc tinh xảo, tạo nên một vẻ đẹp trang trọng và uy nghiêm.

Hân Lê cho biết: “Diện mạo này không chỉ mang tính thời trang, đó là lời khẳng định về bản sắc của Hoàng hậu Việt Nam và trở thành biểu tượng của văn hóa. Trong một thế giới bị thống trị bởi các lý tưởng phương Tây, Hoàng hậu Nam Phương đã thu hút sự chú ý của toàn cầu nhờ sự kết hợp giữa truyền thống và sự đổi mới”.

Đoạn phim về Hoàng hậu Nam Phương đã làm Hân Lê suy nghĩ về tính đại diện trong bộ phim của mình. Điều này nhắc nhở cô rằng tính đại diện là trọng tâm của bộ phim. Cô hy vọng bộ phim sẽ là lời khẳng định rằng mỗi chúng ta, dù đến từ đâu, đều có những giá trị riêng biệt và quan trọng cần được thế giới biết đến.

Không quên hình ảnh quê hương

Mặc dù The Long Dress chủ yếu xoay quanh áo dài, Hân Lê vẫn khéo léo lồng ghép những hình ảnh về văn hóa Việt Nam, giúp khán giả cảm nhận sâu sắc hơn về bản sắc dân tộc.

Chính vì thế, bộ phim không chỉ nói về áo dài mà còn là câu chuyện về con người, về những vùng đất của Việt Nam, từ thành phố nhộn nhịp cho đến làng quê thanh bình, từ phố phường sầm uất đến đồi núi hùng vĩ”.

Qua đây, cô muốn tái hiện một Việt Nam đang trên đà phát triển, nơi những giá trị truyền thống như áo dài vẫn song hành với xu hướng thời trang toàn cầu.

Dự án phim vẫn đang trong quá trình thực hiện và dự kiến ra mắt vào tháng Bảy tới. Hân Lê muốn truyền tải thông điệp mạnh mẽ: Việt Nam không chỉ là đất nước có quá khứ vĩ đại, mà còn đang vươn mình mạnh mẽ tiến vào tương lai.

Nhà làm phim “muốn đưa khán giả khám phá quê hương nơi tôi sinh ra qua mọi khía cạnh, có cả sự nhộn nhịp, thanh bình và tinh thần sôi nổi của con người nơi đây.

Việt Nam không còn mắc kẹt trong quá khứ mà đang vươn mình nhanh chóng với những câu chuyện vang dội thế giới. Tôi mang theo Việt Nam bên mình, kể những câu chuyện tôn vinh sự kiên cường và bản sắc của dân tộc”.

Có thể nói, bộ phim The Long Dress giống như bức thư tình mà Hân Lê gửi tới Việt Nam, đất nước đang phát triển, dần trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho thế giới. Cô hy vọng khi bộ phim hoàn thành sẽ không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là động lực để mọi người trân trọng và lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam.

 

Nguồn: VTV4; VietnamPlus; Zing News; Báo Quốc Tế

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang